(HTV)- Cuộc đời hoạt động cách mạng của Tổng Bí thư Trần Phú từ khi giác ngộ lý tưởng đến khi giữ cương vị Tổng Bí thư của Đảng chỉ gần 10 năm nhưng đã để lại di sản vô cùng quý báu, với những bài học sâu sắc cho Đảng, sự nghiệp cách mạng của nhân dân ta.
Đồng chí Trần Phú sinh ngày 01/5/1904, nguyên quán xã Tùng Ảnh, huyện Đức Thọ, tỉnh Hà Tĩnh. Xuất thân trong một gia đình nhà Nho yêu nước, chứng kiến cảnh nước mất, nhà tan, đồng chí đã sớm chọn con đường chiến đấu cho sự nghiệp giải phóng dân tộc.
Bước ngoặt trong cuộc đời hoạt động cách mạng của đồng chí Trần Phú là khi được Hội Phục Việt cử sang Quảng Châu, Trung Quốc bắt liên lạc với Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên, được gặp lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc, được Người trực tiếp huấn luyện, đào tạo, kết nạp vào Cộng sản Đoàn – nhóm nòng cốt của Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên.
Mùa xuân năm 1927, đồng chí Trần Phú được cử sang học tập tại Trường Đại học Phương Đông của Quốc tế Cộng sản ở Mát-xcơ-va. Nhờ kết quả học tập tốt, đồng chí được Ban Phương Đông của Quốc tế Cộng sản cử làm Bí thư nhóm cộng sản Việt Nam tại Trường.
Tốt nghiệp Đại học Phương Đông loại xuất sắc, tháng 11/1929, đồng chí được Quốc tế Cộng sản cử về nước hoạt động, được Đảng giao nhiệm vụ chuẩn bị dự thảo Luận cương Chính trị.
Tháng 10/1930, Hội nghị lần thứ Nhất Ban Chấp hành Trung ương Đảng họp tại Hương Cảng, Trung Quốc đã thông qua Luận cương Chính trị. Luận cương đã phân tích sâu sắc đặc điểm tình hình thế giới và Đông Dương; luận giải tính chất, mục đích, nhiệm vụ, bước đi, động lực cách mạng ở Đông Dương là cách mạng tư sản dân quyền, do giai cấp công nhân lãnh đạo, có nhiệm vụ đánh đổ đế quốc, phong kiến.
Hội nghị Trung ương tháng 10/1930 đã chính thức bầu đồng chí Trần Phú làm Tổng Bí thư đầu tiên của Đảng. Trên cương vị Tổng Bí thư, đồng chí Trần Phú có nhiều đóng góp to lớn về chính trị, tư tưởng và tổ chức trong công tác xây dựng Đảng.
Dưới chỉ đạo sát sao của đồng chí Trần Phú và Ban Thường vụ Trung ương Đảng thời kỳ 1930 – 1931, khí thế phong trào cách mạng của quần chúng Nhân dân trong cả nước bùng lên mạnh mẽ, dấy lên cao trào cách mạng 1930 – 1931 mà đỉnh cao là Xô Viết Nghệ Tĩnh.
Giữa lúc phong trào của nhân dân ta đang phát triển mạnh mẽ, ngày 18/4/1931, đồng chí Trần Phú bị địch bắt. Sau 3 tháng bị giam cầm, tra tấn, ngày 06/9/1931, đồng chí Trần Phú trút hơi thở cuối cùng tại nhà thương Chợ Quán, Sài Gòn khi mới 27 tuổi.
Ngày 12/01/1999, Đảng và Nhà nước tổ chức trọng thể Lễ truy điệu đồng chí Trần Phú tại TP.HCM và di dời hài cốt của Đồng chí về an táng tại núi Quần Hội, xã Tùng Ảnh, huyện Đức Thọ, tỉnh Hà Tĩnh.
Khu trại giam Bệnh viện Chợ Quán, nơi Tổng Bí thư đầu tiên của Đảng Cộng Sản Việt Nam Trần Phú bị giam giữ và hi sinh nằm trong khuôn viên Bệnh viện Bệnh nhiệt đới (TP.HCM)
Kỷ niệm 120 năm Ngày sinh đồng chí Trần Phú (01/5/1904 – 01/5/2024), học tập tấm gương bản lĩnh, trí tuệ, trọn đời hiến dâng cho Đảng, vì đất nước, vì nhân dân của Đồng chí, toàn Đảng ta nguyện nêu cao ý chí, tinh thần cách mạng của người cộng sản; quyết tâm thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng. Đại hội lần thứ XIV của Đảng là dấu mốc quan trọng trên con đường phát triển của đất nước ta, dân tộc ta, có ý nghĩa định hướng tương lai. Thời gian tới chúng ta cần tập trung tâm sức, trí tuệ xây dựng các văn kiện Đại hội với tinh thần khoa học, đổi mới, chất lượng, phản ánh đầy đủ thực tiễn mới của đất nước và xu thế phát triển của thời đại để sớm hiện thực hóa mục tiêu phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc.
>>>Xin mời quý vị đón xem chương trình thời sự đặc biệt kỷ niệm 49 năm Giải phóng miền Nam thống nhất đất nước và 138 năm Ngày Quốc tế Lao động vào lúc 20 giờ trên kênh HTV9