SGGP
Nghị quyết số 23-NQ/TƯ ngày 16-6-2008 của Bộ Chính trị (khóa X) về tiếp tục xây dựng và phát triển văn học, nghệ thuật trong thời kỳ mới đã đi vào cuộc sống qua 15 năm, đem lại những chuyển động tích cực cho nền văn hóa Việt Nam nói chung và TPHCM nói riêng.
Đồng chí Dương Anh Đức, Phó Chủ tịch UBND TPHCM, phát biểu tại hội nghị. Ảnh: DŨNG PHƯƠNG |
Xây dựng hệ sinh thái công nghiệp văn hóa
Trình bày tham luận tại hội nghị, bà Nguyễn Thị Thanh Thúy, Phó Giám đốc Sở VH-TT TPHCM, cho biết: “Chiến lược phát triển các ngành công nghiệp văn hóa (CNVH) đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030, xác định văn học nghệ thuật (VHNT) cần được khai thác một cách hiệu quả yếu tố kinh tế, đem lại sức mạnh cho sự phát triển đất nước. Các ngành CNVH chiếm 3,61% GDP (năm 2019)…, song vẫn còn nhiều điểm nghẽn. TPHCM có tiềm năng sáng tạo lớn cho CNVH nhưng cần thay đổi nhận thức xã hội về các ngành CNVH như coi trọng vấn đề thị trường, khán giả, bản quyền, kỹ năng kinh doanh, xây dựng thương hiệu, phối hợp giữa các lĩnh vực…, từ đó khơi thông dòng chảy VHNT. Để xây dựng một nền CNVH thực thụ, chính các tác giả phải ý thức sáng tạo tác phẩm có chất lượng nghệ thuật cao, có tính nhân văn sâu sắc. Các tác phẩm sau khi ra đời phải được bảo vệ, phản biện tích cực, để chúng được tiếp cận thị trường hiệu quả”.
Và để chạm đến nền công nghiệp giải trí chuyên nghiệp, các chuyên gia quốc tế và trong nước đều chung nhận định rằng: Tuy có nhiều bứt phá mạnh mẽ nhưng một số lĩnh vực VHNT của TPHCM vẫn chưa được gọi là những ngành công nghiệp đúng nghĩa, chúng ta vẫn xem các sáng tác là tác phẩm nghệ thuật đơn thuần mà không quan tâm quá trình vận hành của một sản phẩm nghệ thuật chuyên nghiệp.
“Trong giai đoạn 2021-2030, TPHCM cần tập trung triển khai thực hiện các nhiệm vụ cơ bản, đồng thời xây dựng được một hệ sinh thái các lĩnh vực CNVH phát triển để đáp ứng những nội dung cơ bản sau: bảo vệ bản quyền một cách thật sự hiệu quả, xây dựng được chiến lược phát hành sản phẩm phù hợp, nâng cao hiệu quả doanh thu từ hoạt động nghệ thuật biểu diễn và điện ảnh”, bà Nguyễn Thị Thanh Thúy chia sẻ thêm.
VHNT phải là sản phẩm cho đối ngoại
Sức lan tỏa của những tác phẩm VHNT rất lớn. VHNT là một trong những con đường ngắn nhất đi vào lòng người, đi đến bè bạn năm châu. Những năm qua, VHNT TPHCM đã cố gắng nhiều nhưng chưa đáp ứng nhu cầu, còn rất vắng bóng trên văn đàn nước ngoài. Do đó, bạn bè quốc tế hiểu Việt Nam về kinh tế nhiều hơn hiểu về VHNT.
Bà Dương Cẩm Thúy, Chủ tịch Hội Điện ảnh TPHCM, phân tích: “Chúng ta phải phấn đấu để các tác phẩm VHNT được quảng bá, xuất khẩu ra nước ngoài như một sản phẩm hàng hóa. Đó là phải thực hiện thành công CNVH ở thành phố. Kinh nghiệm quốc tế cho thấy, tốc độ tăng trưởng của các ngành CNVH hàng năm cao hơn 2 lần so với ngành công nghiệp dịch vụ và gấp 4 lần so với lĩnh vực sản xuất ở các nước phát triển và được định vị như một lĩnh vực kinh tế chủ chốt, tạo ra ưu thế cạnh tranh tổng thể, thúc đẩy sự đổi mới, cũng như tạo sự cân bằng, đa dạng hơn cho nền kinh tế. Chúng ta có Nghị quyết số 23, Nghị quyết 33 và 2 chương trình hành động số 45-CTrHĐ/TU làm nền tảng vững chắc để phát triển VHNT một cách toàn diện. Việc cần làm hiện nay là phải có chiến lược phát triển văn hóa một cách toàn diện, sao cho có nhiều tác phẩm mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc, không để lạc hậu với trào lưu hiện đại; cách tân, nhưng vẫn giữ giá trị của nền văn hóa dân tộc, lưu giữ những tinh hoa ông bà để lại. Qua đó cho thế giới hiểu biết về con người và thành phố chúng ta; con người và đất nước Việt Nam của chúng ta”.
