Sống và làm việc tại An Giang, nhưng nhà văn Trần Tùng Chinh (giảng viên Trường ĐH Sư phạm An Giang – ĐH Quốc gia TPHCM) không xa lạ với giới văn chương TPHCM. Thỉnh thoảng, anh lên thành phố xem kịch ở sân khấu Hoàng Thái Thanh, có lúc gặp gỡ, trò chuyện với bạn bè văn chương.
Viết về áo trắng như một định mệnh
Năm 2023, nhà văn Trần Tùng Chinh ra mắt tập truyện ngắn Mùa hè năm ấy có cơn mưa rào (NXB Kim Đồng). Chỉ với 10 truyện ngắn nhưng được ví như “cơn mưa rào” trong dòng văn học viết về thời áo trắng hay còn gọi là tuổi mới lớn – giống như tên một tủ sách trước đây của NXB Kim Đồng. Gọi như vậy vì sau một thế hệ tên tuổi như Đoàn Thạch Biền, Từ Kế Tường, Kim Hài, Nguyễn Nhật Ánh… về sau, rất hiếm tác giả bền bỉ theo đuổi đề tài này.
Là giảng viên trường đại học, được sống ngay trong môi trường học đường là lợi thế của nhà văn Trần Tùng Chinh. Với Mùa hè năm ấy có cơn mưa rào, anh đã cho bạn đọc hình dung được đời sống của những cô cậu học trò lẫn sinh viên xứ miệt vườn.
Anh mang đến không gian bình yên, mát lành với những con người, lời nói, địa danh “rặt” miền Tây. “Tôi là một thầy giáo viết văn nên môi trường học đường, đề tài trường học chắc chắn là nơi mình có nhiều trải nghiệm và cảm xúc hơn để viết”, nhà văn Trần Tùng Chinh chia sẻ. Và Mùa hè năm ấy có cơn mưa rào cũng được xem như sự tiếp nối về mạch đề tài mà anh đã khẳng định tên tuổi với những tác phẩm như: Mùa mưa ở lại, Thủ khoa, Bâng quơ trên núi, Trại mùa xuân…
Không quá lời khi nói rằng, với Trần Tùng Chinh, viết về thời áo trắng là định mệnh. Bởi cách đây 36 năm, sau khi tốt nghiệp Trường Đại học Sư phạm TPHCM, anh trở về quê nhà ở huyện Châu Thành, An Giang để dạy học. Cuộc sống của một thầy giáo trẻ vừa ra trường lúc đó vô cùng đơn giản: ngày đạp xe lên trường dạy, tối lại đạp xe đi dạy kèm. Trong hoàn cảnh đó, thì tập san Áo Trắng có lẽ là người bạn đầy thân thiết với Trần Tùng Chinh. Từ say sưa đọc, anh thử sức viết và đến năm 1993 thì bắt đầu có bài đăng ở tập san. Tôi tin rằng, bất kỳ người viết nào, dù có sở trường ở một đề tài, thể loại nào đó thì vẫn mong mỏi được thử sức, vượt ra ngoài giới hạn của bản thân. Và Trần Tùng Chinh cũng vậy. Vào năm 2011, khi cuộc thi viết “Truyện ngắn đồng bằng sông Cửu Long lần thứ 4” gần đến ngày hết hạn, anh “liều mình” viết truyện ngắn Bên giếng nước rồi gửi tham gia.
Đó là truyện ngắn đầu tiên viết cho người lớn, và không ngờ đoạt luôn giải nhất năm đó. Thành công này giống như một cú hích, giúp anh mạnh dạn viết thêm truyện cho người lớn, về sau được in thành 2 tập Bên giếng nước và Chuyến xe ngựa về Bảy Núi. Nhà văn Trần Tùng Chinh bộc bạch: “Tôi ít viết cho người lớn một phần do không phải sở trường nên thường bị bí đề tài. Thêm nữa, khi đọc các tác phẩm của Võ Diệu Thanh và Nguyễn Ngọc Tư, thấy hai bạn viết hay quá nên không dám viết nữa. Do việc trường, việc nhà tương đối nhiều nên tôi cũng không thể dứt ra để đi nơi này nơi kia được. Tôi nghĩ rằng, muốn viết thì phải đi nhiều, giống như Võ Diệu Thanh vậy, bạn ấy viết hay nhờ đi nhiều”.
