Hơn 20 năm ra đời nhưng mãi đến cuộc giao lưu vừa diễn ra tại Đường sách TPHCM, 5 tác giả tham gia tủ sách Tiếng Việt giàu đẹp của NXB Trẻ mới có dịp gặp nhau. Nhóm tác giả gồm GS-TS Nguyễn Đức Dân, PGS-TS Trịnh Sâm, PGS-TS Trần Thị Ngọc Lang, nhà báo Dương Thành Truyền và nhà văn Lê Minh Quốc, đã thể hiện những trăn trở trong hành trình gieo tình yêu tiếng Việt đến cộng đồng.
1. TS Quách Thu Nguyệt, nguyên Giám đốc NXB Trẻ, một trong những người đặt nền móng đầu tiên cho sự ra đời của tủ sách Tiếng Việt giàu đẹp, chia sẻ, năm 2001, tác phẩm Tiếng Việt, văn Việt, người Việt của GS Cao Xuân Hạo được đơn vị xuất bản, cũng là tác phẩm đầu tiên, gợi mở nên sự hình thành của tủ sách sau này. Qua năm sau có thêm ấn phẩm Nỗi oan thì, mà, là của GS-TS Nguyễn Đức Dân.
“Lúc đầu, vì chưa hình thành tủ sách nên các ấn phẩm này vẫn mang tính rời rạc, như các cuốn sách được xuất bản khác. Về sau này, đội ngũ biên tập của NXB Trẻ đã góp công để những ấn phẩm về tiếng Việt được xuất bản một cách có hệ thống. Đến năm 2004, tủ sách bắt đầu chính thức mang tên là Tiếng Việt giàu đẹp”, TS Quách Thu Nguyệt nhớ lại.
GS-TS Nguyễn Đức Dân là người tham gia tủ sách Tiếng Việt giàu đẹp nhiều nhất với 4 ấn phẩm: Từ câu sai đến câu hay, Triết lý tiếng Việt, Muôn màu lập luận và Nỗi oan thì, mà, là. Có một điều đặc biệt, tuy xuất thân là cử nhân Toán học, nhưng ông lại có tình cảm sâu nặng dành cho ngôn ngữ. Ngoài 4 ấn phẩm trên, ông còn có nhiều công trình về ngôn ngữ được yêu mến như: Ngôn ngữ học thống kê (1984), Logic – ngữ nghĩa – cú pháp (1987), Câu sai và câu mơ hồ (đồng tác giả với Trần Thị Ngọc Lang, 1992), Logic và tiếng Việt (1996), Ngôn ngữ báo chí – những vấn đề cơ bản (2007), Logic – ngữ nghĩa từ hư tiếng Việt (2016).
“Cụ ngoại tôi là nhà thơ Nguyễn Khuyến. Trong một chừng mực nào đó, truyền thống gia đình tôi rất quan tâm đến tiếng Việt nên dù học Toán nhưng tình yêu ngôn ngữ, tình yêu tiếng Việt luôn trong tôi. Nên sau này, tôi chuyển hẳn sang nghiên cứu và viết về tiếng Việt”, GS-TS Nguyễn Đức Dân bộc bạch.
2. Là nữ tác giả duy nhất tính đến hiện tại tham gia vào tủ sách Tiếng Việt giàu đẹp, PGS-TS Trần Thị Ngọc Lang cho biết, khi về công tác tại Viện Khoa học xã hội vùng Nam bộ, bà được phân công nghiên cứu về ngữ nghĩa của phương ngữ Nam bộ. “Trong quá trình nghiên cứu, tôi phát hiện ra những điều mới mà chưa có ai nghiên cứu. Sau đó, khi NXB Trẻ ngỏ ý mời tham gia tủ sách Tiếng Việt giàu đẹp, tôi liền chỉnh sửa và thêm một số phần nữa để có cuốn sách Tiếng Việt phương Nam”, TS Trần Thị Ngọc Lang nhớ lại.
Theo bà, mỗi giai đoạn, mỗi thời kỳ trong lịch sử sẽ sản sinh một số từ ngữ mới, trong khi một số từ ngữ mất đi. Đó là quy luật phát triển và diệt vong của từ ngữ. Bởi vậy, bà có một cái nhìn mang tính chuyên môn trước hiện tượng một bộ phận giới trẻ ngày nay đang sử dụng tiếng Việt thiếu chừng mực. Điều này bình thường, đã xuất hiện không ít lần trong lịch sử.
Từ thời trước, Chủ tịch Hồ Chí Minh, Tổng Bí thư Trường Chinh đều rất chú ý đến việc sử dụng tiếng Việt; hay nhiều nhà văn hóa, lãnh đạo như Thủ tướng Phạm Văn Đồng đều thể hiện sự trân quý tiếng Việt. Cũng vì thế, tôi không có chủ đích viết để được nổi tiếng, mà tôi chỉ viết cốt để mọi người biết đến cái hay cái đẹp của tiếng Việt mình.
GS-TS Nguyễn Đức Dân
“Đó là một dạng ngôn ngữ riêng của một tầng lớp cụ thể là giới trẻ trong một độ tuổi nhất định, sử dụng ở một môi trường hẹp là những trao đổi với nhau trên mạng xã hội. Theo thời gian, khi thay đổi lứa tuổi, môi trường giao tiếp, dạng ngôn ngữ này sẽ biến mất”, PGS-TS Trần Thị Ngọc Lang lý giải.
Dù vậy, bà cũng nhắn nhủ: “Không ai cấm cản về việc sử dụng ngôn ngữ nhưng các bạn cũng nhớ rằng, nếu mình yêu quý tiếng Việt và mong muốn phát triển tiếng Việt ngày càng giàu đẹp, nên có ý thức trong việc sử dụng. Mình đừng quá dễ dãi, hoặc quá sơ suất cũng như đừng thái quá trong việc sử dụng dạng ngôn ngữ này vì lâu dần sẽ ảnh hưởng đến ngôn ngữ viết”.
Trong khi đó, TS Quách Thu Nguyệt cho rằng, hiện nay một số người đang sử dụng tiếng Việt một cách cẩu thả. Ngay cả trong hệ thống truyền thông báo đài cũng đang xuất hiện tình trạng dùng tiếng Việt chưa chính xác. Thành ra, bộ sách Tiếng Việt giàu đẹp như gióng một tiếng chuông: Trân trọng tiếng Việt, phải đặt đúng vị trí của nó.
“Bộ sách Tiếng Việt giàu đẹp góp phần khẳng định giá trị trường tồn của tiếng Việt. Rõ ràng, càng về sau chúng ta càng thấy giá trị của tiếng Việt là một di sản lớn lao của người Việt Nam mình”, TS Quách Thu Nguyệt nói thêm.
HỒ SƠN
Nguồn: https://www.sggp.org.vn/nhung-nguoi-lam-nen-tieng-viet-giau-dep-post761335.html