Mẹ tôi lấy chồng năm 25 tuổi. Cha tôi khi đó là Bộ đội Biên phòng Đảo Hòn Chuối. Ngoại kể, đám cưới của cha mẹ tôi diễn ra khi mùa bấc trở ngọn, cánh đồng lúa bắt đầu ngậm sữa, uốn câu, trĩu cong chạm mặt nước, hứa hẹn một mùa xuân no ấm ngấp nghé bậc thềm tháng Chạp không xa.
Tết năm đó, ngoại nuôi thêm gà, trồng thêm rau. Ngoại làm thêm mứt bánh, nồi thịt kho tàu cũng to hơn. Ngoại thương rể như con trai. Lúc ra riêng, ngoại cho đất, cất nhà, nhưng gặp phải “rể điên điển”. Ngày cha mẹ ra tòa ly hôn, tôi mới hơn ba tuổi. Thương cháu ngoại sinh ra đã èo ọt vì thiếu sữa mẹ, ngoại cưu mang tôi từ dạo đó. Những mùa tết đi qua, nó úp vú bà khôn lớn!
Ngoại tráng bánh hủ tiếu ngon lắm. Những sợi hủ tiếu dai, mềm, được cắt bằng tay nhưng đều tăm tắp. Hai mươi ba tết, sau khi cúng ông Táo, ngoại xúc gạo đem vo rồi ngâm trong nước khóm. Mỗi năm chỉ làm mấy ngày tết, dù cực nhưng có dôi dư thêm chút đỉnh để sắm tết và mua vải may áo quần mới cho cháu ngoại. Công đoạn xay bột và tráng bánh, bây giờ mỗi khi nhắc nhớ, dì Út lắc đầu, ứ hự. Và những giọt mồ hôi đẫm đầy, với những đêm thức trắng cuối năm bên bếp lửa bập bùng thơm mùi bánh hủ tiếu vừa tráng xong đã trở thành một phần ký ức về tết xưa của tôi.
Tết mà thiếu nồi thịt kho tàu trong bếp, với ngoại chưa thành tết. Mâm cơm cúng ông bà chiều 30, hay mâm cơm đãi khách đầu năm nhà ngoại, luôn có thịt kho tàu. Giờ, ngoại bị chứng đau lưng nên ngồi lâu không được. Chuyện bếp núc ngày tết, ngoại giao hẳn cho dì Út, duy chỉ khi kho thịt, bà muốn tự tay làm lấy. Nhìn ngoại chăm chút cho từng công đoạn một, mới biết, để có nồi thịt kho ngon, không chỉ từ việc lựa chọn nguyên liệu, đến khâu tẩm ướp gia vị sao cho vừa muối mắm, màu sắc trông đẹp mắt, củi lửa phải chuẩn xác mà còn có cả yêu thương dành cho con cháu, ngoại gói ghém gửi vào. Giờ, thịt kho tàu vẫn hay xuất hiện trong mâm cơm của nhà tôi ngày thường, nhưng món thịt kho tàu thời nghèo khó, ngon không thể tả.
Ngày thường, mọi thứ trong nhà có thể bề bộn, nhưng tết về, ngoại bảo phải tươm tất. Nhà ngoại, từ chái bếp đến hiên nhà, sân trước vườn sau, trong những ngày áp tết đều được dì tôi quét dọn sạch sẽ. Sau ngày 25, việc cúng đưa ông bà du xuân hoàn tất, dì Út xắn tay vào việc lau chùi dọn dẹp lại bàn thờ. Bức tranh thờ cũ kỹ theo thời gian, đến bộ chân đèn được làm bằng gỗ mù u mà ngoại thuê thợ làm hồi nẳm cũng được chùi lau, sạch như mới. Cây đèn dầu hột vịt cổ cao, dì càng lau chùi cẩn thận hơn. Nó không chỉ dùng thắp sáng trên bàn thờ mỗi đêm, ánh đèn còn mang lại cảm giác bình yên, ấm áp, và quan trọng hơn, nó là kỷ vật duy nhất của ông tôi để lại.
Giờ, dì tôi cũng lớn tuổi, việc leo trèo để lau chùi bàn thờ ông bà, tôi thay thế. Sắp mâm ngủ quả chưng trên bàn thờ, sao cho tròn, cho đẹp với kiểu chưng đông bình tây quả, tôi cũng rõ. Tết đến, tôi trang hoàng lại bàn thờ ông bà, hay việc sắp xếp mâm cơm cúng đưa – đón ông bà sao cho tươm tất… ngoại chỉ nhìn, không nói chi… mùi trầm thơm theo gió tết quyện đưa!
Đứa con trai của tôi, được hai vợ chồng chăm chuốt yêu thương; quần áo, giầy dép được mua mới thường xuyên. Trong khi bằng tuổi con mình, phải đợi gần sát giao thừa, tôi mới được ướm thử bộ quần áo mới vừa được dì may xong bên ánh đèn dầu leo lét. Có thể quần hơi dài, áo hơi rộng, nhưng được ủi phẳng phiu bằng bàn ủi con gà đã bao lần hỏng, tôi không còn nhớ. Rồi việc thức dậy sớm để ngắm xác pháo đốt khi đón giao thừa, rơi vương vãi trên khoảng sân trước nhà; nghe trong không gian se lạnh vẫn còn mùi thuốc pháo, giờ chỉ còn giữ lưu trong ký ức của cha nó, mỗi khi kể về Tết xưa trong tiếng pháo hoa đì đùng nổ.
Tết theo thời gian ít nhiều có sự thay đổi, nhưng tết vẫn là thời khắc giao thời giữa năm cũ với năm mới; sự vận hạnh của chu kỳ trời – đất, cỏ cây vạn vật; mối quan hệ giữa con người với thiên nhiên trên tinh thần văn hóa nông nghiệp không hề suy suyển.
Tết nay, dù có khác xưa, nhưng cũng là những ngày sum vầy, họp mặt; bao lì xì vẫn được mọi người trao cho nhau với câu chúc năm mới tốt lành; vẫn hoa mai, hoa đào; vẫn hy vọng về sự ấm no, hạnh phúc, tròn đầy. Tết nay còn là tết văn minh, tiết kiệm. Tết gắn liền với sức khỏe của mọi người, tết sẻ chia!
Miên man nghĩ về tết, tôi bỗng giật mình bởi tiếng gọi của thằng con trai, nói mẹ bảo cha mang mấy lọ hoa vạn thọ đặt lên bàn thờ ông cố, cho kịp cúng giao thừa. Một tết yêu thương nữa lại về!
CAO MINH TÈO
Quận 1, TP.HCM