GD&TĐ – Đoàn kết, đồng lòng dưới sự lãnh đạo của Đảng, dân tộc ta đã đi qua những thời khắc khó khăn nhất của lịch sử để có hòa bình, hạnh phúc.
LTS: Đoàn kết, đồng lòng dưới sự lãnh đạo của Đảng, dân tộc ta đã đi qua những thời khắc khó khăn nhất của lịch sử để có hòa bình, hạnh phúc. Thế kỷ 21 thế giới chứng kiến nhiều biến động về địa chính trị, nhưng cũng ghi nhận những đột phá, bứt tốc về kinh tế, khoa học kỹ thuật, toàn cầu hóa và đặc biệt là trí tuệ nhân tạo (AI). Đây là cơ hội để các dân tộc, quốc gia vươn mình lớn mạnh. Đất nước Việt Nam ta cũng vậy.
Kỷ nguyên mới – Kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam là thông điệp xuyên suốt của người đứng đầu Đảng – Tổng Bí thư Tô Lâm trong nhiều bài viết, phát biểu quan trọng tại những sự kiện đặc biệt của đất nước trong thời gian qua. Thông điệp của Tổng Bí thư là lời hiệu triệu, thúc giục tinh thần hành động, đổi mới, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm để hiện thực hoá khát vọng xây dựng đất nước Việt Nam “to đẹp hơn, hùng cường hơn”.
Báo Giáo dục và Thời đại ra mắt chuyên mục “Kỷ nguyên vươn mình” lan tỏa tinh thần hiệu triệu của Tổng Bí thư đến toàn Đảng, toàn dân và cán bộ, giáo viên, người lao động trong ngành Giáo dục. Chuyên mục bao gồm các bài viết, trao đổi, phỏng vấn… với các góc nhìn khác nhau về giáo dục, khoa học kỹ thuật, kinh tế – xã hội… và sự vào cuộc, đồng lòng của cả hệ thống chính trị với quyết tâm hiện thực hóa khát vọng xây dựng đất nước hùng cường, vươn đến mục tiêu, đạt được những thành tựu vĩ đại.
Kỷ nguyên giàu mạnh
Kỷ nguyên là một giai đoạn lịch sử được đánh dấu bởi những đặc điểm quan trọng hoặc sự kiện có ảnh hưởng lớn đến sự phát triển của xã hội – văn hóa – chính trị – tự nhiên. Kỷ nguyên thường được sử dụng để phân chia thời gian trong lịch sử theo những biến cố lớn hoặc có sự thay đổi căn bản trong đời sống chính trị hay khoa học, công nghệ, môi trường.
Có thể kể đến như Kỷ nguyên Công nghiệp, Kỷ nguyên thông tin, Kỷ nguyên Kỹ thuật số, Kỷ nguyên vũ trụ. Còn trước đây là Kỷ nguyên Đồ đá, Kỷ nguyên Cổ đại, Kỷ nguyên Trung cổ…
Tổng Bí thư Tô Lâm khẳng định, kỷ nguyên vươn mình hàm ý tạo sự chuyển động mạnh mẽ, dứt khoát, quyết liệt, tích cực, nỗ lực, nội lực, tự tin để vượt qua thách thức, vượt qua chính mình, thực hiện khát vọng, vươn tới mục tiêu, đạt được những thành tựu vĩ đại.
Kỷ nguyên mới – kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam là thời kỳ phát triển, giàu mạnh dưới sự lãnh đạo, cầm quyền của Đảng Cộng sản, xây dựng thành công nước Việt Nam xã hội chủ nghĩa, dân giàu, nước mạnh, xã hội dân chủ, công bằng, văn minh, sánh vai với các cường quốc năm châu.
Mọi người dân đều có cuộc sống ấm no, hạnh phúc, được hỗ trợ phát triển, làm giàu; đóng góp ngày càng nhiều cho hòa bình, ổn định, phát triển của thế giới, hạnh phúc của nhân loại và văn minh toàn cầu.
Đích đến của kỷ nguyên vươn mình là dân giàu, nước mạnh, xã hội chủ nghĩa, sánh vai với các cường quốc năm châu. Ưu tiên hàng đầu trong kỷ nguyên mới là thực hiện thắng lợi các mục tiêu chiến lược đến năm 2030, Việt Nam trở thành nước đang phát triển, có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao.
Định vị mục tiêu đưa đất nước bước vào Kỷ nguyên mới. Tổng Bí thư nhấn mạnh ba cơ sở:
Theo đó, từ một nước nghèo nàn, lạc hậu, trình độ thấp, bị bao vây, cấm vận, Việt Nam đã trở thành nước đang phát triển, có thu nhập trung bình, hội nhập sâu, rộng vào nền chính trị thế giới, nền kinh tế toàn cầu, nền văn minh nhân loại, đảm nhiệm nhiều trọng trách quốc tế. Độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ được giữ vững; lợi ích quốc gia, dân tộc được bảo đảm.
