Powered by Techcity

Phát triển điện khí – Xu hướng tất yếu đảm bảo an ninh năng lượng

Báo Sài Gòn Giải Phóng chủ trì, phối hợp cùng các bên liên quan tổ chức “Diễn đàn Phát triển thị trường khí Việt Nam” với chủ đề “Phát triển điện khí LNG - Xu hướng tất yếu trong chính sách đảm bảo an ninh năng lượng”. Ảnh: QUANG PHÚC

Báo Sài Gòn Giải Phóng chủ trì, phối hợp cùng các bên liên quan tổ chức “Diễn đàn Phát triển thị trường khí Việt Nam” với chủ đề “Phát triển điện khí LNG – Xu hướng tất yếu trong chính sách đảm bảo an ninh năng lượng”. Ảnh: QUANG PHÚC

Diễn đàn có sự tham dự của đại diện Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, lãnh đạo Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo (Bộ Công thương), Vụ Dầu khí và Than (Bộ Công thương), các chuyên gia từ Viện Nghiên cứu Chiến lược thương hiệu và cạnh tranh, Viện Dầu khí Việt Nam, Hiệp hội Dầu khí Việt Nam, Hiệp hội Năng lượng Việt Nam; đại diện Tổng Công ty Khí Việt Nam (PV Gas), Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN)…

Đồng thời, diễn đàn còn có sự hiện diện của các đại biểu là chuyên gia kinh tế hiệp hội, doanh nghiệp, cơ quan nghiên cứu, đại diện các trường đại học. Nhiều cơ quan báo chí truyền thông đã tới tham dự, đưa tin về sự kiện này.

Đây là cơ hội để các cơ quan quản lý nhà nước, các chuyên gia, doanh nghiệp thảo luận về các mục tiêu đã đề ra tại Quy hoạch điện VIII, làm rõ vai trò của nhiệt điện khí trong nước và LNG trong cơ cấu nguồn điện quốc gia, những lợi thế của điện khí, từ đó tìm ra cơ chế, chính sách thúc đẩy phát triển thị trường này.

Nội dung của hội thảo gồm 2 phần. Ở phần thứ nhất, các chuyên gia sẽ trình bày tham luận về các vấn đề như cơ hội và thách thức của điện khí LNG Việt Nam; Tiềm năng và dự báo xu thế điện khí cũng như khí LNG tại Việt Nam; Tầm nhìn mới về điện khí LNG cho phát triển năng lượng tại Quy hoạch điện VIII…

Ở phần tiếp theo, đại diện các cơ quan quản lý nhà nước, các chuyên gia, doanh nghiệp sẽ thảo luận, phân tích, mổ xẻ và đề xuất, kiến nghị về những vấn đề nóng cùng những giải pháp quan trọng về điện khí LNG.

Quang cảnh diễn đàn. Ảnh: QUANG PHÚC

Quang cảnh diễn đàn. Ảnh: QUANG PHÚC


Nhanh chóng tháo gỡ vướng mắc để triển khai các dự án khí hóa lỏng, bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia

Phát biểu khai mạc diễn đàn, ông Tăng Hữu Phong, Tổng Biên tập Báo SGGP nhấn mạnh, phát triển điện khí là phù hợp với chủ trương của Việt Nam trong Quy hoạch điện 8 để đảm bảo cung cấp điện cho hệ thống và giảm phát thải khí nhà kính ra môi trường; bù đắp thiếu hụt năng lượng cho hệ thống và đảm bảo đa dạng nguồn cung cấp nhiên liệu; là nguồn dự phòng khi tỷ trọng của các nguồn điện năng lượng tái tạo tăng cao trong cơ cấu nguồn, đảm bảo ổn định cung cấp điện cho hệ thống.

Tại Nghị Quyết số 55 của Bộ Chính trị ngày 11-2-2020 về định hướng chiến lược phát triển năng lượng quốc gia của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, đưa ra nhiệm vụ phát triển công nghiệp khí “Ưu tiên đầu tư hạ tầng kỹ thuật phục vụ nhập khẩu và tiêu thụ khí hóa lỏng” đồng thời “Chú trọng phát triển nhanh nhiệt điện khí sử dụng khí hóa lỏng, đưa điện khí dần trở thành nguồn cung cấp điện năng quan trọng, hỗ trợ cho điều tiết hệ thống”.

Ông Tăng Hữu Phong, Tổng Biên tập Báo Sài Gòn Giải Phóng phát biểu khai mạc diễn đàn. Ảnh: QUANG PHÚC

Ông Tăng Hữu Phong, Tổng Biên tập Báo Sài Gòn Giải Phóng phát biểu khai mạc diễn đàn. Ảnh: QUANG PHÚC

Theo Quy hoạch điện 8, đến năm 2030, nguồn nhiệt điện khí trong nước và khí hóa lỏng sẽ đạt 37.330 MW, tương ứng 24,8% tổng công suất nguồn điện, chiếm tỷ trọng lớn nhất trong cơ cấu nguồn điện (trong đó nhiệt điện khí trong nước là 14.930 MW chiếm 9,9% và nhiệt điện khí hóa lỏng là 22.400 MW chiếm 14,9%). Trong khi đó, nhiệt điện than, thủy điện, điện gió trên bờ và ngoài khơi lần lượt chiếm tỷ trọng là 20%, 19,5% và 18,5%.

Tuy nhiên, Việt Nam không chủ động được nguồn cấp khí hóa lỏng, hoàn toàn phải nhập khẩu loại nhiên liệu này. Trong bối cảnh thế giới có nhiều thay đổi khó lường, giá nhiên liệu khí hóa lỏng biến động thất thường và thường chiếm tỷ lệ từ 70-80% giá thành, việc xây dựng cơ chế giá phù hợp để thích nghi với những thay đổi giá nhiên liệu mà không tác động quá lớn tới giá bán lẻ điện là thách thức rất lớn với Việt Nam.

Bên cạnh đó, việc triển khai các dự án điện khí vẫn đang gặp nhiều khó khăn như: vướng mắc trong đàm phán giá điện do bên mua là Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) tính toán giá mua đang cao hơn giá bán lẻ điện bình quân bán ra; chưa ban hành khung giá phát điện cho các nhà máy điện khí hóa lỏng; khung pháp lý cho các dự án khí hóa lỏng chưa hoàn thiện; khó thu xếp vốn cho dự án khí hóa lỏng…

Ông Phan Đức Hiếu (giữa), Ủy viên Thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc hội. Ảnh: QUANG PHÚC

Ông Phan Đức Hiếu (giữa), Ủy viên Thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc hội. Ảnh: QUANG PHÚC

Theo Tổng Biên tập Báo SGGP, trong khi đó, từ nay đến năm 2030 chỉ còn 7 năm nữa để các dự án khí hóa lỏng triển khai và đi vào vận hành. Nếu chúng ta không nhanh chóng tháo gỡ những vướng mắc thì việc triển khai các dự án khí hóa lỏng sẽ gặp trở ngại lớn, đồng thời sẽ ảnh hưởng đến bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia.

Nhằm góp phần tháo gỡ những vướng mắc trên, “Diễn đàn phát triển thị trường khí Việt Nam” với chủ đề: “Phát triển điện khí hóa lỏng – Xu hướng tất yếu trong chính sách đảm bảo an ninh năng lượng” sẽ ghi nhận những ý kiến từ các chuyên gia, cơ quan quản lý để tìm giải pháp tháo gỡ những khó khăn, bế tắc, góp phần hoàn thiện chính sách, có cơ chế khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào các dự án điện khí hóa lỏng trong nước, tạo môi trường đầu tư ổn định và thuận lợi cho việc phát triển hạ tầng khí hóa lỏng.


Ông Bùi Quốc Hùng - Phó Cục trưởng Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo, Bộ Công thương. Ảnh: QUANG PHÚC

Ông Bùi Quốc Hùng – Phó Cục trưởng Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo, Bộ Công thương. Ảnh: QUANG PHÚC

Theo ông Bùi Quốc Hùng, Phó Cục trưởng Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo, Bộ Công thương, nguyên tắc phát triển điện lực là ưu tiên sử dụng hết lượng khí khai thác trong nước có thể cung cấp được cho sản xuất điện để tăng tính tự chủ trong sản xuất điện, chuyển dần sang đốt kèm nhiên liệu hydrogen khi công nghệ được chứng thực. Nâng cao tính tự chủ của ngành điện, giảm thiểu tối đa sự phụ thuộc vào nước ngoài đối với nhiên liệu sơ cấp.

