SGGPO
Chiều 25-7, Ban Thường vụ Thành ủy TPHCM tổ chức Hội nghị Tổng kết 15 năm thực hiện Nghị quyết số 23-NQ/TW (khóa X) về tiếp tục xây dựng và phát triển văn học, nghệ thuật trong thời kỳ mới.
Chương trình văn nghệ khai mạc Hội nghị. Ảnh: DŨNG PHƯƠNG. |
Đến dự có các đồng chí lãnh đạo và nguyên lãnh đạo thành phố: Nguyễn Hồ Hải, Phó Bí thư Thành ủy TPHCM; Phạm Phương Thảo, nguyên Phó Bí thư Thành ủy, nguyên Chủ tịch HĐND TPHCM; Phan Nguyễn Như Khuê, Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Trưởng Ban Tuyên giáo Thành ủy TPHCM; Tô Thị Bích Châu, Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Bí thư Quận ủy quận 1; Nguyễn Văn Dũng, Thành ủy viên, Phó Chủ tịch HĐND TPHCM; Dương Anh Đức, Thành ủy viên, Phó Chủ tịch UBND TPHCM; Phạm Quang Bản, Phó Vụ trưởng Cơ quan Thường trực Ban Tuyên giáo Trung ương tại TPHCM…
Chương trình văn nghệ khai mạc hội nghị. ẢNH: DŨNG PHƯƠNG. |
Nghị quyết số 23-NQ/TW về tiếp tục xây dựng và phát triển văn học, nghệ thuật trong thời kỳ mới (gọi tắt là Nghị quyết 23) ra đời trong bối cảnh đất nước tiến hành cải cách, mở cửa và hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng ở mọi lĩnh vực; hoạt động văn học, nghệ thuật Việt Nam có những biến đổi lớn, những đặc điểm mới trong sáng tạo ra đời, tiếp biến văn hóa diễn ra mạnh mẽ dẫn đến nhiều thuận lợi và thách thức đan xen.
Trên lĩnh vực quản lý nhà nước, Chính phủ từng bước xây dựng và hoàn thiện thể chế, chính sách và hệ thống các văn bản pháp quy phục vụ cho công tác quản lý nhà nước đối với lĩnh vực văn học nghệ thuật nhằm đảm bảo sự phát triển đúng định hướng của Đảng, đồng thời có đủ “nội lực” để từng bước giúp nền văn học, nghệ thuật nước nhà vượt qua những khó khăn, thử thách trong bối cảnh hội nhập quốc tế và đời sống kinh tế – văn hóa – xã hội của đất nước có nhiều biến động.
Các đại biểu tham dự hội nghị. ẢNH: DŨNG PHƯƠNG. |
Trong những năm qua, Đảng và Nhà nước đã đề ra các chủ trương, chính sách để thực hiện mục tiêu phát triển công nghiệp văn hóa. Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng tiếp tục nhấn mạnh “Khẩn trương triển khai phát triển có trọng tâm, trọng điểm ngành công nghiệp văn hóa và dịch vụ văn hóa trên cơ sở xác định và phát huy sức mạnh mềm của văn hóa Việt Nam”.
Các ngành công nghiệp văn hóa sẽ giữ một vai trò quan trọng trong nền kinh tế Việt Nam, phù hợp với xu thế thời đại, là động lực góp phần đổi mới mô hình tăng trưởng, cơ cấu lại nền kinh tế, tạo giá trị gia tăng, hiệu quả ngày càng cao cho nền kinh tế; là công cụ bảo đảm cho định hướng xã hội chủ nghĩa cả về thượng tầng kiến trúc và hạ tầng cơ sở; giúp chúng ta chủ động cho hội nhập quốc tế, giao thoa với văn hóa khu vực và thế giới, giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc, chống văn hóa lai căng và sự “xâm lăng mềm” về văn hóa.
Tại hội nghị, Ban tổ chức đã trao tặng bằng khen cho 21 tập thể và 37 cá nhân để ghi nhận biểu dương những thành tích xuất sắc của các tập thể và cá nhân trong thực hiện Nghị quyết số 23-NQ/TW của Bộ Chính trị về tiếp tục xây dựng và phát triển văn học, nghệ thuật trong thời kỳ mới.
