Thành lập nhóm điều phối truyền thông
Tại tọa đàm, đồng chí Phạm Phương Thảo, nguyên Phó Bí thư Thành ủy, nguyên Chủ tịch HĐND TPHCM đã chỉ ra sự năng động của báo chí thời gian qua trong tuyên truyền các nghị quyết dành cho TPHCM, như đã phối hợp tổ chức tọa đàm, hội thảo, các cuộc thi hiến kế để thực hiện tốt hơn nghị quyết. Qua đó làm sâu sắc hơn các khía cạnh nghị quyết đề cập, góp phần kiến tạo các giải pháp tháo gỡ khó khăn khi triển khai, thực hiện nghị quyết.
Theo dõi sát sao hoạt động báo chí tại TPHCM, nhà báo Trần Trọng Dũng, Phó Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam, phụ trách phía Nam, nhìn nhận, TPHCM đã làm rất tốt công tác cung cấp thông tin cho báo chí, tuy nhiên cần chủ động cung cấp qua nhiều kênh hơn nữa để các cơ quan báo chí dễ dàng tiếp cận.
Nhà báo Trần Trọng Dũng gợi ý, Hội Nhà báo TPHCM cần nghiên cứu thành lập nhóm điều phối, tập hợp các Phó tổng biên tập phụ trách nội dung và Thư ký tòa soạn của các cơ quan báo, đài chủ lực. Nhóm điều phối sẽ phối hợp với các cơ quan quản lý báo chí chủ động xây dựng kế hoạch truyền thông chung cho các cơ quan báo chí, định hướng các vấn đề trọng tâm từng tháng, từng quý để duy trì nhịp độ truyền thông.
Ở góc độ cơ quan báo chí, nhà báo Mai Ngọc Phước, Tổng Biên tập Báo Pháp luật TPHCM, cho rằng, hiện các cơ quan báo chí tiếp cận nguồn tin khó khăn, các sở, ngành thành phố cung cấp thông tin chậm, chưa đầy đủ. Theo nhà báo Mai Ngọc Phước, hiện chủ yếu là chuyên gia xuất hiện trên mặt báo, ít thông tin có sự góp mặt của lãnh đạo thành phố. Trong khi đó, việc lãnh đạo thành phố xuất hiện trong nguồn tin sẽ tạo uy tín rất cao cho thông tin, tăng sức thuyết phục đối với người dân, giúp việc truyền thông chính sách đến nhân dân hiệu quả hơn.
Trong tham luận gửi đến tọa đàm, Ban Biên tập Báo Sài Gòn Giải Phóng đã nêu bật các giải pháp trong tuyên truyền chính sách và đề xuất các cơ quan tham mưu, giúp việc cho Thành ủy, HĐND, UBND TPHCM làm tốt hơn nữa việc giữ mối liên hệ thường xuyên, trao đổi, chia sẻ, cung cấp thông tin kịp thời cho cơ quan báo chí về những vấn đề liên quan đến các nghị quyết của Đảng.
Trong đó bao gồm cả kết quả chỉ đạo của các cấp ủy từ thành phố đến cơ sở trong việc xử lý vấn đề, vụ việc từ phản ánh của báo chí, để báo chí kịp thời phản hồi cho bạn đọc, góp phần củng cố niềm tin của cán bộ, đảng viên và người dân đối với tổ chức đảng, chính quyền các cấp của thành phố.
Đổi mới nội dung, hình thức tuyên truyền
Tại tọa đàm, nhiều đại biểu đã đề cập đến cơ chế “đặt hàng” báo chí trong truyền thông chính sách. Nhà báo Nguyễn Ngọc Toàn, Tổng Biên tập Báo Thanh Niên, dẫn chứng, Chỉ thị 07 của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường công tác truyền thông chính sách, đã cho cơ chế và thực tế TPHCM đã áp dụng nhiều năm trước.
Tuy nhiên, thủ tục của cơ chế “đặt hàng” cần thông thoáng hơn, tập trung vào các cơ quan báo chí chủ lực, giúp báo chí có thêm nguồn lực, phát huy vai trò dẫn dắt trong truyền thông chính sách.
Nhấn mạnh những chính sách mới luôn tạo ra tranh luận trái chiều, nhà báo Nguyễn Ngọc Toàn cho rằng, việc chủ động cung cấp thông tin giữ vai trò quyết định đến thành công của truyền thông chính sách. Do vậy, định hướng thông tin phải rõ ràng và có chiều sâu, kế hoạch dài hơi, nội dung cụ thể, thời điểm phù hợp. Người phát ngôn báo chí phải am hiểu và tâm huyết với những chính sách mà sở ngành, địa phương mình quản lý. “Việc cung cấp thông tin cần chủ động, nhất quán và xuyên suốt, tránh tình trạng khi xin cơ chế thì niềm nở với báo chí, xin được rồi thì dửng dưng, thờ ơ, né tránh”, nhà báo Nguyễn Ngọc Toàn bày tỏ.
Trao đổi với các đại biểu, Giám đốc Sở TT-TT TPHCM Lâm Đình Thắng cho biết, thời gian qua, sở và Hội Nhà báo TPHCM rất cố gắng trong kết nối, cung cấp thông tin cho báo chí, tuy nhiên vấn đề chất lượng nguồn thông tin hiện vẫn khó khăn.
