Ngày 27/8, tại trụ sở Trung ương Đảng, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm, Trưởng Tiểu ban Văn kiện Đại hội XIV của Đảng đã chủ trì cuộc họp của Tiểu ban Văn kiện Đại hội XIV của Đảng cho ý kiến vào dự thảo Báo cáo chính trị do Tổ Biên tập xây dựng trên cơ sở Đề cương chi tiết Báo cáo chính trị đã được Hội nghị lần thứ 9, Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII thông qua.
Báo Thế giới và Việt Nam trân trọng giới thiệu nội dung phát biểu của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm tại cuộc họp:
Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm chủ trì họp Tiểu ban Văn kiện Đại hội XIV của Đảng. (Nguồn: TTXVN) |
“Thưa toàn thể các đồng chí,
Để chuẩn bị cho Đại hội lần thứ XIV của Đảng, chúng ta có hai việc rất hệ trọng, đó là Dự thảo các văn kiện trình Đại hội và chuẩn bị nhân sự cho Đại hội. Thời gian từ nay đến Đại hội Đảng không còn nhiều, vì vậy, Lãnh đạo chủ chốt và Bộ Chính trị đã thống nhất từ nay đến cuối năm phải tập trung ưu tiên cho hai nhiệm vụ kể trên.
Tại Hội nghị Trung ương 9 vừa qua, Trung ương đã cho ý kiến vào Đề cương chi tiết Báo cáo Chính trị, Báo cáo tổng kết 40 năm Đổi mới, Báo cáo phát triển kinh tế-xã hội và các báo cáo khác trình Đại hội XIV của Đảng. Dự thảo của các báo cáo này sẽ được trình Hội nghị Trung ương 10.
Qua nghiên cứu dự thảo Báo cáo Chính trị cùng Tờ trình và nghe báo cáo của đồng chí Nguyễn Xuân Thắng, Tôi nhất trí với phương pháp tổ chức triển khai công việc của Tổ biên tập Văn kiện. Trong thời gian qua, Tổ biên tập đã làm việc với tinh thần chủ động, trách nhiệm, khẩn trương và cho đến hôm nay, chúng ta đã có bản dự thảo Báo cáo chính trị lần thứ 6. Bản dự thảo đã bám sát đề cương chi tiết được Hội nghị Trung ương 9 cho ý kiến và những chỉ đạo của Thường trực Tiểu ban văn kiện trong cuộc họp vừa qua.
Thưa các đồng chí,
Đại hội lần thứ XIV của Đảng sẽ là một dấu mốc quan trọng trên con đường phát triển của đất nước và dân tộc ta. Đại hội có nhiệm vụ kiểm điểm việc thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, tổng kết 40 năm tiến hành công cuộc đổi mới đất nước theo định hướng xã hội chủ nghĩa; 35 năm thực hiện Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội; quyết định phương hướng, mục tiêu, nhiệm vụ của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta trong 5 năm tới (2026-2030), tiếp tục thực hiện Chiến lược phát triển kinh tế-xã hội 10 năm (2021-2030); hướng tới dấu mốc đất nước ta 100 năm dưới sự lãnh đạo của Đảng; tạo nền tảng để hiện thực hóa tầm nhìn đến năm 2045, kỷ niệm 100 năm thành lập nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, nay là nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.
Trước những mốc son có tính bước ngoặt lịch sử này, cán bộ, đảng viên và nhân dân đang rất trông đợi, kỳ vọng lớn vào những quyết sách mới, mạnh mẽ và sáng suốt của Đảng mang tính đột phá. Bởi vậy, Báo cáo chính trị lần này có ý nghĩa rất quan trọng, phải thật sự có chất lượng, thật sự là cơ sở định hướng cho các văn kiện khác, thậm chí là “ánh sáng soi đường” cho những kỳ Đại hội tiếp theo.
