(HCM CityWeb) – Chiều 14/6, Thường trực HĐND TP.Hồ Chí Minh tổ chức phiên giải trình về công tác quản lý và sử dụng thuốc tại các cơ sở khám chữa bệnh, cơ sở kinh doanh dược trên địa bàn Thành phố. Chủ tịch HĐND TP.Hồ Chí Minh Nguyễn Thị Lệ chủ trì phiên giải trình.
Quang cảnh phiên giải trình
Phát triển hệ thống phân phối dược phẩm rộng khắp
Phát biểu tại phiên giải trình, Phó Chủ tịch UBND Thành phố Võ Văn Hoan cho biết, trong giai đoạn vừa qua, nhất là sau đại dịch COVID-19, chuỗi cung ứng trên toàn cầu bị đứt gãy, trong đó có chuỗi cung ứng thuốc, dẫn đến việc cung ứng đầy đủ thuốc trên địa Thành phố về cơ bản vẫn đáp ứng cho nhu cầu khám chữa bệnh và phòng, chống dịch bệnh, nhưng cũng gặp không ít khó khăn, gây ảnh hưởng đến công tác khám chữa bệnh nói chung và công tác khám chữa bệnh bảo hiểm y tế nói riêng.
Qua thực tế cho thấy, các cơ sở khám, chữa bệnh trên địa bàn Thành phố không chỉ thực hiện khám chữa bệnh cho người dân Thành phố mà còn khám chữa bệnh cho người dân đến từ các tỉnh thành khác và cả người nước ngoài.
Đối với lĩnh vực sản xuất kinh doanh dược, Thành phố có hệ thống phân phối rộng khắp từ nội thành đến ngoại thành. Thành phố cũng có những mô hình đặc thù như “Chợ thuốc Quận 10”, “Phố Đông Y Quận 5”, với sự đa dạng đó, vừa giúp cho việc tiếp cận thuốc của người dân hết sức dễ dàng, nhưng cũng là một thách thức trong công tác quản lý.
Thời gian qua, ngành Y tế Thành phố đã tập trung đẩy mạnh đầu tư phát triển các bệnh viện thành phố trở thành trung tâm y tế chuyên sâu, cung cấp dịch vụ y tế chất lượng cao của khu vực phía Nam và khu vực Đông Nam Á; củng cố và nâng cao năng lực hệ thống y tế cơ sở; triển khai hiệu quả tự chủ tài chính, phát huy nguồn lực xã hội và chính sách hỗ trợ kích cầu trong lĩnh vực y tế; thực hiện hiệu quả chính sách bảo hiểm y tế, chú trọng công tác khám, chữa bệnh cho các đối tượng chính sách và người nghèo; triển khai các hoạt động y tế cộng đồng; tập trung chuyển đổi số trong mọi hoạt động,…
Sở Y tế đã tham mưu UBND Thành phố đề xuất với Bộ, ngành Trung ương mở rộng danh mục thuốc thanh toán bảo hiểm y tế; tăng tỷ lệ được hưởng bảo hiểm y tế đối với những thuốc đồng chi trả; tiếp tục mở rộng danh mục thuốc bảo hiểm y tế tại trạm y tế,… nhằm đáp ứng nhu cầu điều trị bệnh của người dân khi muốn về tiếp tục theo dõi và điều trị tại các trạm y tế, sau khi đã điều trị ổn định tại bệnh viện tuyến quận, huyện.
Tất cả những hoạt động tích cực và chủ động của ngành Y tế đã góp phần thực hiện hiện tốt công tác quản lý, chăm sóc sức khỏe toàn diện và liên tục để nâng cao sức khỏe tầm vóc, tuổi thọ và chất lượng cuộc sống của người dân Thành phố.
Phó Chủ tịch UBND Thành phố Võ Văn Hoan phát biểu
Tuy vậy, công tác quản lý và sử dụng thuốc tại các cơ sở khám chữa bệnh, cơ sở kinh doanh dược trên địa bàn Thành phố còn nhiều bất cập. UBND Thành phố đã có báo cáo giải trình trước kỳ họp. Và hôm nay, tại Phiên giải trình này, UBND Thành phố tiếp tục được đón nhận nhiều ý kiến góp ý đầy trách nhiệm của các đại biểu HĐND Thành phố.
Phó Chủ tịch UBND Thành phố Võ Văn Hoan cho rằng Với những phản ánh của người dân và đặc biệt là những chất vấn của các đại biểu HĐND Thành phố, thay mặt UBND Thành phố, Phó Chủ tịch UBND Thành phố Võ Văn Hoan đề nghị các sở ngành, quận, huyện, thành phố Thủ Đức và các đơn vị hết sức nghiêm túc tiếp thu, trên tinh thần cầu thị, tiếp tục phát huy những kết quả đạt được, nhanh chóng tham mưu UBND Thành phố các giải pháp khắc phục ngay những mặt còn tồn tại, hạn chế thuộc thẩm quyền. Đồng thời, đề xuất UBND Thành phố các nội dung kiến nghị Bộ ngành Trung ương để hoàn thiện cơ sở pháp lý trong triển khai quản lý, sử dụng thuốc hiệu quả.