Cùng với đó, đảm bảo các mục tiêu cam kết của Thủ tướng Chính phủ tại Hội nghị COP26 về trung hòa carbon vào năm 2050. Không xây dựng mới nhà máy nhiệt điện than sau năm 2030. Các nhà máy nhiệt điện than đã hết đời sống kinh tế và công nghệ cũ sẽ dừng hoạt động (dự kiến sau 40 năm vận hành), định hướng chuyển dần sang sử dụng nhiên liệu sinh khối – amoniac sau 20 năm vận hành. Đến năm 2050, dừng sử dụng than cho phát điện. Xem xét chuyển đổi một số dự án nguồn điện dự kiến sử dụng nhiên liệu than sang sử dụng LNG. Phát triển nhiệt điện khí sử dụng LNG nhập khẩu ở quy mô phù hợp.

Riêng về khí LNG, đại diện Bộ Công thương đánh giá, những năm gần đây, nhu cầu LNG trên thế giới tăng với nhịp độ bình quân 6,3%/năm, công suất LNG trên thế giới tăng từ 340 triệu tấn/năm (năm 2017) lên 453 triệu tấn/năm vào năm 2022.

Tại Việt Nam, theo tính toán, nhu cầu nhập khẩu LNG sẽ tăng lên, đạt khoảng 14 -18 tỉ m3 vào năm 2030 và khoảng 13 – 16 tỉ m3 vào năm 2045.

Các đại biểu dự diễn đàn. Ảnh: QUANG PHÚC

Các đại biểu dự diễn đàn. Ảnh: QUANG PHÚC

Ông Bùi Quốc Hùng nhấn mạnh, mặt thuận lợi cho điện khí LNG ở Việt Nam là Đảng, Chính phủ, các bộ, ngành đều rất quan tâm đến việc phát triển thị trường LNG. Đây là cơ sở để phát triển hành lang pháp lý thúc đẩy sự phát triển của loại nhiên liệu này tại Việt Nam. Chính phủ đang trong quá trình xây dựng và ban hành các cơ chế chính sách để có thể đưa LNG vào Việt Nam.

Phát triển mạnh mẽ nhiệt điện khí LNG trong tương lai chắc chắn sẽ giúp ngành điện phát triển xanh hơn và hạn chế sự phụ thuộc vào các nhà máy nhiệt điện than vốn chiếm tỉ lệ khá cao trong hệ thống hiện nay.

Ưu điểm của loại hình điện khí LNG là đảm bảo cấp điện ổn định và giảm thiểu tác động tới môi trường. Nhiệt điện khí với khả năng chạy phủ đỉnh sẽ là nguồn công suất cần thiết để bổ trợ cho các nguồn điện tái tạo không ổn định. Điện khí LNG có khả năng đạt hơn 90% hệ số công suất khi cần thiết, không gặp phải tình trạng gián đoạn và phụ thuộc vào thiên nhiên như điện gió hay điện mặt trời.

Đề cập tới các cơ hội cho điện khí LNG, ông Bùi Quốc Hùng nhìn nhận, điện khí là nguồn điện lớn có khả năng vận hành ổn định, hiệu suất cao (có thể đạt trên 62%) có khả năng bù đắp thiếu hụt công suất tức thời cho hệ thống (trong trường hợp các nguồn năng lượng tái tạo dừng phát điện) do các nhà máy điện khí có khả năng khởi động nhanh.

Điện khí có nhiều ưu điểm trong việc giảm phát thải khí CO2 và NOx (giảm khoảng 40% khí CO2 và khoảng 90% khí NOx so với các nhà máy nhiệt điện than và dầu) xả ra môi trường, không thải bụi và là nguồn điện chạy nền có khả năng thay thế toàn bộ các nhà máy nhiệt điện than trong tương lai.

Có nhiều địa điểm thuận lợi về mặt hạ tầng để phát triển các dự án LNG tại Việt Nam là một trong những lợi thế để có thể hình thành các trung tâm nhiệt điện sử dụng LNG quy mô lớn, tạo điều kiện cho việc phát triển kinh tế – xã hội nhiều địa phương trong tương lai. Theo thống kê, hiện các địa phương đề xuất phát triển khoảng 140.000 MW (tập trung chủ yếu tại miền Trung và miền Nam) với khoảng hơn 30 vị trí đề xuất trải dài từ Bắc vào Nam.

Ngoài ra, thị trường cung cấp LNG trên thế giới trong thời gian tới dồi dào với giá cả cạnh tranh. Hiện nay các nước như Mỹ, Nga, Australia đang xây dựng nhiều nhà máy sản xuất LNG đảm bảo cung cấp đủ cho nhu cầu tiêu thụ trên thế giới. Nhiều nhà đầu tư quan tâm sẽ đảm bảo tính cạnh tranh và có nhiều sự lựa chọn tốt cho dự án.

Còn về khó khăn thách thức, đại diện lãnh đạo Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo cho biết, việc nhập khẩu LNG phải theo các thông lệ mua bán LNG quốc tế. Việt Nam hiện cũng chưa có bộ tiêu chuẩn kỹ thuật liên quan đến thiết kế, xây dựng và vận hành các cơ sở hạ tầng phục vụ nhập khẩu. Bên cạnh đó, khuôn khổ pháp lý hiện hành cho các dự án LNG cho điện ở Việt Nam vẫn chưa được xây dựng hoàn chỉnh.

Phó Tổng Biên tập Báo SGGP Nguyễn Khắc Văn và Phó Tổng Biên tập Báo SGGP Bùi Thị Hồng Sương tham dự diễn đàn. Ảnh: QUANG PHÚC

Phó Tổng Biên tập Báo SGGP Nguyễn Khắc Văn và Phó Tổng Biên tập Báo SGGP Bùi Thị Hồng Sương tham dự diễn đàn. Ảnh: QUANG PHÚC

Trong những năm qua, giá LNG đã có nhiều biến động rất lớn do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 và xung đột chiến sự giữa Nga và Ukraine. Điều này ảnh hưởng đến khả năng tiêu thụ của các thị trường nhạy cảm về giá như Việt Nam nếu Chính phủ không có các hỗ trợ hợp lý trong các điều kiện đặc thù.

Các dự án điện khí LNG có công nghệ tiên tiến, vốn đầu tư lớn nên đòi hỏi nhà đầu tư cần có kinh nghiệm và năng lực tài chính. Bên cạnh đó, các cơ quan có thẩm quyền chưa có đủ kinh nghiệm về lĩnh vực này nên có thể sẽ ảnh hưởng tới tiến độ và chất lượng lựa chọn nhà đầu tư cho các dự án. Cơ chế giá điện sử dụng nhiên liệu LNG chưa có quy định đầy đủ.

Việc Chính phủ không cấp bảo lãnh và việc phát điện sẽ cạnh tranh trên thị trường, nên đòi hỏi nhà đầu tư phải rất nỗ lực trong quyết định đầu tư nhà máy điện độc lập.

Về tiến độ triển khai thực hiện các dự án LNG, thách lớn nhất là đàm phán Hợp đồng mua bán điện (PPA). Việc đàm phán PPA phải thực hiện theo đúng quy định của Bộ Công thương. Theo đó, chủ đầu tư sẽ phải đàm phán mua bán điện với EVN dựa trên chi phí đầu tư nhà máy, giá khí cho phát điện, lợi nhuận cho phép… (trong khung giá phát điện do Bộ Công thương ban hành).