Phó Chủ tịch UBND TPHCM Dương Anh Đức phát biểu báo cáo tóm tắt |
Báo cáo tóm tắt “Kết quả 15 năm thực hiện Nghị quyết số 23-NQ/TW ngày 16 tháng 6 năm 2008 của Bộ Chính trị (khóa X) về tiếp tục xây dựng và phát triển văn học, nghệ thuật trong thời kỳ mới và Chương trình hành động số 45-CTrHĐ/TU ngày 23-12-2008 của Ban Thường vụ Thành ủy về thực hiện Nghị quyết số 23-NQ/TW”, đồng chí Dương Anh Đức, Thành ủy viên, Phó Chủ tịch UBND TPHCM, cho biết: “Trong 15 năm qua, lực lượng văn nghệ sĩ thành phố có sự phát triển đáng kể, nhất là lực lượng sáng tác trẻ, đóng góp nhiều vào thành tựu văn học, nghệ thuật của thành phố và trên cả nước. Qua 15 năm triển khai, bên cạnh những kết quả đạt được, việc xây dựng và phát triển văn học, nghệ thuật trên địa bàn thành phố cũng còn một số hạn chế nhất định: Văn hóa, văn học, nghệ thuật vẫn chưa được một số cấp ủy đảng, chính quyền nhận thức và quan tâm một cách đầy đủ, tương xứng. Sự quan tâm đối với chủ trương, chính sách, về đầu tư kinh phí, ngân sách, thiết chế văn hóa cho lĩnh vực văn học, nghệ thuật, hoạt động đầu tư sáng tác, dàn dựng, quảng bá văn học nghệ thuật còn nhiều hạn chế. Các tác phẩm văn học, nghệ thuật ngày càng nhiều song còn ít tác phẩm văn học, nghệ thuật lớn, tầm cỡ và giá trị. Chế độ, chính sách cho văn nghệ sĩ chưa phù hợp, chưa tạo được sức hút, “giữ chân” các tài năng.
Công tác phát hiện các tài năng trẻ để đưa vào nguồn đào tạo, bồi dưỡng còn hạn chế. Công tác đào tạo đội ngũ văn nghệ sĩ còn nhiều bất cập, nhất là những bộ môn truyền thống. Chưa có cơ chế, chính sách khuyến khích hữu hiệu để thu hút các nguồn lực xã hội đầu tư để phát triển văn hóa, văn học, nghệ thuật. Công tác quản lý nhà nước trên lĩnh vực văn hóa, nghệ thuật có mặt còn hạn chế, chưa chặt chẽ, thiếu hậu kiểm.
Chưa xây dựng được những công trình trọng tâm lớn cho hoạt động văn hóa, nghệ thuật, tương xứng với vị thế của thành phố, các thiết chế văn hóa của thành phố chưa phát huy hết công năng, chưa tương xứng với yêu cầu phát triển của một đô thị lớn, hiện đại. Công tác đào tạo chuyên ngành về lý luận, phê bình văn học, nghệ và chương trình giảng dạy còn nhiều bất cập. Đội ngũ lý luận, phê bình vừa thiếu, vừa bị hụt hẫng thế hệ kế cận, phân bổ không đều ở các ngành nghệ thuật.
Một số hội văn học, nghệ thuật chậm đổi mới nội dung và phương thức hoạt động, chưa bắt kịp xu thế của thời đại. Nguyên nhân những hạn chế trên là do: Sự phối hợp giữa các ngành, các cấp trong công tác quản lý nhà nước đối với hoạt động văn học, nghệ thuật chưa thực sự đồng bộ và chặt chẽ. Quy định về hoạt động của tổ chức chính trị, xã hội, nghề nghiệp chưa sát thực tiễn hoạt động của văn học, nghệ thuật, chưa tạo điều kiện và phát huy hết vai trò tích cực của các Hội.
Công tác đào tạo, chuẩn bị lực lượng kế thừa chưa được chính các đơn vị nghệ thuật nhà nước quan tâm đúng mức, dẫn đến sự hụt hẫng nhân sự kế thừa trong nhiều vị trí, lĩnh vực, từ nhân sự lãnh đạo cho đến đội ngũ trực tiếp làm nghệ thuật. Lao động nghệ thuật là loại hình lao động khổ luyện mang tính chất đặc thù. Chế độ đãi ngộ chưa tương xứng, thậm chí còn thấp hơn một số ngành nghề khác, nên rất khó trong việc thu hút nhân tài.
Chưa có chính sách tài trợ cho việc xuất bản những tác phẩm văn học nghệ thuật theo định hướng “đặt hàng” xây dựng các chương trình biểu diễn nghệ thuật dân tộc truyền thống; cơ chế đầu tư cho hoạt động văn học, nghệ thuật theo dự án… tạo điều kiện cho các văn nghệ sĩ đóng góp, cống hiến tài năng vì sự nghiệp phát triển văn học nghệ thuật thành phố và cho sự phát triển bền vững của thành phố trong thời kỳ hội nhập.
Tác động của kinh tế thị trường, quá trình hội nhập quốc tế, sự phát triển nhanh, đột phá của khoa học công nghệ đã tác động mạnh mẽ đến đời sống xã hội, đến hoạt động văn hóa nghệ thuật. Xu hướng nghệ thuật đã thay đổi thị hiếu thưởng thức và sáng tác, biểu diễn văn hóa, nghệ thuật…
Đây là những khó khăn, thách thức rất lớn trong việc định hình những giá trị chuẩn mực của con người mới và công tác bảo tồn, phát huy những giá trị tốt đẹp của văn hóa truyền thống dân tộc.