Cộng sinh dưới tán rừng
Giữa nắng rát những ngày cuối tháng 7-2023, chúng tôi vượt đỉnh dốc Cổng Trời An Toàn (huyện An Lão, Bình Định) để ghi nhận cuộc sống mới của bà con miền núi nơi đây. Qua bên kia dốc Cổng Trời An Toàn, bản làng của người Ba Na, H’rê sống cộng sinh, chan hòa giữa cánh rừng đặc dụng trên 25.000ha. Tiếp chúng tôi, già Trai (già làng thôn Plai Hmia, xã An Toàn), cho biết: Điều kiện tự nhiên, rừng núi, khí hậu, thổ nhưỡng cũng như sản vật ở An Toàn hết sức phong phú, nhiều tiềm năng, nhưng do chưa được khai thác một cách hiệu quả nên đời sống bà con còn nghèo. Với những dự án đã và đang được chính quyền, doanh nghiệp đầu tư ở đây, hy vọng vùng đất An Toàn sẽ “thay da đổi thịt” trong tương lai.
Vừa hướng dẫn chúng tôi ghé thăm vườn chè cổ An Toàn sau đỉnh núi, ông Khiếu Đức Thịnh, Phó Giám đốc Ban Quản lý rừng đặc dụng An Toàn, khái quát: “Theo điều tra của các viện nghiên cứu dược liệu, quy hoạch rừng, An Toàn có hệ sinh thái rừng cực kỳ phong phú bởi địa hình chuyển tiếp 2 vùng duyên hải và Tây Nguyên. Rừng này có nhiều dược liệu cực hiếm, như: biện lưỡi đỏ, lan cò môi đỏ, hoa khế, du mooc, chè dây (dược tính rất cao). Quan trọng nhất, cộng sinh với rừng là trên 1.000 dân cư Ba Na, H’rê trên diện tích khoảng 3.000ha. Bà con ở đây rất có trách nhiệm với rừng, họ được giao khoán giữ toàn bộ khu rừng bằng những hương ước, quy định nghiêm ngặt”.
Mấy năm qua, để sự cộng sinh của người dân với rừng thêm chặt chẽ, chính quyền huyện An Lão và ngành chức năng đã giới thiệu, tạo điều kiện thu hút nhiều doanh nghiệp, đơn vị để khai phá các tiềm năng dược liệu dưới tán rừng An Toàn. Trong đó, Công ty Dược Bidiphar đang triển khai thử nghiệm nhiều mô hình dược liệu ở địa bàn, ký kết với nhiều hộ dân cùng tham gia, chủ yếu trồng cây chè dây di thực từ rừng ra. “Hiện, Bidiphar đang phát triển mô hình trồng dược liệu sạch ở An Toàn trên diện tích 11ha với các loài dược liệu như: thìa canh, cà gai leo, đinh lăng, chè dây, đương quy, ba kích, hà thủ ô đỏ, đảng sâm… Ngoài ra, An Toàn còn có 1 hợp tác xã nông dược liệu đang hoạt động rất hiệu quả, góp phần tạo công ăn việc làm cho người dân, giúp địa phương phát triển thêm các sản phẩm OCOP (Mỗi xã một sản phẩm) dược liệu, du lịch sinh thái”, ông Đỗ Tùng Lâm, Phó Chủ tịch UBND huyện An Lão chia sẻ.
Băng qua huyện Trà Bồng (tỉnh Quảng Ngãi), chúng tôi chứng kiến nhiều dãy núi đồ sộ như: dãy Cà Đam, Răng Cưa, Cà Rông đã sản sinh cho vùng đất này nhiều “kỳ hoa dị thảo” hiếm gặp. Theo khảo sát của các viện nghiên cứu dược liệu, hiện có trên 20 dược liệu đang sinh trưởng rất tốt ở rừng núi Trà Bồng, trong đó vùng núi Trà Bùi là nơi có thổ nhưỡng, khí hậu rất thích hợp để phát triển các dự án dược liệu dưới tán rừng, như: khôi nhung, sâm 7 lá, tam thất, đảng sâm, đương quy… Ngoài ra, Trà Bồng đang phát triển vùng chuyên canh cây quế với 6.000ha. Đây là loài dược liệu có lịch sử xuất khẩu lâu đời, giúp hàng chục ngàn người dân tộc Cor sống ven rừng có đời sống tốt hơn. Vừa qua, Cục Y dược cổ truyền và Viện Nghiên cứu dược liệu đang giúp huyện xây dựng kế hoạch, điều tra vùng trồng để đầu tư thêm dự án phát triển dược liệu quý dưới tán rừng ở Trà Bồng, tổng vốn 33 tỷ đồng.