Khó khăn nữa là Việt Nam không chủ động được nguồn cấp LNG do phải nhập khẩu 100% loại nhiên liệu này. Trong bối cảnh địa chính trị thế giới có nhiều thay đổi, giá LNG biến động thất thường và vì thường chiếm tỉ lệ từ 70-80% giá thành điện năng sản xuất nên việc xây dựng cơ chế giá phù hợp để thích nghi với những thay đổi giá nhiên liệu mà không tác động quá lớn tới giá bán lẻ điện là thách thức rất lớn với Việt Nam. Thực tế, giá khí hóa lỏng LNG đã tăng rất mạnh thời gian qua, giá nhập khẩu cao là trở ngại trong tương lai khi ký các PPA giữa chủ đầu tư và EVN, do EVN phải mua điện giá cao và bán điện giá rẻ.

Vấn đề kho chứa cũng là thách thức lớn. Hiện nước ta mới chỉ có duy nhất 1 kho được xây dựng đưa vào vận hành tại Bà Rịa – Vũng Tàu. Ngoài ra, còn nhiều kho chứa LNG đang trong giai đoạn lập kế hoạch trên toàn quốc.

Việt Nam chưa có kinh nghiệm trong phát triển các chuỗi dự án điện – khí LNG, cũng như xây dựng, vận hành các dự án kho cảng LNG và tham gia vào thị trường LNG trên thế giới.

Các đại biểu tham gia diễn đàn. Ảnh: QUANG PHÚC
Các đại biểu tham gia diễn đàn. Ảnh: QUANG PHÚC

Hiện việc phát triển các dự án vẫn phải tuân thủ các quy trình đầu tư thông thường. Trong khi đó, phát triển các dự án LNG thường đòi hỏi nguồn vốn lên tới hàng tỷ USD cho cả chuỗi khí – điện. Vì vậy, cần có các tổ chức tài chính chấp thuận, thu xếp vốn cho dự án. Cần thiết phải hoàn thiện khung pháp lý, cơ chế quản lý, cung cấp tài chính cho các dự án. Việc thu xếp vốn cho dự án gặp nhiều khó khăn do cần đáp ứng yêu cầu của các tổ chức tài chính về các điều kiện bảo lãnh, cam kết để dự án đầu tư có hiệu quả.

Cuối cùng, giá phát điện LNG cao hơn so với các nguồn điện khác nên gặp khó khăn trong tham gia thị trường điện và đảm bảo hiệu quả đầu tư.

Ông Bùi Quốc Hùng đề xuất giải pháp, các cơ quan Nhà nước có thẩm quyền cần có cơ chế đặc thù cho phát triển điện khí LNG tại Việt Nam để đáp ứng tiến độ đặt ra cho các dự án điện khí LNG. Các quy chuẩn, tiêu chuẩn quốc gia cũng cần sớm ban hành để có cơ sở áp dụng, thực hiện.

“Cần có tiêu chuẩn và chứng chỉ để đảm bảo rằng thiết bị được sản xuất hoặc mua sắm từ nước ngoài phù hợp với tiêu chuẩn hiện hành”, ông Hùng đề nghị.


Với nguồn cung trước mắt, dự báo mùa hè 2024 sẽ thiếu điện

Ông Nguyễn Đức Kiên, nguyên Tổ trưởng Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng, nguyên phó chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội. Ảnh: QUANG PHÚC

Ông Nguyễn Đức Kiên, nguyên Tổ trưởng Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng, nguyên phó chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội. Ảnh: QUANG PHÚC

Ông Nguyễn Đức Kiên, nguyên Tổ trưởng Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng, nguyên phó chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, trình bày tham luận về “Năng lượng mới – Xu hướng toàn cầu và tình huống Việt Nam”.

Theo ông Nguyễn Đức Kiên, lộ trình đạt mức phát thải ròng sẽ bằng 0 vào năm 2050. Dầu, khí đốt tự nhiên và than chiếm khoảng 4/5 tổng nguồn cung năng lượng trên toàn thế giới vào năm 2021. Trong kịch bản, tỷ lệ này giảm xuống khoảng 2/3 vào năm 2030 và dưới 1/5 vào năm 2050. Từ năm 2021 đến năm 2050, nhu cầu than giảm 90%, dầu giảm khoảng 80% và khí đốt tự nhiên giảm hơn 70%.

Ông Nguyễn Đức Kiên cũng cho biết, năng lượng mặt trời và năng lượng gió có công suất bổ sung hàng năm đã tăng hơn gấp đôi từ năm 2015 đến năm 2022, tăng trung bình khoảng 11% mỗi năm. Việc mở rộng nhanh chóng năng lượng tái tạo có thể được xây dựng dựa trên động lực mạnh mẽ gần đây.

Nói về hành trình hướng tới Net Zero – Năng lượng mới, ông Nguyễn Đức Kiên cho rằng, khi được sản xuất từ năng lượng tái tạo, hydro xanh có thể giúp khử carbon trong một loạt lĩnh vực “khó giảm thiểu”, bao gồm vận tải đường dài, hóa chất, sản xuất sắt và thép.

Ông Nguyễn Đức Kiên trình bày tham luận về “Năng lượng mới - Xu hướng toàn cầu và tình huống Việt Nam”. Ảnh: QUANG PHÚC

Ông Nguyễn Đức Kiên trình bày tham luận về “Năng lượng mới – Xu hướng toàn cầu và tình huống Việt Nam”. Ảnh: QUANG PHÚC

Hydro cũng có thể hỗ trợ việc tích hợp các nguồn năng lượng tái tạo khác nhau trong hệ thống điện, là một trong số ít lựa chọn để lưu trữ điện trong nhiều ngày, nhiều tuần hoặc nhiều tháng. Là một phần của mục tiêu không phát thải ròng vào năm 2050, nhiên liệu hydro và nhiên liệu gốc hydro có thể tránh được tới 60 gigaton phát thải CO2 vào giữa thế kỷ này, tương đương với 6% tổng lượng phát thải tích lũy giảm được. Hydro xanh hoặc hydro không phát thải được sản xuất bằng máy điện phân chạy bằng năng lượng tái tạo chỉ chiếm khoảng 1% tổng sản lượng hydro tính đến đầu năm 2022, phần lớn vẫn được sản xuất bằng nhiên liệu hóa thạch.

Chi phí năng lượng tái tạo và công nghệ điện phân tiếp tục giảm. Đến năm 2030, giá thành máy điện phân có thể giảm 70% so với giá năm 2022.

Cũng theo ông Kiên, năm 2022, Việt Nam là nước đứng đầu Đông Nam Á về chuyển đổi và sử dụng năng lượng tái tạo, đây là điểm sáng. Trong sơ đồ điện VIII thì dư địa điện khí còn nhiều. Tuy nhiên, vướng mắc ở vấn đề hợp đồng mua bán điện, đảm bảo chuyển đổi đồng nội tệ nên các đàm phán về mua bán điện không thực hiện được. Vấn đề thứ hai là chúng ta chưa có phương án khả thi cho việc xây dựng nhà máy, kho chứa…

Theo ông Kiên, hiện nhiều địa phương từ chối sản xuất điện than, chỉ sản xuất điện khí như: Hậu Giang, Long An. Nhưng thực tế lại chưa thực hiện được, do yếu tố kỹ thuật, kinh tế, địa chính trị. Chúng ta cũng chưa giải quyết được bài toán phát điện tập trung hay phát điện phân tán. Nhìn vào nguồn cung trước mắt, dự báo mùa hè năm 2024 sẽ thiếu điện.


Ông Bùi Quốc Hùng: Cần có cơ chế đặc thù cho LNG

Phát biểu tại diễn đàn, ông Bùi Quốc Hùng, Phó Cục trưởng Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo, khẳng định, phát triển điện khí là yêu cầu bắt buộc theo quy hoạch, nên cần tính toán để có chuyển dịch cơ cấu nguồn điện. Quy hoạch điện VIII đặt mục tiêu giảm dần điện than, phát triển điện khí, tăng cường năng lượng tái tạo. Để vận hành điện năng lượng tái tạo phải có điện khí để chạy nền.

Theo Quy hoạch Điện VIII, dự kiến đến năm 2030, riêng điện khí LNG nhập khẩu sẽ cần có 24.000MW với hàng loạt dự án đã được đưa vào quy hoạch.

