Cách đây hơn một thập kỷ, người ta đã phát hiện ra A Roàng rất có tiềm năng du lịch, đặc biệt là du lịch cộng đồng. Cũng chừng ấy thời gian, Dự án phát triển du lịch bền vững vùng sông Mê Kông đã khai trương làng du lịch cộng đồng ở bản A Ka A đầu tiên ở A Roàng. Từ đó, đường đến A Roàng trở nên ngày một gần hơn.
Cách trung tâm A Lưới 30km, thung lũng A Roàng còn sở hữu dải đất rừng nguyên sinh khá nguyên vẹn. Trên diện tích hàng ngàn héc-ta rừng nguyên sinh còn có hệ động vật, thực vật quý hiếm. Địa hình thung lũng nên ở A Roàng cũng có nhiều thác cao, vực sâu đẹp đến ngỡ ngàng. Cùng với lợi thế có đường mòn Hồ Chí Minh huyền thoại đi qua, A Roàng hội tụ đủ điều kiện tốt để phát triển du lịch.
Hiện mỗi tháng ở A Roàng đón 4 – 5 đoàn khách. Khách đến với A Roàng đủ cả khách trong nước lẫn khách nước ngoài, mỗi đoàn giao động từ 10 đến vài chục người. Đến với A Roàng, du khách được trải nghiệm không gian trong lành, văn hóa truyền thống đậm đà bản sắc của đồng bào Tà Ôi. Từ những lợi thế cạnh tranh đó, A Roàng tuy xa mà đã trở nên gần gũi đối với du khách nội địa và du khách quốc tế.
Trong câu chuyện xoay quanh A Roàng, bà Lê Thị Thêm, Trưởng phòng Văn hóa Thông tin huyện A Lưới chia sẻ: “A Roàng có sức hút bởi những lợi thế trong du lịch mà ít nơi có được. Trong đó, nét văn hóa đậm đà bản sắc của đồng bào Tà Ôi đã trở thành điểm nhấn ở đây. Cùng với đó, A Roàng còn sở hữu cảnh quan kỳ vĩ với thác nước cao, vực sâu trong vắt… Chính du lịch đã làm cho A Roàng đổi thay”.
Du lịch trở thành động lực
Trên hành trình trở lại A Roàng, tôi vô tình gặp ông Nguyễn Cao Anh, 77 tuổi, từ miền Nam chạy xe rong ruổi trên đường Trường Sơn. Ghé A Roàng trải nghiệm nhiều lần, ông bảo: “Tôi thích sự yên tĩnh, hoang sơ, bình dị, người dân chân chất, mộc mạc. Văn hóa bản địa vùng đồng bào DTTS có sức hấp dẫn riêng nên tôi chọn nơi đây làm điểm dừng chân trong chuyến phượt vùng cao”.
Cùng sở thích núi rừng, 4 người nhà ông Thomson, người Mỹ đến A Roàng lưu trú qua lời bạn bè giới thiệu. Gia đình ông được tắm suối nước nóng, thưởng thức ẩm thực rau rừng, cá suối, cùng đan chiếu Amber, dệt dzèng… Ông Thomson chia sẻ: “Các con tôi thích đánh chiêng và múa hát cùng nghệ nhân trong đêm, tôi cảm thấy đây là những trải nghiệm quý báu; nhất là học kỹ năng sống, tôn trọng mẹ thiên nhiên của đồng bào vùng cao”.
Như một sự kết hợp, tương sinh đến hoàn hảo giữa thung lũng A Roàng với đồng bào Tà Ôi. Cảnh sắc thiên nhiên ở A Roàng thu hút khách đến vãn cảnh, còn con người và nét văn hóa đậm đà bản sắc đồng bào Tà Ôi lại níu giữ chân người ở lại.
Thống kê sơ bộ của UBND xã A Roàng cho thấy, từ đầu năm đến nay, có khoảng 1.000 du khách tham gia các hoạt động du lịch cộng đồng, góp phần làm thay đổi đời sống người dân nơi đây.
Chị A Viết Thị Mai ở thôn A Roàng 2 vui mừng: “Có du lịch, đồng bào mình quảng bá và bán thêm được một số mặt hàng thủ công, nông sản địa phương. Xóm làng rộn ràng hơn khi có khách du lịch đến, nhất là trong chương trình biểu diễn văn nghệ truyền thống của đồng bào, mọi người đều kéo nhau đến homestay, nhà cộng đồng xem chung sôi nổi lắm”.
Như một sự kết hợp, tương sinh đến hoàn hảo giữa thung lũng A Roàng với đồng bào Tà Ôi. Cảnh sắc thiên nhiên ở A Roàng thu hút khách đến vãn cảnh, còn con người và nét văn hóa đậm đà bản sắc đồng bào Tà Ôi lại níu giữ chân người ở lại. Để rồi, A Roàng hôm nay đã trở thành điểm đến tuy xa mà lại rất gần. Ngành Du lịch đã trở thành ngành kinh tế mũi nhọn để đồng bào Tà Ôi phát triển kinh tế – xã hội. Du lịch cũng trở thành động lực quan trọng để bảo tồn và phát huy giá trị tốt đẹp văn hóa truyền thống đồng bào Tà Ôi ở huyện vùng cao A Lưới.