SGGP
Fanti – phim Việt đầu tiên ra rạp trong mùa hè năm nay sau thời gian dài “đói” phim nội đã không thể tạo nên “cú hích” phòng vé. Về mặt chuyên môn, bộ phim có không ít khám phá mới mẻ, nhưng liệu chừng đó đã đủ thuyết phục khán giả!
Khai thác mặt tối của mạng xã hội là đề tài không mới trên thế giới, nhưng vẫn được xem là mảnh đất nhiều tiềm năng ở thị trường điện ảnh Việt. Fanti và tiếp theo là Live (Phát trực tiếp – đạo diễn Khương Ngọc) có thể xem là những tác phẩm mở đường. Điều đáng chú ý, trong phim dài đầu tay, đạo diễn Andy Nguyễn đã tạo nên ngôn ngữ điện ảnh và cấu trúc tương đối hấp dẫn. Việc sử dụng các icon (biểu tượng) trên Instagram làm phương thức giao tiếp chính của nhân vật, thay cho thoại, cũng mang đến cảm giác thú vị cho người xem.
Điều này cũng phản ánh đúng thực tế hiện nay, khi con người (ngay cả người thân thiết trong gia đình) giao tiếp qua điện thoại, mạng xã hội còn nhiều hơn nói chuyện trực tiếp. Bên cạnh đó, dù đề cập đến câu chuyện về hậu trường showbiz, bộ phim cũng không đi theo hướng ồn ào nhưng vẫn thể hiện được góc khuất nhiều cạm bẫy và cám dỗ.
Nhưng, sự mới mẻ đó dường như không thể cứu cho Fanti bởi sự rối rắm của kịch bản. Việc lạm dụng những cú twist (nút thắt) khiến cho bộ phim không nhất quán về động cơ cũng như sự phát triển tâm lý và tính cách nhân vật. Theo Box Office Vietnam, trong tuần đầu ra mắt (từ ngày 28 đến 30-7) , phim chỉ thu về hơn 1 tỷ đồng – là phim Việt mở màn có doanh thu thấp nhất trong năm 2023 tính đến thời điểm này. Không chỉ Fanti, không ít phim Việt mang tính thể nghiệm, hay phim đầu tay, đã đi theo vết xe đổ.
Năm 2022, khán giả từng chờ đợi các phim được quảng bá là tiên phong về đề tài xác sống như Virus cuồng loạn hay Cù lao xác sống, nhưng hóa ra sự mới mẻ đó chỉ nằm ở bề nổi, còn câu chuyện phim đầy rẫy những mâu thuẫn, vô lý và cả ngô nghê. Hay như Người lắng nghe lời thì thầm – tác phẩm đầu tiên khai thác sâu đề tài trị liệu tâm lý, cũng bị đánh giá thực hiện khá rối rắm, sa đà vào phong cách melodrama (kịch tâm lý).
Dù ý tưởng mới lạ nhưng điểm yếu chung của hầu hết dự án phim là sự thiếu nhất quán trong đường dây kịch bản để tạo nên logic chặt chẽ; tính cách và số phận nhân vật xây dựng khá mờ nhạt; việc giải quyết vấn đề đôi khi lạm dụng các thủ pháp điện ảnh… Rõ ràng, từ những câu chuyện trên trang giấy đầy hấp dẫn cho đến thành quả cuối cùng trình làng, các nhà làm phim Việt cần nhiều hơn sự dụng công, dụng tâm, tăng tính phản biện để không bỏ lỡ những ý tưởng hay.