Quy mô nền kinh tế năm 2023 tăng gấp 96 lần so với năm 1986. Việt Nam trong nhóm 40 nước có nền kinh tế lớn nhất thế giới và 20 nền kinh tế hàng đầu về thương mại và thu hút đầu tư nước ngoài; có quan hệ ngoại giao với 193 nước là thành viên Liên hợp quốc; xây dựng các mối quan hệ đối tác…
Thế giới đang trong thời kỳ thay đổi có tính thời đại, từ nay đến năm 2030 là giai đoạn quan trọng nhất để xác lập trật tự thế giới mới, đây cũng là thời kỳ cơ hội chiến lược quan trọng, giai đoạn nước rút của cách mạng Việt Nam để đạt mục tiêu chiến lược 100 năm dưới sự lãnh đạo của Đảng, tạo tiền đề vững chắc đạt mục tiêu 100 năm thành lập nước.
Sự biến chuyển có tính thời đại đem đến thời cơ, thuận lợi mới, đồng thời cũng có nhiều thách thức to lớn đối với Việt Nam. Cách mạng công nghiệp lần thứ 4, nhất là trí tuệ nhân tạo và công nghệ số đem đến cơ hội mà những quốc gia đang phát triển, chậm phát triển có thể nắm bắt để đi trước đón đầu, phát triển vượt bậc.
Đại hội XIV của Đảng – nền móng cho một kỷ nguyên mới
Lịch sử cách mạng Việt Nam cho thấy, dưới sự lãnh đạo tài tình, sáng suốt của Đảng, khơi dậy ý chí tự lực, tự cường, tự hào dân tộc, huy động sức mạnh toàn dân kết hợp với sức mạnh thời đại, con thuyền cách mạng Việt Nam sẽ đạt được những kỳ tích.
Đó là những kỳ tích về một nước dân chủ thuộc địa nửa phong kiến có thể chiến thắng hai đế quốc thực dân hùng mạnh; kỳ tích về một nước từ bị bao vây cấm vận thực hiện thành công công cuộc đổi mới với những thành tựu vĩ đại.
Hiện nay là thời điểm ý Đảng hòa quyện với lòng dân trong khát vọng xây dựng đất nước phồn vinh, hạnh phúc, sớm xây dựng thành công chủ nghĩa xã hội, sánh vai với các cường quốc năm châu.
Đến năm 2045 trở thành nước xã hội chủ nghĩa phát triển, có thu nhập cao; khơi dậy mạnh mẽ hào khí dân tộc, tinh thần tự chủ, tự tin, tự lực, tự cường, tự hào dân tộc, khát vọng phát triển đất nước; kết hợp chặt chẽ sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại.
Từ những vấn đề trên, có thể thấy, thời điểm hiện tại đang “hội tụ” tổng hòa các lợi thế, sức mạnh để đưa đất nước bước vào kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc tiếp sau kỷ nguyên độc lập, tự do, xây dựng chủ nghĩa xã hội và kỷ nguyên đổi mới.
Thời điểm bắt đầu kỷ nguyên mới là Đại hội XIV của Đảng, từ đây, hàng trăm triệu người như một, dưới sự lãnh đạo của Đảng, đồng tâm hiệp lực, chung sức đồng lòng, tranh thủ tối đa thời cơ, thuận lợi, đẩy lùi nguy cơ, thách thức, đưa đất nước cất cánh phát triển toàn diện, mạnh mẽ, bứt phá.
7 định hướng chiến lược
Thứ nhất, về cải tiến phương thức lãnh đạo của Đảng. Tổng Bí thư nhấn mạnh, trong hơn 94 năm lãnh đạo, Đảng không ngừng hoàn thiện phương thức lãnh đạo, nâng cao năng lực cầm quyền, giữ vững vai trò chèo lái cách mạng. Tuy nhiên, để đáp ứng yêu cầu mới, cần đổi mới mạnh mẽ phương thức lãnh đạo, đảm bảo Đảng là người dẫn dắt vĩ đại, đưa dân tộc tiến lên.
Các giải pháp gồm: Thực hiện nghiêm phương thức lãnh đạo, tránh bao biện hay buông lỏng; tinh gọn bộ máy, nâng cao trí tuệ và hiệu quả lãnh đạo; đổi mới việc ban hành, thực hiện nghị quyết; củng cố tổ chức cơ sở đảng và đẩy mạnh chuyển đổi số trong hoạt động của Đảng.
Thứ hai, về tăng cường tính đảng trong xây dựng, hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của dân, do dân, vì dân. Tổng Bí thư nhìn nhận, sau 2 năm thực hiện Nghị quyết 27-NQ/TW, việc xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa đạt nhiều kết quả tích cực nhưng vẫn còn hạn chế, đặc biệt là “điểm nghẽn” về thể chế. Pháp luật cần liên tục hoàn thiện để thể chế hóa đường lối Đảng, phát huy dân chủ, bảo vệ quyền con người và quyền công dân.
Thứ ba, về tinh gọn tổ chức bộ máy hoạt động hiệu lực, hiệu quả. Tổng Bí thư khẳng định là yêu cầu cấp thiết. Cần tiếp tục cải tổ bộ máy Đảng, Quốc hội, Chính phủ, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị – xã hội theo hướng hiệu lực, hiệu quả, giảm đầu mối trung gian, tổ chức theo mô hình đa ngành, đa lĩnh vực.
