Trước thềm Ngày thơ Việt Nam lần thứ 22, lần đầu tiên, Hội Nhà văn TPHCM kết hợp với Hội Âm nhạc TPHCM tổ chức hội thảo “Thơ – nhạc, tương sinh hay tương khắc” vào ngày 23-2. Hội thảo nhằm nâng cao hơn về chất lượng sáng tác của thơ và nhạc, cũng như làm rõ hơn mối tương quan giữa hai loại hình.
Trong lời đề dẫn, nhà văn Bích Ngân, Chủ tịch Hội Nhà văn TPHCM, cho rằng, quan hệ thơ – nhạc để hình thành ca khúc phổ thơ, có thể xem như một sự kết hợp thú vị. Bởi lẽ, thơ vẫn là dòng chảy chủ lưu của văn học Việt Nam, còn ca khúc vẫn là dòng chảy chủ lưu của âm nhạc Việt Nam. Và dù muốn dù không, chúng ta vẫn phải khẳng định, ca khúc phổ thơ suốt gần một thế kỷ vừa qua đã góp phần không nhỏ cho đời sống văn hóa của người Việt Nam.
Cũng theo nhà văn Bích Ngân, thực tế cho thấy, nhiều bài thơ đã thành bệ phóng cho những ca khúc thăng hoa vào lòng công chúng. Vì vậy, có thể nói, nhà thơ có vai trò đáng kể, nếu không muốn nói là quan trọng trong sự phong phú và lan tỏa của hoạt động sáng tác âm nhạc từ trước đến nay.
“Thế nhưng, đánh giá một cách khách quan, quan hệ giữa thơ và nhạc vẫn còn nhiều điều bất cập, cần được trao đổi và tiếp tục được trao đổi một cách thấu đáo. Dĩ nhiên, ngoài sự tế nhị về thù lao ít ỏi, thì sự cộng hưởng giữa thơ và nhạc trong ca khúc phổ thơ phải minh định rạch ròi hơn nữa”, nhà văn Bích Ngân đặt vấn đề.
Nhạc sĩ Phạm Minh Tuấn là nhạc sĩ tài hoa, được trao Giải thưởng Nhà nước vì những đóng góp cho nền âm nhạc nước nhà. Ông sở hữu gia tài âm nhạc đồ sộ với nhiều ca khúc nổi tiếng được đông đảo người yêu nhạc mến mộ và có nhiều bài hát nổi tiếng vốn được phổ từ các bài thơ hay như Thành phố tình yêu và nỗi nhớ, Mùa xuân, Đất nước, Dấu chân phía trước…
Theo nhạc sĩ Phạm Minh Tuấn, thơ gợi cho nhạc sĩ nhiều tứ rất hay. Nhạc sĩ giỏi nhạc nhưng ở lĩnh vực văn học thì có những hạn chế nhất định, thậm chí có những người viết ca từ mà theo ông còn thiếu tính văn học, thiếu hình tượng nghệ thuật, với những ca từ rất đao to búa lớn… “Trên tập nhạc của tôi, bao giờ nhà thơ cũng đứng trước nhạc sĩ bởi nhờ có nhà thơ mà nhạc sĩ mới có ý tưởng để sáng tác nhạc”, nhạc sĩ Phạm Minh Tuấn bày tỏ.
Là người sáng tác song song hai thể loại, nhạc sĩ Trương Tuyết Mai khẳng định mối quan hệ giữa thơ và nhạc là sự tương sinh. Tuy nhiên, trái ngược với nhạc sĩ Phạm Minh Tuấn, nhạc sĩ Trương Tuyết Mai cho rằng, với nhiều nước trên thế giới, họ đều ghi tên nhạc sĩ trước, nhà thơ sau trong trường hợp thơ phổ nhạc.
