Có lớp diễn ra tại đình chùa, lớp lại mở liên tục ở thư quán và cũng lắm khi người học được yêu cầu đi đến nhiều nơi trong thành phố để nghe cái hay, tiếp cận cái đẹp. Điểm chung của những lớp học này là đưa văn hóa, nghệ thuật truyền thống đến gần với bạn trẻ ngày nay.
“Cổ lệ học đàng” là lớp học về văn hóa truyền thống được nhiều bạn trẻ yêu thích. |
Năm 2021, Lương Hoài Trọng Tính, người sáng lập nhóm Đại Nam hội quán khiến nhiều bạn trẻ tò mò khi giới thiệu về “Cổ lệ học đàng” trên mạng xã hội. Ngay lập tức, khóa học đầu tiên đã đủ thành viên đăng ký. Lớp học duy trì đều đặn vào ngày chủ nhật hằng tuần với lịch học kiến thức tại đình Phú Thạnh (Quận 3) rồi đi điền dã thực tế ở Thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh lân cận như Long An, Tiền Giang, Bình Dương, Đồng Nai… Anh Tính là người đứng lớp, giới thiệu đến bạn bè cùng trang lứa những câu chuyện đẹp được dệt nên bởi lịch sử, văn hóa truyền thống Nam Bộ, lĩnh vực mà anh dành nhiều năm liền nghiên cứu, tích lũy kiến thức. Bạn trẻ gọi anh là thầy dù tuổi đời không chênh nhau mấy. Mỗi tuần một chủ đề, có khi Tính say sưa nói về ngôn ngữ, văn hóa lễ nghi hay văn học truyền thống, lúc lại giới thiệu nét độc đáo của trang phục, kiến trúc cùng các phong tục, tập quán xưa. Chủ nhật tuần thứ ba mỗi tháng, anh Tính cùng các học viên trong lớp cùng nhau đi điền dã để ứng dụng kiến thức đã học vào thực tế. “Chúng tôi đến thăm các di tích lịch sử, những điểm đến còn lưu giữ đậm nét văn hóa truyền thống để tiếp tục khai thác sâu vấn đề đã học trên lớp. Trong những chuyến đi như thế, các bạn trẻ đã đặt ra rất nhiều câu hỏi liên quan đến vùng đất, văn hóa, con người và truyền thống của ông cha. Tại mỗi điểm đến, tôi đều nhờ người am hiểu văn hóa, lịch sử nơi đó kể chuyện, hướng dẫn cách tiếp cận gần hơn với giá trị lịch sử, văn hóa truyền thống”, anh Tính cho hay.
Cũng là người yêu thích lan tỏa giá trị của văn hóa, nghệ thuật truyền thống đến cộng đồng người trẻ, năm 2020, anh Phan Khắc Huy (Quận 6) triển khai dự án “Vang vọng trống chầu”. Điểm nhấn của dự án này là chương trình định kỳ dành cho những bạn trẻ thích tìm hiểu về văn hóa địa phương, nghệ thuật truyền thống mang tên “Đi để học”. Hình thức triển khai chương trình khá đặc biệt. Theo đó, người học sẽ đi điền dã, cùng nhau khám phá vẻ đẹp của các điểm đến đậm sắc màu văn hóa địa phương và nghe kể chuyện xưa. Mỗi tuần sẽ có một hoặc vài điểm đến khác nhau tùy theo chuyên đề cần tiếp cận. Tại mỗi điểm đến, “Vang vọng trống chầu” sẽ tạo cho các bạn trẻ cơ hội gặp gỡ, giao lưu và nghe chính người dân địa phương kể câu chuyện về nếp sống, văn hóa truyền thống. “Đó là những gia đình đã sống nhiều đời tại điểm đến và thành viên trong đó am hiểu về văn hóa, lịch sử để các thông tin sống động, cụ thể hơn. Các bạn trẻ khi tham gia chương trình “Đi để học” được yêu cầu chuẩn bị bút, giấy, phương tiện lưu giữ hình ảnh cùng rất nhiều câu hỏi về chủ đề hôm đó. Việc học từ chính câu chuyện văn hóa có thật khiến bạn trẻ thích thú, số lượng học viên tham gia ngày càng tăng”, anh Huy vui vẻ cho hay.