Với TPHCM, là trung tâm lớn của đất nước nên có trách nhiệm cũng như điều kiện rất lớn trong công tác đối ngoại VHNT. Cần đầu tư toàn diện để có nhiều tác phẩm VHNT mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc, không để lạc hậu với trào lưu hiện đại, cách tân nhưng vẫn giữ giá trị của nền văn hóa dân tộc, những tinh hoa ông bà để lại, qua đó cho thế giới hiểu biết về con người và thành phố chúng ta… Đó là mục tiêu trước mắt, còn đường dài phải tính được lời giải cho bài toán phát triển ngành CNVH.
* Đồng chí NGUYỄN HỒ HẢI, Phó Bí thư Thành ủy TPHCM: Phát triển VHNT trong thời kỳ mới gắn với bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống dân tộc
VHNT có vai trò rất quan trọng đối với đời sống xã hội và với sự phát triển chiến lược văn hóa của dân tộc trước dòng chảy toàn cầu hóa, hiện đại hóa. Là một trung tâm lớn của cả nước về kinh tế – văn hóa, TPHCM có vai trò, trách nhiệm tiếp tục phát triển VHNT một cách toàn diện, phấn đấu có nhiều tác phẩm có giá trị cao về nội dung, tư tưởng, nghệ thuật, góp phần vào sự nghiệp phát triển VHNT trong giai đoạn mới của đất nước.
Xây dựng, phát triển nền VHNT trong thời kỳ mới trên cơ sở bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống dân tộc, gắn với tiếp thu cái mới; quản lý, chế tài ngăn chặn, xử lý các hoạt động vi phạm pháp luật trong sáng tác, truyền bá sản phẩm VHNT có nội dung, tư tưởng, nghệ thuật thiếu tính định hướng, ảnh hưởng xấu đến xã hội; nâng cao trách nhiệm, quản lý, trong việc thẩm định, đánh giá, quyết định, công bố, biểu diễn, phát hành các tác phẩm VHNT. Củng cố hành lang pháp lý nhằm quyết liệt ngăn chặn, đẩy lùi và xử lý nghiêm các hoạt động sáng tác, các chương trình truyền hình, gameshow… truyền bá những sản phẩm VHNT có nội dung, tư tưởng tiêu cực.
* Đồng chí DƯƠNG ANH ĐỨC, Phó Chủ tịch UBND TPHCM: Bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa vật thể, phi vật thể trên địa bàn thành phố gắn phát triển VHNT
Tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền Nghị quyết số 23, Chương trình hành động số 45-CTr/TU và các kết luận, chỉ thị, văn bản chỉ đạo của Trung ương có liên quan đến hoạt động VHNT. Nâng cao năng lực, trình độ lãnh đạo, quản lý, nhận thức của các cấp ủy Đảng, chính quyền về VHNT; sắp xếp, củng cố tổ chức theo hướng nâng cao năng lực lãnh đạo của các đơn vị sự nghiệp trên lĩnh vực văn hóa nghệ thuật; xây dựng kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng, quy hoạch cán bộ đáp ứng nhu cầu nâng cao hiệu quả hoạt động VHNT, hàng năm đưa kế hoạch phát triển VHNT vào kế hoạch phát triển của thành phố. Triển khai việc nghiên cứu xây dựng và tổ chức thực hiện có kết quả “Đề án phát triển VHNT TPHCM đến năm 2030, định hướng đến năm 2035”. Trong đó, có việc thực hiện công tác bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa vật thể, phi vật thể trên địa bàn thành phố; gắn phát triển VHNT với giữ gìn các giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của dân tộc. Đẩy mạnh hoạt động liên kết vùng, liên kết các địa phương, các ngành, đơn vị, nhằm phát huy nguồn lực, tăng cường trao đổi, giao lưu, học tập góp phần đa dạng hóa các hoạt động VHNT.