Bộ trưởng Bộ TN&MT Đỗ Đức Duy phát biểu tại Hội nghị. (Ảnh: Bích Liên) |
Ngày 14/11, tại Hà Nội, Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) cùng với Ủy ban Khoa học công nghệ và Môi trường của Quốc hội và UBND TP Hà Nội chủ trì Hội nghị “Thúc đẩy thực hiện các giải pháp giảm thiểu ô nhiễm không khí tại các đô thị lớn của Việt Nam”.
Hội nghị có sự tham gia của đại diện 12 bộ, ngành; 02 thành phố lớn là Hà Nội và TP Hồ Chí Minh; 13 địa phương các tỉnh, thành phố khu vực phía Bắc; cùng gần 20 chuyên gia, nhà khoa học đã có nhiều nghiên cứu về ô nhiễm không khí.
Hơn 4.000 ca nhập viện về bệnh tim mạch và hô hấp liên quan đến bụi mịn
Theo các chuyên gia, tình trạng ô nhiễm không khí đang xảy ra phổ biến tại một số thành phố, đô thị lớn, khu vực tập trung nhiều các hoạt động giao thông, xây dựng, công nghiệp và nông nghiệp, nhất là khu vực các tỉnh đồng bằng Bắc Bộ và đặc biệt là khu vực Thủ đô Hà Nội và các tỉnh lân cận.
Nhận định chung về chất lượng không khí của thủ đô, ông Nguyên Minh Tấn, Phó Giám đốc Sở TN&MT Hà Nội cho biết, Hà Nội là một trong hai thành phố lớn nhất của Việt Nam. Với tốc độ đô thị hóa, phát triển kinh tế và gia tăng dân số nhanh chóng, ô nhiễm không khí đang trở thành một trong những vấn đề cần ưu tiên giải quyết.
Thành phố Hà Nội hiện có khoảng 1,1 triệu xe ô tô; 6,9 triệu xe máy; 10 khu công nghiệp; 70 cụm công nghiệp; 1.370 làng nghề đang hoạt động. “Đây là những hoạt động cần được chú ý, kiểm soát trong công tác quản lý môi trường nói chung và quản lý chất lượng không khí của TP Hà Nội nói riêng”, ông Tấn cho hay.
Cũng theo ông Nguyễn Minh Tấn, bụi PM10 và bụi PM2.5 trung bình ngày và năm của Hà Nội hiện vượt quy chuẩn, gấp nhiều lần khuyến nghị của WHO. Khí NO2 và O3 có dấu hiệu ô nhiễm cục bộ; đặc điểm ô nhiễm bụi, ô nhiễm theo mùa rõ rệt, ô nhiễm tập trung vào mùa đông. Ô nhiễm bụi PM2.5 hầu hết các quận, huyện; tập trung ở các quận nội thành (29/30 quận, huyện).
TP Hà Nội đang phải đối mặt với vấn đề ô nhiễm không khí chủ yếu do bụi PM2.5, gây ảnh hưởng đến sức khỏe cộng đồng và các thiệt hại về kinh tế.
“Theo một số nghiên cứu, chúng tôi nhìn thấy mối liên quan giữa nồng độ bụi PM2.5 và sức khỏe của cộng đồng. Với sự gia tăng nồng độ bụi PM2.5, trung bình mỗi năm có thêm khoảng 1.062 ca nhập viện do bệnh tim mạch, và 2.969 ca nhập viện do bệnh hô hấp. Chất lượng cuộc sống người dân bị ảnh hưởng”, Phó Giám đốc Sở TN&MT thông tin.
