So với bạn bè văn chương cùng trang lứa, nhà văn Bùi Tiểu Quyên (ảnh, hội viên Hội Nhà văn TPHCM, hiện công tác tại Báo Phụ nữ TPHCM) đến với văn học thiếu nhi có phần muộn hơn. Nhưng ngay từ tác phẩm đầu tiên, Tiểu Quyên đã tạo nên tiếng vang cùng nhiều giải thưởng uy tín.
1.
Năm 2021, nhà văn Bùi Tiểu Quyên ra mắt truyện dài dành cho thiếu nhi Cà Nóng chu du Trường Sa (NXB Kim Đồng), lần đầu “làm quen” với các em nhỏ nhưng chị đã khiến không ít người bất ngờ.
Có lẽ với bất cứ người viết nào, được đặt chân đến Trường Sa là một may mắn. Nhưng đằng sau may mắn đó lại có không ít lo lắng và áp lực, khi nghĩ đến việc viết gì và viết như thế nào về vùng biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc. Bởi lẽ, đã có rất nhiều chuyến tàu mang yêu thương, tình cảm của đất liền ra với Trường Sa, từ đó có biết bao bài viết, tác phẩm về Trường Sa được ra đời. Trong bối cảnh đó, có thể xem Cà Nóng chu du Trường Sa của nhà văn Bùi Tiểu Quyên là nỗ lực rất lớn của chị.
Chọn chiếc máy ảnh Cà Nóng làm nhân vật chính là sáng tạo độc đáo của nhà văn Bùi Tiểu Quyên. Cùng theo đoàn phóng viên ra thăm Trường Sa với Cà Nóng còn có các máy ảnh khác như bác Tê Lê, thằng Ni, thằng So, Meica… Tất cả đã được nhân cách hóa khiến hải trình ra Trường Sa trở nên sinh động, hấp dẫn nhưng không thiếu những câu chuyện cảm động. Theo chân Cà Nóng, bạn đọc cũng bước lên chuyến hải trình đặc biệt, để lần lượt đặt chân đến các đảo: Song Tử Tây, Nam Yết, Tiên Nữ, Đá Nam, Cô Lin, Sinh Tồn, Trường Sa Lớn… đến nhà giàn DK1/21. Dưới góc nhìn của Cà Nóng, hải trình đó cũng như khung cảnh và đời sống ở Trường Sa được hiện lên theo tất cả tính năng mà một chiếc máy ảnh sở hữu: lấy gần lấy xa, góc rộng góc hẹp, toàn cảnh, đặc tả.
Ngoài sự đón nhận từ bạn đọc cũng như giới chuyên môn, tác phẩm Cà Nóng chu du Trường Sa còn liên tiếp được vinh danh ở những giải thưởng uy tín như: giải Văn học thiếu nhi của Hội Nhà văn TPHCM năm 2021, giải Mai Vàng của Báo Người Lao Động năm 2021, giải C giải thưởng Sách Quốc gia năm 2022.
2.
Những ngày đầu năm mới, Tiểu Quyên ra mắt truyện dài thứ hai dành cho thiếu nhi là Hùm Xám qua sông (NXB Kim Đồng) và đón thêm tin vui khi tác phẩm Cà Nóng chu du Trường Sa được tái bản.
Từ tác phẩm đầu tiên đến tác phẩm thứ hai, Bùi Tiểu Quyên cho thấy sở trường của mình là truyện đồng thoại. Đây là thể loại gần gũi với các em nhỏ, và tương đối “thuận tay” với người viết, nhưng để đứng được trong lòng bạn đọc thì không phải ai cũng làm được.
Nhân vật trong tác phẩm Hùm Xám qua sông là chú chó dũng cảm và giàu lòng yêu thương có tên là Hùm Xám. Câu chuyện diễn ra trên đảo Thiêng, cùng với Hùm Xám còn có các nhân vật Đốm, Bi Béo, Ốc Sên, mẹ con Vằn Vện, nhà Ngỗng Hoa, nhà Vịt Xiêm, nhà Mái Mơ… Giống như một đứa trẻ, Hùm Xám và những người bạn cùng trải qua nhiều trò vui nghịch ngợm, có cả những thử thách, những hiểm nguy mà nhờ đó, giúp Hùm Xám có thể chia sẻ, thấu hiểu và yêu thương cộng đồng nhiều hơn.
