(HCM CityWeb) – Chiều 20/11, Chủ tịch UBND Thành phố Hồ Chí Minh Phan Văn Mãi chủ trì cuộc họp góp ý hoàn thiện: Dự thảo Báo cáo đánh giá tình hình kinh tế – xã hội năm 2024; nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm năm 2025; Dự thảo Báo cáo đánh giá tình hình kinh tế – xã hội giai đoạn 2021 – 2025; phương hướng, nhiệm vụ, giải pháp giai đoạn 2026 – 2030.
Quang cảnh cuộc họp
Phát biểu mở đầu, Chủ tịch UBND Thành phố Phan Văn Mãi cho biết, cuộc họp thảo luận cho ý kiến để hoàn thiện Dự thảo Báo cáo đánh giá tình hình kinh tế – xã hội năm 2024; nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm năm 2025, phục vụ báo cáo tổng kết năm 2024; Dự thảo Báo cáo đánh giá tình hình kinh tế – xã hội giai đoạn 2021 – 2025; phương hướng, nhiệm vụ, giải pháp giai đoạn 2026 – 2030 phục vụ Đại hội Đảng bộ Thành phố để gửi cho tiểu ban văn kiện Đại hội.
Bên cạnh đó, cuộc họp cũng góp ý dự án đường Vành đai 4 Thành phố Hồ Chí Minh, trên cơ sở Thành phố Hồ Chí Minh là đầu mối tổng hợp các hồ sơ của các địa phương để trình Thủ tướng và xin ý kiến Thủ tướng để trình Quốc hội.
Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Lê Thị Huỳnh Mai trình bày Dự thảo báo cáo tình hình kinh tế – xã hội năm 2024; nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm năm 2025.
Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Lê Thị Huỳnh Mai
Chánh Văn phòng UBND Thành phố Đặng Quốc Toàn trình bày dự thảo Báo cáo đánh giá tình hình kinh tế – xã hội giai đoạn 2021-2025; phương hướng, nhiệm vụ, giải pháp giai đoạn 2026-2030.
Chánh Văn phòng UBND Thành phố Đặng Quốc Toàn
Giám đốc Sở Giao thông vận tải Trần Quang Lâm báo cáo tình hình chuẩn bị hồ sơ dự án đường Vành đai 4 Thành phố Hồ Chí Minh.
Giám đốc Sở Giao thông vận tải Trần Quang Lâm
Dự án đường Vành đai 4,Thành phố Hồ Chí Minh dài gần 207 km, giai đoạn 1 đầu tư 4 làn xe, có làn dừng xe khẩn cấp và dải phân cách giữa hai chiều. Dự án có tổng mức đầu tư dự kiến hơn 128.000 tỷ đồng. Trong đó, đoạn TP.Hồ Chí Minh dài 17,3 km (14.089 tỷ đồng); đoạn qua Bà Rịa – Vũng Tàu dài 18 km (7.972 tỷ đồng); đoạn qua Đồng Nai dài 45,6 km (19.151 tỷ đồng); đoạn qua tỉnh Bình Dương dài 47,5 km (19.827 tỷ đồng); đoạn qua tỉnh Long An dài hơn 78 km (67.024 tỷ đồng).
Mục tiêu chung cao nhất của dự án là mau chóng khởi công hoàn thiện dự án vào năm 2027 để kết nối cùng Vành đai 3, Vành đai 2, hoàn thiện mạng lưới đường vành đai TP.Hồ Chí Minh, đổi mới hạ tầng giao thông một cách căn cơ.
Thủ tướng Chính phủ giao các địa phương làm cơ quan có thẩm quyền triển khai các dự án; giao TP.Hồ Chí Minh là cơ quan thẩm quyền tổ chức hoàn thiện, lập trình Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi (BCNCTKT) dự án.
Đường Vành đai 4
Về tiến độ triển khai, Giám đốc Sở Giao thông vận tải TP.Hồ Chí Minh Trần Quang Lâm cho biết trong tháng 11, 12/2024 hoàn thiện hồ sơ trình BCNCTKT và các cơ chế chính sách đặc thù; trong quý I năm 2025 trình Quốc hội phê duyệt BCNCTKT; trong quý II và III năm 2025 phê duyệt Báo cáo nghiên cứu khả thi, tổ chức lựa chọn nhà đầu tư; trong quý IV năm 2025 bàn giao mặt bằng; quý I hoặc II năm 2026 khởi công dự án; trong năm 2028 hoàn thành đưa công trình vào vận hành khai thác.