Để cải thiện chất lượng môi trường không khí Thủ đô, ông Nguyễn Minh Tấn cho biết, Thành phố sẽ giảm phát thải từ các nguồn chính. Về giao thông, giảm bụi đường, tăng cường công tác rửa đường; giảm ùn tắc giao thông, điều tiết, phân luồng giao thông hợp lý; phân vùng giao thông và thu phí phân vùng; phân vùng hạn chế hoạt động của xe máy; xây dựng khu vực phát thải thấp, hạn chế phương tiện giao thông phát thải vượt mức cho phép; đầu tư chuyển đổi phương tiện giao thông, khuyến khích phương tiện giao thông công cộng…
Đồng thời, xây dựng cơ chế và nâng cao năng lực cảnh báo, dự báo chất lượng không khí trong thành phố. Xây dựng cơ chế phối hợp thông tin giữa các cơ quan quản lý liên quan gồm cơ quan quản lý về môi trường, y tế – sức khoẻ, truyền thông, quản lý các ngành có nguy cơ gây ra nguồn thải để kịp thời phối hợp trong phát hiện nguy cơ ô nhiễm không khí và phát đi khuyến nghị về hành động bảo vệ sức khỏe trong trường hợp xảy ra ô nhiễm không khí nghiêm trọng.
Hướng đến một “bầu trời xanh, không khí sạch” cho các đô thị lớn
Phát biểu tại Hội nghị, Bộ trưởng Bộ TN&MT Đỗ Đức Duy cho biết: Ô nhiễm không khí hiện nay là vấn đề ô nhiễm môi trường chính không chỉ ở Việt Nam, mà cũng là vấn đề môi trường chính của các quốc gia trên thế giới.
Tại nhiều quốc gia, từ các nước phát triển đến các nước đang phát triển, đều đang phải đối mặt với tình trạng ô nhiễm không khí, khu vực đô thị. Một số quốc gia cũng đã có những bài học kinh nghiệm tốt về quản lý chất lượng môi trường không khí, mà chúng ta có thể tham khảo, học hỏi.
Các đại biểu chủ trì Hội nghị. (Ảnh: Bích Liên) |
Tại Việt Nam, vấn đề ô nhiễm không khí đã xuất hiện như hệ quả của quá trình phát triển kinh tế – xã hội và đô thị hóa. Tuy nhiên, mức độ ô nhiễm đã tăng lên mức đáng lo ngại trong khoảng 10 năm gần đây, tập trung tại các thành phố lớn như Hà Nội và TP Hồ Chí Minh. Trong đó, thông số ô nhiễm không khí chính hiện nay là bụi mịn kích thước nhỏ hơn 2,5 micromet (PM 2,5).
Theo Bộ trưởng, mặc dù ô nhiễm không khí xảy ra có quy luật theo mùa và bị ảnh hưởng lớn từ điều kiện khí hậu, thời tiết. Hằng năm, ô nhiễm tập trung từ tháng 10 của năm trước đến tháng 3 của năm tiếp theo. Trong ngày, ô nhiễm tập trung từ nửa đêm đến sáng. Tuy nhiên, dữ liệu quan trắc của Bộ TN&MT cho thấy, diễn biến ô nhiễm không khí đã tăng dần theo thời gian, đặc biệt khi các hoạt động kinh tế – xã hội đã có sự phục hồi trở lại sau đại dịch Covid-19.
Thực tế này đòi hỏi phải thực hiện ngay các giải pháp tăng cường kiểm soát ô nhiễm môi trường không khí, giảm thiểu tác động bất lợi đến sức khỏe người dân, thúc đẩy kinh tế – xã hội phát triển.
Theo Bộ trưởng, thời gian qua, với sự chỉ đạo quyết liệt của Thủ tướng Chính phủ, Bộ TN&MT đã cùng với các bộ, ngành, địa phương, đặc biệt là TP Hà Nội triển khai nhiều hoạt động về bảo vệ môi trường nói chung và bảo vệ môi trường không khí nói riêng.