Không chỉ khéo léo truyền tải lòng trắc ẩn, trong các tác phẩm của mình, nhà văn Bùi Tiểu Quyên còn ghi điểm khi lồng ghép tình yêu biển đảo, thông điệp lịch sử một cách duyên dáng và mềm mại. Với Cà Nóng chu du Trường Sa, chị đưa vào những kiến thức lịch sử, đặc biệt là cuộc chiến đấu anh dũng của các chiến sĩ tại đảo Gạc Ma và đảo Cô Lin cách đây 36 năm. Với cách thể hiện sinh động cùng giọng văn dí dỏm, vui nhộn, Cà Nóng chu du Trường Sa mở ra cho các em nhỏ cơ hội được chu du, tìm hiểu và khám phá Trường Sa. Sang Hùm Xám qua sông, chị tiếp tục với những nét văn hóa truyền thống của phương Nam, cùng những sự kiện lịch sử, nhất là giai đoạn kháng chiến chống Mỹ.
3.
Bùi Tiểu Quyên kể, hồi nhỏ, người anh trai của chị có một tủ sách, trong đó có một số tác phẩm văn học lừng danh như: Tiếng chim hót trong bụi mận gai, Những người khốn khổ, Thằng gù nhà thờ Đức Bà, Bác sĩ Zhivago, Sông Đông êm đềm… Cô bé Quyên hồi đó thường trèo lên cây me, cây khế, hay leo tuốt mái nhà nằm gác chân chữ ngũ, vừa đọc vừa ăn trái cây, cũng có khi chỉ là hóng gió, nhìn đất nhìn trời, nhìn chim bay…
Quyên bảo, hồi đó chị chỉ đọc vậy thôi chứ không hiểu gì cả, nhưng những tác phẩm cùng khu vườn nhà xanh rợp bóng cây kia đã nhen lên cho chị một giấc mơ đẹp. “Bằng suy nghĩ hết sức hồn nhiên và thuần khiết của một đứa trẻ lên 10, tôi muốn sau này lớn lên mình cũng sẽ viết sách, kể những câu chuyện hay và dài đến như vậy”, Bùi Tiểu Quyên bày tỏ.
Trong làng báo văn nghệ của thành phố, không ít đồng nghiệp lấy làm khâm phục trước sức làm việc chăm chỉ và năng suất của Bùi Tiểu Quyên. Chị viết báo, dẫn chương trình cho các chương trình truyền hình của Báo Phụ nữ TPHCM; giai đoạn dịch Covid-19 bùng phát, trong khi nhiều người “đóng băng” thì chị đã kịp hoàn thành và lấy được tấm bằng Thạc sĩ Văn hóa học.
Bận rộn, nhưng chị vẫn viết văn, sách vẫn ra đều đặn. Quyên bảo, một phần là nhờ cách sắp xếp. Và cách sắp xếp của chị là dành 50% thời gian và tâm sức cho văn chương, 50% còn lại dành cho công việc và những đam mê khác. Bạn đọc và đồng nghiệp hoàn toàn có thể đặt lòng tin ở Bùi Tiểu Quyên sẽ có thêm nhiều tác phẩm dành cho thiếu nhi như Cà Nóng chu du Trường Sa hay Hùm Xám qua sông.
Trước khi ghi dấu tên mình với văn học thiếu nhi, nhà văn Bùi Tiểu Quyên được biết đến là tác giả của nhiều tập truyện ngắn và tản văn dành cho giới trẻ như: Đi ngược chiều thương, Con tàu đi tìm sân ga, Cỏ đồi phương Đông, Cỏ lau vạn dặm, Nửa đêm nằm nhớ, Những cánh cửa đều mở, Cỏ dại thênh thang, Sông có bao giờ thẳng… Chị từng nhận giải Nhà văn trẻ của Hội Nhà văn TPHCM vào năm 2014 cho tập truyện ngắn Cỏ đồi phương Đông.
HỒ SƠN