Chính vì thế, thời gian qua, Việt Nam đã thực hiện nhiều biện pháp, chính sách nhằm phòng, chống và giảm thiểu đến mức thấp nhất tình trạng lao động trẻ em và bảo đảm tốt hơn những quyền cơ bản cho trẻ.
Lao động trẻ em vẫn là vấn đề nan giải. (Nguồn: Đại đoàn kết) |
Tình trạng lao động trẻ em hiện nay
Theo quy định tại Luật Trẻ em năm 2016, trẻ em là người dưới 16 tuổi. Do đó, lao động trẻ em là người lao động dưới 16 tuổi làm việc cho người sử dụng lao động.
Ở Việt Nam, có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng lao động trẻ em. Phần nhiều là do yếu tố kinh tế hoặc do truyền thống gia đình… lao động trẻ em có thể dẫn đến những ảnh hưởng nghiêm trọng đến trẻ em về mặt thể chất, tinh thần, thậm chí tử vong.
Trong một số trường hợp, trẻ em không được đi học, chăm sóc sức khỏe; bị hạn chế các quyền cơ bản và đe dọa đến tương lai. Tồi tệ hơn, có thể dẫn đến tình trạng nô lệ, bóc lột tình dục hoặc kinh tế.
Theo thống kê của Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội, hiện nay trong tổng số trẻ em tham gia lao động, có 1.031.944 em được xác định là lao động trẻ em, chiếm 5,4% tổng số trẻ em từ 5 đến 17 tuổi (năm 2012 tỷ lệ này là 9,6%).
Trong số lao động trẻ em, có 519.805 trẻ làm công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm, chiếm 2,7% tổng số trẻ em từ 5 đến17 tuổi, chiếm 29,6% số trẻ em hoạt động kinh tế. Trẻ em làm các công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm thường xuất hiện trong khu vực công nghiệp và xây dựng và có xu hướng cao; có 20,1% lao động trẻ em làm trên 42 giờ/tuần; 20,9% số trẻ em trong độ tuổi từ 15 đến 17 ở nông thôn không còn đi học.
Lao động trẻ em xảy ra chủ yếu ở các khu vực có điều kiện kinh tế khó khăn, những gia đình thuộc hộ nghèo, vùng sâu, vùng xa. Theo điều tra về lao động trẻ em năm 2018 cho thấy, 84% lao động trẻ em tại Việt Nam tập trung ở vùng nông thôn và hơn một nửa số đó làm việc trong khu vực nông, lâm, ngư nghiệp. Những khu vực khác có nhiều lao động trẻ em bao gồm: dịch vụ, công nghiệp và xây dựng. Khoảng 40,5% lao động trẻ em là các lao động trong hộ gia đình không được trả lương.
Biến đổi khí hậu, dịch bệnh, thiên tai cũng là tác nhân khiến cho lao động trẻ em có xu hướng gia tăng. Báo cáo của Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội cho thấy, 70% trẻ em lao động đến từ các gia đình thuộc diện nghèo hoặc cận nghèo.
Lao động trẻ em thường xuyên diễn ra tại các làng nghề truyền thống như đan lát, thêu, may, mộc… quy mô hộ gia đình. Các em là nguồn lao động không thể thiếu đối với các hộ làm nghề truyền thống nhằm phụ giúp gia đình tăng thêm thu nhập. Đơn cử, tại các làng nghề ở xã Canh Nậu và xã Bình Phú (Thạch Thất, Hà Nội) hiện có từ 190 đến hơn 200 trẻ em phải lao động sớm hoặc có nguy cơ lao động sớm; nhiều làng nghề khác trên địa bàn huyện Chương Mỹ, Gia Lâm, Hoài Đức, Thường Tín, Thanh Oai… cũng có lao động trẻ em. Tính chung, các huyện có làng nghề của Hà Nội hiện có khoảng 30.000 lao động trẻ em.