“Đi để học” gồm hai nhánh tùy theo thời lượng chương trình, điểm đến phù hợp nhu cầu học hỏi, trải nghiệm của bạn trẻ. Nếu “Echoing Trip” gồm các chuyến đi bộ trải nghiệm văn hóa truyền thống diễn ra trong ngày tại những địa điểm quen thuộc ở Thành phố Hồ Chí Minh và một số tỉnh, thành phố lân cận thì “Echoing Journey” có lộ trình dài hơn. Người học sẽ được anh Huy đưa đi điền dã tại khu vực Tây Nam Bộ theo định kỳ hai lần/tháng để tìm hiểu về lịch sử, văn hóa cùng những câu chuyện độc đáo về các địa danh nổi bật, các loại hình văn hóa, nghệ thuật truyền thống đặc sắc. Học trên chất liệu thực tế, nghe chính người dân địa phương kể chuyện và chọn lọc điểm đến là môi trường anh Huy nỗ lực tạo ra để các bạn trẻ có thêm chất liệu quý về lịch sử, văn hóa, nghệ thuật truyền thống của ông cha.
Thành lập vào cuối năm 2020, đến nay, Hiếu Văn Ngư là nhóm bạn trẻ đam mê nghiên cứu, chia sẻ về văn hóa, nghệ thuật truyền thống được yêu thích tại thành phố. Trên trang fanpage hơn 9.300 người theo dõi, Hiếu Văn Ngư thường xuyên giới thiệu những lớp học ngắn, những buổi tọa đàm độc đáo khiến bạn trẻ thích thú đăng ký tham gia. “Hát bội 101”, “Phong hoa ca vịnh” và “Ca biện phấn hành” là ba dự án thể hiện nỗ lực của nhóm bạn trẻ trong việc đưa nghệ thuật truyền thống đến với cuộc sống hiện đại. “Hát bội 101” là dự án ra đời nhằm mục đích giúp bạn trẻ có cơ hội tìm hiểu, nắm bắt và thực hành các hoạt động ca diễn trong nghệ thuật hát bội. Trong khi đó, “Phong hoa ca vịnh” thực hiện việc lưu trữ, truyền dạy và ứng dụng chất liệu ru, hò, lý cho khán giả trẻ. Đến thời điểm hiện tại, chuỗi tọa đàm đi liền với biểu diễn nghệ thuật hát bội mang tên “Ca biện phấn hành” là dự án nhận về nhiều ý kiến phản hồi tích cực nhất của nhóm. Dự án gồm năm kỳ, đã diễn ra trong mùa hè năm nay tại rạp Thủ Đô (Quận 5). Đây là chuỗi chương trình độc đáo mà nhóm Hiếu Văn Ngư kết hợp với Nhà hát Nghệ thuật Hát bội Thành phố Hồ Chí Minh thực hiện nhằm mang đến góc nhìn độc đáo, gần gũi cho những người trẻ yêu thích nghệ thuật truyền thống.
Cung cấp kiến thức cơ bản về hát bội, giới thiệu chi tiết cách tạo hình, vẽ mặt và động tác ca diễn của từng nhân vật, diễn các trích đoạn đặc sắc cùng phần giới thiệu ngắn gọn về nội dung để ai cũng có thể xem, hiểu nghệ thuật hát bội ngay từ lần đầu tiếp cận. Kết thúc dự án, nhóm giới thiệu đến khán giả một buổi biểu diễn trọn vẹn với phần đầu tư công phu của nhà hát và phần diễn thuyết thú vị từ diễn giả do nhóm Hiếu Văn Ngư chọn lọc. “Các buổi trò chuyện, biểu diễn đều bán vé. Chúng tôi rất hạnh phúc vì phần lớn khán giả tìm đến rạp là người trẻ. Họ đến cùng nhóm bạn hoặc gia đình, say sưa theo dõi từng phần nội dung. Sau năm kỳ, nhận thấy nhu cầu tiếp cận của bạn trẻ vẫn còn nhiều, nhà hát và nhóm tiếp tục triển khai thêm một số buổi biểu diễn định kỳ đến cuối năm. Bên cạnh các dự án lớn, chúng tôi còn thường xuyên tổ chức những buổi dạy vẽ mặt nạ hát bội hay các buổi chia sẻ ngắn về nghệ thuật truyền thống”, đại diện nhóm Hiếu Văn Ngư cho biết thêm.
Gia Mỹ
Nguồn:https://nhandan.vn/nhung-lop-hoc-dac-biet-post849494.html#849494|zone-highlight-1344|3