SGGP
Giải ngân đầu tư công là một trong những nhiệm vụ được lãnh đạo TPHCM quan tâm, chỉ đạo sát sao. Tuy nhiên, tỷ lệ giải ngân đầu tư công nói chung và cho công tác đền bù giải tỏa nói riêng của các dự án hạ tầng trong những tháng qua chưa đúng kế hoạch đề ra.
Tỷ lệ giải ngân còn thấp
Theo Sở TN-MT TPHCM, tính đến ngày 13-9-2023, tổng vốn được giao trong năm 2023 cho công tác đền bù tại dự án đầu tư công là 21.191 tỷ đồng (làm tròn) đối với 155 dự án, đến nay đã giải ngân được 7.641 tỷ đồng (làm tròn), đạt tỷ lệ 36,06%. Ngoài ra, trong năm 2023, TPHCM tiếp tục giải ngân đối với 116 dự án của năm 2022 chuyển sang với tổng số vốn hơn 5.697 tỷ đồng. Nếu tính số vốn được giao mới trong năm 2023 và số vốn chuyển tiếp từ năm 2022 đến 13-9-2023, các địa phương đã giải ngân được 11.625 tỷ đồng, đạt khoảng 43%.
Công nhân thi công dự án xây dựng và cải tạo kênh Tham Lương – Bến Cát – rạch Nước Lên Ảnh: HOÀNG HÙNG |
Cũng theo Sở TN-MT, với tỷ lệ giải ngân hiện nay, các địa phương khả năng chỉ hoàn thành giải ngân phần vốn của năm 2022 theo kế hoạch, riêng các dự án được giao vốn mới trong năm 2023 thì khó đạt được và phải tiếp tục thực hiện trong năm 2024. Không chỉ vậy, đối với 155 dự án giao vốn bồi thường năm 2023, chỉ có 30 dự án đảm bảo tỷ lệ giải ngân theo kế hoạch, 24 dự án chậm tiến độ giải ngân và có đến 101 dự án chưa giải ngân. Trong số 101 dự án chưa giải ngân, TP Thủ Đức dẫn đầu với 26 dự án, huyện Củ Chi có 11 dự án, huyện Bình Chánh có 10 dự án, huyện Hóc Môn có 9 dự án, quận 6 có 4 dự án, quận 7 có 4 dự án…
Phân tích nguyên nhân dẫn đến việc chậm giải ngân, Sở TN-MT cho biết, do công tác lập dự toán chi phí bồi thường, hỗ trợ, tái định cư của các dự án chưa chính xác, dẫn đến một số dự án sau khi UBND địa phương đã xác lập xong hồ sơ bồi thường, hỗ trợ, tái định cư của từng trường hợp thì dư ra một số vốn không thể giải ngân. Trong tổng số 155 dự án giao vốn mới trong năm 2023, qua thống kê đến thời điểm hiện nay đã có 90 dự án được phê duyệt hệ số điều chỉnh giá đất, vẫn còn 65 dự án cần phê duyệt điều chỉnh hệ số giá đất nhưng UBND địa phương chưa hoàn tất công tác chuẩn bị, chưa trình duyệt hệ số điều chỉnh giá đất.
Thi công Vành đai 3 đoạn qua phường Long Bình, TP Thủ Đức, TPHCM. Ảnh: HOÀNG HÙNG |
Ngoài ra, nhân sự tham gia trực tiếp công tác đền bù, hỗ trợ của một số địa phương không ổn định, không đủ về số lượng, chưa đáp ứng về trình độ, năng lực. Lãnh đạo các địa phương chưa thể hiện vai trò người đứng đầu, không mạnh dạn giải quyết những vấn đề thuộc thẩm quyền của địa phương, nhất là việc xác minh nguồn gốc nhà đất cho người bị thu hồi. Có những vụ việc sở ngành đã có ý kiến hướng dẫn nhưng UBND các địa phương vẫn tiếp tục xin ý kiến; đối với các hộ dân chưa đồng thuận, nhiều địa phương chưa tích cực tuyên truyền vận động…
Quyết tâm giải ngân đạt 95%
Trong năm 2023, TPHCM có 271 dự án bồi thường với tổng giá trị giải ngân 26.889 tỷ đồng. Về đầu tư công, TPHCM được giao 68.490 tỷ đồng vốn đầu tư công, nhưng đến hết tháng 8 mới giải ngân được 29%. Dù lãnh đạo TPHCM đã nhiều lần đôn đốc, chỉ đạo cũng như phê bình các đơn vị giải ngân thấp nhưng tiến độ cũng không mấy khả quan. Do đó, TPHCM quyết định lấy tiêu chí giải ngân vốn đầu tư công để đánh giá mức độ hoàn thành công việc của người đứng đầu địa phương và chủ đầu tư. Thành phố sẽ không xét thi đua hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ đối với người đứng đầu đơn vị để kết quả giải ngân dưới 90% do lỗi chủ quan.
Để đạt được tỷ lệ giải ngân từ 95% trở lên theo chỉ đạo của UBND TPHCM, Sở TN-MT kiến nghị, với những dự án của năm 2022 đã được phê duyệt hệ số điều chỉnh giá đất thì địa phương khẩn trương tập trung hoàn thành công tác chuẩn bị, tổ chức tuyên truyền, vận động, thuyết phục hộ dân nhận tiền bồi thường, hỗ trợ, tái định cư. Đây là nhóm dự án phải thực hiện dứt điểm trong năm 2023, tránh kéo dài dẫn đến phát sinh khiếu nại, khởi kiện của các hộ dân cũng như các vấn đề về lãi suất.
Còn các dự án được phê duyệt năm 2023, các địa phương sớm ban hành quyết định thu hồi đất, quyết định bồi thường, hỗ trợ, tái định cư cho từng trường hợp bị ảnh hưởng và chi trả bồi thường. Riêng đối với 13 dự án được giao vốn bồi thường lớn (trên 300 tỷ đồng) với tổng vốn hơn 17.424 tỷ đồng, dự án nào đang chi trả bồi thường thì tiếp tục triển khai, đồng thời thu hồi mặt bằng bàn giao chủ đầu tư thi công phần xây lắp.
Tập trung hoàn thành giải ngân các dự án lớn trong năm 2023
Trong năm 2023, một số dự án được yêu cầu tập trung giải ngân bồi thường giải phóng mặt bằng nhằm đạt kế hoạch đề ra. Cụ thể, dự án đường Vành đai 3 đi qua địa bàn 4 địa phương (TP Thủ Đức với vốn bồi thường 6.539,055 tỷ đồng; huyện Củ Chi là 1.718,57 tỷ đồng, huyện Hóc Môn là 1.614,45 tỷ đồng và huyện Bình Chánh 1.463 tỷ đồng); dự án đường Dương Quảng Hàm (quận Gò Vấp) bồi thường 1.750 tỷ đồng; dự án đường Lò Lu (TP Thủ Đức) bồi thường 600 tỷ đồng; dự án Rạch Xóm Củi (quận 8) bồi thường 412 tỷ đồng; dự án Kênh Tham Lương – Bến Cát – Rạch Nước Lên (giai đoạn 2) thực hiện công tác đền bù, hỗ trợ, tái định cư trên địa bàn 600 tỷ đồng.