Đối với những giải pháp Thành phố có thể thực hiện ngay trong thẩm quyền, Phó Chủ tịch UBND Thành phố Võ Văn Hoan đề nghị các sở, ngành khẩn trương tham mưu và cần tham mưu, kiến nghị ngay các cấp thẩm quyền xem xét giải quyết như vấn đề liên quan đến cấp số đăng ký thuốc, việc thành lập trung tâm dự trữ thuốc hiếm quốc gia,…
Tập trung thực hiện có hiệu quả Đề án “phát triển công nghiệp dược Thành phố”
Kết luận phiên giải trình, Chủ tịch HĐND Thành phố Nguyễn Thị Lệ nhận xét, qua Báo cáo, giải trình của UBND Thành phố đối với những nội dung đại biểu và cử tri Thành phố đặt ra; có thể thấy thời gian qua UBND Thành phố, các Sở, ngành, địa phương đã có sự tập trung, quan tâm đến công tác quản lý và sử dụng thuốc tại các cơ sở khám chữa bệnh, cơ sở kinh doanh dược trên địa bàn Thành phố, nhất là sau đại dịch COVID-19, hoạt động sản xuất, kinh doanh tất cả các ngành đều bị ảnh hưởng, trong đó có ngành dược đối mặt nguy cơ thiếu hụt thuốc do gián đoạn nguồn cung ứng thuốc thành phẩm và nguyên liệu sản xuất thuốc; được sự tập trung quan tâm của các cấp, các ngành, Thành phố cơ bản đáp ứng đầy đủ nhu cầu sử dụng thuốc của người dân với chất lượng và giá cả phù hợp;
Chủ tịch HĐND Thành phố Nguyễn Thị Lệ phát biểu kết luận phiên giải trình
Công tác ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động dược lâm sàng ngày càng được chú trọng, nhằm đảm bảo việc sử dụng thuốc tại các cơ sở khám chữa bệnh ngày càng hiệu quả; hệ thống phân phối thuốc ngày càng đa dạng và rộng khắp. Thành phố thành lập Sở An toàn thực phẩm, phân công trách nhiệm quản lý thực phẩm chức năng; công tác kiểm tra, kiểm soát chất lượng thuốc, dược liệu, thuốc đông y đã được triển khai thực hiện; bước đầu hình thành các khoa Đông y tại các cơ sở khám chữa bệnh công lập, góp phần đưa thuốc đông y vào chăm sóc sức khoẻ người dân.
Tuy nhiên, Chủ tịch HĐND Thành phố cho rằng, công tác quản lý và sử dụng thuốc tại các cơ sở khám chữa bệnh, cơ sở kinh doanh dược trên địa bàn Thành phố thời gian qua vẫn còn nhiều bất cập, hạn chế do nhiều nguyên nhân khách quan và chủ quan.
Để kịp thời khắc phục và tiếp tục nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước trong công tác quản lý và sử dụng thuốc tại các cơ sở khám chữa bệnh, cơ sở kinh doanh dược trên địa bàn Thành phố trong thời gian tới, bên cạnh các giải pháp mà UBND Thành phố đã trình bày và qua các ý kiến gợi ý của đại biểu, cử tri Thành phố kiến nghị, đề xuất; Chủ tịch HĐND Thành phố Nguyễn Thị Lệ đề nghị UBND Thành phố tập trung thực hiện một số nội dung sau:
Một là trên cơ sở thực tiễn, đánh giá, tổng hợp đầy đủ các vướng mắc liên quan đến thể chế, chính sách, pháp luật; rà soát, kiến nghị Quốc hội, Chính phủ, các bộ, ngành Trung ương kịp thời tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc, chồng chéo; cũng như đề xuất sửa đổi, bổ sung những nội dung chưa phù hợp hoặc chưa được quy định trong pháp luật về: Luật Dược, Nghị định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực y tế; các quy định về đấu thầu, mua sắm thuốc; quy định về giá thuốc; các quy định trong quản lý thương mại điện tử, kinh doanh trên các nền tảng mạng xã hội; các quy định về đối chiếu, kiểm soát chất lượng thuốc, dược liệu, thực phẩm chức năng; việc thanh toán BHYT; bổ sung danh mục thuốc BHYT tại Trạm Y tế; bổ sung hoạt chất mới được thanh toán BHYT;…
Hai là tập trung giải pháp, nguồn lực thực hiện có hiệu quả Đề án “phát triển công nghiệp dược Thành phố Hồ Chí Minh đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045” theo từng giai đoạn lộ trình cụ thể.
Ba là chỉ đạo các Sở, ngành phối hợp tốt với các địa phương khắc phục hiệu quả những hạn chế, khó khăn, vướng mắc trong công tác quản lý và sử dụng thuốc tại các cơ sở khám chữa bệnh, cơ sở kinh doanh dược trên địa bàn Thành phố trong thời gian qua.
Bốn là tiếp thu và ghi nhận đầy đủ; chọn lọc và hiện thực hóa các đề xuất, giải pháp mà các đại biểu và cử tri đề ra; đối với các vấn đề đại biểu yêu cầu giải trình chi tiết và cung cấp số liệu cụ thể, đề nghị UBND Thành phố trả lời bằng văn bản cho các đại biểu; đồng thời gửi về Thường trực HĐND Thành phố trước ngày 30/06/2024 để các đại biểu và cử tri Thành phố giám sát.
Minh Thư