Lê la cà phê, ngõ hẻm Sài Gòn (NXB Tổng hợp TPHCM) của nhà báo Lê Vân kể về cuộc sống mưu sinh qua nhiều thế hệ ở những con hẻm, chợ, chung cư, tiệm xưa quán cũ nhuốm màu thời gian tại Sài Gòn – TPHCM.
Với 196 trang gồm 26 bài viết, Lê la cà phê, ngõ hẻm Sài Gòn được chia thành 4 chủ đề chính: Hẻm Sài Gòn – những đời người; Trăm năm “kẻ chợ” Sài thành; Chuyện đời những chung cư Sài Gòn xưa cũ; Tiệm xưa quán cũ. Lần lượt những câu chuyện về chốn đời thường, về đời người được tái hiện, để thấy được dẫu có trải qua bao nhiêu thăng trầm thì thành phố vẫn chào đón tất cả mọi người như một người bạn hiền, một miền đất hứa.
Thật bình yên khi biết đâu đó giữa những chung cư lâu năm lại có những ngôi chùa như chùa Liên Trì (quận 3), chùa Từ Đức (quận 5) tọa lạc trên tầng cao. Sự hấp dẫn từ những ô cửa tựa khối rubic màu của chung cư Nguyễn Huệ (quận 1) vẫn giữ nét hoài cổ dưới ánh đèn biển hiệu của hàng quán hiện đại. Có cả một con hẻm “Thiền” với rất nhiều chùa, tịnh xá, tịnh thất ở quận Gò Vấp…
Quyển sách vừa lưu giữ ký ức vừa là hành trình khám phá chuyện thường ngày ở thành phố này nhưng không kém phần hấp dẫn. Mùi vị của Sài Gòn là thứ làm cho bao nhiêu người vương vấn không quên. Những mùi vị ấy có thể nắm bắt bằng vị giác, khứu giác… nhưng có khi, phải sống đủ lâu, phải đi đủ nhiều mới nhận ra một vài mùi vị đặc biệt để rồi lòng không khỏi bâng khuâng, tiếc nhớ.
Là nơi tụ hội của những con người tứ xứ về đây, mang theo cả quê hương, xứ sở trong chuyến ly hương nên ở Sài Gòn, có rất nhiều ngôi chợ gắn liền với đời sống, văn hóa của họ. Họ lập chợ vì nhớ những món ăn mang hồn cốt, hào khí quê hương một thuở: Muốn ăn món Bắc thì ghé chợ Ông Tạ, chợ Hoàng Hoa Thám, chợ Phạm Văn Hai. Ai ăn món Quảng thì qua chợ đặc sản Bà Hoa… Hay thương vọng về những khu chợ đã lùi vào dĩ vãng như chợ Cầu Muối, chợ Cầu Ông Lãnh, chợ Cháy. Nhắc đến chợ của người giàu thì người ta hay gọi chợ Bến Thành, chợ dành cho khách sang như chợ Cũ, chợ “chảnh” khi xưa chuyên bán cho giới nội trợ cao cấp là chợ Tân Định… hay ngôi chợ lâu đời nhất là chợ Thái Bình (quận 1, khi xưa gọi là chợ Khung Dong, chợ Cây Da còm)…
Được viết dưới góc nhìn của một nhà báo, đồng thời cũng là một du khách; điều này mang đến cho Lê la cà phê, ngõ hẻm Sài Gòn một dư vị riêng. Ấn phẩm có sự chắt lọc những thông tin tinh tế từ những nhân chứng và kiến trúc đang hiện diện, đồng thời không áp đặt mình vào bất cứ một công thức hay sự so sánh nào… Nhờ đó, Lê la cà phê, ngõ hẻm Sài Gòn không khác gì một cẩm nang du lịch đã được chứng thực bằng tất cả những giác quan của một con người chân thành thương nhớ với Sài Gòn.
VIÊN THI