SGGP
Ngày 4-8, tại di tích Cột cờ Thủ Ngữ (quận 1, TPHCM), Sở Du lịch phối hợp với Sở VH-TT cùng các sở, ngành, TP Thủ Đức và các quận, huyện khai mạc Lễ hội sông nước TPHCM lần thứ nhất nhằm quảng bá vùng đất, con người, bản sắc văn hóa đặc trưng… của TPHCM nói riêng, Việt Nam nói chung. Tại đây, người dân thành phố và du khách được thưởng thức một “bữa tiệc” mãn nhãn với rất nhiều sắc màu, âm thanh sôi động, hấp dẫn.
Tham dự có các đồng chí: Phan Văn Mãi, Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch UBND TPHCM; Nguyễn Hồ Hải, Phó Bí thư Thành ủy TPHCM; cùng lãnh đạo các sở, ngành, TP Thủ Đức và các quận, huyện…
Phong phú trò chơi dân gian
Ghi nhận trong ngày đầu diễn ra lễ hội, khách trong nước và quốc tế có dịp đi ngang công viên Bến Bạch Đằng (quận 1), Bến Bình Đông (quận 8)… đều cảm thấy thích thú. Nhiều hoạt động diễn ra trong khuôn khổ lễ hội thực sự là “món ăn” tinh thần hấp dẫn đối với người dân, du khách. Các chương trình biểu diễn nhã nhạc – nhạc cung đình Huế; không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên; dân ca quan họ Bắc Ninh; ca trù; Hội Gióng ở đền Phù Đổng và đền Sóc… vừa đẹp về sự duyên dáng của các nghệ sĩ vừa hay về những ngón đàn, giọng hát. Các hoạt động náo nhiệt như đua thuyền, nhảy bao bố, làm diều nghệ thuật, bịt mắt đập niêu, bắt cá trong chum… được các bạn trẻ rất quan tâm. Chị Lucy Handley, du khách đến từ Anh, có dịp dạo chơi tại công viên Bến Bạch Đằng, chia sẻ, chị thực sự thú vị khi thấy TPHCM nhộn nhịp đến vậy. “Buổi sáng, chúng tôi thích chạy bộ ngắm cảnh phố phường nhộn nhịp ven sông để cảm nhận rõ hơn về cuộc sống của đất nước nơi tôi đến”, chị Lucy Handley nói.
Lễ hội sông nước TPHCM với nhiều hoạt động sôi nổi trong ngày khai mạc. Ảnh: HOÀNG HÙNG |
Chưa hết, những hoạt động thể thao dưới nước như giải đua thuyền ở Bến Bạch Đằng, trình diễn dù lượn, trình diễn bay bằng ván phản lực nước (flyboard), trình diễn chiếu sáng nghệ thuật khu dù lượn trên cao… Ngoài ra, vào các buổi tối, có 30-40 tàu thuyền của các đơn vị đang khai thác du lịch trên sông Sài Gòn trang trí rực rỡ sẽ diễu hành dọc bờ sông… Tất cả đều hứa hẹn đem đến nhiều cảm xúc vui tươi, ấn tượng cho mọi người.
Điểm nhấn của lễ hội là show diễn thực cảnh “Dòng sông kể chuyện” lúc 20 giờ ngày 6-8, tại cảng Sài Gòn. Chương trình tái hiện sự hình thành của vùng đất, con người Sài Gòn – TPHCM qua các thời kỳ Sài Gòn – Gia Định – Chợ Lớn – TPHCM trong 5 chương: Khẩn hoang – Xây thành – Trên bến dưới thuyền – Thương cảng phồn vinh – Rạng rỡ thành phố bên sông. Có trên 750 diễn viên, nghệ nhân dân gian cùng ê kíp đạo diễn, chuyên gia, nghệ sĩ hàng đầu trong ngành nghệ thuật cùng bắt tay thực hiện sự kiện này.
Kỳ vọng sẽ lan tỏa niềm tự hào và tình yêu dành cho thành phố
Phát biểu tại lễ khai mạc, đồng chí Phan Văn Mãi cho biết, cùng với sự hình thành của Sài Gòn – Chợ Lớn – Gia Định – TPHCM hơn 300 năm qua, dọc theo các con sông và kênh rạch, các cảng – bến, phố chợ, làng nghề, dịch vụ trên bến dưới thuyền được hình thành và phát triển nhộn nhịp, làm nên đặc trưng riêng của Sài Gòn – Chợ Lớn – Gia Định – TPHCM, một đô thị ven sông không chỉ gắn với phù sa mà còn dung hòa giữa văn hóa và kinh tế, giữa truyền thống và hiện đại, giữa bản sắc và hội nhập. “Trên bến dưới thuyền”, do vậy, không chỉ là hoạt động cần tiếp tục thúc đẩy để phát triển kinh tế thành phố mà còn là nếp sống, là văn hóa, là di sản quý báu cần được giữ gìn và quảng bá.
Nhằm bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa, lịch sử, xây dựng sản phẩm, sự kiện đặc trưng; đẩy mạnh khai thác các giá trị kinh tế, du lịch từ hệ thống tài nguyên sông, biển trên địa bàn thành phố; hướng đến định vị thương hiệu một đô thị sông nước giàu bản sắc văn hóa, UBND TPHCM tổ chức Lễ hội sông nước TPHCM lần thứ nhất năm 2023 với chuỗi hoạt động văn hóa, giải trí, nghệ thuật, thể thao đặc sắc cùng nhiều hoạt động trải nghiệm, các chương trình kích cầu thương mại, du lịch phong phú, hấp dẫn phục vụ người dân và du khách.
Lễ hội sông nước TPHCM tại Khu du lịch Bình Quới. Ảnh: HOÀNG HÙNG |
Đến với lễ hội, TPHCM hy vọng người dân và du khách có thể hòa mình vào không khí sôi nổi của các hoạt động thể thao dưới nước và không gian văn hóa, nghệ thuật, trò chơi dân gian ở khu vực Bến Bạch Đằng, công viên Lam Sơn…
“Chương trình được kỳ vọng sẽ lan tỏa niềm tự hào và tình yêu dành cho TPHCM cũng như truyền cảm hứng du lịch và khám phá điểm đến thành phố đến du khách trong nước và quốc tế, góp phần tạo khí thế, động lực phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội của thành phố trong giai đoạn mới”, đồng chí Phan Văn Mãi nhấn mạnh.