So với bản dự thảo gửi trình cuộc họp của Thường trực Tiểu ban văn kiện, chất lượng dự thảo báo cáo lần này đã được nâng lên rõ rệt: ngắn gọn hơn, các nội dung tổng kết 40 năm đổi mới súc tích hơn, tiếp thu được những kết quả mới nhất từ bản dự thảo Báo cáo Tổng kết 40 năm đổi mới, các nội dung về định hướng, nhiệm vụ trọng tâm và đột phá chiến lược cũng được trình bày ngắn gọn, rõ ràng, mạch lạc hơn trước. Để tiếp tục hoàn thiện dự thảo Báo cáo chính trị đáp ứng yêu cầu cả về chất lượng và tiến độ, như đã trao đổi trong cuộc họp với Thường trực Tiểu ban văn kiện, tôi xin tiếp tục nhấn mạnh một số vấn đề có tính gợi mở sau:
Thứ nhất, thống nhất nhận thức về khởi điểm lịch sử mới, kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của Dân tộc Việt Nam, sau 40 năm tiến hành công cuộc đổi mới; từ đó có nhận thức đúng về tầm vóc và ý nghĩa lịch sử của Đại hội Đảng lần thứ XIV và Báo cáo chính trị trình Đại hội.
Báo cáo chính trị là báo cáo trung tâm phải bảo đảm kết tinh toàn bộ tinh hoa, giá trị của quá khứ, hiện tại và tương lai. Nội dung báo cáo phải thể hiện ở tầm quan điểm, chủ trương; phải tổng kết, đánh giá rõ kết quả, thành tựu đã đạt được trong nhiệm kỳ khóa XIII và 40 năm đổi mới cùng nguyên nhân, bài học kinh nghiệm; đặc biệt, là làm rõ những kết quả mới, những cách làm mới, những nền tảng đã được tạo dựng; phát hiện, tìm tòi những chủ trương, nhiệm vụ, giải pháp đang xuất hiện có sức sống từ trong thực tiễn, từ những nhân tố mới của thực tiễn; những chủ trương, chính sách được thực tế khẳng định là đúng đắn, phù hợp hoặc cần tiếp tục đổi mới, bổ sung, phát triển.
Báo cáo chính trị cần khơi dậy được lòng tự hào, tự tin của cán bộ, đảng viên và nhân dân vào đường lối đúng đắn, sáng suốt của Đảng, vào mục tiêu và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội mà Bác Hồ kính yêu và toàn thể dân tộc ta đã lựa chọn.Báo cáo chính trị lần này phải rút ra những điểm mới, nổi bật; đúc kết từ những vấn đề lý luận-thực tiễn mới của đất nước. Cần đánh giá đầy đủ về cơ hội và thách thức, những vấn đề đặt ra trong bối cảnh quốc tế phức tạp hiện nay; từ đó xác định rõ quan điểm, tầm nhìn, mục tiêu và định hướng phát triển, những nhiệm vụ trọng tâm và đột phá chiến lược để tạo bước phát triển mạnh mẽ cho đất nước trong giai đoạn mới.
Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm phát biểu kết luận cuộc họp. (Nguồn: TTXVN) |
Thứ hai, tiếp tục quán triệt sâu sắc những tư tưởng chỉ đạo của đồng chí cố Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng; đặc biệt là ba nguyên tắc cơ bản trong việc xây dựng văn kiện: kiên định và đổi mới; kế thừa và phát triển; kết hợp nhuần nhuyễn giữa lý luận và thực tiễn, giữa nghiên cứu lý luận, tổng kết thực tiễn với định hướng chính sách.
Trong đó, kiên định hệ quan điểm chỉ đạo mang tính nguyên tắc là: Kiên định và vận dụng, phát triển sáng tạo chủ nghĩa Marx-Lenin, tư tưởng Hồ Chí Minh và lý luận về đường lối đổi mới của Đảng; kiên định mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội; kiên định các nguyên tắc xây dựng Đảng để xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa. Kiên định đi đôi với đổi mới, sáng tạo nhưng phải có nguyên tắc, không tùy tiện, nóng vội, vừa thận trọng, kỹ lưỡng, song không quá cầu toàn, làm mất thời cơ. Tổng kết 40 năm đổi mới lần này, chúng ta đã cơ bản hoàn thiện, đã đưa ra lý luận về đường lối đổi mới của Đảng và cần coi đây là cơ sở để chúng ta đề xuất, bổ sung lý luận về đường lối Đổi mới vào trong nền tảng tư tưởng của Đảng.
