(HTV) – Cơ chế đặc thù được kỳ vọng hỗ trợ địa phương phát huy tiềm năng. Tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng cần tăng phân cấp, trao quyền cho địa phương linh hoạt áp dụng chính sách, pháp luật hiện hành, tối ưu hóa lợi thế sẵn có.
Trao đổi với phóng viên HTV bên hành lang Quốc hội, đại biểu Trần Hoàng Ngân cho biết: “Sau gần một năm thực hiện Nghị quyết 98 của Quốc hội về cơ chế, chính sách đặc thù cho TP.HCM đã ghi nhận những kết quả tích cực. Giai đoạn đầu tiên triển khai Nghị quyết là phải cụ thể hóa Nghị quyết bằng những Nghị quyết của Hội đồng Nhân dân, Nghị định của Chính phủ thì lúc đó Nghị quyết 98 mới đi vào được cuộc sống. Từ đó thúc đẩy kinh tế thành phố phục hồi nhanh trong năm 2023, tăng trưởng đến 9,26% và 3 tháng đầu năm nay tăng trưởng 6,54%”.
TP.HCM đã ghi nhận những kết quả tích cực sau gần một năm thực hiện Nghị quyết 98
Mặc dù vậy, vẫn còn một số tồn tại trong việc triển khai với Nghị quyết 98; trong đó liên quan đến Nghị định của Chính phủ về phân cấp, phân quyền một số lĩnh vực trong quản lý nhà nước cho TP.HCM.
Cần tăng phân cấp, phân quyền cho địa phương kèm cơ chế đặc thù
Lấy ví dụ về việc giải ngân đầu tư công chậm, nhiều dự án đầu tư đang triển khai lại phải tạm dừng, đại biểu Trần Hoàng Ngân cho rằng một trong những nguyên nhân là do phân cấp phân quyền hiện chưa triệt để.
Ông Trần Hoàng Ngân – Đoàn ĐBQH TP.HCM cho biết: “Một trong những nguyên nhân là do những quy định về giá cả nguyên vật liệu, vật tư, sắt thép. Bởi giá những vật liệu này thay đổi rất nhanh, làm thay đổi về tổng vốn đầu tư. Mà khi thay đổi tổng vốn đầu tư thì phải làm quy trình để điều chỉnh vốn; trong khi những thủ tục này mất nhiều thời gian. Chưa kể, khi làm xong quy trình, giá cả tiếp tục biến động, lại phải làm điều chỉnh lại tổng vốn đầu tư. Nếu phân cấp, phân quyền cho các địa phương thì những quyết định sẽ sớm được triển khai, hạn chế phần nào tình trạng này”.
Phân cấp phân quyền hiện chưa triệt để là một trong những nguyên nhân của việc giải ngân đầu tư công chậm
Trên cơ sở đó, đại biểu Trần Hoàng Ngân cho rằng có cơ chế đặc thù nhưng cần phải tăng phân cấp phân quyền, giao quyền chủ động cho các địa phương nhiều hơn nữa. Nhất trí với quan điểm này, có ý kiến đại biểu nhấn mạnh thêm, gắn liền với cơ chế đặc thù này thì nên trao cho các địa phương được quyền vận dụng chính sách, pháp luật hiện hành và vận dụng một cách sáng tạo; tránh tình trạng đã có chính sách đặc thù rồi nhưng vẫn phải tiếp tục xin ý kiến của các bộ, ngành rồi mới thực hiện.
Đại biểu cho rằng khi trao quyền nhiều hơn, phân cấp nhiều hơn cho các địa phương vừa phát huy được vai trò của các địa phương trong việc triển khai thực hiện dự án nhưng đồng thời cũng thực hiện được chức năng giữa cơ quan thực hiện dự án của địa phương với cơ quan kiểm tra, giám sát từ phía Trung ương, các bộ, ngành. Câu chuyện không chỉ là giải quyết cho những dự án đó “chạy nhanh” mà gắn liền với đó là kiểm tra, đánh giá, giám sát chất lượng các dự án được tốt hơn.
>>> Xin mời quý vị đón xem Thời sự HTV lúc 20 giờ và Chương trình Thế giới 24G lúc 20 giờ 30 phút mỗi ngày trên kênh HTV9