LTS: Trong bối cảnh tốc độ đô thị hóa ngày càng nhanh và mạnh, việc tạo cảnh quan đô thị để làm điểm nhấn và bản sắc trong tiến trình phát triển thành phố là vấn đề được quan tâm. Phát triển đô thị bền vững gắn với mỹ quan là trách nhiệm của nhiều ban ngành, trong đó có vai trò quan trọng của điêu khắc trong không gian đô thị. Tuy nhiên, một câu hỏi về bản đồ quy hoạch tổng thể tượng đài để phát triển dài lâu cho TPHCM là: “Bao giờ cho đến… bao giờ?”…
Điêu khắc ngoài trời là một thành tố không thể thiếu trong không gian văn hóa công cộng ở các đô thị. Nó không chỉ đóng vai trò làm đẹp, hay những điểm nhấn cần thiết để tô điểm cho đô thị, mà còn thể hiện trình độ thẩm mỹ cộng đồng và tương tác cùng du khách. Tuy nhiên, sự phát triển không gian văn hóa công cộng ở TPHCM vẫn còn là khoảng trống đầy suy tư cho giới chuyên môn lẫn đơn vị quản lý.
Ngày càng… xuống cấp
Ghi nhận hiện trạng hệ thống điêu khắc hoành tráng tại TPHCM (bao gồm 21 quận, huyện và TP Thủ Đức) cho thấy, thành phố hiện có 52 công trình đã được xây dựng (10 công trình trước năm 1975, 42 công trình sau năm 1975), chủ yếu là tượng đài đang hiện hữu. Hầu hết các công trình, tác phẩm điêu khắc đều được xây dựng ở một số di tích lịch sử thuộc các quận huyện, hay trong khuôn viên các bảo tàng, công sở, trường học.
Gần như 80% tượng đài xây dựng trước năm 1975 đều đã xuống cấp và không đạt yêu cầu thẩm mỹ lẫn kỹ thuật. Điều này do thời gian đầu tư, tính chuyên nghiệp chưa cao, bản thân kỹ thuật thể hiện tượng đài, sự bảo quản chưa tốt. Đơn cử như tượng Trần Nguyên Hãn bị gãy 1 chân, phải di dời về công viên Phú Lâm (quận 6), dù trước đó đã 2-3 lần sửa chữa, trùng tu. Vấn đề này đã được các đơn vị liên quan họp bàn rất nhiều lần nhưng chưa thống nhất. Năm 2022, UBND TPHCM đã có chủ trương dựng lại tượng Trần Nguyên Hãn ở vị trí cũ (trước chợ Bến Thành), nhưng đến nay vẫn chưa thấy động thái nào.
KTS Võ Xuân Trung phân tích: “Đa số các công trình tượng hiện hữu được làm từ những chất liệu không mang tính bền vững như xi măng, bê tông, bê tông cốt thép. Nhiều công trình có vị trí xây dựng chưa phù hợp, chất lượng nghệ thuật và tỷ lệ công trình so với không gian kiến trúc xung quanh cũng không còn tương xứng với sự phát triển hiện nay và định hướng trong tương lai. Thực trạng các công trình tượng đài hiện nay trên địa bàn thành phố có đến khoảng 76% là tượng đài lãnh tụ, anh hùng liệt sĩ, sự kiện lịch sử cách mạng và khoảng 24% còn lại là tượng đài các loại khác và biểu tượng”.
Tác phẩm điêu khắc đặt ở hai đầu Đường sách TPHCM. Ảnh: DŨNG PHƯƠNG |
Ghi nhận ý kiến từ nhiều nhà điêu khắc, mỹ thuật, giai đoạn từ năm 1954-1975 có một số tượng đài được xây dựng nhưng đa số là các công trình không còn phù hợp với không gian đã phát triển mạnh trong những năm gần đây, chưa kể một số không có giá trị nghệ thuật cao. Đó là tượng đài các nhân vật lịch sử được dựng ở nơi công cộng, bùng binh, đại lộ như tượng Trần Hưng Đạo, An Dương Vương ở bờ sông Sài Gòn, tượng Thánh Gióng ở Ngã Sáu… Dù được dựng ở những vị trí tốt, có không gian phù hợp, nhưng các tượng này đều có kích thước nhỏ, chất lượng nghệ thuật không cao và ít để lại ấn tượng.
Thực tế thấy rõ, thành phố có rất ít công trình có chất lượng, được đặt ở những quảng trường, vườn hoa công cộng trung tâm thành phố để làm nhiệm vụ “điểm nhấn” biểu trưng cho nét văn hóa, thẩm mỹ của đô thị. Các công trình kiến trúc công cộng có sự tham gia của các tác phẩm nghệ thuật điêu khắc ở thành phố, phần lớn đều là các công trình của thời kỳ Đông Dương để lại như: Nhà hát Thành phố, Bưu điện trung tâm, Nhà thờ Đức Bà và UBND TPHCM (Tòa thị chính Sài Gòn cũ). Các công trình xây dựng mới có rất ít tác phẩm điêu khắc điểm xuyết như: Thư viện Tổng hợp, Liên hiệp các Hội Văn học Nghệ thuật thành phố, Nhạc viện Thành phố, Nhà hát Hòa Bình…; còn lại rất nhiều các công trình kiến trúc công cộng có tầm ảnh hưởng lớn đến nhận thức thẩm mỹ của xã hội nhưng vẫn không thấy sự hiện diện của điêu khắc với vai trò làm rõ công năng, cá tính và ấn tượng thẩm mỹ.
