Bộ VHTTDL vừa có Quyết định số 4013/QĐ-BVHTTDL đưa nghệ thuật trình diễn dân gian “Nghệ thuật Lân Sư Rồng của người Hoa ở TP.HCM” vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.
Múa Lân Sư Rồng là một hình thức nghệ thuật biểu diễn đặc trưng của người Hoa tại TP.HCM. Nó không chỉ là màn trình diễn múa Lân, múa Sư hay múa Rồng đẹp mắt mà còn mang ý nghĩa tâm linh và phản ánh đời sống văn hóa tinh thần của cộng đồng người Hoa.
Múa Lân Sư Rồng có nguồn gốc từ truyền thuyết và tín ngưỡng tâm linh, thể hiện sự kết hợp giữa nghệ thuật biểu diễn và tín ngưỡng dân gian.
Nó truyền tải thông điệp về may mắn và sự bảo hộ. Múa Lân Sư Rồng góp phần tạo sự tín nhiệm và gắn kết trong cộng đồng người Hoa tại TP.HCM.
Nghệ thuật Lân Sư Rồng TP.HCM có chủ thể di sản là cộng đồng người Hoa ở tất cả các quận, huyện, thành phố trên địa bàn TP.HCM. Trong đó, lâu đời và nổi tiếng nhất từ trước cho đến ngày hôm nay là cộng đồng người Hoa ở Quận 5, Quận 6 và Quận 11.
Theo Sở VHTT TP.HCM, Nghệ thuật Lân Sư Rồng là nét sinh hoạt văn hóa đặc trưng của cộng đồng người Hoa khi di cư đến sinh sống tại vùng đất Sài Gòn, với mong ước được che chở, bảo hộ trong cuộc sống.
Hoạt động biểu diễn Lân Sư Rồng thưởng gắn với các lễ hội như Tết Nguyên Tiêu, Tết Nguyên Đán, Tết Trung thu,… và còn xuất hiện trong lễ động thổ, khai trương nhằm cầu mong may mắn, thịnh vượng, công việc hanh thông.
Nghệ thuật Lân Sư Rồng còn giúp tạo công ăn việc làm cho người dân, góp phần tạo nên của cải vật chất, ổn định và phát triển kinh tế Thành phố. Bên cạnh đó, còn giúp cân bằng nhu cầu sinh hoạt văn hóa, tâm linh, giải quyết nhu cầu giải trí và hoạt động cộng đồng mà con người trong xã hội hiện đại không thể thiếu.
Ở một góc độ khác, Nghệ thuật Lân Sư Rồng còn mang nhiều yếu tố nhân văn. Nhiều đoàn Lân Sư Rồng đã tập hợp được các trẻ em lang thang, cơ nhỡ hoặc có hoàn cảnh khó khăn, tạo dựng công ăn việc làm, nhằm hạn chế việc các em rơi vào các tệ nạn xã hội hay nguy cơ vi phạm pháp luật, góp phần ổn định trật tự xã hội…
Nghệ thuật Lân Sư Rồng được cộng đồng người Hoa tại TP.HCM thực hành và trao truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác. Bên cạnh đó, không chỉ người Hoa mà nhiều người dân (bao gồm người Kinh, Khmer, Chăm,…) đam mê với nghệ thuật trình diễn này cũng theo học và thực hành.
Với sự ra đời của Liên đoàn Lân Sư Rồng TP.HCM, phong trào Lân Sư Rồng đã được khôi phục và phát triển mạnh mẽ rộng khắp các huyện, quận, thành phố trên địa bàn TP.HCM.
Như vậy tính đến nay, TP.HCM đã có 4 di sản văn hóa phi vật thể quốc gia: Lễ hội Nghinh Ông – Cần Giờ, Lễ hội Nguyên tiêu của người Hoa ở Quận 5, Lễ hội Khai hạ – Cầu an tại Lăng Đức Tả quân Lê Văn Duyệt và Nghệ thuật Lân Sư Rồng của người Hoa ở TP.HCM.
Cùng với đó, Nghệ thuật Đờn ca tài tử Nam Bộ – một loại hình nghệ thuật dân gian đặc sắc của 21 tỉnh, thành Nam Bộ (bao gồm TP.HCM) cũng đã được UNESCO ghi danh là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện nhân loại.
Chia sẻ với Văn Hóa, ông Hoàng Nghị – Trưởng phòng Quản lý Di sản văn hóa (Sở VHTT TP.HCM) cho biết dự kiến Lễ đón nhận Bằng Di sản văn hóa phi vật thể “Nghệ thuật Lân Sư Rồng của người Hoa ở TP.HCM” sẽ diễn ra ngay sau Lễ hội Nguyên tiêu năm 2025.
Nguồn: https://baovanhoa.vn/van-hoa/nghe-thuat-lan-su-rong-cua-nguoi-hoa-o-tphcm-vao-danh-muc-di-san-van-hoa-phi-vat-the-quoc-gia-117785.html