SGGP
Cổng chung cư nơi tôi ở cứ sáng sớm hay chiều muộn lại tất bật hơn bởi những gian hàng bày bán đủ thứ đồ.
Một sạp hoa trên hè phố ở TPHCM |
Có người trải tấm bạt trên nền bê tông bán rau, củ, trái cây. Người lại đẩy xe bán đồ ăn sáng hay chỉn chu hơn, bày biện đủ thứ thịt cá trên những chiếc bàn. Buổi chiều muộn, nồi trứng vịt lộn hay hủ tiếu lại nghi ngút khói.
Có cung ắt có cầu, nhất là với khu dân cư có đến vài trăm hộ dân sinh sống, chưa kể các hộ dân xung quanh vẫn chuộng kiểu “chợ” như vậy vì tiện. Vậy nên, chỉ một góc vỉa hè nho nhỏ đã là điều kiện lý tưởng cho việc bán buôn. Mỗi người đều “nhận phần” cho mình một góc riêng. Tại TPHCM, không khó để bắt gặp hình ảnh về những khu chợ kiểu tự phát như thế, nhưng phổ biến hơn rất nhiều là muôn màu muôn vẻ mưu sinh nơi vỉa hè ở khắp các tuyến phố, con đường.
Một sạp rau nho nhỏ, một thúng xôi buổi sáng, một xe đẩy cà phê, xe bán trái cây, bông, giày dép, quần áo hay đủ thứ đồ linh tinh: dây sạc điện thoại, thuốc diệt kiến, keo dính chuột, bọc chân chống xe, dao cạo râu… Vào buổi tối, vỉa hè lại đông đúc, tấp nập với những xe hủ tiếu, cơm tấm, sinh tố, các loại thức uống… Như đoạn đường Phan Đình Phùng khúc giao gần ngã tư Phú Nhuận, khoảng 22 giờ trở đi, vỉa hè là địa điểm “chill” của giới trẻ khi họ cùng nhau chen vai sát cánh giữa không khí tấp nập qua lại của phố phường. Tôi vẫn luôn tự hỏi, chỉ với bàn ghế nhựa trong không gian vỉa vè chật chội đó, không biết các loại thức uống ở đây có ma lực gì để lớp lớp người trẻ chọn ngồi giữa ồn ào của khói bụi, lấp lóa của đèn xe và mải miết tám chuyện đến tận khuya.
Nhưng, cũng có những gian hàng vỉa hè rất đặc biệt, như ở ngã tư Nguyễn Oanh và Lê Đức Thọ (quận Gò Vấp), người bán hàng là một cụ bà lớn tuổi còn tận dụng vải bạt căng lên, mắc một chiếc võng để tranh thủ nghỉ ngơi những khi vắng khách. Cô hàng rau thường ngồi trước cửa Trường Tiểu học Hoàng Văn Thụ (đường số 30, phường 6, quận Gò Vấp) lại liên tục di chuyển, lúc ngồi ngay trên vỉa hè cổng trường học, khi lại dịch chuyển cách đó chừng 200m trước cửa một ngôi nhà chật chội. “Trừ hết chi phí, mỗi ngày em lời được khoảng 200.000 đồng thôi ạ”, cô chia sẻ và còn cười tươi tự nhận mình dốt toán, có khi khách mua phải tự tính dùm.
Nhiều người mưu sinh vỉa hè chọn cách lặng lẽ giữa tất bật của phố phường. Nhưng không ít người để thu hút sự chú ý, còn sắm cho mình những chiếc loa lưu động thu phát các mặt hàng, giá cả. Nào thì: cua đồng 55.000 đồng 1 ký, 100.000 đồng 2 ký; dao cạo dâu 10.000 đồng 5 cái; bọc chống xe 10.000 đồng 1 cái… Tiếng rao khi đường đông như bị át đi giữa cộ xe qua lại. Nhưng khi đường vắng, lại vẳng đi rất xa.
Mỗi một gian hàng mưu sinh nhỏ lẻ trên vỉa hè ở TPHCM, phía sau đó là nhiều mảnh đời, câu chuyện khác nhau. Đôi khi thấy ánh lên niềm vui và sự hân hoan trong mắt họ khi hôm nay hàng hết sớm, được dọn về khi mặt trời chưa tắt nắng hoặc đồng hồ chưa điểm sang ngày mới. Nhưng cũng có lúc, dưới cái nắng gay gắt, những giọt mồ hôi của họ hòa vào cả nước mắt trên khuôn mặt chai sạn, sạm đi vì nắng gió. Nhưng, dường như ta không thấy họ lạc lõng, bởi giữa thành phố hơn chục triệu dân này, đó cũng là một mảng màu sống động về muôn nỗi mưu sinh.