Dư luận xã hội và người dân cũng rất quan tâm đến ô nhiễm không khí, đồng thời báo chí và các đơn vị truyền thông cũng đã tích cực đưa tin bài, phản ánh về nội dung này. Nhưng hiện nay, công tác kiểm soát, quản lý chất lượng không khí vẫn còn nhiều thách thức, đòi hỏi sự đoàn kết vì mục tiêu chung, bởi ô nhiễm không khí không theo địa giới hành chính, ô nhiễm không khí không phải trách nhiệm của riêng từng bộ, từng ngành hay từng địa phương và bảo vệ môi trường không khí là trách nhiệm của toàn xã hội.
“Bộ TN&MT mong muốn được trao đổi các thông tin, giải pháp giảm thiểu ô nhiễm không khí tại các đô thị của Việt Nam. Từ các đề xuất sẽ được chuyển hoá thành hành động cụ thể và thiết thực, hướng đến một “bầu trời xanh, không khí sạch” cho các đô thị lớn trên cả nước”, Bộ trưởng cho biết.
Theo Cục Kiểm soát ô nhiễm môi trường, tình trạng ô nhiễm không khí đang xảy ra phổ biến tại một số thành phố, đô thị lớn, khu vực tập trung nhiều các hoạt động giao thông, xây dựng, công nghiệp và nông nghiệp, nhất là khu vực các tỉnh đồng bằng Bắc Bộ và đặc biệt là khu vực Thủ đô Hà Nội và các tỉnh lân cận.
Nguyên nhân chủ yếu là do các hoạt động nêu trên chưa đáp ứng yêu cầu về bảo vệ môi trường cùng với ảnh hưởng của các điều kiện thời tiết giao mùa có nhiều biến động bất lợi; chênh lệch ngày, đêm về nhiệt độ, độ ẩm, hướng và tốc độ gió, bức xạ nhiệt… trong không khí rất lớn, ảnh hưởng khả năng khuếch tán các chất ô nhiễm trong không khí, đặc biệt là bụi PM10 và bụi mịn PM2.5.
Ngoài ra, tình trạng đốt rác thải, đốt rơm rạ, phụ phẩm nông nghiệp ngoài cánh đồng (đốt mở và phân tán) vẫn diễn ra nếu không có biện pháp xử lý hữu hiệu để ngăn chặn, làm tăng thêm tình trạng ô nhiễm không khí, khói mù.
Xác định giải quyết tình trạng ô nhiễm môi trường không khí tại các thành phố lớn là vấn đề trọng tâm, cấp bách, Chính phủ và Bộ TN&MT đã tham mưu và ban hành nhiều cơ chế, chính sách quan trọng. Đồng thời, triển khai nhiều dự án, đề án về kiểm soát ô nhiễm không khí; áp dụng nhiều giải pháp, biện pháp, công cụ về chính sách, kỹ thuật, kinh tế và các giải pháp quản lý khác nhằm ngăn chặn cũng như giảm thiểu tối đa tình trạng ô nhiễm môi trường không khí làm ảnh hưởng đến đời sống, sinh hoạt của người dân.
Mặc dù, đã đạt được một số kết quả tích cực trong kiểm soát ô nhiễm môi trường không khí như: các khu vực ngoài đô thị, công nghiệp, chất lượng môi trường không khí khá sạch; chỉ một số khu vực không khí có dấu hiệu bị ô nhiễm mang tính cục bộ; các thông số khác trong không khí ngoài bụi mịn như NO2, O3, CO, SO2 đa phần giá trị thấp, ít biến động và đa phần đều đạt giới hạn cho phép về chất lượng không khí…. Tuy nhiên, tình trạng ô nhiễm môi trường không khí tại các đô thị lớn vẫn còn hiện hữu, ảnh hưởng đến sức khỏe của người dân.
Tại Hội nghị, các đại biểu đã báo cáo và đưa ra nhiều giải pháp quản lý chất lượng môi trường không khí, nhằm ngăn chặn cũng như giảm thiểu tối đa tình trạng ô nhiễm môi trường không khí làm ảnh hưởng đến đời sống, sinh hoạt của người dân./.