Tạo sinh kế cho cư dân
Trở lại Khu Bảo tồn thiên nhiên Sông Thanh (tỉnh Quảng Nam), chúng tôi chứng kiến những mô hình, cách làm và ý tưởng hay của những người bảo vệ rừng. Ông Đinh Văn Hồng, Phó Giám đốc phụ trách Vườn quốc gia Sông Thanh, kể: Nhiều năm qua, cán bộ Vườn quốc gia Sông Thanh đã mở các đợt khảo sát các loại dược liệu, sâm quý ở các khu vực rừng để nhân giống, di thực ra ven rừng, giúp dân thoát nghèo. Trước kia, chúng tôi đã suy nghĩ, nghiên cứu thành công đề tài nhân giống các loại dược liệu, cây trồng để tạo sinh kế cho bà con vùng đệm, như: cây dổi, cây ươi, nấm lim xanh… Đến nay, các mô hình đang phát huy hiệu quả tốt, vườn cũng hỗ trợ bà con về giống, giúp chuyển giao kỹ thuật trồng nhân rộng mô hình. Trong 6 tháng đầu năm 2023, đơn vị đã hỗ trợ 80.000 cây ươi và dổi giống cho người dân vùng đệm mở rộng tán rừng, tạo không gian mới để gầy dựng các mô hình kinh tế cộng sinh dưới tán rừng.
Anh Tal Ngôn Lực (33 tuổi, nhân viên của Vườn quốc gia Sông Thanh), phân tích thêm: “Nhiều loài thực vật, dược liệu dưới tán vườn quốc gia nằm trong danh mục sách đỏ, quý hiếm bất khả xâm phạm. Vì vậy, nhiệm vụ của chúng tôi là theo dõi, hướng dẫn nhằm chuyển giao, nhân đôi giá trị của rừng để người dân tiếp cận đảm bảo sinh kế. Hiện chúng tôi đang tập trung vào nấm lim xanh để hỗ trợ bà con phát triển loài dược liệu này rộng ra ven các khu rừng sản xuất”. Đây cũng là cách mà nhiều ban quản lý rừng phòng hộ, đặc dụng và hạt kiểm lâm các tỉnh khu vực Nam Trung bộ đang hướng đến. Từ phát hiện dó gạch, Ban Quản lý rừng phòng hộ huyện Đồng Xuân (Phú Yên) đã điều tra thêm nhiều dược liệu quý khác, trong đó lan kim tuyến là loài có giá trị kinh tế cao, giá bán từ 800.000 đồng – 2 triệu đồng/kg. Hiện, ban quản lý rừng đang phát triển, nhân giống 2 mô hình để chuyển giao cho các cộng đồng dân cư ven rừng, nhằm cải thiện đời sống bà con để giảm bớt tình trạng phá rừng hàng loạt để làm rẫy.
Trước kia, mỗi khi nhắc đến phát triển du lịch ở miền núi huyện An Lão, nhiều người cho rằng là điều xa vời. Nhưng hôm nay, từ những mô hình hay, cách làm táo bạo đã đưa An Lão lên bản đồ du lịch của Bình Định. Trong đó, phải kể đến công lớn của nhóm dược sĩ, kỹ sư trẻ tại Hợp tác xã (HTX) Nông dược liệu An Toàn. Dược sĩ – Thạc sĩ Vũ Đức Hòa (thành viên HTX Nông dược liệu An Toàn) kể lại hành trình của nhóm 7 bạn trẻ tình nguyện bỏ phố thị hào nhoáng đến vùng rừng núi hẻo lánh lập nghiệp. Ngày đầu, nhóm trẻ đến vùng núi An Toàn đã chủ động đứng ra kết nối dân bản để thuê lại những khoảnh đất rẫy cằn cỗi. “Sau khi thuê mướn lại một số khu rẫy, chúng tôi bắt đầu công cuộc cải tạo đất bằng việc trồng cỏ vetiver (nguồn gốc Ấn Độ). Nhiều tháng trời đất được cải tạo đáp ứng để trồng dược liệu, chúng tôi bắt đầu nhân trồng một số dược liệu bản địa hiện có và di thực từ nơi khác về, như: kim ngân, đảng sâm, thường xuân, đương quy, sâm 7 lá, rau bầu đất…”, Dược sĩ – Thạc sĩ Vũ Đức Hòa kể.
Do đã có dây chuyền sản xuất từ các tỉnh phía Nam, nên nhóm HTX Nông dược liệu An Toàn nhanh chóng phát triển thương hiệu các sản phẩm. Không chỉ các dược liệu quý mà ngay cả các loài hoa, cỏ ở các khu đồi ở An Toàn cũng được nhóm dược sĩ tận dụng, nâng tầm. Chẳng hạn, kết hợp các vị thảo mộc, như: tía tô, hoa hồng, cỏ ngũ sắc, bưởi… tạo thành “combo” dầu gội, sữa tắm, kem dưỡng da, ngâm chân; lá thường xuân được nghiên cứu, nhân trồng tạo ra sản phẩm cao sirô bổ phế “lalang” (sản phẩm đoạt giải ba Giải thưởng Sáng tạo KH-CN Việt Nam 2022)… Hiện nhóm đã tạo được 5 sản phẩm OCOP được gắn từ 3-4 sao và đang mở rộng vùng trồng, liên kết với 20 hộ dân làm mô hình trồng xen canh cây đương quy, bầu đất… Với 2 mô hình trồng cây đương quy, bầu đất, người dân tham gia sẽ được hỗ trợ từ giống, kỹ thuật, phân bón và sẽ được bao tiêu sản phẩm. Đối với đương quy, bà con có thể thu nhập khoảng 138 triệu đồng/năm, bên cạnh đó mỗi 2 tháng có thể thu hoạch thêm cây bầu đất để lấy ngắn nuôi dài.