Phát triển điện khí - Xu hướng tất yếu đảm bảo an ninh năng lượng  ảnh 11

Với dự án điện khí Nhơn Trạch 3 và 4, chủ đầu tư đang phấn đấu đưa vào vận hành từ năm 2025 để phù hợp Quy hoạch điện VIII, đến nay đã đạt tiến độ hơn 60%, nhưng vướng mắc là chưa thể đàm phán hợp đồng mua bán điện, giá điện…

Theo đại diện Bộ Công thương, khó khăn với điện khí LNG là cần vốn đầu tư rất lớn, nên cần đảm bảo hợp đồng bao tiêu sản lượng hàng năm, được ký hợp đồng dài hạn.

Trong tổng sơ đồ tính toán thì tổng vốn đầu tư là 57 tỷ USD. Với mức đầu tư này, có tiền trong tay cũng chưa thể thực hiện được, chưa biết thu xếp thế nào, trong khi sắp hết năm 2023.

Vấn đề nữa là do mức đầu tư lớn nên các dự án điện khí LNG cần có bảo lãnh của Chính phủ.

Đến thời điểm này, khó khăn, thách thức vẫn còn rất nhiều, đại diện Bộ Công thương đặt câu hỏi cần làm gì, cơ quan nào cần thực hiện, như thế nào, bao giờ làm được?

Theo ông Bùi Quốc Hùng, Bộ Công thương được giao xây dựng cơ chế chính sách phát triển điện (trong đó có LNG), khung giá phát điện… Quy hoạch đã ban hành, kế hoạch đang trình. Với các dự án điện khí, để triển khai, các chủ đầu tư sẽ phải đàm phán giá với EVN theo Thông tư 57.

Về phía Chính phủ, cần phê duyệt kế hoạch, vận hành cơ chế đặc thù để tháo gỡ khó khăn; địa phương cần tháo gỡ vướng mắc về đất đai, giải phóng mặt bằng, chủ trương đầu tư…

Việc điều chỉnh một số chính sách liên quan Thông tư 57, Thông tư 35…, theo ông Bùi Quốc Hùng, có những chính sách riêng Bộ Công thương không đủ thẩm quyền, mà cần phải trình cấp có thẩm quyền, thậm chí phải trình Quốc hội, Bộ Chính trị, để có những cơ chế đặc thù cho điện khí LNG. Nếu không có cơ chế đặc thù thì sẽ rất khó triển khai.

Theo đại diện lãnh đạo Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo, Bộ Công thương sẵn sàng lắng nghe ý kiến của các nhà khoa học, chuyên gia, cơ quan quản lý, doanh nghiệp… để sau diễn đàn có những tham mưu chính sách hiệu quả, bám sát yêu cầu thực tiễn.


Việt Nam: Từ năm 2030, cần 12 triệu tấn khí LNG

Ông Lê Ngọc Anh, Giám đốc Dữ liệu, Viện Dầu khí Việt Nam, chia sẻ thêm những nghiên cứu về tiềm năng và xu thế điện khí cũng như khí LNG tại Việt Nam.

Ông Lê Ngọc Anh, Giám đốc Dữ liệu, Viện Dầu khí Việt Nam trình bày tham luận tại diễn đàn. Ảnh: QUANG PHÚC

Ông Lê Ngọc Anh, Giám đốc Dữ liệu, Viện Dầu khí Việt Nam trình bày tham luận tại diễn đàn. Ảnh: QUANG PHÚC

Ông Lê Ngọc Anh cho biết, theo dự báo, lượng khí khai thác trong thời gian tới ở khu vực Đông Nam Á có thể giảm, đây là thách thức lớn đối với các nước có nhu cầu. Với nền công nghiệp khí ở Việt Nam, sản lượng khí tăng khá tốt nhưng là trong quá khứ, thời gian tới sẽ có sự dịch chuyển khi các dự án lớn trọng điểm đi vào hoạt động.

Ông Lê Ngọc Anh khẳng định, trong bối cảnh dịch chuyển nguồn khí như hiện nay thì nhu cầu năng lượng đang lớn, đặc biệt là Việt Nam.

Riêng về khí LNG, ông Lê Ngọc Anh cho biết, trong bối cảnh chung, nhu cầu đòi hỏi năng lượng xanh, sạch rất lớn; ở Việt Nam, với GDP tăng hàng năm thì sản lượng năng lượng sẽ tăng, như năng lượng tái tạo, gió, khí… Điều này góp phần đảm bảo an ninh năng lượng. Dự báo, từ năm 2030 cần 12 triệu tấn khí LNG ở Việt Nam.

Về quy hoạch phát triển các nhà máy điện, ông Lê Ngọc Anh cho biết, đa phần các nhà máy này (LNG) được triển khai linh hoạt, đây có thể là nguồn phát điện chính từ 2026.

“LNG có đặc thù, nhu cầu cho năng lượng này có vai trò quan trọng trong chuyển giao, chuyển dịch, đặc biệt là các trung tâm năng lượng ở phía Bắc”, ông Lê Ngọc Anh cho biết và nói thêm, hiện nay giá năng lượng LNG là thách thức lớn, nhưng hiện giờ đã giảm và ổn định, đây là thuận lợi. Ông Lê Ngọc Anh cho rằng, nói đến việc phát triển khí LNG, cần quan tâm đến cơ chế đặc thù.


Khó khăn lớn nhất là cơ chế chính sách sử dụng LNG cho phát điện

Tại tham luận “Quy hoạch Điện VIII – Vai trò, cơ hội và thách thức đối với PV GAS”, ông Huỳnh Quang Hải, Phó Tổng giám đốc Tổng công ty Khí Việt Nam đã đưa ra một số nhận định về những cơ hội và thách thức trong việc triển khai Quy hoạch điện VIII, trong đó có vai trò và cơ hội của PVGAS trong việc triển khai Quy hoạch điện VIII.

Phó Tổng giám đốc Tổng công ty Khí Việt Nam Huỳnh Quang Hải: "Chính phủ cần xây dựng các cơ chế chính sách liên quan đến cấp khí LNG tái hóa cho các nhà máy điện". Ảnh: QUANG PHÚC

Phó Tổng giám đốc Tổng công ty Khí Việt Nam Huỳnh Quang Hải: “Chính phủ cần xây dựng các cơ chế chính sách liên quan đến cấp khí LNG tái hóa cho các nhà máy điện”. Ảnh: QUANG PHÚC

Từ thực tế triển khai các dự án LNG trong thời gian qua, ông Huỳnh Quang Hải cho rằng, vẫn còn một số tồn tại, thách thức trong việc triển khai Quy hoạch điện VIII. Trong đó, khó khăn lớn nhất là cơ chế chính sách sử dụng LNG cho phát điện. Hiện chúng ta chưa có cơ chế chuyển ngang giá khí LNG tái hóa từ hợp đồng mua bán khí sang hợp đồng mua bán điện, phê duyệt cước phí qua kho và đường ống đưa LNG đến nhà máy điện, nguyên tắc phân bổ LNG nhập khẩu cùng với các nguồn khí nội địa cho các nhà máy điện.

Chúng ta cũng chưa có đầy đủ các tiêu chuẩn, quy chuẩn quốc gia về LNG để đảm bảo việc xây dựng hạ tầng kỹ thuật LNG đảm bảo an toàn phù hợp với các thông lệ quốc tế. Vì vậy, cần phải rà soát, cập nhật, bổ sung và xây dựng đầy đủ các tiêu chuẩn, quy chuẩn quốc gia về LNG, tạo hành lang pháp lý đầy đủ cho việc thực hiện phát triển các dự án điện khí (LNG) và thị trường LNG trong tương lai.

Về đề xuất, kiến nghị giải pháp để triển khai Quy hoạch điện VIII, ông Huỳnh Quang Hải kiến nghị các bộ, ngành và địa phương cần rà soát đảm bảo tính đồng bộ, gắn kết giữa các quy hoạch và kế hoạch thực hiện: Quy hoạch điện VIII; quy hoạch tổng thể về năng lượng quốc gia; quy hoạch hạ tầng dự trữ, cung ứng xăng dầu khí đốt quốc gia; quy hoạch tổng thể hệ thống cảng biển và quy hoạch chi tiết nhóm cảng biển, bến cảng cầu cảng, bến phao, khu nước, vùng nước; các quy hoạch địa phương, đặc biệt là quy hoạch kế hoạch sử dụng đất.