“Tôi cho điều này là hợp lý, bởi đây là một tác phẩm âm nhạc. Thành ra, đề tên nhạc sĩ trước hay nhà thơ trước không phải là vấn đề cần phải tranh luận”, nhạc sĩ Trương Tuyết Mai chia sẻ.
Chiều cùng ngày, Hội Nhà văn TPHCM tổ chức tọa đàm “Thơ với tuổi thơ lớn lên cùng thành phố”. Đây được xem là nét mới và nỗ lực của Hội Nhà văn TPHCM năm nay, khi đã tạo ra Sân thơ thiếu nhi với nhiều nội dung nhằm góp phần khích lệ tác giả sáng tác thêm nhiều tác phẩm cho thiếu nhi mà cả người lớn cũng đọc được.
Nhà thơ Lê Luynh cho rằng, thơ với tuổi thơ nói riêng và văn học thiếu nhi nói chung đang được cả xã hội quan tâm. Điều đó, thể hiện ở lực lượng sáng tác trẻ đang ngày càng đông, một số giải thưởng đang thu hút nhiều lực lượng chú ý đến mảng đề tài thiếu nhi này.
“Những chuyển biến nêu trên thật đáng mừng. Tuy nhiên cho đến nay, ngoài một số nhà thơ có chỗ đứng trong lòng bạn đọc nhỏ tuổi thì vẫn chưa có những tên tuổi mới tạo ra những bài thơ thiếu nhi có ấn tượng với bạn đọc”, ông Lê Luynh thẳng thắn nhìn nhận.
Bên cạnh các nhà thơ, nhà văn viết cho thiếu nhi của TPHCM hiện nay như: Trần Quốc Toàn, Kim Hài, Nguyệt Thu, Phương Huyền, Võ Thu Hương, Tiểu Quyên…, chương trình tọa đàm còn có sự tham gia của đông đảo các em học sinh đến từ các trường học trên địa bàn thành phố như Trường Tiểu học Nguyễn Thị Minh Khai (quận 1), Trường Tiểu học Nguyễn Thái Sơn (quận 3) và Trường Trung học cơ sở Võ Trường Toản (quận 1). Ngoài chương trình chính, Sân thơ thiếu nhi còn mang đến nhiều hoạt động thú vị như đố thơ, các trò chơi văn học, giao lưu cùng các nhà văn nhà thơ.
Ngày mai, ngày 24-2 (tức ngày 15 tháng Giêng), chương trình khai mạc Ngày thơ Việt Nam lần thứ 22 với chủ đề “Thành phố này tôi đến tôi yêu” sẽ được diễn ra vào lúc 8 giờ 30 tại sảnh Liên hiệp các Hội VHNT TPHCM (81 Trần Quốc Thảo, quận 3, TPHCM). Chương trình do Hội Nhà văn TPHCM phối hợp Nhà hát Ca múa nhạc dân tộc Bông Sen thực hiện. Bên cạnh trình diễn thơ còn có 6 ca khúc được phổ từ 6 bài thơ có đề tài gắn liền với thành phố.
Sân thơ trẻ năm nay có sự đổi mới là kết nối với cả những tác giả trẻ tài năng chưa phải là hội viên. Và tập trung trao đổi, bàn thảo về nghề nghiệp, làm sao cho người cầm bút trẻ có thêm sự hào hứng sáng tạo. Cùng với đó thì ở Sân thơ trẻ giới thiệu những gương mặt thơ văn: Minh Anh, Trần Đức Tín, Trần Văn Thiên, Huỳnh Trọng Khang, Huỳnh Hữu Phước…
Đặc biệt, thay vì 24 Câu lạc bộ thơ như năm trước, năm nay, Ban Tổ chức tinh gọn và lựa chọn 12 Câu lạc bộ thơ nhằm nâng chất lượng hoạt động của mỗi CLB trong Ngày thơ. Đây cũng là lực lượng quan trọng làm nên sắc thái của ngày hội thơ ca mỗi năm tổ chức một lần.
QUỲNH YÊN