Trong bài xã luận mang tên Tấm gương mẫu mực sáng ngời đăng trên Báo Nhân Dân số ra ngày 3-4-1980 sau khi Bác Tôn từ trần, có đoạn viết: “Khiêm tốn, giản dị là đức tính suốt đời của đồng chí Tôn Đức Thắng. Những đồng chí đã ở tù với Bác suốt mười bảy năm và làm việc với Bác hơn ba mươi năm sau này, chỉ thấy ở Bác một đức tính, một phong cách không hề biến đổi. Đó là đức tính, phong cách công nhân, giản dị, chân thành, trong sáng. Khi đã là người lãnh đạo, đồng chí vẫn giữ vững những đức tính vốn có của mình. Ăn những món ăn giản dị như những món của quê nhà, mặc như những người bình thường, ghét sự sang trọng xa hoa, ham lao động trí óc và chân tay, cái gì tự làm lấy được thì không muốn phiền người khác”.
Trước đó hơn 20 năm, trong bài nói nhân dịp kỷ niệm lần thứ 70 ngày sinh Bác Tôn, Bí thư thứ nhất Trung ương Đảng Lê Duẩn đã nhận định: “Cùng với tinh thần phấn đấu không mệt mỏi, ở đồng chí Tôn còn nổi bật lên lập trường vững vàng, chí khí cao cả, đức tính khiêm tốn, giản dị, đó là những gương sáng để chúng ta học tập. Chúng ta nhiệt liệt hoan hô lòng trung thành sắt đá của đồng chí Tôn Đức Thắng, hoan hô chí khí kiên cường, tấm lòng khảng khái, vô tư và đức tính khiêm tốn, giản dị của đồng chí”.
Nhà thơ Bảo Định Giang kể lại trong cuốn Bác Hồ, Bác Tôn và các anh: “Do yêu cầu hoàn thành sớm tác phẩm nên nhà văn Đoàn Giỏi lui tới nhà Bác Tôn nhiều lần hơn tôi. (…) Có những lần Bác Tôn bận tiếp khách thì chúng tôi nói chuyện với Bác Tôn gái trong không khí đầm ấm và rất tự nhiên. Chính Bác Tôn gái là người kể cho chúng tôi nghe những điều rất hay, rất cảm động về Bác Tôn mà Bác Tôn không nói khi Đoàn Giỏi hỏi, bởi Bác không thích nói về mình. Qua các lời kể về Bác Tôn những năm bị lưu đày ở Côn Đảo, và những đồng chí khác, cũng bị đế quốc giam giữ trước hoặc sau Bác Tôn như đồng chí Hoàng Văn Lợi (nguyên Thứ trưởng Bộ Ngoại giao) đã cung cấp cho chúng tôi những mẩu chuyện quý về Bác Tôn. Để thẩm định những mẩu chuyện này, chúng tôi có hỏi lại Bác Tôn cho rõ, nhưng Bác Tôn chỉ trả lời một câu ngắn ngủn: “Tình hình của đất nước buộc mình phải vậy, chớ còn cách nào!”. Qua các lần tiếp xúc, bài học đầu tiên mà chúng tôi nhận được ở Bác Tôn là đức tính rất mực khiêm tốn. Tinh thần dũng cảm vô song, đi đôi với đức tính khiêm tốn một cách khác thường mà ai cũng rõ, khiến mọi lời nói của Bác Tôn trở thành những lời nói có giá trị to lớn”…
Những câu chuyện về đức tính khiêm tốn, giản dị của Bác Tôn còn rất nhiều, đều đáng để tất cả chúng ta học tập, cả trong công tác lẫn sinh hoạt.
Có một điều thú vị là gần như tất cả các đồng chí lãnh đạo tiền bối của cách mạng nước ta, của Đảng ta, từ Bác Hồ, Bác Tôn đến các đồng chí Trường Chinh, Phạm Văn Đồng, Võ Nguyên Giáp… đều là những người rất mực giản dị và khiêm tốn. Phải chăng đó chính là điều mà nhiều người đã đúc kết: “Bông lúa chín là bông lúa cúi đầu”?
Hiện nay, điều kiện đất nước, xã hội đã thay đổi rất nhiều so với thời của các vị cách mạng tiền bối. Chính điều đó đã ít nhiều làm mất đi tính khiêm tốn, giản dị của một bộ phận cán bộ, đảng viên.
Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII về “tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng; ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ” đã nêu không ít biểu hiện suy thoái về đạo đức, lối sống có liên quan trực tiếp đến sự phai nhạt các đức tính này và cần phải đấu tranh quyết liệt, như “cá nhân chủ nghĩa, sống ích kỷ, thực dụng, cơ hội, vụ lợi; chỉ lo thu vén cá nhân, không quan tâm đến lợi ích tập thể; ganh ghét, đố kỵ, so bì, tị nạnh, không muốn người khác hơn mình”, “độc đoán, gia trưởng, thiếu dân chủ trong chỉ đạo, điều hành”, “mắc bệnh “thành tích”, háo danh, phô trương, che giấu khuyết điểm, thổi phồng thành tích, “đánh bóng” tên tuổi; thích được đề cao, ca ngợi; “chạy thành tích”, “chạy khen thưởng”, “chạy danh hiệu”…
Trong bối cảnh toàn Đảng, toàn quân, toàn dân đang ra sức học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, chúng ta cần quan tâm học tập đức tính khiêm tốn, giản dị của Bác Tôn, người đồng chí, người bạn chiến đấu lâu năm và thân thiết của Bác Hồ. Trong điều kiện của từng người, chúng ta đều có thể thực hành các bài học này một cách cụ thể, tự nhiên và thường xuyên, liên tục.
Chẳng hạn, chúng ta chú trọng đúng mức cả lao động trí óc và lao động chân tay, không vì là cán bộ lãnh đạo mà coi thường lao động chân tay hoặc ít làm các công việc chân tay…
Chúng ta xây dựng tác phong quần chúng, luôn gần gũi, hòa đồng với mọi người, không chỉ với cán bộ cấp dưới trong cơ quan mà còn với những người lao động nghèo ở nơi cư trú một cách chân thành, khiêm tốn.
Chúng ta tránh đề cao vai trò cá nhân của mình, nhất là khi tự nhận xét, tự đánh giá đóng góp của bản thân hoặc đơn vị do mình phụ trách, cũng như khiêm tốn trong việc nhận các hình thức khen thưởng nếu chưa thật xứng đáng. Cả trong phát biểu lãnh đạo, định hướng cho cấp dưới, cũng cần nhẹ nhàng, giản dị, ít “lên gân lên cốt” cả qua lời nói lẫn thái độ. Trong đời sống thường ngày, cần tránh xa hoa, lãng phí, nhất là tránh tạo sự cách biệt lớn với người dân ở xung quanh…
Bác Hồ từng nói: Công trạng của cá nhân chủ yếu là nhờ tập thể mà có. Vì vậy người có công trạng không nên tự kiêu mà cần khiêm tốn. Khiêm tốn và rộng lượng, đó là hai đức tính mà người cách mạng nào cũng phải có. Do đó, tất cả những người cách mạng, những cán bộ, đảng viên chúng ta đều cần phải thực hiện đức tính khiêm tốn, giản dị, không chỉ cho bản thân mà còn cho tổ chức, cho Đảng, không chỉ cho hôm nay mà còn cho mai sau!
Và, việc thực hành đức tính giản dị, khiêm tốn cũng cần được nêu gương cho chính người thân trong gia đình, với các cán bộ, đảng viên và với quần chúng, nhân dân!
VÂN TÂM