Phó Tổng giám đốc Tổng công ty Khí Việt Nam Huỳnh Quang Hải trình bày tham luận tại diễn đàn. Ảnh: QUANG PHÚC

Phó Tổng giám đốc Tổng công ty Khí Việt Nam Huỳnh Quang Hải trình bày tham luận tại diễn đàn. Ảnh: QUANG PHÚC

Về cơ chế chính sách, ông Huỳnh Quang Hải kiến nghị, Chính phủ cần xây dựng các cơ chế chính sách liên quan đến cấp khí LNG tái hóa cho các nhà máy điện như: Cơ chế chuyển ngang giá khí LNG tái hóa và bao tiêu khối lượng khí từ hợp đồng mua bán khí sang hợp đồng mua bán điện; phê duyệt cước phí qua kho, cước phí đường ống.

Bên cạnh đó, để tối ưu đầu tư hạ tầng kho chứa, cảng biển giúp giảm cước phí, giá khí LNG tái hóa và giảm giá thành phát điện, các cơ quan quản lý cần xem xét triển khai xây dựng các kho LNG theo mô hình “Kho cảng LNG trung tâm cung cấp cho các trung tâm nhiệt điện vệ tinh”. Đồng thời, cần lựa chọn chủ đầu tư có đủ năng lực về tài chính và kinh nghiệm để triển khai thực hiện hiệu quả các dự án trong quy hoạch.


“Điểm nghẽn” của thị trường năng lượng là về giá

PGS.TS Ngô Trí Long, chuyên gia kinh tế của Bộ Tài chính, cho rằng việc phát triển cung và cầu, giá cả về khí LNG như thế nào là rất quan trọng. Hiện nay, thị trường năng lượng nói chung đang gặp vướng mắc lớn nhất là về giá, đây là “điểm nghẽn” khi đầu vào thì theo giá thị trường, còn đầu ra thì theo giá điều tiết của Nhà nước.

Chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long: Bên cạnh tự do hóa giá cả do thị trường quyết định, Nhà nước vẫn phải điều tiết để hài hòa lợi ích giữa doanh nghiệp và người tiêu dùng. Ảnh: QUANG PHÚC

Chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long: Bên cạnh tự do hóa giá cả do thị trường quyết định, Nhà nước vẫn phải điều tiết để hài hòa lợi ích giữa doanh nghiệp và người tiêu dùng. Ảnh: QUANG PHÚC

PGS.TS Long cho rằng về cầu, quan trọng cho khí LNG chính là điện khí, cần phải tập trung phát triển. Giá cả làm sao phải cho phù hợp, bên cạnh tự do hóa giá cả, do thị trường quyết định, Nhà nước vẫn phải điều tiết để hài hòa lợi ích giữa doanh nghiệp và người tiêu dùng, điện khí cũng không ngoại lệ. Với nhu cầu sử dụng điện hiện tại của nền kinh tế, các dự án điện dùng nhiên liệu LNG đang nổi lên là một xu thế tất yếu trong giai đoạn tới. Tuy nhiên, việc sử dụng nhiên liệu LNG ở Việt Nam vẫn đang gặp những vướng mắc nhất định, đặc biệt là cơ chế giá. Giá nhiên liệu LNG đầu vào chiếm tới 70-80% giá thành điện bán ra nên nếu sử dụng nhiên liệu giá cao thì dự án khó có thể tham gia thị trường điện, do đó có ý kiến cho rằng cần có cơ chế giá phù hợp cho thị trường LNG Việt Nam trong sản xuất điện. Vậy nên cần nghiên cứu thành lập một hoặc một vài trung tâm đầu mối chuyên nhập khẩu LNG cung cấp cho các nhà máy điện. Đầu mối này phải được quản lý và giám sát của Nhà nước để đảm bảo tính công khai, minh bạch, chặt chẽ thị trường LNG trong nước.

Giá LNG tại thị trường Việt Nam được xác định dưới tác động ảnh hưởng bởi 2 yếu tố chính. Một là, giá nhập khẩu LNG từ thị trường thế giới về đến Việt Nam và chi phí tiếp nhận, tồn trữ, tái hóa, phân phối LNG trên thị trường Việt Nam. Hai là, giá nhiên liệu cạnh tranh hoặc tổng giá trị cạnh tranh tương đương. Từ 2 yếu tố chính đó, đối với LNG cung cấp cho khách hàng điện cần có hướng dẫn cụ thể phương pháp xác định giá phát điện từ nguồn LNG bao gồm cả giá nhiên liệu và giá vận chuyển nhiên liệu cũng như phương thức chào giá và phát điện lên hệ thống điện quốc gia.

“Cần sớm hoàn thiện chính sách, cơ chế khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào dự án điện khí LNG trong nước. Sớm hoàn thiện và ban hành các tiêu chuẩn kỹ thuật, quy phạm của Việt Nam trong việc xây dựng kho cảng và nhập khẩu khí LNG, xem xét giảm thuế nhập khẩu LNG và các thiết bị, máy móc xây dựng nhà máy điện; giảm thuế thu nhập cho doanh nghiệp đầu tư phát triển năng lượng xanh để thúc đẩy đầu tư”, PGS.TS Ngô Trí Long đề xuất.

Các đại biểu tham dự diễn đàn. Ảnh: QUANG PHÚC

Các đại biểu tham dự diễn đàn. Ảnh: QUANG PHÚC

Trong bối cảnh hiện nay, nếu không có bảo lãnh Chính phủ, vừa không có bao tiêu điện, doanh nghiệp sản xuất điện khí khó có thể triển khai các dự án đúng tiến độ và hiệu quả. Nếu không giải được bài toán trên, mọi dự án LNG không thể triển khai.

Cùng với đó, cần xây dựng các cơ chế cụ thể để khuyến khích khai thác các nguồn khí trong nước, đặc biệt là nguồn khí đồng hành và mỏ nhỏ, mỏ cận biên trên cơ sở tính toán hiệu quả tổng thể từ thượng nguồn đến hộ tiêu thụ cũng như cân đối hài hòa giữa sản lượng nhập khẩu và sản lượng khai thác khí trong nước.

Để tránh nhiều dự án điện khí bị chậm nhiều năm hoặc khó khăn không thể thực hiện được do năng lực chủ đầu tư, cần có cơ chế lựa chọn chủ đầu tư có đủ năng lực và kinh nghiệm. Vấn đề này đã có quy định trong pháp luật về đấu thầu. Tuy nhiên, hiện chưa có cơ chế đấu thầu chung để chọn chủ đầu tư. Thẩm quyền lựa chọn không thống nhất, khi thì là Chính phủ giao cho bộ, khi thì giao cho tỉnh, gây lúng túng cho các bên liên quan.


Thị trường điện khí phải vận hành theo cơ chế thị trường, cạnh tranh với cả khu vực

TS Vũ Đình Ánh, Chuyên gia kinh tế Bộ Tài chính. Ảnh: QUANG PHÚC

TS Vũ Đình Ánh, Chuyên gia kinh tế Bộ Tài chính. Ảnh: QUANG PHÚC

TS Vũ Đình Ánh, Chuyên gia kinh tế Bộ Tài chính nêu ý kiến: Về phát triển thị trường điện khí LNG, tôi cho rằng có hai vấn đề.

Thứ nhất, cần phải thuyết phục thêm bằng những lập luận bằng chứng, nếu chúng ta quá tập trung vào điện khí sẽ ảnh hưởng đến an ninh năng lượng Việt Nam, nhất là đường vận chuyển qua Biển Đông.

