Theo ông John Neuffer, Chủ tịch Hiệp hội Công nghiệp bán dẫn Hoa Kỳ (SIA), nhà đầu tư nhận thấy “những cơ hội đáng kinh ngạc để Việt Nam phát triển dấu ấn của mình trong chuỗi cung ứng chất bán dẫn toàn cầu”.
Sáng 7-12, Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, Trung tâm Đổi mới sáng tạo Quốc gia phối hợp với SIA tổ chức tọa đàm “Sự sẵn sàng cơ sở hạ tầng cho ngành công nghiệp bán dẫn tại Việt Nam” tại Hà Nội.
Phát biểu khai mạc tọa đàm, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho biết, để triển khai nội dung hợp tác phát triển ngành bán dẫn, Việt Nam đã tích cực chuẩn bị các điều kiện để sẵn sàng đón nhận, hợp tác với các doanh nghiệp, nhà đầu tư của Hoa Kỳ trong chuỗi cung ứng ngành bán dẫn.
Chúng tôi đã hoàn thiện cơ chế một cửa, xây dựng đề án phát triển nguồn nhân lực ngành bán dẫn đến năm 2030 sẽ đạt 30.000 kỹ sư ngành bán dẫn, thành lập Trung tâm Đổi mới sáng tạo quốc gia (NIC) cơ sở 2 tại Hòa Lạc để sẵn sàng đón nhận dự án đầu tư ngành bán dẫn với các chế độ ưu đãi nhất. Tọa đàm hôm nay tập trung trao đổi về sự sẵn sàng về hạ tầng cho ngành công nghiệp bán dẫn tại Việt Nam. Tôi tin tưởng rằng, Hiệp hội Công nghiệp bán dẫn Hoa Kỳ và các doanh nghiệp thành viên sẽ nhận được nhiều thông tin để sớm có các phương án hợp tác, đầu tư vào Việt Nam, Bộ trưởng Bộ KH-ĐT nói.
Tiếp lời Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng, Chủ tịch SIA John Neuffer đã chia sẻ về các hoạt động hợp tác Hoa Kỳ – Việt Nam để thúc đẩy ngành công nghiệp bán dẫn.
Ông Neuffer nêu rõ: “Trong số các thành viên của SIA, nhiều công ty có mặt tại đây ngày hôm nay, có các khoản đầu tư đáng kể vào Việt Nam, bao gồm Intel, Marvell, Synopsys, Qualcomm, Ampere, Infineon… Nhiều doanh nghiệp đang tăng gấp đôi số tiền đầu tư của họ. Những khoản đầu tư này là minh chứng cho vai trò then chốt và ngày càng tăng của Việt Nam trong chuỗi cung ứng bán dẫn toàn cầu”.
Vẫn theo ông Neuffer, nhà đầu tư nhận thấy “những cơ hội đáng kinh ngạc để Việt Nam phát triển dấu ấn của mình trong chuỗi cung ứng chất bán dẫn toàn cầu”.
Thực tế, Việt Nam đã có những định hướng, mục tiêu và hành động khá cụ thể, nhất quán xây dựng những nền tảng quan trọng ban đầu cho ngành công nghiệp bán dẫn và hiện được đánh giá là một quốc gia có hệ sinh thái đổi mới sáng tạo năng động. Tại Nghị quyết số 124/NQ-CP ngày 7-8-2023, Chính phủ đã giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư phối hợp với các cơ quan liên quan xây dựng Đề án phát triển nguồn nhân lực cho ngành công nghiệp bán dẫn Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
Tháng 11-2023 vừa qua, Quốc hội đã ban hành Nghị quyết cho phép Chính phủ xây dựng một Nghị định thành lập Quỹ hỗ trợ đầu tư cho một số dự án công nghệ cao, trong đó có các dự án trong ngành công nghiệp bán dẫn, dự kiến sẽ sớm ban hành vào giữa năm 2024. Quy hoạch điện VIII cũng đã được Chính phủ đã phê duyệt, đảm bảo ưu tiên cung cấp điện ổn định cho các dự án đầu tư và hướng tới đảm bảo năng lượng bền vững.
Việt Nam có 3 khu công nghệ cao tại Hà Nội, Đà Nẵng và TPHCM với cơ chế, chính sách đặc biệt thuận lợi và ưu đãi dành cho doanh nghiệp công nghệ cao; đồng thời đã phát triển hệ thống các khu công nghiệp, khu kinh tế với hạ tầng, mặt bằng đồng bộ và hiện đại sẵn sàng phục vụ các dự án đầu tư…
Tại sự kiện, các doanh nghiệp thành viên SIA cũng đã thông báo những kế hoạch đầu tư mới và dự định phát triển tại thị trường đầy tiềm năng này.
Về phía Intel Vietnam, Intel muốn thông qua Bộ Kế hoạch và Đầu tư có thể hỗ trợ các vướng mắc của Intel trong lĩnh vực đầu tư công nghệ cao tại Việt Nam.
Qualcomm đã hợp tác với các đối tác Việt Nam khoảng 20 năm trong suốt quá trình chuyển đổi số. Kế hoạch của Qualcomm là tiếp tục mở rộng hợp tác tại Việt Nam trong việc phát triển ngành công nghiệp bán dẫn thông qua các chương trình đào tạo của Qualcomm đồng thời nhận thấy việc triển khai kết cấu hạ tầng là rất quan trọng trong việc phát triển ngành.
Marvell Việt Nam thì cho biết, trong suốt 10 năm qua, công ty có một cam kết rất rõ trong 3-5 năm tới phát triển nhân lực thông qua hợp tác với các trường đại học, viện nghiên cứu cùng với sự hỗ trợ của Chính phủ Việt Nam. Đối với công ty, bảo hộ trí tuệ sáng tạo là điều kiện vô cùng quan trọng để công ty có thể đầu tư tại Việt Nam. Công ty mong đợi có thể hợp tác với các công ty thành viên, các bộ ngành ở đây để phát triển ngành bán dẫn Việt Nam…
Trong khi đó, theo đại diện Infineon, doanh nghiệp này nhận thấy một số khó khăn trong phát triển nguồn nhân sự chất lượng cao. Infineon mong muốn phối hợp với các doanh nghiệp, trường đại học tại Việt Nam, đặc biệt là tại Hà Nội, để đào tạo nguồn nhân lực cho ngành bán dẫn Việt Nam.
ANH PHƯƠNG