Những ngày còn đủ ba má, dẫu còn rất nhỏ nhưng tôi còn nhớ mùa tết rộn ràng bắt đầu từ đầu tháng Chạp.
Quê tôi cách Sài Gòn – TPHCM không xa nhưng thuở ấy còn vắng vẻ hoang sơ lắm, vậy nên tôi có thể cảm nhận mùa tết khi đường làng nhộn nhịp hẳn với tiếng lộc cộc dồn dập hơn mọi ngày của những chiếc xe thổ mộ, những bà mẹ quang gánh đầy ắp đi chợ về. Khi những nong nia củ kiệu, củ cải làm dưa mắm, dưa chua phơi đầy sân; mùi đường sên mứt bí, mứt gừng ngào ngạt thơm lừng cả một góc sân; những chậu bông vạn thọ, bông mồng gà bắt đầu khoe sắc, tiệm hớt tóc của ba tôi bỗng dưng đắt khách đến nỗi ba đứng hớt không ngơi tay, sưng phù cả đôi chân ốm yếu.
Chưa bao giờ tôi thức nổi để cùng má canh nồi bánh tét, cùng ba thắp nhang đón giao thừa nhưng tôi nhớ mãi những buổi sáng mùng một thật vui, nhà tôi đông đúc hẳn lên bởi gia đình chú ba, cô tư về đông đủ. Bàn thờ tổ tiên ông bà nghi ngút khói hương, bữa ăn thịnh soạn đầy đủ những món ăn truyền thống ngon lành má đã chuẩn bị từ nhiều ngày trước. Nồi thịt heo kho tàu với trứng vịt đỏ au mềm rục, nồi khổ qua dồn thịt xanh non, chậu dưa giá giòn tan cùng cả chồng bánh tráng cao ngất ngưởng, xâu bánh tét dài lủng lẳng treo ở cột nhà… Nhớ nhất là bộ quần áo mới có hai túi được nhét đầy tiền lì xì mà cứ một lúc chị em tôi và lũ em họ sàn sàn tuổi nhau lại mở ra đếm đi đếm lại. Tôi khá lớn nên còn nhớ được nhiều kỷ niệm vui như vậy, thương các em tôi ký ức những ngày tết ấm êm đầy đủ hẳn nhạt nhòa hay chẳng còn lại chút gì, bởi lẽ má tôi đã qua đời đột ngột khi đứa em út mới sinh được một tháng năm ngày.
Cái tết đầu tiên không còn má lúc ấy tôi mười một tuổi, chị tôi được mười lăm, lũ em tôi đứa lên bảy, lên năm, lên ba và đứa nhỏ nhất chỉ mới tám tháng tuổi. Kinh tế gia đình suy sụp sau cái chết của má, không khí rộn ràng náo nức của mùa tết bấy giờ chỉ làm chúng tôi thêm tủi phận, chúng tôi đón tết trong tiếng thở dài đau đớn của ba và tiếng khóc ngằn ngặt của đứa em thiếu dòng sữa mẹ. Niềm vui tết đơn sơ của lũ trẻ mồ côi mẹ là những bộ quần áo mới bằng vải rẻ tiền được cắt may bởi bàn tay chưa đủ khéo của người chị lớn, là những đòn bánh tét méo mó xấu xí của mấy đứa con gái còn nhỏ dại vụng về tập gói. Vài năm sau, ba tôi cũng mất khi lũ em tôi chưa kịp trưởng thành, chị em chúng tôi gói ghém đùm bọc nhau trong cảnh khó nghèo. Rồi chúng tôi quen dần với cảnh mồ côi. Những cái tết tẻ nhạt buồn hiu hầu như chẳng còn đọng lại gì trong ký ức tuổi thơ tôi. Dẫu thế nào thì những mùa tết vẫn trôi qua. Chúng tôi lớn dần lên, có đứa không lập gia đình vẫn ở lại trong ngôi nhà cũ, đứa lập gia đình an vui với gia đình nhỏ riêng tư, đứa thành đạt giàu sang, đứa vừa đủ ăn đủ mặc nhưng bao giờ ngày mùng một tết chúng tôi cũng trở về sum họp trong căn nhà cũ. Đại gia đình quây quần bên nhau thắp cho ba má nén nhang tưởng nhớ, cùng ôn lại những kỷ niệm tết xưa trong đầy ắp thương yêu.
Nỗi khát khao có được cái tết đủ đầy trong quá khứ ám ảnh khôn nguôi, khi có gia đình riêng, tôi đã cố vun vén cho các con có được tuổi thơ trọn vẹn. Khi các con còn nhỏ, đời sống khó khăn, mải mê với công ăn việc làm, vợ chồng tôi vẫn cố gắng cho con mình một cái tết đầy đủ nhất. Chồng tôi trực Hội hoa Xuân hơn mười giờ đêm mới tan ca vẫn cố ghé chợ mua chậu quất sai trĩu quả, tôi làm thợ may có năm gần đến giờ giao thừa mới kịp giao cho khách bộ quần áo cuối cùng. Đến giờ giao thừa, khi cả nhà đứng trước bàn thờ thắp tuần nhang đầu năm mới, chúng tôi dâng lên các đấng thiêng liêng lời tạ ơn thành kính nhất. Tết này, hai vợ chồng tôi sắp bước vào ngưỡng thất thập cổ lai hy, như thường lệ từ hơn bốn mươi năm nay, hai đứa con trai, bây giờ thêm con dâu và cháu nội cùng vòng tay đồng thanh đọc bài thơ chúc tết quen thuộc của gia đình, lòng tôi rưng rưng tràn ngập niềm vui vì chúng tôi đã có một gia đình ấm êm hạnh phúc. Ký ức tuổi thơ cũng nhắc tôi nhớ đến những đứa trẻ bất hạnh đang đón tết trong các mái ấm, dẫu các con đang được bảo bọc bởi tình thương bao la của các nhà bảo trợ, tôi biết những chia sẻ vật chất của mình không thể nào bù đắp được nỗi buồn khiếm khuyết tình cảm thiêng liêng của máu mủ ruột rà, nhưng ít ra với tôi, cho đi là một liệu pháp hữu hiệu nhất để chữa lành.
NGUYỄN THỊ CẨM (Quận 5, TPHCM)