Thứ hai, có một ý kiến cho rằng, Việt Nam sẽ được lựa chọn là điểm trung chuyển khí của khu vực Đông Nam Á. Như vậy, tính toán và quy hoạch về phát triển điện khí cần phải đặt trong bối cảnh chung của thế giới và khu vực. Thâm hụt thương mại, thâm hụt cán cân vãng lai, sắp can thiệp sâu vào tỷ giá là điều mà Mỹ theo dõi. Vì thế, Việt Nam cũng phải tránh những điều này. Như vậy, điện khí có thể là lĩnh vực nhập khẩu để giúp làm giảm bớt thâm hụt cán cân thương mại với phía Mỹ. Ở đây, mấu chốt chúng ta phải vận hành theo cơ chế thị trường, cạnh tranh với cả khu vực. Thị trường điện khí cũng không ngoại lệ. Nên mọi quy hoạch, kiến nghị về điện khí, cần phải đặt trong bối cảnh chung, phải lường trước được những biến động trong tương lai.


Cần quy hoạch tổng thể thị trường khí

Ông Nguyễn Hùng Dũng, Phó chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hội Dầu khí Việt Nam nếu ý kiến thảo luận tại diễn đàn. Ảnh: QUANG PHÚC

Ông Nguyễn Hùng Dũng, Phó chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hội Dầu khí Việt Nam nếu ý kiến thảo luận tại diễn đàn. Ảnh: QUANG PHÚC

Đồng quan điểm với chuyên gia kinh tế Vũ Đình Ánh là cần quan tâm tới thị trường, tuy nhiên, ông Nguyễn Hùng Dũng, Phó chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hội Dầu khí Việt Nam cho rằng, cơ chế thị trường phải hoàn toàn theo thị trường của dầu khí.

Chúng ta có duy nhất tổng kho 1 triệu tấn, trong quy hoạch điện VIII, nhiều tỉnh có quy hoạch điện khí, nhiều nơi mong chuyển đổi từ than thành điện khí. Các doanh nghiệp bao giờ cũng hướng tới lợi ích và mong muốn thị trường phải được phát triển lành mạnh, đảm bảo tính công bằng. Việc điều tiết của Nhà nước là đảm bảo ổn định chính trị. Ông Dũng dẫn chứng, ở một số nước như Hàn Quốc, Singapore…, nhà nước chi phối việc điều tiết thị trường khí.

Ông Dũng mong muốn, phát triển thị trường khí cần quy hoạch tổng thể, có chiến lược dài hơn, để các doanh nghiệp chủ động, không phải chạy theo. “Điện khí là xu hướng tất yếu. Do đó, việc có cơ chế, có chính sách để đảm bảo cho các nhà đầu tư yên tâm”, ông Dũng đề nghị.


Ông Nguyễn Đức Kiên, nguyên Tổ trưởng Tổ Tư vấn kinh tế của Thủ tướng: "Quan điểm phát triển trung tâm nhập khí, chuyển khí, trước mắt chúng ta chọn 1, 2 doanh nghiệp làm, tiến hành kiểm toán, cổ phần hóa theo cơ chế thị trường để minh bạch. Chúng ta cần chuyển đổi nhận thức xã hội đối với thị trường bán lẻ điện. Hiện chúng ta đang đồng nhất EVN với ngành năng lượng. Khi xảy ra vấn đề về điện, dư luận chỉ tập trung vào trách nhiệm của EVN, trong khi trách nhiệm là của cả ngành năng lượng với trách nhiệm là nguồn cung. Về giải pháp căn cơ, sắp tới các cơ quan quản lý Nhà nước sẽ thực hiện các kế hoạch đảm bảo an ninh năng lượng theo nghị quyết Quốc hội".

Ông Nguyễn Đức Kiên, nguyên Tổ trưởng Tổ Tư vấn kinh tế của Thủ tướng: “Quan điểm phát triển trung tâm nhập khí, chuyển khí, trước mắt chúng ta chọn 1, 2 doanh nghiệp làm, tiến hành kiểm toán, cổ phần hóa theo cơ chế thị trường để minh bạch. Chúng ta cần chuyển đổi nhận thức xã hội đối với thị trường bán lẻ điện. Hiện chúng ta đang đồng nhất EVN với ngành năng lượng. Khi xảy ra vấn đề về điện, dư luận chỉ tập trung vào trách nhiệm của EVN, trong khi trách nhiệm là của cả ngành năng lượng với trách nhiệm là nguồn cung. Về giải pháp căn cơ, sắp tới các cơ quan quản lý Nhà nước sẽ thực hiện các kế hoạch đảm bảo an ninh năng lượng theo nghị quyết Quốc hội”.


“Nói đến điện khí là phải nói đến quy hoạch”

PGS.TS Đinh Trọng Thịnh, Chuyên gia kinh tế Học viện Tài chính cho rằng: Khi nói đến điện khí thì phải nói đến quy hoạch, không có quy hoạch thì không thể phát triển được. Cơ sở hạ tầng rất quan trọng để phát triển điện khí, liên quan đến cả cảng nước sâu, phải có các quy chuẩn quốc tế. Cam kết bao tiêu điện đầu ra cũng đang là trở ngại đối với các dự án điện khí, như dự án điện khí ở Nghi Sơn (Thanh Hóa) là một ví dụ.

PGS.TS Đinh Trọng Thịnh, Chuyên gia kinh tế Học viện Tài chính, thảo luận tại diễn đàn. Ảnh: QUANG PHÚC

PGS.TS Đinh Trọng Thịnh, Chuyên gia kinh tế Học viện Tài chính, thảo luận tại diễn đàn. Ảnh: QUANG PHÚC

Trong quy hoạch điện VIII đã phê duyệt, tổng công suất nguồn điện đến năm 2030 là 150.000-160.000MW, gấp đôi tổng công suất đặt hiện nay. Như vậy, bảo đảm cung ứng điện và an ninh năng lượng quốc gia đến năm 2030 là thách thức rất lớn, bởi vừa phải tăng rất nhanh về quy mô, vừa phải chuyển đổi mạnh về cơ cấu để tiệm cận mục tiêu trung hòa carbon và phát triển cân đối các vùng miền, cân đối giữa nguồn và truyền tải.

Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050 (quy hoạch điện VIII) đã xác định nguồn nhiệt điện khí tái hóa từ LNG sẽ tăng tỷ trọng nguồn điện khí năm 2020 từ 10,2% (7,08GW) lên 32GW năm 2030, chiếm 21,8% tổng công suất toàn hệ thống phát điện quốc gia và là một trong các nguồn giúp đảm bảo cung cấp đủ, ổn định và an toàn hệ thống điện quốc gia.

Hiện nay, cả nước có 13 dự án điện LNG đã được Thủ tướng phê duyệt trong danh mục các dự án quan trọng, ưu tiên đầu tư của ngành điện tại quyết định 500/QĐ-TTg. Đây sẽ là một trong các nguồn giúp bảo đảm cung cấp đủ, ổn định và an toàn hệ thống điện quốc gia.

Tổng Biên tập Báo Sài Gòn Giải Phóng Tăng Hữu Phong trao đổi cùng các đại biểu tham dự diễn đàn. Ảnh: QUANG PHÚC

Tổng Biên tập Báo Sài Gòn Giải Phóng Tăng Hữu Phong trao đổi cùng các đại biểu tham dự diễn đàn. Ảnh: QUANG PHÚC

“Theo tôi, đã đến lúc cần hoàn thiện khung pháp lý, cơ chế quản lý cho các dự án đầu tư điện khí LNG theo hình thức đầu tư thông thường (IPP) để tạo điều kiện thu xếp tài chính cho các dự án điện khí LNG quy mô hàng tỷ USD. Cần rà soát và chỉnh sửa các quy định về thủ tục, trình tự đầu tư ở các Luật Đầu tư, Luật Đấu thầu, Luật Xây dựng, Luật Môi trường, Luật Quy hoạch tạo điều kiện cho việc hoàn thiện và phát triển điện khí LNG.

Sau hơn 3 giờ làm việc tích cực, Diễn đàn phát triển thị trường khí Việt Nam với chủ đề: “Phát triển điện khí hóa lỏng – Xu hướng tất yếu trong chính sách đảm bảo an ninh năng lượng” đã hoàn thành toàn bộ nội dung đã đề ra và thành công tốt đẹp. Đã có 5 tham luận được trình bày và nhiều ý kiến trao đổi, thảo luận.

