Nghệ thuật múa rối xưa nay vẫn luôn thu hút khán giả, đặc biệt là các em thiếu nhi. Theo năm tháng, dù hành trình chinh phục và giữ chân khán giả gặp nhiều khó khăn khi phải cạnh tranh cùng các loại hình giải trí khác nhưng các nghệ sĩ múa rối vẫn nỗ lực từng ngày với khát vọng làm nghề, cống hiến cho nghệ thuật.
Vì yêu nên vượt khó
Anh Phạm An Khương, phụ trách Đội Kịch rối Cầu Vồng (Nhà Thiếu nhi quận 5, TPHCM) người có hơn 30 năm gắn bó với nghề, chia sẻ: “Thời đại cách mạng công nghiệp 4.0 nên múa rối cũng có nhiều khó khăn trong hoạt động và phát triển. Ngày nay, nếu cứ dựng hoàn toàn theo truyện cổ tích thì sẽ giảm đi sức hấp dẫn do các em phần đông đã biết. Thế nên, chúng tôi phải tư duy, thêm nhiều sự sáng tạo, biến tấu, cập nhật các vấn đề theo thị hiếu giải trí mới, tạo thêm hiệu ứng tương tác, đầu tư trang phục và đạo cụ bắt mắt… để nâng chất giải trí , hấp dẫn các em hơn”.
Đội Kịch rối Cầu Vồng nhờ vào tình yêu nghề của “người đầu tàu” mà duy trì và hoạt động hiệu quả. Đặc biệt, đội ngũ của đội hiện có khoảng 20 thành viên là học sinh cấp 2, cấp 3, trong đó phân nửa là hoạt động thường xuyên. Trong đội có một vài thành viên đã trưởng thành nhưng vẫn luôn sát cánh cùng các em nhỏ tuổi để truyền năng lượng tích cực về nghệ thuật biểu diễn múa rối chuyên nghiệp.
Trong khi đó, tại Trung tâm Nghệ thuật múa rối Doremi (quận Tân Bình, TPHCM), nỗi lo chính vẫn là tìm kiếm nơi biểu diễn. Anh Vũ Đức Quang, Phụ trách trung tâm Doremi, cho biết: “Chúng tôi thường tự liên hệ với các nhà trẻ, trường tiểu học để có suất diễn phục vụ thiếu nhi và thường diễn vào dịp tết, khai giảng và bế giảng năm học, Tết Trung thu, Ngày quốc tế Thiếu nhi… Sau dịch Covid-19, vì nhiều lý do, số suất diễn hiện giảm gần 50% so với thời gian trước”. Tuy nhiên, cũng theo anh Vũ Đức Quang, nghệ thuật múa rối hiện có nhiều điều kiện phát triển hơn xưa, xuất hiện thêm nhiều loại hình rối mới nên Trung tâm Doremi đã tiến hành cập nhật theo hướng tự nghiên cứu sáng tạo để theo sát cái mới nhưng cũng phù hợp với năng lực của trung tâm. “Chúng tôi luôn cố gắng phát huy các lợi thế để đáp ứng được nhu cầu giải trí của khán giả, nhất là khán giả trẻ, đồng thời cũng để thỏa niềm đam mê của chính mình”, anh Vũ Đức Quang chia sẻ.
Khát vọng thay đổi và phát triển
Tại Liên hoan Múa rối TPHCM vừa diễn ra cuối năm 2023, các đơn vị rối đã cho thấy những nỗ lực không ngừng trong việc xây dựng hình ảnh mới lạ để thu hút khán giả. Những con rối Transformers, Iron Man (dựa theo loạt phim nổi tiếng của Mỹ) tạo ấn tượng mạnh với khán giả thành phố, nhất là các em thiếu nhi. Và thành công từ 3 đêm diễn của liên hoan cho thấy sức hấp dẫn của nghệ thuật múa rối vẫn luôn bền bỉ với công chúng nhiều lứa tuổi.
Đạo diễn LÊ DIỄN, Giám đốc Nhà hát nghệ thuật Phương Nam:
Có sân khấu phù hợp, nghệ thuật rối ở TPHCM sẽ bùng nổ Dù gặp nhiều khó khăn nhưng phải nói là nghệ thuật múa rối ở TPHCM đang có những tín hiệu vui. Như ở Nhà hát nghệ thuật Phương Nam những năm qua có thêm nhiều diễn viên trẻ, đầy năng lực. Các vở rối cũng đã thay đổi như với rối nước, ngoài các vở ngắn truyền thống hiện đã có các vở được dàn dựng công phu như Nguyễn Trung Trực, hay sắp tới là vở Trước ngọn sóng – một vở rối nước có nội dung ngợi ca lực lượng Hải quân Nhân dân Việt Nam. Với múa rối cạn, nhà hát vẫn đang đào tạo, phát triển mạnh các loại hình như rối que, rối đen, rối tay, rối dây, rối bóng… Thật sự mà nói, nếu có sân khấu phù hợp cho rối như dạng sân khấu hộp, chắc chắn nghệ thuật múa rối thành phố sẽ có sự bùng nổ với nhiều chương trình, vở diễn ấn tượng.
Thế nhưng, để loại hình nghệ thuật múa rối duy trì hoạt động, thay đổi và phát triển phù hợp thời đại, người làm nghề cần có nhiều hơn cơ hội cọ xát thực tiễn, tiếp cận đa dạng đối tượng khán giả, được giao lưu học hỏi, nâng cao tay nghề… Anh Phạm An Khương bộc bạch: “Chuyện tự lực cánh sinh khi đã làm nghề là phải chấp nhận, có kêu gọi xã hội hóa thì cũng chỉ tạm đủ để tồn tại. Muốn có được những tác phẩm, câu chuyện múa rối mới quy mô, chất lượng, đáp ứng nhu cầu giải trí của khán giả, rất cần sự quan tâm của Nhà nước, cơ quan quản lý văn hóa… như cách thành phố đã làm với liên hoan vừa qua”.
Còn theo anh Vũ Đức Quang, tại TPHCM hiện có khoảng 25 đơn vị hoạt động múa rối trực thuộc các nhà thiếu nhi, công ty tư nhân… “Người làm nghệ thuật múa rối rất mong muốn vào dịp đón chào năm mới hay mùa lễ hội như Tết Trung thu, Ngày quốc tế Thiếu nhi 1-6, UBND TPHCM, Sở VH-TT TPHCM quan tâm tổ chức các hoạt động giao lưu, biểu diễn múa rối, vừa để phục vụ nhu cầu giải trí của người dân vừa tạo thêm sân chơi giao lưu trình diễn ý nghĩa, bổ ích cho người làm nghề”.
THÚY BÌNH