Quê ngoại tôi, quê nội tôi, cùng một miền, đó là miền Tây Nam bộ. Chính vì vậy, những ngày tết của tôi ngày xưa rất vui, rất đẹp vì có đủ họ hàng nội ngoại. Nhớ mỗi khi nhà trường cho nghỉ tết vào dịp đưa ông Táo, tôi và thằng em xách balô về quê ngay ngày hôm sau.
Những ngày cuối năm, ở quê đẹp hơn cả ngày tết, vì nhà nhà hối hả đón tết. Nhà gói bánh tét. Nhà thì làm mứt. Nhà quết bánh phồng. Nhà tát mương bắt cá rộng cả lu. Vườn nhà ai cũng rực rỡ muôn sắc của nhiều loài hoa chuẩn bị cho ngày Tết. Trên cánh đồng, một thảm đủ sắc màu đẹp như tranh vẽ: màu vàng của hoa cúc, màu cam của vạn Thọ, màu xanh của cây sống đời… thật đẹp mắt.
Tôi rất thích hoa ở miền quê hơn hoa ở thành thị, vì hoa luôn luôn ở trên cành. Còn hoa ở thành thị, hoa thường ở trong chậu, trong bình. Tôi hiểu, những sắc hoa này sẽ trả lại cánh hoang sơ trong vài ngày nữa. Những đóa hoa này sẽ sang nhà người khác, khi nhà vườn thu hoạch. Biết đâu trên cánh đồng hoa này, những bông hoa kia chu du ăn tết đến tận Sài Gòn?
Cho nên, tôi với những đứa em cùng trang lứa trong họ hàng rất thích chạy nhảy tung tăng trên cánh đồng. Những bờ ruộng nhỏ quanh co, tôi té xuống rồi đứng dậy giỡn tiếp, không hề biết đau là gì. Chim én ở đâu cũng bay về, che kín cánh đồng hoa. Bướm là nhiều nhất. Cũng giống như hoa, bướm cũng đủ màu sắc. Tôi thích bướm là vì bướm rất dịu dàng, bay nhẹ nhàng, nhất là bướm vào xuân dáng rất xinh và màu sắc rất tươi.
Tết ở quê không phải đi siêu thị mà là đi chợ đêm. Chợ đêm những ngày cuối năm cũng ngập hoa. Những chậu hoa, cây kiểng được bày bán khắp chợ.
Nhiều nhất là hoa mai và hoa vạn thọ. Người dân trồng nhiều hoa mai và hoa vạn thọ vì hoa mai tượng trưng cho sự may mắn và hoa vạn thọ có ý nghĩa của sự sống, của tuổi thọ. Người dân nơi đây rất yêu hoa, họ nâng niu từng cành hoa, dù đang bày bán giữa chợ. Họ chào hỏi khách mua hàng như người thân, lúc nào cũng thân thiện và đáng yêu.
Ba ngày tết ở quê tôi rất vui. Mùng 1, mùng 2, mùng 3 có ý nghĩa khác nhau. Ba ngày này, họ hàng sắp xếp thăm viếng và chúc tết nhau. Trẻ nhỏ mừng tuổi ông bà. Ông bà thì lì xì cho các cháu. Ở quê lì xì rất ít, thường là tượng trưng, nhưng rất vui. Trẻ nhỏ ở quê thường vui khi đếm được số lượng bao lì xì nhiều hay ít, chứ không quan tâm đến bên trong bao lì xì có bao nhiêu tiền? Đúng là vui thật đó, khi tôi được ăn tết ở quê.
Thế mà, ba năm qua rồi, qua ba cái Tết, tôi không được ăn tết ở quê nữa. Từ khi ba tôi bệnh nặng và nằm một chỗ, gia đình tôi không còn ăn tết xa nhà. Vì với tôi, nơi nào có ba thì đó mới có niềm vui, có tết. Chính vì vậy, tôi luôn chọn cái tết bên cạnh ba, ăn tết cùng với ba.
Rồi ba ra đi, một chuyến đi mà ba sẽ không bao giờ trở về nhà ăn tết cùng. Tết này, ba đã vắng nhà 4 năm rồi. Bốn năm đối với ai đó, chỉ là một khoảng thời gian thoáng qua, nhưng với tôi là chuỗi ngày dài ơi là dài. Tôi không thể tả được và cũng không thể viết được. Tôi chỉ thấy Tết nào cũng vắng ba, chắc chắn là sẽ thiếu hương vị ngày tết.
Tết ở thành phố dù có một ý nghĩa khác, nhưng tôi luôn thấy thiếu hương vị ngày tết, do nơi đây không còn mùi khói của nồi bánh tét và thiếu hương hoa trên cành sau vườn nhà. Giờ đây, ba không còn nữa để đưa cả nhà về quê ăn tết. Tết nào, tôi cũng thiếu ba…
NGUYỄN HUỲNH BẢO ÂN
Sinh viên Khoa piano, Nhạc viện TPHCM
Email: [email protected]