Theo ông Lâm Đình Thắng, các cơ quan chuyên môn tham mưu một nội dung nào đó thì họ phải chủ động cung cấp thông tin cho báo chí trước khi ban hành và trong quá trình thực hiện, triển khai chính sách, song thực tế nguồn tin từ các cơ quan này hiện rất yếu. Ông Lâm Đình Thắng mong muốn các sở, ngành, cơ quan báo chí trao đổi thêm để có giải pháp trong chủ động cung cấp thông tin truyền thông chính sách.
Kết luận tọa đàm, Ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng Ban Tuyên giáo Thành ủy TPHCM Phan Nguyễn Như Khuê ghi nhận, tọa đàm đã nêu bật vai trò quan trọng của các cơ quan báo chí, xuất bản trong công tác truyền thông. Qua đó khẳng định, báo chí, xuất bản không chỉ là kênh để Đảng bộ, chính quyền thành phố, các ngành, các cấp tiếp nhận góp ý và sáng kiến từ chuyên gia, doanh nghiệp, người dân, mà còn có trách nhiệm lớn trong việc thông tin, tuyên truyền, tạo sự đồng thuận xã hội.
Từ đó phát huy ý chí, quyết tâm, đoàn kết, năng động, sáng tạo của nhân dân; nâng cao ý thức, trách nhiệm, dám nghĩ, dám làm vì lợi ích chung của các cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền, MTTQ, các tổ chức chính trị – xã hội và đội ngũ cán bộ, đảng viên để thực hiện các nghị quyết đạt hiệu quả cao nhất.
Đồng chí Phan Nguyễn Như Khuê cũng yêu cầu các cơ quan báo chí, xuất bản nghiên cứu đổi mới nội dung và hình thức tuyên truyền để truyền tải thông tin đơn giản, dễ hiểu, dễ nghe, dễ đi vào lòng dân; tránh các sai lệch, hiểu lầm của người dân và cộng đồng, tránh xảy ra khủng hoảng truyền thông. Đồng thời, tích cực tuyên truyền những mô hình, cách làm hay, sáng tạo liên quan đến quá trình triển khai thực hiện các nghị quyết về phát triển TPHCM, qua đó nhân rộng, cổ vũ, biểu dương; thúc đẩy, khơi gợi xây dựng và lan tỏa tinh thần đổi mới sáng tạo trong cộng đồng.
Tại tọa đàm, Chủ tịch Hội Nhà báo TPHCM Nguyễn Tấn Phong cho biết, tọa đàm là diễn đàn thảo luận nhằm tìm giải pháp tuyên truyền để các tổ chức đảng, cơ quan, đơn vị, cán bộ, đảng viên, đoàn viên, hội viên và nhân dân có được thông tin đầy đủ, sinh động nội dung của các nghị quyết về phát triển TPHCM; các cơ chế, chính sách đặc thù để phát triển thành phố. Ban tổ chức tọa đàm đã nhận được 65 bài tham luận của các đồng chí lãnh đạo, nguyên lãnh đạo thành phố; chuyên gia từ các cơ quan nghiên cứu, giảng dạy; sở ngành, quận, huyện và TP Thủ Đức; lãnh đạo các cơ quan báo chí, xuất bản Trung ương và TPHCM.
Ông TRẦN THẾ THUẬN, Giám đốc Sở VH-TT TPHCM: Tăng cường kết nối, tương tác cùng phóng viên báo đài
Thời gian qua, Sở VH-TT đã xây dựng chương trình “cà phê báo chí”, mời các phóng viên báo đài đến cùng trao đổi và lắng nghe những vấn đề trong tháng của sở. Tại đây, các phóng viên báo đài có thể đặt câu hỏi với lãnh đạo sở. Song, thực tế mô hình này chưa được như kỳ vọng.
Thời gian tới, Sở VH-TT sẽ nghiên cứu tổ chức mô hình này hiệu quả hơn, kết nối tốt hơn với phóng viên các cơ quan báo đài để lắng nghe, trao đổi, đóng góp về những vấn đề liên quan đến văn hóa – thể thao ở thành phố một cách nhanh chóng, kịp thời thông tin đến người dân.
ThS THÁI THU HOÀI, Trường Đại học Văn hóa TPHCM: Đổi mới, sáng tạo về hình thức của xuất bản phẩm
Hiện nay, các loại sách lý luận chính trị thường được thiết kế truyền thống khá đơn điệu về mặt hình thức, khó thu hút được sự chú ý của bạn đọc, đặc biệt là bạn đọc trẻ. Cùng với đặc điểm về nội dung là chuyển tải các văn bản thể hiện chủ trương, đường lối, chính sách, quy định, đòi hỏi người đọc phải có trình độ nhận thức nhất định mới tiếp cận được.
Để phát huy vai trò tuyên truyền, phổ biến các nghị quyết về phát triển thành phố của xuất bản phẩm, các nhà xuất bản tham gia xuất bản thể loại sách này cần mở rộng đối tượng đọc bằng sự đổi mới, sáng tạo về hình thức xuất bản phẩm để phù hợp với từng nhóm đối tượng như đảng viên, cán bộ, công chức, viên chức, người dân lao động…