Trên cơ sở những nguyên tắc nêu trên, chúng ta có thể xác định một số quan điểm, định hướng lớn, các nhiệm vụ trọng tâm và đột phá chiến lược trong giai đoạn mới, đó là:
– Tiếp tục đẩy mạnh đồng bộ, toàn diện công cuộc đổi mới, phát triển nhanh và bền vững đất nước trên quan điểm phát triển kinh tế, xã hội, bảo vệ môi trường là trung tâm, xây dựng Đảng là then chốt, phát triển văn hóa là nền tảng, bảo đảm quốc phòng, an ninh và đẩy mạnh đối ngoại là trọng yếu, thường xuyên. Xây dựng, phát triển đất nước trên tinh thần “ tự chủ, tự tin, tự lực, tự cường, tự hào dân tộc.”
– Giữ vững độc lập, tự chủ; bảo đảm cao nhất lợi ích quốc gia, dân tộc trên cơ sở các nguyên tắc cơ bản của luật pháp quốc tế; bảo vệ vững chắc Tổ quốc xã hội chủ nghĩa từ sớm, từ xa; kiên trì đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, đa phương hóa, đa dạng hóa, là bạn, là đối tác tin cậy, là thành viên tích cực, có trách nhiệm trong cộng đồng quốc tế.
– Kiên định lập trường, quan điểm và thực hành “Dân là gốc,” “Nhân dân là chủ thể, trung tâm của công cuộc đổi mới”; xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của Nhân dân, do Nhân dân, vì Nhân dân, do Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo.
– Xây dựng, hoàn thiện đồng bộ thể chế phát triển đất nước; đổi mới đồng bộ thể chế kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội, bảo vệ môi trường; tập trung tháo gỡ khó khăn, vướng mắc về thể chế phát triển. Tăng cường liên kết vùng, mở rộng không gian phát triển; thúc đẩy các quá trình chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, chuyển đổi năng lượng. Phát triển con người toàn diện; xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, thực sự là sức mạnh nội sinh, động lực quan trọng để phát triển đất nước.
– Tiếp tục đẩy mạnh xây dựng, chỉnh đốn Đảng thật sự trong sạch, vững mạnh; kiên quyết, kiên trì phòng, chống tham nhũng, tiêu cực với phương châm “không ngừng,” “không nghỉ,” đưa cuộc chiến chống “giặc nội xâm” tới thắng lợi cuối cùng.
Thứ ba, Báo cáo chính trị của Đại hội XIV của Đảng phải là sản phẩm, là công trình kết tinh trí tuệ tập thể của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân, cho nên phải phát huy dân chủ và trí tuệ tập thể, phải có sự tham gia đóng góp của các cơ quan, ban, ngành Trung ương và các địa phương, các tổ chức chính trị-xã hội và Nhân dân; tranh thủ sự tham gia đóng góp của các đồng chí nguyên lãnh đạo, của giới trí thức, các nhà nghiên cứu, quản lý; chú trọng khai thác kết quả nghiên cứu khoa học ở trong nước và quốc tế.
Thưa các đồng chí,
Công việc của Tiểu ban Văn kiện cũng như Tổ biên tập Văn kiện sắp tới còn rất lớn, thời gian từ nay đến Hội nghị Trung ương 10 không còn nhiều, đòi hỏi phải có sự nỗ lực rất cao để tiếp tục hoàn thiện dự thảo Báo cáo chính trị. Đề nghị các đồng chí tiếp tục dành thời gian, tâm sức thỏa đáng để hoàn thành công việc cực kỳ quan trọng và nhiều ý nghĩa này với chất lượng cao nhất và đúng tiến độ.
Tôi xin trân trọng cảm ơn và chúc sức khỏe các đồng chí”.