Phát biểu tại Hội thảo, ông Nguyễn Hữu Tháp – Phó Chủ tịch UBND tỉnh Kon Tum nhấn mạnh: Để phát triển vùng trồng, tỉnh Kon Tum phê duyệt Quy hoạch phát triển sâm Ngọc Linh tỉnh Kon Tum giai đoạn 2012 – 2020, tầm nhìn đến năm 2025 với tổng diện tích quy hoạch phát triển sâm Ngọc Linh là 31.742ha.
Đến nay, đã có khoảng 2.922ha sâm Ngọc Linh, trong đó huyện Tu Mơ Rông với 2.883ha, với khoảng 1.650 hộ gia đình, 30 nhóm hộ, tổ liên kết sản xuất và 4 doanh nghiệp trồng sâm Ngọc Linh. Bên cạnh đó, tỉnh cũng đang triển khai Trung tâm nhân giống, bảo tồn và phát triển dược liệu ứng dụng công nghệ cao trên địa bàn huyện Tu Mơ Rông với quy mô khoảng 60ha, đây sẽ là nơi cung cấp nguồn giống sâm Ngọc Linh đảm bảo về tiêu chuẩn, chất lượng để đưa ra trồng và mở rộng diện tích cho giai đoạn 2025 – 2030 và những năm tiếp theo.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Kon Tum khẳng định: Với những giá trị của Sâm Ngọc Linh đối với người tiêu dùng và thị trường thì nhu cầu về trồng và phát triển cây sâm Ngọc Linh là rất lớn, nhiều đơn vị, doanh nghiệp đã liên hệ với các sở, ngành, địa phương thực hiện việc được khảo sát để trồng sâm.
Tuy nhiên, hiện nay còn một số khó khăn trong quá trình thực hiện như: Vốn đầu tư lớn; chưa có quy định, hướng dẫn về quản lý, cấp mã số vùng trồng và đặc biệt hiện nay trên thị trường có nhiều loại sâm có hình thái rất giống Sâm Ngọc Linh, một số tư thương đã trà trộn vào lấy thương hiệu Sâm Ngọc Linh, do đó đã ảnh hưởng tới lòng tin của người tiêu dùng. Hội thảo hôm nay sẽ thảo luận về những giá trị của Sâm Ngọc Linh, giải pháp để liên kết, phát triển cây Sâm Ngọc Linh, giúp Nhân dân có thể làm giàu từ cây Sâm Ngọc Linh và đưa Sâm Ngọc Linh vươn tầm thế giới.
Tại Hội thảo, các chuyên gia đã trình bày 5 tham luận, gồm: Sâm Việt Nam (Sâm Ngọc Linh) lịch sử, khoa học và thực tiễn; Xây dựng và phát triển thương hiệu sản phẩm quốc gia Sâm Việt Nam – Sâm Ngọc Linh nhìn từ góc độ lịch sử, khoa học và thực tế; Kiểm nghiệm phân biệt Sâm Ngọc Linh và Sâm Lai Châu bằng phương pháp sắc ký – so sánh với phương pháp phân tích DNA. Bên cạnh đó, 2 hộ dân trồng và liên kết trồng Sâm Ngọc Linh trình bày tham luận về thực tiễn trồng Sâm Ngọc Linh.