Sáng tác để… cất kho
Đội ngũ sáng tác mỹ thuật ở thành phố hiện có khoảng trên 1.000 người, trong đó có khoảng hơn 100 người hoạt động trong lĩnh vực điêu khắc. Số nhà điêu khắc có điều kiện sáng tác ngày càng đông và kinh phí của thành phố đầu tư cho mỗi tác phẩm điêu khắc môi trường ngày càng lớn, nhất là trong lĩnh vực tượng đài.
Nếu như vào thời kỳ đầu những năm đổi mới, một tác phẩm tượng đài ở thành phố có giá trị, chỉ có kinh phí khoảng 1-2 tỷ đồng, thì những năm gần đây, nhiều công trình đã có kinh phí trên 10 tỷ đồng và có công trình đã được phê duyệt kinh phí gần 100 tỷ đồng. Nhưng trên thực tế, chúng ta vẫn chưa có nhiều công trình điêu khắc đẹp, tầm cỡ tương xứng với kinh phí và công sức của các ngành, các cấp đã đầu tư… Nhiều không gian văn hóa công cộng trong thành phố vẫn trống vắng, vì tượng còn trong kho.
“Đã hơn 40 năm kể từ Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước nhưng TPHCM chưa công bố được một quy hoạch tổng thể về điêu khắc ngoài trời; dù từ năm 1999 đến nay, nhiều cuộc họp đã diễn ra, tranh luận sôi nổi” TS MÃ THANH CAO
Ở khu trung tâm thành phố, trước đây có một tác phẩm Bác Hồ với thiếu nhi (tác giả Diệp Minh Châu) nay được dời về Nhà Thiếu nhi Thành phố và thay thế bằng tác phẩm Chủ tịch Hồ Chí Minh (tác giả Lâm Quang Nới). Tượng chân dung Quách Thị Trang đã được dời từ vòng xoay trước chợ Bến Thành về công viên Bách Tùng Diệp, tương đối phù hợp trong không gian nhỏ, hòa trong khuôn viên cây xanh, hoa cỏ… Và gần đây, thành phố có bổ sung 6 tác phẩm từ Trại sáng tác điêu khắc quốc tế năm 2015 trên phố đi bộ Nguyễn Huệ (quận 1).
Các trại sáng tác điêu khắc không thiếu tác phẩm đủ chất lượng nghệ thuật đặt tại các không gian văn hóa công cộng trong thành phố. Có thể kể đến như: 40 tác phẩm từ Trại điêu khắc Thành phố lần thứ I được tổ chức năm 2005 hiện trưng bày tập trung tại một khu trong Công viên Văn hóa Tao Đàn. Nhiều tác phẩm từ Trại sáng tác năm 2015, vẫn còn nằm tại Công viên Văn hóa các dân tộc tại quận 9.
TS Mã Thanh Cao (nguyên Giám đốc Bảo tàng Mỹ thuật TPHCM) chia sẻ: “Việc chậm triển khai, lắp dựng các tác phẩm từ hai trại sáng tác điêu khắc với các tác phẩm được đánh giá cao, đã gây bức xúc không chỉ đối với các nghệ sĩ Việt Nam đã tham gia và tặng tác phẩm cho thành phố với việc mong muốn góp phần cho thành phố đẹp hơn, mà còn gây mất thiện cảm của các tác giả nước ngoài từng tham gia và tặng tác phẩm.
Sở VH-TT TPHCM đã nhiều lần tổ chức các cuộc họp, nhờ các nhà chuyên môn tư vấn nhưng đến nay vẫn chưa hoàn thành kế hoạch đã đề ra. Các tác phẩm được sáng tác từ Trại điêu khắc Thành phố lần thứ I được tổ chức năm 2005, cũng không có chế độ bảo quản thường xuyên, kế hoạch di dời tới các không gian khác cũng chưa nghe nói tới, coi như cứ “nhốt tạm” ở đó. Thực trạng TPHCM đang thiếu rất nhiều tác phẩm điêu khắc cho không gian công cộng, nhưng lại đang lãng phí những tác phẩm đang có”.
Loại tượng vườn, công viên, đường phố tại không gian công cộng TPHCM hiện tại có rất ít. Trong khi đó, những năm gần đây, thành phố đã có nhiều thay đổi về cảnh quan, môi trường, nhất là các khu công cộng dành cho cư dân thành phố và du khách, như: tuyến kênh đường Nhiêu Lộc – Thị Nghè; đường Hoàng Sa, Trường Sa; công viên Bến Bạch Đằng… Hầu hết các không gian này vẫn còn thiếu vắng các tác phẩm điêu khắc công viên.
Ghi nhận ý kiến từ nhiều chuyên gia trong lĩnh vực, chúng tôi xin làm rõ khái niệm tượng đài. Tượng đài là hệ thống công trình mỹ thuật môi trường gắn với hệ thống quy hoạch kiến trúc, thẩm mỹ đô thị, thẩm mỹ môi trường. Nó được thiết kế, thể hiện theo nhiều dạng, có thể là tượng đơn hoặc nhóm tượng. Tượng đài là công trình điêu khắc ngoài trời và có nhiều loại: tượng đài về các sự kiện lịch sử, tượng lãnh tụ, tượng vua chúa, tượng danh nhân, tượng trang trí công viên…