Mượn hình thức truyện tranh để kể chuyện lịch sử đang là xu hướng của không ít tác giả trẻ hiện nay. Dẫu lối đi này vẫn còn khá hẹp nhưng bù lại, họ đã được “tiếp sức” từ các đơn vị xuất bản và từ chính độc giả.
Những câu chuyện của quá khứ
Mới đây, tác giả Hải Anh (sinh năm 1993) gây chú ý khi ra mắt truyện tranh Sống (NXB Kim Đồng) với sự đồng sáng tạo của họa sĩ Pauline Guitton, cũng là người bạn thân cùng tuổi của tác giả. Tác phẩm kể đan xen giữa quá khứ và hiện tại, qua đó tái hiện cuộc đời của nhân vật người mẹ. Điều đặc biệt là nguyên mẫu người mẹ trong tác phẩm chính là đạo diễn Việt Linh. Có thể nói, với Sống, tác giả Hải Anh đã kể câu chuyện của một cá nhân để từ đó chạm đến lịch sử của một dân tộc, cụ thể hơn là cuộc kháng chiến chống Mỹ từ năm 1969 đến 1975.
Hải Anh chia sẻ: “Tôi biết cuộc đời của mẹ đặc biệt, nhất là được kết nối với lịch sử Việt Nam. Tuy nhiên, đi các nhà sách ở Pháp, tôi không thấy các tác giả Việt Nam, không thấy câu chuyện của mẹ ở đâu. Tôi đọc lịch sử Việt Nam chủ yếu từ các tác giả người Mỹ gốc Việt. Những cuốn sách cùng viết về lịch sử nhưng câu chuyện của mỗi cá nhân, mỗi gia đình là khác nhau. Tôi thấy câu chuyện của mẹ mình không có nên muốn kể lại, hy vọng sẽ có người sẽ nhận ra mình trong đó”.
Trước đó không lâu, Lilywiu (tên thật là Lê Lợi Thư Đình, hiện đang du học ở Đức) ra mắt tập đầu tiên của bộ truyện Tàn lửa (NXB Kim Đồng). Bộ truyện xoay quanh 4 anh em nhà họ Chu trên một hòn đảo hư cấu, và về thử thách niềm tin của họ với chính gia đình mình. Tác phẩm được lấy cảm hứng từ bối cảnh xã hội Việt Nam thập niên 30 của thế kỷ trước, khi giá trị truyền thống và tân thời đang trộn lẫn.
Theo chia sẻ của chị Dương Trang, biên tập viên NXB Kim Đồng, với Tàn lửa, Lilywiu đã xây dựng cho mình một cốt truyện chắc tay, lớp lang, nhiều tình tiết cùng lối kể chuyện hấp dẫn đan xen giữa hiện tại và quá khứ, với tinh thần tôn trọng những chất liệu văn hóa, lịch sử. Tác giả dự định sẽ phát triển câu chuyện trong 7 tập sách, chia làm 2 phần. “Đây là điều mà không nhiều người theo đuổi. Xu thế hiện nay là các tranh truyện ngắn, đơn giản, thể loại đời thường có thể đọc bất cứ mẩu truyện nhỏ nào. Tuy nhiên, Lilywiu đã dũng cảm lựa chọn lối đi không dễ dàng chút nào. Và chúng tôi muốn đồng hành với Lilywiu để đi đến cuối con đường đó”, chị Dương Trang cho biết.
Được thành lập vào năm 2015, Comicola giờ đây đã là thương hiệu được nhiều người biết đến, đặc biệt là trong lĩnh vực sản xuất truyện tranh. Ngay từ khi thành lập đến nay, lịch sử luôn là đề tài được đơn vị này chú trọng. Vì vậy, trong gần 10 năm qua, số lượng ấn phẩm có chủ đề lịch sử và văn hóa chiếm khá lớn trong mảng truyện tranh của Comicola.
Sau Long Thần tướng, Comicola tiếp tục là “bà đỡ” cho nhiều tác giả trẻ thử sức với truyện tranh về lịch sử. Có thể kể đến Hoàng Tường Vy (sinh năm 1996, bút danh Vuy) với tác phẩm Bẩm thầy Tường có thầy Vũ đến tìm, hiện đã xuất bản 3 trong tổng số 5 tập. Tác phẩm này đã vinh dự nhận giải Đồng cuộc thi International Manga Award lần thứ 16. Ngoài ra, còn có Lê Vũ Kiến Duy (sinh năm 1994) với tác phẩm Truyện ma sau 6 giờ. Gần đây có thêm tác phẩm Chiêu Hoàng kỷ – Ghi chép về Nữ đế cuối cùng (nhóm tác giả Linh và Nguyễn Hoàng Dương), dự kiến có 16 tập, hiện đã ra mắt tập 2.