Hội thảo Phòng ngừa, giảm thiểu trẻ em lao động trái quy định của pháp luật năm 2024 ngày 11/6, tại Hà Nội. (Nguồn: Bộ LĐTBXH) |
Hành động của Việt Nam
Trong những năm qua, với cam kết của mình, Việt Nam luôn nỗ lực thực hiện nhiều giải pháp đồng bộ nhằm giảm thiểu về mức thấp nhất lao động trẻ em.
Thứ nhất, hoàn thiện pháp luật, chính sách hài hòa với pháp luật quốc tế về lao động trẻ em. Nhiều văn bản quy phạm pháp luật có liên quan đến trẻ em đều được nghiên cứu ban hành, bổ sung, sửa đổi phù hợp với thực tiễn và pháp luật quốc tế như: Luật Trẻ em năm 2016; Bộ luật Lao động sửa đổi năm 2019, đặc biệt là Quyết định số 782/QĐ-TTg ngày 27/5/2021 phê duyệt Chương trình phòng ngừa, giảm thiểu trẻ em lao động trái quy định của pháp luật giai đoạn 2021 – 2025, định hướng đến năm 2030…
Bên cạnh đó, các chương trình hành động được ban hành nhằm giảm thiểu các nguyên nhân dẫn đến tình trạng lao động trẻ em như: Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021–2025; Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025; Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế – xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền…
Giải pháp phòng ngừa và kéo giảm số trẻ em tham gia hoạt động kinh tế và lao động trẻ em bền vững gắn liền với các chính sách an sinh xã hội, chính sách giảm nghèo ở Việt Nam đã và đang được thực hiện ngày càng kịp thời, hiệu quả1. Trẻ em trong các hộ nghèo, cận nghèo được đặt vào trung tâm ưu tiên áp dụng như các chính sách hỗ trợ của Nhà nước về bảo hiểm y tế, trợ giúp xã hội.
Nhiều mô hình, giải pháp được thực hiện thông qua các chương trình, dự án của Chính phủ và hợp tác, viện trợ quốc tế để trực tiếp phòng ngừa và giải quyết tình trạng lao động trẻ em cũng như lồng ghép trong các kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội đã đạt hiệu quả và tính bền vững: Hỗ trợ tạo nguồn sinh kế cho các hộ gia đình có trẻ em nguy cơ hoặc đang là lao động trẻ em; cải thiện điều kiện, môi trường lao động phù hợp với trẻ em tại các làng nghề truyền thống và khu vực kinh tế phi chính thức; hỗ trợ để trẻ em có nguy cơ trở thành lao động trẻ em không bỏ học.
Tính đến tháng 9/2023, Quỹ Bảo trợ Trẻ em Việt Nam đã vận động được trên 1.700 tỷ đồng cùng hàng trăm nghìn tấn hàng hoá, hiện vật để hỗ trợ cho trên 7,6 triệu lượt trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt, khó khăn trên mọi miền Tổ quốc.
Thứ hai, nâng cao nhận thức về phòng ngừa, giảm thiểu lao động trẻ em. Thông qua các phương tiện truyền thông đại chúng, các cuộc hội thảo, diễn đàn… nhằm nâng cao nhận thức của người dân về chính sách pháp luật của nhà nước về lao động trẻ em.
Tổ chức các cuộc đối thoại với các doanh nghiệp, người sử dụng lao động nhằm xóa bỏ lao động trẻ em trong chuỗi cung ứng, đặc biệt trong chuỗi cung ứng nông nghiệp trong bối cảnh hội nhập quốc tế, tập trung vào các giải pháp giáo dục nghề nghiệp. Sử dụng truyền thông để nâng cao nhận thực cho cho mẹ, gia đình để giảm thiểu lao động trẻ em từ gốc…
Thứ ba, nâng cao năng lực về phòng ngừa, giảm thiểu lao động trẻ em cho đội ngũ cán bộ từ trung ương đến cơ sở. Xây dựng các tài liệu, hướng dẫn về các nội dung phòng ngừa, giảm thiểu lao động trẻ em, đặc biệt là cách xác định lao động trẻ em; quy trình hỗ trợ, can thiệp lao động trẻ em… nhằm nâng cao năng lực cho đối tác 3 bên (các ngành, các cấp có liên quan, VCCI, Liên minh hợp tác xã và Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam); cụ thể hoá các giải pháp về phòng cho phù hợp với điều kiện thực tiễn tại địa phương, nhà trường…
Thứ tư, triển khai mô hình can thiệp phòng ngừa và đưa trẻ em ra khỏi lao động trẻ em tại một số địa phương (Hà Nội, An Giang và TP. Hồ Chí Minh).