Trên cơ sở thảo luận sôi nổi, Hội thảo cũng đã giải đáp đầy đủ, chi tiết các vấn đề người dân quan tâm như cách phòng trừ bệnh cho cây sâm; phân tích giá trị của cây Sâm Ngọc Linh so với các loại sâm khác; biện pháp nâng cao giá trị Sâm Ngọc Linh; áp dụng khoa học kỹ thuật trong phát triển Sâm Ngọc Linh…
Trong khuôn khổ Hội thảo, Nhóm nghiên cứu sâm Việt Nam của Trường Đại học Tôn Đức Thắng đã ký kết hợp tác với Công ty Cổ phần Sâm Ngọc Linh Kon Tum để nghiên cứu về sự phát triển hoạt chất trên cây Sâm Ngọc Linh qua các chu kỳ phát triển hằng năm. Ký kết hợp tác và hỗ trợ thành lập Viện nghiên cứu Sâm Ngọc Linh – Sâm Việt Nam tại TP. Hồ Chí Minh giữa Công ty Cổ phần Vingin với nhóm nghiên cứu do Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Minh Đức (Trường Đại học Tôn Đức Thắng) và Giáo sư, Tiến sĩ Trần Công Luận (Hiệu trưởng Trường Đại học Tây Đô) làm đại diện.
Nhóm nghiên cứu cũng ký kết với UBND huyện Tu Mơ Rông về nghiên cứu và chuyển giao phương pháp kiểm nghiệm phân biệt nhanh Sâm Ngọc Linh với các loại sâm khác.
Phát biểu bế mạc Hội thảo, ông Võ Trung Mạnh – Chủ tịch UBND huyện Tu Mơ Rông cho biết: Các nhà khoa học, nhà nghiên cứu, người dân trồng sâm đã chia sẻ nhiều thông tin có giá trị về chăm sóc, quản lý, nâng tầm Sâm Ngọc Linh. Đặc biệt, Hội thảo đã được các nhà nguyên cứu tin tưởng chọn công bố kết quả nghiên cứu giá trị Sâm Ngọc Linh và sâm Lai Châu, qua đó khẳng định giá trị to lớn của Sâm Ngọc Linh, giúp người dân yên tâm trồng, còn người tiêu dùng có thông tin chính thống để lựa chọn các loại sâm phù hợp với giá trị, chất lượng để chăm sóc sức khỏe.
Cũng theo ông Võ Trung Mạnh, 3 nội dung ký kết tại Hội thảo liên quan đến Sâm Ngọc Linh có vai trò quan trọng trong việc mở ra cơ hội lớn cho người trồng và cả ngành Sâm. Cụ thể, việc ký kết hợp tác nghiên cứu hàm lượng hoạt chất của Sâm Ngọc Linh qua các giai đoạn sẽ giúp phân biệt rõ hàm lượng Saponin có trong cây sâm qua các năm phát triển, qua đó tiếp tục khẳng định, nâng cao giá trị Sâm Ngọc Linh, giúp người tiêu dùng yên tâm và hưởng lợi.
Nếu Viện nghiên cứu phát triển Sâm Ngọc Linh được thúc đẩy thành lập, kỳ vọng sẽ tạo cơ hội cho các nhà khoa học có cơ hội nghiên cứu chuyên sâu, toàn diện hơn với cây Sâm Ngọc Linh, từ đó đề ra các giải pháp phát triển bền vững. Còn việc ký ghi nhớ nghiên cứu và chuyển giao phương pháp kiểm nghiệm phân biệt nhanh Sâm Ngọc Linh với các loại sâm khác, sẽ giúp địa phương có cơ sở để quản lý, truy xuất nguồn gốc các loại sâm, góp phần hiệu quả trong việc bảo vệ người tiêu dùng khỏi nạn trục lợi từ Sâm Ngọc Linh.
Ông Võ Trung Mạnh cho biết thêm: Những công trình nghiên cứu quý giá của các chuyên gia, nhà nghiên cứu, cơ quan quản lý nhà nước công bố tại Hội thảo, sẽ được huyện ghi nhận đầy đủ để báo cáo UBND tỉnh Kon Tum và công bố rộng rãi trên truyền thông, mạng xã hội để mọi người đều biết, qua đó có hướng phát triển Sâm Ngọc Linh phù hợp, hiệu quả, giúp cây Sâm Ngọc Linh trở thành ngành hàng quan trọng của Việt Nam.
Măng Ri – Từ căn cứ kháng chiến đến thủ phủ sâm Ngọc Linh