SGGP
Trong bối cảnh kinh tế trong nước cũng như toàn cầu còn khó khăn, nhưng ghi nhận từ các doanh nghiệp niêm yết trên sàn chứng khoán cho thấy, có nhiều doanh nghiệp trong một số lĩnh vực vẫn “ăn nên làm ra”, tạo thêm sinh lực, đóng góp tích cực cho nền kinh tế.
Công ty CP Sữa Việt Nam – Vinamilk có lợi nhuận dương trong quý 2-2023. Ảnh: ÁI VÂN |
Lãi đậm
Ghi nhận báo cáo tài chính quý 2-2023 từ nhiều doanh nghiệp niêm yết trên sàn chứng khoán có “sức khỏe” rất tốt. Ngay cả ngành điện, mặc dù Tổng Công ty Điện lực Việt Nam (EVN) báo lỗ, nhưng nhiều doanh nghiệp cổ phần đạt lợi nhuận tăng cao. Cụ thể, Tổng Công ty Phát điện 3 (PGV) là công ty con của EVN vừa công bố báo cáo tài chính quý 2-2023 với doanh thu 15.354 tỷ đồng, tăng 29% so với cùng kỳ – mức cao nhất kể từ khi lên sàn từ năm 2018. Ước tính bình quân mỗi ngày PGV tạo ra doanh thu gần 170 tỷ đồng trong quý 2, lợi nhuận gộp tương ứng đạt 1.725 tỷ đồng, tăng 42% so với cùng kỳ năm ngoái. Bà Nguyễn Thị Thanh Hương, Phó Tổng giám đốc PGV giải thích, phần lớn là nhờ “sản lượng điện bán cao hơn so với cùng kỳ năm 2022”.
Đầu tư vào hàng chục công ty liên kết, công ty con về thủy điện, nhiệt điện, điện gió, điện mặt trời…, Công ty CP Cơ điện lạnh (REE) có kết quả kinh doanh nửa năm nay cũng khá ấn tượng. Lũy kế 6 tháng đầu năm, REE ghi nhận doanh thu 4.543 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế 1.679 tỷ đồng. Trong đó, mảng năng lượng chiếm tỷ trọng cao nhất trong cơ cấu doanh thu và lợi nhuận sau thuế hợp nhất 6 tháng đầu năm. Báo cáo tài chính quý 2-2023 của Công ty CP Bóng đèn phích nước Rạng Đông (RAL) cũng cho thấy, chi phí giá vốn tăng ít hơn mức tăng doanh thu nên lợi nhuận gộp được cải thiện mạnh; lũy kế 6 tháng đầu năm nay, lợi nhuận sau thuế đạt 293 tỷ đồng, tăng 34% so với cùng kỳ.
Tương tự, theo kết quả kinh doanh quý 2-2023, Công ty CP Sữa Việt Nam – Vinamilk (VNM) có lợi nhuận sau thuế đạt 2.220 tỷ đồng, là quý đầu tiên Vinamilk ghi nhận lợi nhuận tăng trưởng dương kể từ đầu năm 2021. Lũy kế 6 tháng đầu năm Vinamilk đạt doanh thu gần 29,2 ngàn tỷ đồng và lãi sau thuế hơn 4,1 ngàn tỷ đồng, đạt gần 48% kế hoạch cả năm.
Chia cổ tức “khủng”
Hiệu quả kinh doanh của nhiều doanh nghiệp khá ấn tượng với việc mạnh tay chi cổ tức “khủng” bằng tiền cho cổ đông. Lĩnh vực hóa chất cho thấy lợi nhuận khá lớn. Công ty Hóa chất Đức Giang (DGC) với lợi nhuận sau thuế năm 2022 đạt 6.036 tỷ đồng. Đợt đầu, công ty chia cổ tức tỷ lệ 30%, nhưng sau đó cổ đông đề nghị chia tiếp 10%. Như vậy, với 380 triệu cổ phiếu đang lưu hành, DGC sẽ trả cổ tức tổng cộng 1.500 tỷ đồng tiền mặt cho cổ đông. Hay như Công ty CP Phốt pho Apatit Việt Nam (PAT) cũng chia cổ tức năm 2022 bằng tiền với tổng tỷ lệ 306,5%, tương ứng số tiền 766 tỷ đồng. Việc chia cổ tức cao được giải thích là nhờ kết quả kinh doanh năm 2022 lãi 963 tỷ đồng, gần gấp 4 lần so với cùng kỳ năm trước. Tổng Công ty CP Bia – Rượu – Nước giải khát Sài Gòn (Sabeco, mã cổ phiếu SAB) cũng chia cổ tức bằng tiền năm 2022 cho cổ đông gần 2.200 tỷ đồng.
Nhiều nhà đầu tư săn cổ phiếu được chia cổ tức “khủng” trên sàn chứng khoán. Ảnh: HOÀNG HÙNG |
Theo đại diện Công ty Chứng khoán SSI, trong bối cảnh kinh tế chung vẫn còn nhiều khó khăn thì vẫn có không ít doanh nghiệp “ăn nên làm ra”, đó là tín hiệu tích cực. Các doanh nghiệp có kết quả kinh doanh tốt mới phân phối lợi nhuận cho cổ đông bằng tiền. Việc mạnh tay chi trả cổ tức như vậy cũng phần nào cho thấy doanh nghiệp không có kế hoạch tái đầu tư hay mở rộng hoạt động sản xuất, kinh doanh, từ đó có thể ảnh hưởng đến tốc độ tăng trưởng trong tương lai.
Nằm trong nhóm chia cổ tức “khủng” còn phải kể đến Tổng Công ty Máy động lực và Máy nông nghiệp Việt Nam – CTCP (mã cổ phiếu VEA), kế hoạch chi trả cổ tức năm 2022 bằng tiền mặt theo tỷ lệ 37,3%. Với hơn 1,3 tỷ cổ phiếu đang lưu hành, VEA dự kiến chi gần 5.000 tỷ đồng để chia cho cổ đông. Kế đó, Vinamilk chi hơn 5.120 tỷ đồng chia cổ tức cho cổ đông. Chia “đậm” nhất là Tổng Công ty Khí Việt Nam – CTCP (GAS), với tỷ lệ 36%, tương đương chi trả cổ tức gần 7.000 tỷ đồng.
Bà TRẦN KHÁNH HIỀN – Giám đốc Nghiên cứu Công ty Chứng khoán MB (MBS):
Mặc dù bức tranh kinh tế vĩ mô của Việt Nam trong ngắn hạn vẫn còn nhiều thách thức do tác động từ sự suy yếu của các nền kinh tế lớn, tiêu dùng trong nước chậm, nhưng báo cáo kết quả kinh doanh quý 2-2023 của khối sản xuất, thương mại đã có mức doanh thu thuần phục hồi nhẹ (tăng 7,7% so với quý 1-2023). Bức tranh kết quả kinh doanh quý 2-2023 cũng đã cho thấy sự cải thiện đáng kể về lợi nhuận của nhiều doanh nghiệp ở nhiều nhóm ngành, đặc biệt khi so sánh với quý đầu năm. Kỳ vọng này cũng đã được phản ánh rõ nét trên thị trường chứng khoán với sự tăng trưởng mạnh mẽ và gia nhập của dòng tiền mới.