Phát biểu bế mạc diễn đàn, Tổng Biên tập Báo Sài Gòn Giải Phóng Tăng Hữu Phong đánh giá cao những phát biểu đầy trách nhiệm, tâm huyết với nhiều nội dung có giá trị cao, tạo nên bức tranh rõ nét và thực tế hơn về tình hình thực hiện Nghị Quyết số 55 của Bộ Chính trị trong vấn đề phát triển điện khí hóa lỏng; chỉ rõ được những khó khăn, thách thức trong việc hoàn thành mục tiêu phát triển điện khí theo quy hoạch điện 8.

Tổng Biên tập Báo Sài Gòn Giải Phóng Tăng Hữu Phong phát biểu bế mạc diễn đàn. Ảnh: QUANG PHÚC

Tổng Biên tập Báo Sài Gòn Giải Phóng Tăng Hữu Phong phát biểu bế mạc diễn đàn. Ảnh: QUANG PHÚC

Đại diện các cơ quan quản lý, doanh nghiệp, chuyên gia cũng đã đưa ra nhiều giải pháp tháo gỡ các khó khăn, thực hiện hiệu quả mục tiêu phát triển điện khí hóa lỏng theo quy hoạch điện 8. Đồng chí Tăng Hữu Phong khẳng định, các đề xuất sẽ được Báo SGGP tổng hợp, chắt lọc và gửi tới các cơ quan chức năng liên quan, qua đó cùng thúc đẩy cải cách chính sách pháp luật nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong thực tế thị trường, thúc đẩy thị trường khí hóa lỏng phát triển.

Thay mặt Báo SGGP, đồng chí Tăng Hữu Phong trân trọng cảm ơn các ban, bộ, ngành, các nhà quản lý, chuyên gia, doanh nghiệp đã quan tâm tham dự và đóng góp cho diễn đàn; cảm ơn các phóng viên, nhà báo, cơ quan truyền thông đã tích cực đưa tin, truyền thông cho sự kiện; cảm ơn các đối tác đã đồng hành, hỗ trợ tổ chức thành công diễn đàn ngày hôm nay.

Ban tổ chức diễn đàn chụp ảnh lưu niệm cùng các nhà quản lý, chuyên gia kinh tế, doanh nghiệp... tham dự diễn đàn. Ảnh: QUANG PHÚC

Ban tổ chức diễn đàn chụp ảnh lưu niệm cùng các nhà quản lý, chuyên gia kinh tế, doanh nghiệp… tham dự diễn đàn. Ảnh: QUANG PHÚC


Danh sách các đại biểu tham dự diễn đàn:

Đại diện cơ quan lập pháp, cơ quan quản lý:

– Ông Phan Đức Hiếu, Ủy viên Thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc hội.

– Ông Bùi Quốc Hùng, Phó Cục trưởng Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo (Bộ Công thương)

Ông Hồ Công Trung, Phó Vụ trưởng Vụ Năng lượng, Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp

– Ông Đặng Hải Anh, Trưởng phòng Dầu khí, Vụ Than và Dầu khí (Bộ Công thương)

Các chuyên gia kinh tế:

Ông Nguyễn Đức Kiên, nguyên Tổ trưởng Tổ tư vấn Kinh tế của Thủ tướng

Ông Võ Trí Thành, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Chiến lược Thương hiệu và Cạnh tranh

Ông Ngọc Anh, Giám đốc Dữ liệu, Viện Dầu khí

Ông Nguyễn Anh Tuấn – nguyên Phó Viện trưởng Viện Năng lượng, Ủy viên Hiệp hội Năng lượng Việt Nam.

– Ông Nguyễn Hùng Dũng – Phó Chủ tịch, kiêm Tổng thư ký Hội Dầu khí Việt Nam

– Ông Ngô Trí Long, chuyên gia kinh tế

– Ông Vũ Đình Ánh, chuyên gia kinh tế Bộ Tài chính

– Ông Đinh Trọng Thịnh, chuyên gia tài chính

Đại diện doanh nghiệp:

Ông Huỳnh Quang Hải, Phó Tổng Giám đốc Tổng công ty Khí Việt Nam

Ông Phan Trung Kiên, đại diện Tập đoàn Điện lực Việt Nam

Đại diện đơn vị tổ chức:

– Ông Tăng Hữu Phong, Tổng Biên tập Báo Sài Gòn Giải Phóng

– Ông Nguyễn Khắc Văn, Phó Tổng Biên tập, Tổng Thư ký Tòa soạn Báo Sài Gòn Giải Phóng.

– Bà Bùi Thị Hồng Sương, Phó Tổng Biên tập Báo Sài Gòn Giải Phóng



Nguồn

Cùng chủ đề

Trao quà tết cho nhiều gia đình khó khăn trong chương trình Thư pháp từ thiện Xuân Giáp Thìn 2024

Ngày 4-2, Báo Sài Gòn Giải Phóng Hoa Văn, Hội Văn học Nghệ thuật các dân tộc thiểu số TPHCM và Hội quán Nhị Phủ cùng tổ chức hoạt động Thư pháp từ thiện Xuân Giáp Thìn 2024. Trong ngày hội lần thứ 14 này, ban tổ chức đặc biệt trao quà tết cho 16 hộ gia đình khó khăn cũng như nhận hỗ trợ hơn 244 triệu đồng từ các đơn vị, hội quán để thực hiện...

Trực tiếp Chương trình nghệ thuật truyền cảm hứng Giấc mơ Phù Đổng: Giai điệu tự hào, kết nối yêu thương

13/10/2023 18:38 Ngay bây giờ, tại Nhà hát Hòa Bình (quận 10, TPHCM), Chương trình nghệ thuật truyền cảm hứng Viet Nam Stronger mùa đầu tiên với chủ đề Giấc mơ Phù Đổng do Báo Sài Gòn Giải Phóng và Hội Doanh nhân Trẻ TPHCM (YBA) phối hợp tổ chức đang diễn ra, SGGP liên tục cập nhật...  https://www.youtube.com/watch?v=y4Chkj61tP4 Các nghệ sĩ cùng ê-kíp thực hiện chương trình đã có mặt tại Nhà hát Hòa Bình tham gia...

Chương trình nghệ thuật truyền cảm hứng Viet Nam Stronger: Thắp thêm yêu thương

SGGP 12/10/2023 05:47 Công tác xã hội luôn được xác định là một trong ba chân kiềng quan trọng trong hoạt động của Báo Sài Gòn Giải Phóng. Nhiều chương trình ý nghĩa thời gian qua đã thể hiện trách nhiệm xã hội của một tờ báo Đảng, tạo thêm cầu nối thiết thực với bạn đọc, các đơn vị, tổ chức, nhà hảo tâm. Chương trình nghệ thuật truyền cảm hứng Viet Nam Stronger mùa đầu tiên...

Cùng tác giả

Lớp học được mở trong… căn tin, ngoài vườn trường

Những lớp học được mở trong… căn tin, trên sân bóng đá, hay trên sân trường, trong vườn trường… tại Trường tiểu học Thuận Kiều, quận 12, TP.HCM đã mở rộng định nghĩa về một lớp học trong trường tiểu học, với Chương trình giáo dục phổ thông 2018. Học ở căn tin rất vui Lớp học, không chỉ là trong các bức tường với bảng và phấn; với các dãy bàn ghế được sắp xếp ngăn nắp một cách...

LA Sol – không gian sống rộng mở tại phía Tây Hồ Chí Minh

LA Sol – không gian sống rộng mở tại phía Tây Thành phố Hồ Chí MinhLA Sol là phân khu đầu tiên mở bán của LA home. Sở hữu những tiện ích đẳng cấp của toàn dự án: trung tâm thể dục thể thao, phòng tập gym, yoga, hồ bơi; tuyến phố mua sắm, ẩm thực … đáp ứng nhu cầu của cư dân LA Home – điểm dừng chân êm dịu Dự án LA Home hướng đến một không...

