SGGPO
Ngày 9-8 tại Hà Nội, Bảo tàng Báo chí Việt Nam đã tổ chức lễ ra mắt phim, tọa đàm và trưng bày chuyên đề: Thái Duy – Sống và Viết.
Lễ ra mắt phim, tọa đàm và trưng bày chuyên đề: Thái Duy- Sống và Viết. |
Nhà báo Thái Duy tên thật là Trần Duy Tấn, sinh năm 1926, tại tỉnh Bắc Giang.
Trong sự nghiệp làm báo của mình, ông bắt đầu làm Báo Cứu Quốc từ năm 1949. Đầu năm 1964, nhà báo Thái Duy cùng Tổng Biên tập Báo Cứu Quốc Trần Phong (bút danh Kỳ Phương), Thư ký tòa soạn Tống Đức Thắng (Trần Tâm Trí) vào miền Nam để xây dựng Báo Giải Phóng (thuộc Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam), số đầu tiên phát hành ngày 20-12-1964.
Ngày 4-2-1977, Báo Cứu Quốc và Báo Giải Phóng được sáp nhập vào Báo Đại Đoàn Kết và ra số đầu tiên ngày 5-2-1977. Ông tiếp tục làm phóng viên Báo Đại Đoàn Kết đến năm 1995 thì nghỉ hưu.
Là cây bút chủ lực của Báo Đại Đoàn Kết viết về “khoán chui” từ năm 1979 đến năm 1986, những bài báo của ông đã được tập hợp lại thành cuốn sách “Khoán chui hay là chết”, được NXB Trẻ ấn hành năm 2013.
Theo Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo Việt Nam Nguyễn Đức Lợi, suốt sự nghiệp báo chí của mình, nhà báo Thái Duy luôn chiến đấu không mệt mỏi vì độc lập tự do cho dân tộc, vì hạnh phúc nhân dân và vì sự nghiệp đổi mới ở Việt Nam. Nhà báo Thái Duy là 1 trong số 7 nhà báo lão thành tiêu biểu được tôn vinh tại hội nghị “Gặp mặt, tuyên dương Người làm báo tiêu biểu” năm 2020 vì đã có những cống hiến lớn lao, dành nhiều tâm huyết và tình cảm, có nhiều đóng góp cho nền báo chí cách mạng Việt Nam. Điều đặc biệt là nhà báo Thái Duy là người duy nhất chưa từng đảm nhận một chức vụ nào.
“Suốt cuộc đời hoạt động, cống hiến, nhà báo Thái Duy chỉ có một chức vụ duy nhất là phóng viên, với mục tiêu cầm bút là viết vì dân, nói đúng sự thật, tôn trọng sự thật. Ông từng nói, chỉ làm phóng viên, với tôi như thế là sung sướng lắm rồi!” – ông Nguyễn Đức Lợi cho biết.
Nhà báo Thái Duy tại buổi lễ mắt phim, tọa đàm |
Nhà báo Thái Duy còn có một bút danh nổi tiếng nữa là Trần Đình Vân. Cái tên Trần Đình Vân gắn liền với cuốn sách Sống như Anh – viết về cuộc đời anh hùng liệt sĩ Nguyễn Văn Trỗi qua lời kể của chị Phan Thị Quyên, vợ anh Trỗi.
Bản thảo được một phóng viên Liên Xô (trước kia) mang ngay ra miền Bắc, qua đường hàng không từ Phnom Penh, tới Bác Hồ, được Bác khen ngợi, chỉ đạo in thành sách, do chính Bác đề tựa.
Từ cái tên ban đầu là Những lần gặp gỡ cuối cùng, Thủ tướng Phạm Văn Đồng đã đổi tên thành Sống như Anh, chữ Anh (Trỗi) viết hoa, đăng nhiều kỳ trên các báo và xuất bản lần đầu ở NXB Văn học tháng 7-1965. Sống như Anh đã tạo ra một làn sóng mạnh mẽ, dấy lên trong cả nước phong trào noi gương Anh Trỗi thi đua sản xuất và diệt giặc.
Chia sẻ tại buổi toạ đàm, nguyên Phó Chủ tịch Thường trực Hội nhà báo Việt Nam Hồ Quang Lợi khẳng định, những tác phẩm báo chí của Thái Duy không chỉ là những dẫn chứng sắc bén từ thực tế, rực lửa chiến đấu, can đảm hy sinh mà còn có tính lý luận.
“Nhà báo Thái Duy là tấm gương sáng cho các nhà báo hiện tại, đặc biệt là những nhà báo trẻ. Tôi hy vọng, việc ra mắt bộ phim về nhà báo Thái Duy không chỉ giữ trong kho tài liệu mà phải được công chiếu cho nhiều người xem để hiểu, biết và học tập theo nhà báo Thái Duy – một con người giản dị, bản lĩnh và hội tụ phẩm chất đạo đức của người làm báo chân chính.” – ông Hồ Quang Lợi nhấn mạnh.