Phát biểu kết luận cuộc họp, Chủ tịch UBND Thành phố Phan Văn Mãi nhấn mạnh, từ nay đến cuối năm, các ngành, các cấp tập trung rà soát để thực hiện đạt kết quả cao nhất các chỉ tiêu kinh tế – xã hội năm 2024, làm nền tảng cho năm 2025 và nhiệm kỳ sau.
Chủ tịch UBND Thành phố Phan Văn Mãi phát biểu kết luận
Trong đó, tập trung triển khai chỉ thị và các công văn chỉ đạo của UBND Thành phố trên tinh thần là không điều chỉnh chỉ tiêu tăng trưởng; tập trung giải ngân đầu tư công đạt cao nhất để góp phần hoàn thành chỉ tiêu tăng trưởng và các chỉ tiêu khác đã đề ra cho năm 2024; tập trung triển khai công tác cải cách hành chính, Đề án 06 để thật sự cải thiện xếp hạng về cải cách hành chính của Thành phố; triển khai Kế hoạch 7307/KH-UBND ngày 18/11/2024 của UBND Thành phố về triển khai các biện pháp xử lý các dự án, công trình tồn đọng, dừng thi công, thi công chậm tiến độ; công trình, trụ sở, công sở không sử dụng hoặc sử dụng chưa hiệu quả.
Ngoài ra, tập trung triển khai các công việc lớn đã ở giai đoạn hoàn thiện như 3 quy hoạch để trình Thủ tướng phê duyệt trong năm nay; chuẩn bị 3 nội dung trình Quốc hội; hoàn thiện Đề án di dời nhà trên và ven kênh rạch…
Để chuẩn bị cho năm 2025, Chủ tịch UBND Thành phố Phan Văn Mãi nhấn mạnh một số công việc cần tập trung. Đó là rà soát các công việc, nhiệm vụ của nhiệm kỳ với mục tiêu đạt kết quả cao nhất; tập trung thực hiện thiết thực, hiệu quả 2 sự kiện lớn là kỷ niệm 50 năm Ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước và Đại hội Đảng các cấp; triển khai công tác sắp xếp tổ chức bộ máy theo tinh thần chỉ đạo của Tổng Bí thư Tô Lâm gắn với triển khai đề án nền công vụ của Thành phố và nghị quyết của Quốc hội về chính quyền đô thị.
Theo Chủ tịch UBND Thành phố, những nhiệm vụ năm 2025 có tính chất nền tảng, dẫn dắt cho nhiệm kỳ sau. Do vậy, Báo cáo đánh giá tình hình kinh tế – xã hội giai đoạn 2021 – 2025; phương hướng, nhiệm vụ, giải pháp giai đoạn 2026 – 2030 phải là bản kế hoạch hành động, tập trung những việc cần làm. Các Sở phụ trách từng lĩnh vực phải viết ra cơ chế, nguồn lực, giải pháp đột phát, cần thiết, sau khi được thông qua phải chuẩn bị ngay kế hoạch triển khai.
TP.Hồ Chí Minh phải là địa phương đi đầu trong triển khai các mục tiêu quốc gia nên Kế hoạch giai đoạn 2026 – 2030 phải gắn với Nghị quyết 31 của Bộ Chính trị, trong đó tái cơ cấu mạnh mẽ công nghiệp theo hướng phát triển công nghiệp công nghệ cao, trung tâm dịch vụ lớn của cả nước và khu vực ASEAN.
Xác định xây dựng Thành phố Hồ Chí Minh thành thành phố toàn cầu theo chuẩn quốc tế, văn kiện phải đề ra nội hàm, tiêu chuẩn, chương trình, kế hoạch thực hiện, gắn với việc phát triển đô thị sau năm 2030, gắn mục tiêu trở thành trung tâm văn hoá giáo dục y tế tầm ASEAN. Các giải pháp đề ra không chỉ là nguồn lực tiền mà còn là cơ chế.
Minh Thư
Nguồn: https://hochiminhcity.gov.vn/-/no-luc-thuc-hien-at-ket-qua-cao-nhat-cac-chi-tieu-kinh-te-xa-hoi-nam-2024?redirect=%2Fchinh-quyen