SGGPO
Từng lưỡi câu được mắc vào lưới, thả xuống các rạn san hô để câu cá, gọi là nghề câu sỏi. Nghề này tồn tại hàng trăm năm, nhưng đến nay chỉ còn số ít ngư dân xóm Gò Tây (thôn Xuân An, xã Tịnh Hòa, TP Quảng Ngãi) còn bám giữ.
Ông Nguyễn Phước (63 tuổi, xóm Gò Tây, thôn Xuân An, xã Tịnh Hòa) đã gắn bó cả cuộc đời với nghề câu sỏi. Sau những ngày đi biển, ông Phước dành thời gian để gắn lưỡi câu vào lưới.
Ông nói: “Từng lưỡi câu nhỏ như cây đinh gắn chặt vô lưới rồi kẹp vào nẹp tre. Bình quân mỗi nẹp tre như vậy, tôi phải ngồi gắn khoảng 300-350 dây câu. Mỗi lần ra khơi, chỉ cần từ 4-5 nẹp tre là đủ số lượng để hành nghề câu sỏi”.
Ông Nguyễn Phước gắn bó cả đời với nghề câu sỏi. Ảnh: NGUYỄN TRANG |
Gọi là nghề câu sỏi vì lưỡi câu này dùng để câu ở các rạn san hô, rạn đá dưới đáy biển sâu. Để chạm đến đáy biển, chiều dài dây câu phải từ 150m trở lên.
Các rạn san hô là nơi trú ngụ của nhiều loài cá có giá trị kinh tế cao như cá hồng, cá mú, cá mó… Những con cá mắc câu có trọng lượng từ 0,5-1kg.
Gắn từng lưỡi câu vào dây lưới và kẹp vào nẹp tre, mỗi nẹp tre có khoảng 300-350 lưỡi câu. Ảnh: NGUYỄN TRANG |
Nẹp tre đầy lưỡi câu nhỏ như chiếc đinh. Ảnh: NGUYỄN TRANG |
Nghề câu sỏi đã trải qua nhiều đời nhưng đến nay chỉ có xóm Gò Tây còn đeo bám. Mỗi lần ra khơi, ngư dân dùng thuyền công suất nhỏ từ 22-33CV. Họ thường đi 3-4 người, chạy thuyền ra đến ven đảo Lý Sơn (tỉnh Quảng Ngãi), cách đảo 15-20 hải lý, chọn nơi có rạn đá, san hô rồi bủa lưới một vòng. Để dẫn dụ cá mắc câu, mồi gắn vào từng lưới câu chủ yếu là cá cơm, cá nục nhỏ.
Theo ông Phước, những năm gần đây, các tàu lớn khai thác ven bờ đã tận diệt nguồn hải sản nên nghề câu sỏi cũng ít người theo, do phải đi xa hơn, chi phí nhiều hơn trong khi lượng cá câu được lại rất ít.
Vẫn còn giữ nghề câu sỏi của gia đình, ông Nguyễn Tuấn (70 tuổi, xóm Gò Tây) cho biết: “Bây giờ, nghề câu khó hơn, mỗi chuyến đi quanh đảo Lý Sơn kéo dài 3-4 ngày/chuyến, thu về đạt nhất chỉ 2 tạ cá, bình quân chỉ 5-6 triệu đồng. Trừ các chi phí dầu, chia cho các ngư dân đi cùng cũng chẳng còn lại bao nhiêu. Nhưng ngư dân ở xóm Gò Tây cũng không thể bỏ nghề lên bờ, vì đó là cần câu của gia đình”.
Mỗi lần ra khơi, ngư dân mang theo 4-5 rổ đựng lưới câu, sau đó bủa lưới gần các rạn. Ảnh: NGUYỄN TRANG |
Trước kia, cả xóm Gò Tây có hơn 30 hộ đều làm nghề câu sỏi, đến nay chỉ còn lại khoảng 18 hộ còn giữ nghề. Và từ làm nghề quanh năm, hiện các ngư dân chỉ đi mỗi năm tầm 3-4 tháng.
Ông Nguyễn Văn Quận (57 tuổi, xóm Gò Tây) chia sẻ: “Nghề ngày càng khó nên lớp người trẻ không muốn theo nghề. Có lẽ, chúng tôi là những người cuối cùng ở xóm này còn giữ nghề”.
Chị Nguyễn Thị Thanh Nhi, Trưởng xóm Gò Tây, cho biết: “Nghề câu sỏi đã có từ hàng chục năm, qua nhiều thế hệ. Hiện nay, mặc dù còn ít người làm nhưng người dân vẫn bám nghề. Đàn ông đi biển, phụ nữ làm sông, khi hết mùa câu sỏi lại chèo ghe bám sông kiếm cá”.