Thiết lập một mạng lưới hệ thống theo dõi, giám sát đối tượng được hưởng lợi tại địa phương; hỗ trợ giáo dục và các dịch vụ tư vấn hướng nghiệp cho lao động trẻ em và trẻ em có nguy cơ trở thành lao động trẻ em gắn với việc thực hiện chương trình giảng dạy “Hiểu biết về kinh doanh”; hỗ trợ trẻ em từ 14-17 tuổi được tiếp cận các khóa đào tạo về kỹ năng nghề và học nghề gắn với cải thiện triển vọng việc làm; cải thiện tình trạng kinh tế dựa vào cộng đồng và cơ hội việc làm bền vững cho các thành viên trong gia đình của lao động trẻ em/trẻ em có nguy cơ, bao gồm cả đối tượng hưởng lợi từ 15-17 tuổi.
Thứ năm, hoạt động hội nhập và hợp tác quốc tế về thực hiện quyền trẻ em được tăng cường. Tháng 5/2022, Việt Nam tham dự Hội nghị toàn cầu lần thứ 5 về Xóa bỏ lao động trẻ em được tại thành phố Durban, Cộng hòa Nam Phi. Tại đây, Việt Nam đã tiên phong cam kết thực hiện Mục tiêu 8.7 xóa bỏ lao động trẻ em năm 2025.
Bên cạnh đó, nhiều giải pháp khác được ban hành đồng bộ như: xây dựng, củng cố hệ thống theo dõi, giám sát, đánh giá về lao động trẻ em; triển khai quy trình, mạng lưới phòng ngừa, phát hiện, hỗ trợ, can thiệp lao động trẻ em và trẻ em có nguy cơ trở thành lao động trẻ em; tăng cường phối hợp liên ngành và công tác kiểm tra giám sát để thực hiện mục tiêu xóa bỏ lao động trẻ em vào những năm tới.
Thế giới đạt được nhiều tiến bộ trong việc giảm thiểu lao động trẻ em, nhưng cũng đang chứng kiến các xu hướng toàn cầu bị đảo ngược. (Ảnh minh họa) |
Mục tiêu xoá bỏ lao động trẻ em
Tuy nhiên, mục tiêu xóa bỏ lao động trẻ em còn gặp nhiều khó khăn, thách thức đó là:
Lao động trẻ em ở khu vực phi chính thức, khó kiểm soát và phát hiện; tác động của dịch bệnh, thiên tai, biến đổi khí hậu làm suy giảm điều kiện kinh tế, đe dọa sinh kế của các hộ gia đình, chuỗi cung ứng bị gián đoạn, thiếu việc làm, thất nghiệp, gia đình bị mất trụ cột kinh tế khi có người tử vong.
Xuất hiện tình trạng dụ dỗ lừa đảo qua môi trường mạng làm gia tăng nguy cơ trẻ em và người chưa thành niên trở thành lao động trẻ em và bị mua bán và bóc lột sức lao động nhất là trẻ em ở vùng sâu, vùng xa không có điều kiện tiếp cận các dịch vụ giáo dục, an sinh xã hội.
Nhận thức của các cấp, các ngành, cán bộ cơ sở, người sử dụng lao động, cha mẹ, người chăm sóc trẻ em và trẻ em về phòng ngừa lao động trẻ em chưa đầy đủ; đội ngũ cán bộ các ngành, các cấp đặc biệt tại địa phương còn thiếu và hạn chế về năng lực phát hiện các trường hợp lao động trẻ em tại cộng đồng; thiếu cán bộ thanh tra nên việc tiến hành các cuộc thanh tra, kiểm tra về lao động gặp khó khăn nhất là khu vực phí chính thức, nơi có nhiều trẻ em tham gia lao động; hạn chế về tài chính trong triển khai các mô hình phòng ngừa, hỗ trợ, can thiệp.
