Cải thiện môi trường thu hút đầu tư
Sau nhiều năm luôn dẫn đầu cả nước về đổi mới cơ chế chính sách, tăng trưởng kinh tế, thu ngân sách, đầu tư, cơ cấu kinh tế, cơ cấu lao động, vừa là hạt nhân, vừa là động lực tăng trưởng của vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, TPHCM đang dần tích tụ những vấn đề tương tự những đại đô thị khác trên thế giới sau giai đoạn phát triển nóng. Đó là sự gia tăng dân số do quá trình đô thị hóa và mật độ xây dựng, mật độ phương tiện giao thông, mật độ lưu thông, cường độ hoạt động kinh tế… dẫn đến quá tải về kết cấu hạ tầng kỹ thuật, cân bằng môi trường sinh thái, khả năng đáp ứng các nhu cầu giáo dục, y tế, văn hóa, nghệ thuật, thể thao, an sinh xã hội…
Trong bối cảnh đó, Nghị quyết 98/2023/QH15 của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TPHCM, đã cụ thể hóa các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước đối với TP. Đặc biệt, Nghị quyết 31-NQ/TW ngày 30-12-2022 của Bộ Chính trị “Về phương hướng, nhiệm vụ phát triển TPHCM đến năm 2030, tầm nhìn đến 2045”, có ý nghĩa cực kỳ quan trọng đối với sự phát triển của TP. Với 44 cơ chế, chính sách, trong đó có 27 cơ chế, chính sách dành riêng cho TPHCM, Nghị quyết 98 mang tính đột phá mạnh mẽ và toàn diện nhất từ trước đến nay, giúp giải quyết cơ bản nhiều vướng mắc về đầu tư, quản lý tài chính, ngân sách, quản lý đô thị, khoa học và công nghệ, tổ chức bộ máy, đặc biệt là TP Thủ Đức.
Vậy nhưng, cho dù mô hình phát triển như thế nào, chất lượng cuộc sống, thu nhập của người dân TPHCM vẫn là trọng tâm. Tôi cho rằng, từ năm 2024 trở đi, TP nên tập trung cải thiện những vấn đề liên quan trực tiếp tới cuộc sống của người dân, và đó cũng chính là môi trường thu hút đầu tư và nguồn nhân lực chất lượng cao không chỉ trong nước, mà cả từ nước ngoài cho phát triển kinh tế. Đó là hạ tầng, môi trường, việc làm, thu nhập… Đây là các mặt của một vấn đề, có mối quan hệ biện chứng, liên quan mật thiết với nhau.
Trong hạ tầng đô thị, ngoài việc đẩy mạnh đầu tư cơ sở hạ tầng giao thông cần hết sức chú ý tới tổ chức vận tải hành khách công cộng. Chỉ khi nào TP có được hệ thống vận tải hành khách công cộng rộng khắp với nhiều hướng tuyến, chủng loại và quy mô phương tiện, mới có thể giảm thiểu phương tiện cá nhân vốn đang làm lãng phí nguồn lực xã hội, hỗn loạn đường phố, gây ô nhiễm khói bụi, tai nạn giao thông nghiêm trọng.
Xử lý các vấn đề môi trường như rác thải, nước thải, ngập úng, bụi mịn, tiếng ồn… có vẻ nan giải hơn, bởi liên quan không chỉ đến hành vi của con người, mà cả tác động của biến đổi khí hậu, mực nước biển dâng, thời tiết cực đoan. Tuy nhiên, TPHCM đang đi đúng hướng khi tích cực nạo vét, cải tạo kênh rạch, xây thêm cống đập, mở thêm công viên cây xanh… Đặc biệt, TP đang nỗ lực nhất cải tạo, nâng cấp hành lang dọc tuyến sông Sài Gòn, kênh, rạch trong nội thành và vùng ven; xây dựng các khu xử lý rác thải theo hướng tái chế, phát điện; khuyến khích lắp đặt điện mặt trời mái nhà, công sở, nhà máy, khu cụm công nghiệp để giảm tiêu thụ điện lưới…
Nguồn nhân lực chất lượng cao: nhân tố tạo sự đột biến
Trong tiến trình phát triển của TPHCM, các lĩnh vực y tế, giáo dục, văn hóa, nghệ thuật, thể thao cũng đóng vai trò hết sức quan trọng. Với mô hình phát triển đô thị theo định hướng phát triển giao thông công cộng, TP nên ưu tiên cho khu vực tư nhân đầu tư theo hình thức đối tác công – tư vào hạ tầng y tế, giáo dục, văn hóa, nghệ thuật, thể thao song song với các khu đô thị trong tương lai; cơ cấu lại việc phát triển đô thị với đầy đủ dịch vụ cho người dân dọc theo các tuyến giao thông, kênh rạch mới. Với quy mô dân số của TP, mặt bằng thu nhập của cư dân, đây chính là những lĩnh vực khu vực tư nhân rất mong muốn được đầu tư nếu có các dự án khả thi và cơ chế, chính sách phù hợp, đủ để khuyến khích huy động vốn.
Với sự gia tăng của hoạt động kinh tế, mật độ xây dựng, mật độ dân cư cũng tăng tương ứng. Nguồn nhân lực chất lượng cao chính là lợi thế so sánh của TPHCM, vì đây là lực lượng làm ra của cải vật chất cho xã hội, đổi mới mô hình tăng trưởng dựa vào khoa học, công nghệ cao, để khởi nghiệp – sáng tạo.
Bao trùm lên tất cả là quá trình chuyển đổi số của TPHCM trên cả 3 lĩnh vực chính phủ số, kinh tế số và xã hội số. Đây chính là nhân tố tạo sự đột biến trong phát triển. Bởi cho dù có tăng biên chế, chất lượng công chức, viên chức thế nào đi nữa cũng không thể thay thế được công nghệ số trong quản lý đô thị, quản lý xã hội, cung ứng dịch vụ công, phòng chống tham nhũng, lãng phí, nâng cao tính công khai, minh bạch và trách nhiệm giải trình trong hoạt động của toàn hệ thống chính quyền và tư pháp.
Chỉ khi tăng cường số hóa quy trình dịch vụ công, áp dụng công nghệ thông tin, trí tuệ nhân tạo, cơ sở dữ liệu lớn… mới hy vọng gỡ bỏ được gánh nặng tâm lý mỗi khi người dân, doanh nghiệp bước chân vào công sở, từ cấp phường, xã cho đến TP, để thực hiện dịch vụ công, và cũng nhằm tránh cho cán bộ công chức những rủi ro do lỗi không cố ý trong thực hiện quy trình, quy định tại hệ thống văn bản quy phạm pháp luật vốn cũng đang thay đổi, cập nhật quá nhanh do quá trình chuyển đổi nền kinh tế và hội nhập sâu rộng kinh tế quốc tế.
TS. TRẦN VĂN, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính – Ngân sách Quốc hội