Mạch nguồn bất tận
Anh Nguyễn Khánh Dương, người sáng lập và điều hành Comicola, cho rằng, hiện các bạn trẻ có thể nhanh chóng tiếp cận với những sản phẩm văn hóa của nước ngoài. Điều này đã tạo ra động lực để họ có khát khao và mong muốn làm những sản phẩm tương tự mang hơi thở, tinh thần Việt Nam. Bên cạnh đó, các bạn trẻ cũng sẽ dễ dàng hơn trong việc tiếp cận và tiếp thu kiến thức mới. Vậy nên, có thể thấy đa phần các đơn vị, những studio sản xuất truyện tranh lịch sử hiện nay đều do các bạn trẻ thực hiện.
“Trước đây, bộ truyện tranh dài nhất, nổi tiếng và bán chạy nhất là Thần đồng đất Việt cũng tập trung khai thác yếu tố lịch sử. Tôi nghĩ rằng, đây vẫn sẽ là chủ đề được lựa chọn nhiều nhất trong thời gian tới nếu các bạn trẻ muốn làm truyện tranh. Và ngay cả các sản phẩm văn hóa khác, nếu có cơ hội thì họ vẫn muốn làm. Có một số lý do khiến cho truyện tranh Việt Nam không có nhiều trên thị trường, theo tôi nghĩ không liên quan đến đề tài mà do chưa được đầu tư đúng mực từ các đơn vị xuất bản và phát hành”, anh Nguyễn Khánh Dương cho biết.
Từng mang định kiến về truyện tranh dẫn đến việc cấm cản con đọc thể loại này, tuy nhiên, gần đây khi đi nhà sách, trực tiếp cầm trên tay những ấn phẩm truyện tranh về lịch sử, chị Thanh Nga (ngụ quận Bình Thạnh, TPHCM) đã hoàn toàn thay đổi. “Các bạn trẻ bây giờ làm truyện tranh có nhiều sáng tạo. Đặc biệt, phần nội dung gần gũi khi khai thác yếu tố lịch sử và văn hóa Việt Nam. Tôi nghĩ rằng, những tác phẩm này sẽ giúp bạn đọc, nhất là các bạn trẻ có khát khao tìm hiểu và thêm yêu lịch sử nước nhà”, chị Thanh Nga bày tỏ.
Sự cộng hưởng từ các đơn vị xuất bản và sự đón nhận tích cực từ phía người đọc đã trở thành động lực cho các tác giả tiếp tục sáng tạo, mang đến nhiều ấn phẩm truyện tranh khai thác về lịch sử Việt Nam.
Tác giả Hải Anh cho biết, sinh ra và lớn lên ở Pháp nên chị không biết nhiều về Việt Nam, nhưng may mắn là mỗi lần có câu hỏi hay thắc mắc gì, ba mẹ đều giải thích kỹ lưỡng cho chị. Nhờ đó mà kiến thức và hiểu biết về văn hóa, lịch sử Việt Nam của chị không còn là “vùng trắng”. “Sống mới chỉ dừng ở câu chuyện, cuộc sống của mẹ tôi trong bối cảnh chiến tranh chưa khai thác sâu. Về lịch sử Việt Nam, tôi biết còn rất nhiều chủ đề, nhiều câu chuyện đáng để kể. Vậy nên, trong những dự án sắp tới, tôi vẫn sẽ tiếp tục khai thác đề tài lịch sử, chiến tranh Việt Nam”, tác giả Hải Anh bày tỏ.
Anh NGUYỄN KHÁNH DƯƠNG, người sáng lập và điều hành Comicola: Theo tôi, đề tài về lịch sử chưa hẳn là hẹp. Bởi vì lịch sử, văn hóa là đặc thù của mỗi quốc gia. Ở một số quốc gia trong khu vực Á Đông như Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc và Việt Nam, đa phần người dân đều có niềm yêu thích và tìm hiểu lịch sử. Vậy nên, chủ đề văn hóa, lịch sử không có gì là hẹp mà ngược lại, đó là chủ đề khiến độc giả cảm thấy gần gũi hơn, yêu thích hơn và giúp cho sản phẩm truyện tranh Việt Nam đến được với đông đảo bạn đọc hơn.
HỒ SƠN