Để đạt được mục tiêu xoá bỏ lao động trẻ em, thời gian tới cần tập trung các giải pháp sau:
Tiếp tục nghiên cứu, xây dựng, hoàn thiện pháp luật, chính sách về trẻ em, bảo đảm thực hiện quyền và giảm thiểu lao động trẻ em: Luật Nhà giáo, Luật Học tập suốt đời, Luật Tư pháp người chưa thành niên, Luật Phòng bệnh, Luật Bảo hiểm y tế (sửa đổi), Luật Phòng, chống mua bán người (sửa đổi), Luật Bảo vệ dữ liệu cá nhân…
Tiếp tục đẩy mạnh triển khai các Chương trình hành động nhằm giảm thiểu tiến tới xóa bỏ lao động trẻ em: Chương trình phòng ngừa và giảm thiểu lao động trẻ em 2021- 2025, định hướng đến năm 2030, đồng thời thực hiện mục tiêu 8.7 về xóa bỏ lao động trẻ em, lồng ghép giải quyết lao động trẻ em trong hệ thống bảo vệ trẻ em với các vấn đề giảm nghèo trong Chương trình mục tiêu quốc gia về Giảm nghèo bền vững 2021-2025… Đúc rút bài học, kinh nghiệm, tài liệu hóa dự án “Hỗ trợ kỹ thuật nâng cao năng lực quốc gia phòng ngừa, giảm thiểu lao động trẻ em tại Việt Nam” .
Tăng cường truyền thông, nâng cao nhận thức, năng lực cho người sử dụng lao động, cộng đồng, giáo viên, cha mẹ và trẻ em trong lĩnh vực nông nghiệp, các chuỗi cung ứng, hộ gia đình sản xuất, kinh doanh, đặc biệt người sử dụng lao động tại các làng nghề, cơ sở sản xuất, kinh doanh, hộ gia đình và khu vực kinh tế phi chính thức có trẻ em học nghề và tham gia lao động; xây dựng mô hình truyền thông phòng ngừa, giảm thiểu lao động trẻ em bằng phương pháp SCREAM “Hỗ trợ quyền trẻ em thông qua giáo dục, nghệ thuật và phương tiện truyền thông”.
Tiếp tục triển khai các dịch vụ và mô hình hỗ trợ, can thiệp lao động trẻ em: Quy trình hỗ trợ, can thiệp lao động trẻ em trong hệ thống dịch vụ bảo vệ trẻ em gắn với Mô hình phát hiện sớm, hỗ trợ, can thiệp lao động trẻ em; Mô hình tư vấn hướng nghiệp cho trẻ em phù hợp với nhu cầu và lợi ích của trẻ em, nhu cầu của thị trường lao động…
1 Tỷ lệ nghèo giảm mạnh. Năm 1993 tỉ lệ hộ nghèo cả nước là 58,1%, đến cuối năm 2023 giảm còn 2,93%, tương đương 815.101 hộ nghèo theo chuẩn nghèo đa chiều.
Theo thống kê của Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội, hiện nay trong tổng số trẻ em tham gia lao động, có 1.031.944 em được xác định là lao động trẻ em, chiếm 5,4% tổng số trẻ em từ 5 đến 17 tuổi (năm 2012 tỷ lệ này là 9,6%). Trong số lao động trẻ em, có 519.805 trẻ làm công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm, chiếm 2,7% tổng số trẻ em từ 5 đến17 tuổi, chiếm 29,6% số trẻ em hoạt động kinh tế. Trẻ em làm các công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm thường xuất hiện trong khu vực công nghiệp và xây dựng và có xu hướng cao; có 20,1% lao động trẻ em làm trên 42 giờ/tuần; 20,9% số trẻ em trong độ tuổi từ 15 đến 17 ở nông thôn không còn đi học. |
Nguồn: https://baoquocte.vn/no-luc-giam-thieu-lao-dong-tre-em-tai-viet-nam-293868.html