SGGP
Trong Chương trình nghệ thuật truyền cảm hứng Viet Nam Stronger mùa đầu tiên chủ đề Giấc mơ Phù Đổng do Báo Sài Gòn Giải Phóng phối hợp Hội Doanh nhân trẻ TPHCM tổ chức, nhạc sĩ Trương Quang Lục (ảnh) đã sáng tác ca khúc Thắp sáng niềm tin, Vượt khó đến trường dành tặng chương trình. Giữa một chiều muộn tháng 11, nhạc sĩ Trương Quang Lục đã dành những chia sẻ chân tình về hành trình sáng tác ca khúc cho thiếu nhi, ươm mầm yêu thương nơi trẻ…
PHÓNG VIÊN: Xin ông cho biết cảm xúc nào thúc đẩy ông sáng tác nên ca khúc Thắp sáng niềm tin, Vượt khó đến trường?
Nhạc sĩ TRƯƠNG QUANG LỤC: Tôi từng là Trưởng ban Khoa giáo Báo Sài Gòn Giải Phóng, gắn bó với tờ báo nhiều năm nên rất hiểu ngoài công tác làm báo thì những chương trình hướng đến giá trị cộng đồng luôn được đội ngũ người làm Báo Sài Gòn Giải Phóng qua các thế hệ chú trọng.
Trong số các chương trình của báo, Thắp sáng niềm tin – Vượt khó đến trường gây ấn tượng mạnh với tôi. Làm công tác xã hội bây giờ nội dung mênh mông lắm, cho nên phải chọn đối tượng cần nhất. Mà cách Báo Sài Gòn Giải Phóng chọn đối tượng trẻ em vùng sâu vùng xa, biên giới, hải đảo… để chung tay cùng xã hội góp sức nâng bước các em đến trường thực sự khiến ai cũng xúc động.
Nhạc sĩ Trương Quang Lục |
Tôi sáng tác bài hát khoảng hơn 4 ngày. Trước khi viết bài hát, tôi có xem nhiều đoạn video clip, hình ảnh trao quà của chương trình Thắp sáng niềm tin – Vượt khó đến trường, thấy mấy đứa nhỏ vùng cao cháu nào cũng da ngăm ngăm, tóc cháy nắng mà nụ cười mừng rỡ khi nhận quà, khi mặc chiếc áo mới đầu năm học, khi cầm quyển sách mới tinh, khi đứng trong thư viện khang trang… tôi cảm động quá. Thấy thương lắm! Đó là nguồn cảm hứng rất lớn để tôi viết ca khúc tặng các cháu, tặng chương trình. Bài hát là cả tấm lòng tôi.
Ông có điều gì gửi gắm sau khi ca khúc được trình diễn trên sân khấu Nhà hát Hòa Bình vào đêm 13-10?
Thắp sáng niềm tin – Vượt khó đến trường nêu bật tinh thần lá lành đùm lá rách, bởi cả trong khó khăn, gian khổ vẫn luôn ánh lên niềm tin về sự sẻ chia. Bài hát của tôi vì thế hướng đến tính động viên, không khẩu hiệu hô hào mà nhẹ nhàng, dễ gần. Khi viết bài hát là trên giấy trắng mực đen, nhưng trên sân khấu là bằng giai điệu, sự trình diễn. Tốp ca thiếu nhi SiSi biểu diễn rất hay. Tôi chợt có một mong mỏi, rằng bài hát này trong một dịp nào đó sẽ được các cháu nhỏ vùng sâu vùng xa nơi chương trình của Báo Sài Gòn Giải Phóng đến hỗ trợ sẽ hát. Tôi tin là khi đó bài hát sẽ càng có thêm nhiều ý nghĩa, nghe sẽ thương vô cùng.
Viết nhạc cho thiếu nhi thời nay khó như thế nào, cần chú ý những điều gì, thưa ông?
Viết cho các cháu, giai điệu và ca từ không cần phải khó hiểu, ẩn dụ phức tạp, nhưng cái khó là phải nắm bắt, hiểu tâm lý để đưa vào bài hát phù hợp. Viết sao để các cháu thấy không quá xa vời, phải thật gần với các cháu và được chính các cháu công nhận. Để bài hát có sức sống trong lòng thiếu nhi thật không hề dễ dàng.
Tôi từng viết hơn 10 ca khúc về mẹ, nhưng các cháu hát đó rồi cũng quên đó. Duy nhất một bài các cháu nhớ nhất là Chỉ có một trên đời. Tôi viết rằng: Trên trời cao có muôn ngàn ánh sao/ Trên đồng xanh có muôn ngàn cây lúa/ Con chim rừng có muôn ngàn tiếng ca/ Cây trong vườn có muôn ngàn lá hoa/ Riêng mặt trời chỉ có một mà thôi/ Và mẹ em chỉ có một trên đời… Có nhiều cháu nói với tôi, thích bài hát này vì dễ cảm, vì không thể không công nhận chân lý đó. Khi mình viết ca khúc cho thiếu nhi, tôi thấy ca từ phải như thơ, phải có vần, phải bay bổng… Trong một ca khúc, ca từ vô cùng quan trọng, nó khiến cho bài hát có sức sống dài lâu. Muốn sáng tác hay, phù hợp phải nghiên cứu, tìm hiểu rất kỹ. Cũng cần để ý thêm về âm hưởng dân tộc trong các bài hát. Tôi nghĩ, sáng tác nhạc cho thiếu nhi thì anh em nhạc sĩ đều rất sẵn lòng, dù đôi khi cũng cần sự đồng cảm và cả một chút hy sinh.
Năm nay đã ngoài 90 tuổi, nhưng sức sáng tác của ông vẫn dạt dào. Ông có nghĩ đến việc nghỉ ngơi?
Bây giờ, mỗi năm tôi có thể sáng tác khoảng 4-5 ca khúc. Kể ra 90 tuổi mà sáng tác đôi lúc cũng có ảnh hưởng. Mỗi khi nhận đặt bài, thường tôi không ngủ được. Có khi tôi ngủ tới 1-2 giờ sáng rồi bật dậy viết đến 4 giờ sáng, rồi sau đó lại sống với cảm xúc của bài hát suốt nhiều ngày liền. Nhạc sĩ Hoàng Việt từng nói rằng, muốn sáng tác đến hơi thở cuối cùng. Nhạc sĩ Huy Thục từng viết một lá thư cho tôi rằng, sắp về hưu nhưng chỉ là hưu về mặt hành chính thôi, chứ còn sáng tác thì không. Bản thân tôi nghĩ những lời nhắn nhủ từ các người anh đi trước đáng để mình học hỏi. Tôi cũng cứ sáng tác cho đến hơi thở cuối cùng thôi. Và khán giả sẽ là thước đo chính xác nhất cho đời sống của ca khúc của người nghệ sĩ.