Bế mạc Đại hội đại biểu Hội Liên hiệp thanh niên Việt Nam TP.HCM

(HTV) - Sau gần 2 ngày làm việc, sáng 05/11, Đại hội đại biểu Hội Liên hiệp thanh niên Việt Nam TP.HCM lần thứ IX, nhiệm kỳ 2024 - 2029 diễn ra phiên bế mạc, tại Nhà Văn hóa Thanh niên TP.HCM. ...

Đoàn doanh nghiệp công nghệ hàng đầu Estonia đến Việt Nam, sẵn sàng góp sức trong nỗ lực chuyển đổi số

Đại sứ Hannes Hanso chia sẻ tại sự kiện giới thiệu về chuyến thăm của đoàn đại biểu Estonia tới Việt Nam. (Ảnh: Dương Dương) Được tổ chức bởi Trade Estonia thuộc Enterprise Estonia, phối hợp với Đại sứ quán Estonia tại Trung Quốc (kiêm nhiệm Việt Nam), chuyến công tác tới Việt Nam lần này nhằm nâng cao khả năng cạnh tranh quốc tế của Estonia, thúc đẩy sự phát triển của các doanh nghiệp và tìm kiếm cơ...

TP.Hồ Chí Minh: Họp mặt kỷ niệm 107 năm Cách mạng Tháng Mười Nga

(HCM CityWeb) - Sáng 5/11, Hội Hữu nghị Việt – Nga TP.Hồ Chí Minh phối hợp với Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Thành phố tổ chức lễ kỷ niệm 107 năm Cách Mạng Tháng 10 Nga vĩ đại (7/11/1917 – 7/11/2024). Biểu diễn văn nghệ tại buổi họp mặt kỷ niệm 107 năm Cách mạng Tháng Mười Nga    Phát biểu tại buổi...

Cùng chuyên mục

190 doanh nghiệp đạt Thương hiệu quốc gia Việt Nam năm 2024

(HCM CityWeb) – Tối 04/11/2024, tại Trung tâm Hội nghị quốc gia, diễn ra Lễ Công bố sản phẩm đạt Thương hiệu quốc gia Việt Nam năm 2024 với chủ đề “Vươn mình tiến vào Kỷ nguyên xanh”. Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu tại buổi lễ Công bố 190 doanh nghiệp đạt Thương hiệu quốc gia Việt Nam năm 2024. Ảnh: VGP  ...

Nâng cao chất lượng, hiệu quả hợp tác đầu tư nước ngoài

(HCM CityWeb) – Chủ tịch UBND Thành phố vừa chỉ đạo về tiêu chí thu hút đầu tư nước ngoài có chọn lọc theo đề nghị của Sở Kế hoạch và Đầu tư tại Công văn số 13925/SKHĐT-KTĐN ngày 10/10/2024. Nâng cao chất lượng, hiệu quả hợp tác đầu tư nước ngoài (Ảnh mingh họa) Theo đó, Chủ tịch UBND Thành phố thống nhất với đề xuất của...

Phát động thi đua “50 ngày đêm hoàn thành nhiệm vụ đưa tuyến đường sắt đô thị số 1 vận hành chính thức trong...

(HCM CityWeb) – Sáng 28/10, Ban Quản lý đường sắt đô thị phát động thi đua cao điểm 50 ngày đêm hoàn thành các công việc để đưa tuyến metro số 1 (Bến Thành - Suối Tiên) vận hành chính thức trong năm 2024. Ông Phan Công Bằng, Trưởng Ban Quản lý đường sắt đô thị TP.Hồ Chí Minh, phát động thi đua cao điểm 50 ngày đêm hoàn...

24/10 – 5/11: Diễn đàn mùa Thu Thành phố Hồ Chí Minh – Hoa Kỳ năm 2024

(HCM CityWeb) – Nhằm tăng cường, phát triển quan hệ hợp tác giữa Thành phố Hồ Chí Minh và các địa phương trọng điểm, kết nghĩa của Hoa Kỳ, góp phần nâng cao hiệu quả hội nhập kinh tế quốc tế, thúc đẩy kinh tế phát triển nhanh và bền vững, UBND TP.Hồ Chí Minh ban hành Kế hoạch tổ chức Diễn đàn mùa Thu Thành phố Hồ Chí Minh - Hoa Kỳ năm 2024. ...

Thực hiện hiệu quả chuyển đổi số và Nghị quyết số 98 của Quốc hội

(HCM CityWeb) – Sáng 24/10, đoàn giám sát của Thường trực HĐND Thành phố Hồ Chí Minh do ông Phạm Thành Kiên, Phó Chủ tịch Thường trực HĐND Thành phố làm trưởng đoàn, đã có buổi giám sát việc triển khai, thực hiện chủ đề năm 2024: “Quyết tâm thực hiện hiệu quả chuyển đổi số và Nghị quyết số 98/2023/QH15 của Quốc hội” đối với Sở Tài chính, Sở Công Thương, Cục Thuế TP.Hồ Chí...

TP.Hồ Chí Minh đề xuất một số giải pháp quản lý, thúc đẩy phát triển Thương mại điện tử

(HCM CityWeb) – Ngày 23/10, Sở Công Thương TP.Hồ Chí Minh vừa có văn bản đề xuất Bộ Công Thương một số giải pháp quản lý, thúc đẩy phát triển thương mại điện tử (TMĐT) trong bối cảnh hiện nay xuất hiện nhiều dấu hiệu vi phạm trên các nền tảng TMĐT. Các sàn TMĐT vị phạm vi phạm quy định trong hoạt động xúc tiến thương mại ...

Khai mạc Triển lãm Quốc tế Vietbuild “Xây dựng – Công nghiệp và trang trí nội ngoại thất”

(HCM CityWeb) - Ngày 23/10, tại Nhà thi đấu Thể dục Thể thao Phú Thọ diễn ra khai mạc Triển lãm Quốc tế Vietbuild lần thứ 4 với chủ đề “Xây dựng - Công nghiệp và trang trí nội ngoại thất”. Tìm hiểu các sản phẩm trưng bày tại Triển lãm quốc tế Vietbuild 2024   Triển lãm có quy mô hơn 1.000 gian...

SATRA cần tập trung lãnh đạo các DN thành viên đẩy mạnh hoạt động sản xuất kinh doanh

(HCM CityWeb) - Ngày 22/10, Hội nghị Ban Chấp hành Đảng bộ lần thứ 19, Khóa VI, nhiệm kỳ 2020-2025 (phiên mở rộng) sơ kết tình hình thực hiện Nghị quyết 9 tháng và triển khai phương hướng nhiệm vụ 3 tháng cuối năm 2024 do Đảng ủy Tổng Công ty Thương mại Sài Gòn TNHH MTV (SATRA) tổ chức đã diễn ra. Phó Chủ tịch UBND Thành phố Nguyễn Văn Dũng đã đến dự. ...

Phê duyệt Nhiệm vụ thiết kế và Quy chế thi tuyển Phương án kiến trúc hạng mục: Nút giao thông Bình Thái

(HCM CityWeb) – Ngày 21/10, Chủ tịch UBND Thành phố Hồ Chí Minh ban hành 2 Quyết định phê duyệt Nhiệm vụ thiết kế và Quy chế thi tuyển “Phương án kiến trúc hạng mục: Nút giao thông Bình Thái thuộc dự án thành phần 1: Xây dựng Vành đai 2 Thành phố, đoạn từ cầu Phú Hữu đến đường Võ Nguyên Giáp, thành phố Thủ Đức”. Nút giao thông Bình Thái. Ảnh: Tuổi Trẻ Theo...

Ủy ban Kinh tế lo ngại giá nhà đất cao, vượt quá khả năng chi trả của người dân

Tại phiên khai mạc Quốc hội sáng 21-10, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh trình bày thẩm tra về báo cáo của Chính phủ, đã cho rằng, năm 2024, vượt qua khó khăn, thách thức, kinh tế - xã hội nước ta tiếp tục xu hướng phục hồi và phát triển, đạt được nhiều kết quả quan trọng, toàn diện trên tất cả các lĩnh vực; dự kiến đạt và vượt 14/15 chỉ...

Tin nổi bật

Tin mới nhất