Đẩy mạnh phân cấp, phân quyền với nguyên tắc “địa phương quyết, làm, chịu trách nhiệm,” kết hợp tăng cường kiểm tra, giám sát, làm rõ trách nhiệm giữa Trung ương và địa phương, thúc đẩy tính chủ động, sáng tạo và tự chủ của các địa phương.
Thứ tư, về chuyển đổi số. Tổng Bí thư phân tích, chuyển đổi số không chỉ là ứng dụng công nghệ mà là xác lập “phương thức sản xuất số,” nơi dữ liệu là tài nguyên quan trọng, con người và trí tuệ nhân tạo kết hợp hài hòa. Tuy nhiên, quan hệ sản xuất chưa phù hợp đang cản trở phát triển.
Để tận dụng cơ hội từ Cách mạng công nghiệp 4.0, cần cải cách mạnh mẽ, toàn diện, điều chỉnh quan hệ sản xuất, thúc đẩy phát triển vượt bậc. Bộ Chính trị sẽ sớm ban hành Nghị quyết về chuyển đổi số quốc gia để triển khai đồng bộ.
Thứ năm, về chống lãng phí. Dẫn lời Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Lãng phí tuy không lấy của công đút túi, song, kết quả cũng rất tai hại cho Nhân dân, cho Chính phủ. Có khi tai hại hơn nạn tham ô”. Tổng Bí thư Tô Lâm chỉ ra, lãng phí hiện nay diễn ra khá phổ biến, dưới nhiều dạng thức khác nhau, đã và đang gây ra nhiều hệ lụy nghiêm trọng cho phát triển. Lãng phí gây hậu quả nghiêm trọng, cần phòng chống quyết liệt như chống tham nhũng.
Tổng Bí thư nêu các giải pháp chiến lược để giải quyết tình trạng này trong những năm tới, gồm: Ban hành quy định nhận diện và xử lý hành vi lãng phí, xử nghiêm để “cảnh tỉnh cả vùng, cả lĩnh vực”. Xây dựng văn hóa phòng, chống lãng phí; đưa thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trở thành “tự giác”, “tự nguyện”, “cơm ăn nước uống, áo mặc hàng ngày”.
Rà soát, bổ sung cơ chế quản lý, định mức kinh tế – kỹ thuật; hoàn thiện quy định về quản lý tài sản công và chuyển đổi số. Giải quyết dứt điểm các dự án kém hiệu quả, thất thoát lớn; đẩy mạnh cổ phần hóa, nâng cao hiệu quả doanh nghiệp Nhà nước. Xây dựng văn hóa tiết kiệm, biến thực hành tiết kiệm, chống lãng phí thành thói quen tự giác, tự nguyện.
Thứ sáu, về cán bộ. Tổng Bí thư khẳng định là yếu tố quyết định thành bại, đặc biệt trong giai đoạn xây dựng đội ngũ cán bộ đủ năng lực đưa đất nước vào kỷ nguyên mới. Cần đổi mới mạnh mẽ công tác tuyển dụng, đào tạo, bổ nhiệm và đánh giá cán bộ, đặc biệt chú trọng vào kết quả thực chất và yêu cầu chuyển đổi số.
Cần xây dựng cơ chế khuyến khích cán bộ đổi mới, sáng tạo, dám chịu trách nhiệm, đồng thời sàng lọc, loại bỏ những người thiếu phẩm chất, năng lực. Đào tạo, bồi dưỡng cán bộ quy hoạch tham gia cấp ủy, đảm bảo lựa chọn những người có năng lực lãnh đạo, sáng tạo và trách nhiệm cao, thực hiện thành công nghị quyết của Đảng.
Thứ bảy, về kinh tế. Tổng Bí thư nhận định, kinh tế Việt Nam đã tăng trưởng liên tục, từ nước thu nhập thấp lên thu nhập trung bình. Tuy nhiên, nguy cơ tụt hậu và rơi vào “bẫy thu nhập trung bình” vẫn hiện hữu.
Để đẩy lùi nguy cơ này, cần đột phá mạnh mẽ về thể chế, tháo gỡ rào cản, lấy người dân và doanh nghiệp làm trung tâm, huy động mọi nguồn lực trong và ngoài nước. Tập trung phát triển khoa học công nghệ, xây dựng kết cấu hạ tầng đồng bộ và phát triển mô hình xã hội chủ nghĩa, chú trọng con người xã hội chủ nghĩa.
Phát triển lực lượng sản xuất mới kết hợp nhân lực chất lượng cao và hạ tầng chiến lược, thúc đẩy chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, và khoa học công nghệ làm động lực chính cho phát triển.
giaoducthoidai.vn
Nguồn:https://giaoducthoidai.vn/ky-nguyen-vuon-minh-loi-hieu-trieu-hien-thuc-hoa-khat-vong-xay-dung-dat-nuoc-post710596.html