SGGP
Ngày nay, dễ dàng nhìn thấy rất nhiều nhà hàng, quán ăn tên tiếng Việt, bán các món thuần Việt trên khắp nước Đức.
Phở, bún, cơm phần hay nem cuốn, nem rán, thậm chí cả cháo lòng. Ẩm thực Việt đã ghi dấu ấn đáng nể, không chỉ trên số lượng mà còn cả độ nổi tiếng trong bức tranh của ngành dịch vụ ăn uống tại Đức.
Người Việt tại Đức là cộng đồng người di cư thiểu số với khoảng 185.000 người trong tổng số 84,4 triệu dân Đức, phần lớn đến Đức từ thời CHDC Đức theo diện xuất khẩu lao động, học nghề và một phần tới các bang Tây Đức. Sau này, có thêm nhiều người đến từ các nước thuộc khối Đông Âu cũ. Ngành nghề chủ yếu của người Việt tại Đức là kinh doanh nhà hàng, cửa hàng bán lẻ (quần áo, thực phẩm, rau và hoa quả), ngành dịch vụ khác (nails, massage, làm đẹp).
Đầu những năm 2000, nhà hàng Trung Hoa chiếm lĩnh thị trường, nhiều người Việt làm chủ quán ăn Tàu hoặc Thái vì chưa tự tin với khả năng thành công khi kinh doanh món ăn quê hương. Nhưng ngày nay, ẩm thực Việt với các món ăn chủ yếu chế biến từ lúa gạo đã thành trào lưu trên đất Đức. Nem cuốn, nem rán, phở bò, bún gà rất được ưa chuộng. Người ta có thể gọi món Việt mang về sau khi đi mua sắm trong trung tâm thương mại, có thể đến ngồi bệt trên vỉa hè uống bia 333 y như ở Việt Nam và gọi một mẹt bún chả, cũng có thể đặt một phần cơm thịt kho với cà phê pha phin qua app giao tận nhà.
Quán Việt phủ khắp mọi vùng miền cả 16 bang nước Đức, tập trung nhiều nhất ở Berlin với khoảng 200 quán, cũng do cộng đồng người Việt nơi đây lớn nhất với khoảng 20.000 người. Sau đó là một loạt thành phố lớn khác như Munich, Hamburg, Frankfurt am Main.
Người Đức dùng bữa tại một nhà hàng Việt tại Berlin, Đức. Ảnh: NAM VINH |
Món Việt ít dầu mỡ kết hợp khéo léo các thành phần từ lúa gạo, rau củ quả, thịt cá tôm và vị rau thơm nhiệt đới, mang lại cảm giác khoan khoái lúc ăn, nhẹ nhàng sau ăn. Các món chế biến từ trái cây như salad xoài, nộm đu đủ, nộm bưởi, chuối om… cũng mang lại sự độc đáo khó cưỡng.
Thực khách bản địa thích thú cho biết, không ngờ trái cây thành rau lại ngon đặc biệt đến vậy! Mỗi thực khách trung thành với một quán ăn Việt và thường gọi một món nhất định vào những ngày cố định trong tuần. Thói quen thành lệ này của người Đức đã được các chủ nhà hàng Việt ghi nhận, thậm chí quen đến mức đặt luôn “biệt hiệu” cho khách theo mã số món ăn mà họ thường gọi.
Rất nhiều thực khách Đức đã tăng cấp độ ăn cay sau nhiều năm “luyện” với tương ớt, ớt chỉ thiên tươi ở các nhà hàng Việt Nam. “Trình” cầm đũa của họ cũng thành thục tới mức gắp được cả hạt vừng. Nước mắm cũng thành thứ “nước sốt” phổ biến kể cả trong nhà dân Đức.
Ngày nay, nguyên liệu để nấu đúng kiểu Việt rất dễ dàng kiếm được trên đất Đức, kể cả trong các chuỗi siêu thị Đức. Món ăn châu Á phổ biến rộng rãi tới mức tại nhiều siêu thị lớn có hẳn cả kệ bày hàng lớn đủ cả mì, miến, bánh phở, bánh tráng (để cuốn nem, chả giò), nước mắm, đậu xanh, nấm hương, mộc nhĩ…
Các nhà hàng Việt ở Đức hiện cũng rút gọn danh mục món ăn trong thực đơn, không dàn trải như những ngày đầu mở quán. Rất nhiều chủ quán, đặc biệt là những người trẻ thuộc thế hệ sinh ra và lớn lên tại Đức, chọn phong cách Fusion – tạo ra các món mới pha trộn giữa truyền thống và sáng tạo. Có thực tế là số lượng nhà hàng Việt ở Đức nhiều nhưng không có nhiều đầu bếp thứ hạng cao. Phần lớn chủ nhà hàng Việt Nam chuyển sang bán quán không được đào tạo bài bản nên chất lượng món ăn không đồng đều, lại tìm cách hút khách bằng hạ giá, dùng nguyên liệu theo ý khách nên mất dần bản sắc…
Nổi nhất hiện có The Duc Ngo và Monsieur Vuong, được Michelin xếp hạng trong tốp 80 nhà hàng ngon nhất Berlin. Đầu bếp The Duc Ngo nổi tiếng trên truyền hình Đức trong một số chương trình ẩm thực và với chuỗi 14 nhà hàng tại vài thành phố lớn của Đức. Người đàn ông sinh năm 1974 này tới Đức hồi 5 tuổi và giờ trở thành một trong những người Việt thành đạt trong ngành nhà hàng.
Ngành kinh doanh ăn uống sau thời kỳ đại dịch Covid-19 thiếu nhân công trầm trọng. Chính vì thế mà thời gian qua, nước Đức nhận hàng ngàn học viên Việt Nam sang học nghề làm bếp, khách sạn. Lương học việc khoảng 1.000€ trước thuế và cần phải vừa học vừa làm 2 năm tại cơ sở đã đăng ký trước khi đi với bằng tiếng Đức trình độ B1. Dù vậy, đầu bếp tay nghề cao thì lúc nào cũng thiếu.