DNVN – Lợi nhuận sau thuế nửa đầu năm 2024 âm hơn 957 tỷ đồng, cổ phiếu chưa đáp ứng quy định về quy chế niêm yết và giao dịch chứng khoán niêm là lý do khiến cổ phiếu HAG của Công ty Cổ phần Hoàng Anh Gia Lai chưa “thoát” diện cảnh báo của Sở Giao dịch Chứng khoán TP Hồ Chí Minh.
Ngày 30/8 vừa qua, Sở Giao dịch Chứng khoán TP Hồ Chí Minh (HoSE) ban hành thông báo giữ nguyên diện cảnh báo đối với cổ phiếu HAG của CTCP Hoàng Anh Gia Lai (HAGL) theo Quyết định số 740 ngày 7/10/2022 của HoSE.
Lý do là lợi nhuận sau thuế chưa phân phối tại ngày 30/6/2024 của HAGL âm 957,01 tỷ đồng căn cứ báo cáo tài chính hợp nhất soát xét bán niên năm 2024, cổ phiếu chưa đáp ứng quy định tại điểm b khoản 4 Điều 37 Quy chế niêm yết và giao dịch chứng khoán niêm yết.
Trước đó, ngày 30/7, HAG có công văn thông báo về biện pháp và lộ trình khắc phục trình trạng chứng khoán bị cảnh báo.
Theo HAGL, báo cáo tài chính hợp nhất quý II/2024 đã có chuyển biến tích cực và phần nào khắc phục được nguyên nhân chứng khoán bị đưa vào diện cảnh báo.
Minh chứng cho giải trình này, HAG dẫn lợi nhuận sau thuế của công ty mẹ 6 tháng đầu năm 2024 là 484 tỷ đồng, còn lợi nhuận sau thuế thu nhập doanh nghiệp nửa đầu năm nay là 507 tỷ đồng.
HAGL ghi nhận khoản lỗ luỹ kế 6 tháng đầu năm nay 957 tỷ đồng, nợ ngắn hạn đã vượt quá tài sản ngắn hạn với số tiền là 350,3 tỷ đồng.
Về tình hình đầu tư các dự án: công ty tập trung vào lĩnh vực nông nghiệp, gồm hai ngành nghề chăn nuôi và trồng trọt với các sản phẩm chủ đạo là chuối, sầu riêng và heo.
Trong 6 tháng đầu năm nay, công ty đã tăng diện tích sầu riêng từ 1.500 ha lên 1.947 ha, diện tích trồng chuối vẫn duy trì ở mức 7.000 ha.
Về tài chính, HAG cho biết đã hoàn tất việc chào bán cổ phiếu riêng lẻ và thu được số tiền 1.300 tỷ đồng. Trong đó, công ty đã thanh toán được gốc và lãi trái phiếu do công ty phát hành theo bản công bố thông tin ngày 25/4/2012 áp dụng cho 300 tỷ đồng mệnh giá trái phiếu của đợt phát hành ngày 18/6/2012, đáo hạn ngày 30/9/2025 và cơ cấu lại các khoản nợ của công ty con, giảm được chi phí lãi vay.
Ngoài ra, HAGL sẽ tiếp tục thực hiện các biện pháp tái cơ cấu tài chính nhằm giảm mạnh hơn nữa số dư nợ phải trả ngân hàng, giảm chi phí lãi vay và duy trì dòng tiền ổn định cho hoạt động sản xuất kinh doanh của công ty trong bối cảnh thị trường còn nhiều khó khăn.
Về mô hình kinh doanh, song song với phát triển trồng trọt, vận hành theo mô hình nông nghiệp tuần hoàn, HAGL cho biết sẽ tiếp tục mở rộng quỹ đất sạch, ưu tiên đầu tư cải thiện hạ tầng, nhà máy đóng gói, bao bì… theo hướng ứng dụng công nghệ tiên tiến để nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm.
HAG tin tưởng hoạt động kinh doanh sẽ đạt nhiều kết quả tích cực, từng bước giảm và xoá lỗ luỹ kế, khắc phục được nguyên nhân dẫn tới tình trạng chứng khoán bị đưa vào diện cảnh báo.
Tuy vậy, kết quả kinh doanh không như kỳ vọng là nguyên nhân khiến HAG vẫn chưa thoát bị cảnh báo như thông tin nêu ở trên.
Ngày 29/8 vừa qua, HAGL có công văn gửi UBCKNN và HoSE giải trình biến động kết quả kinh doanh trên báo cáo tài chính hợp nhất bán niên 2024 và 2023.
Lợi nhuận sau thuế tại báo cáo tài chính hợp nhất bán niên 2024 đã soát xét là 500,1 tỷ đồng, tăng 115 tỷ đồng so với cùng kỳ năm ngoái.
Theo giải trình của HAG, lợi nhuận gộp tăng 352,1 tỷ đồng, nguyên nhân chủ yếu lợi nhuận gộp tư hoạt động kinh doanh trái cây tăng so với cùng kỳ năm 2023.
Lỗ từ hoạt động tài chính giảm 120,9 tỷ đồng, nguyên nhân chủ yếu do giảm chi phí lãi vay. Đồng thời, lỗ chênh lệch tỷ giá hối đoái cũng giảm so với cùng kỳ năm 2023.
Lợi nhuận khác giảm 269,2 tỷ đồng, nguyên nhân chính do trong 6 tháng năm 2023 có lãi từ giao dịch mua rẻ Công ty TNHH Nông nghiệp Công nghệ cao Bolaven. Khoản này không phát sinh trong cùng kỳ năm 2024.
Trong báo cáo tài chính hợp nhất bán niên 2024 đã được soát xét, kiểm toán viên có nhấn mạnh đến khoản lỗ luỹ kế của tập đoàn là 957 tỷ đồng, nợ ngắn hạn của tập đoàn đã vượt quá tài sản ngắn hạn với số tiền là 350,3 tỷ đồng. Các điều kiện này cho thấy sự tồn tại của yếu tố không chắc chắn trọng yếu có thể dẫn đến nghi ngờ đáng kể về khả năng hoạt động liên tục của tập đoàn.
HAG giải trình, tại ngày lập báo cáo tài chính hợp nhất bán niên 2024 đã được soát xét, tập đoàn đã lập kế hoạch kinh doanh cho 12 tháng tiếp theo, bao gồm dòng tiền dự kiến sẽ được tạo ra từ việc thanh lý một phần các khoản đầu tư tài chính, thanh lý tài sản, thu hồi các khoản cho vay từ các đối tác. Tập đoàn vẫn đang trong quá trình làm việc với các bên cho vay về việc điều chỉnh các điều khoản đã bị vi phạm của các hợp đồng vay và trái phiếu có liên quan. Đồng thời đàm phán tái cơ cấu một số khoản nợ quá hạn. Hoạt động kinh doanh từ heo và chuối tiếp tục tạo ra nguồn tiền lớn trong năm 2024.
Tại ngày 30/6/2024, HAG có 7 công ty con trực tiếp, 6 công ty con gián tiếp và 1 công ty liên kết cùng 4 chi nhánh. Hoạt động chính của doanh nghiệp này là quản lý các khoản đầu tư, kinh doanh vật tư và máy móc thiết bị ngành trồng trọt và chăn nuôi; dịch vụ nông nghiệp; cơ khí, trồng và kinh doanh trái cây ; chăn nuôi và kinh doanh heo; sản xuất và mua bán cây giống; và các hoạt động về thể thao – giải trí.
Thu An