Tiếp bước “ông Biền”
“Ông Biền” ở đây là nhà văn Đoàn Thạch Biền, người có thời gian dài phụ trách nội dung tập san Áo Trắng, và cũng là người đã có ảnh hưởng không nhỏ đến nhiều cây bút thế hệ 6X, 7X và 8X, trong đó có Trần Tùng Chinh. Trong thời gian cộng tác với Áo Trắng, anh nhiều lần được nhà văn Đoàn Thạch Biền viết thư động viên. Thậm chí, trong một lần đi Châu Đốc, ông Biền còn ghé qua trường tìm gặp “anh giáo làng”.
Tác phẩm đầu tay của Trần Tùng Chinh là Mùa thu vàng mưa nắng, in trong tủ sách “Tác phẩm đầu tay” mà nhà văn Đoàn Thạch Biền là người khởi xướng. Giống như rất nhiều cây bút cùng thời, Trần Tùng Chinh mang trong mình ơn nghĩa với ông Biền Áo Trắng. Đến bây giờ, anh vẫn còn giữ những bức thư viết tay mà nhà văn Đoàn Thạch Biền gửi cho mình.
Trong bức thư viết vào ngày 22-6-2004 có đoạn: “Anh cũng đã đọc Nước chảy mây trôi, Tấm ván phóng dao. Dĩ nhiên muốn viết được như vậy phải có vốn sống. Em cũng có thể viết một cuốn tiểu thuyết về đời sống của “một ông giáo trường đại học làng”. Những lặp lại, những chán nản, nhiều lúc muốn bỏ trường mà đi với một cô sinh viên…”. Bức thư của nhà văn Đoàn Thạch Biền có đủ sự thân tình về cuộc sống lẫn văn chương. Điều đó thật quý giá với những người viết trẻ. Và có lẽ, mang ơn nghĩa với ông Biền nên sau này, anh cũng đã tiếp bước nhà văn Đoàn Thạch Biền khi lần lượt giữ vị trí Chủ nhiệm CLB Văn thơ (Trường Đại học An Giang), sau đó là hỗ trợ Bút nhóm Đồng Xanh, nơi tập hợp đa số sinh viên chuyên ngành Ngữ văn có năng khiếu và đam mê sáng tác.
Không chỉ góp ý trực tiếp về bài vở, nhà văn Trần Tùng Chinh còn cố vấn, hỗ trợ làm cầu nối để các bạn giao lưu với các nhà văn ở An Giang và một số nhà văn trẻ ở TPHCM. Nhờ sự hỗ trợ nhiệt thành từ nhà văn kiêm thầy giáo Trần Tùng Chinh, một số bạn trẻ đã nhận được các giải thưởng, có thể vẫn còn khiêm nhường nhưng rất đáng khích lệ như Lê Văn Nhân (giải ba truyện ngắn Văn học trẻ Đại học Quốc gia TPHCM), Huỳnh Chí Thiện, Thanh Thảo, Thanh Tú (giải thưởng CLB Văn học trẻ An Giang), Nguyễn Thái Dương (giải thơ Đại sứ văn hóa đọc), Trương Hoàng Hân, Trần Quốc Giàu (các cuộc thi viết trên Facebook)…
Và biết đâu trong số này sẽ có những bạn đủ đam mê, đủ tình yêu để theo đuổi văn chương lâu dài và trở thành những cây bút triển vọng cho văn đàn.
Thời gian sau này, nhà văn Trần Tùng Chinh còn thử sức với văn học thiếu nhi và ít nhiều gây được ấn tượng với các tác phẩm: bộ sách Ba kể con nghe (4 tập), Anh em… hô biến, Ba trái tim của bé Bạch Tuộc… “Điều thuận lợi là tôi viết về vùng đất mình đang sống với những hình mẫu chân thật là học trò mình. Viết cho thiếu nhi, đặc biệt là viết về thiếu nhi miền Tây vẫn sẽ được tôi cố gắng duy trì và đeo đuổi”, nhà văn Trần Tùng Chinh bày tỏ.
HỒ SƠN