Ông Trần Văn Giàu biết ông Huỳnh Tấn Phát hoạt động trong phong trào yêu nước ở Sài Gòn từ năm 1943. Đến đầu 1945, các nhóm sinh viên trí thức yêu nước tiến bộ ở miền Nam làm được nhiều việc: tuyên truyền yêu nước, truyền bá chữ Quốc ngữ, phổ biến những bài hát yêu nước thúc giục tinh thần đấu tranh. Nhất là sau ngày Nhật đảo chính Pháp (9.3.1945), sinh viên Nam bộ rời Trường đại học Hà Nội về Sài Gòn hoạt động náo nhiệt lạ thường. Tiêu biểu nhất là nhóm Sinh viên xếp bút nghiên gồm Huỳnh Văn Tiểng, Mai Văn Bộ, Lưu Hữu Phước, Đặng Ngọc Tốt, Trần Bửu Kiếm… Trong số đông đảo trí thức Sài Gòn yêu nước hồi ấy, nổi bật là kiến trúc sư Huỳnh Tấn Phát và bác sĩ Phạm Ngọc Thạch. Nhà sử học Trần Văn Giàu đánh giá: “Vai trò của Huỳnh Tấn Phát tích cực vào bậc nhất, trước hết bởi vì Phát có tuần báo Thanh niên, một cơ quan ngôn luận tiến bộ”.
Huỳnh Tấn Phát quê làng Tân Hưng, quận An Hóa, tỉnh Mỹ Tho (nay là xã Châu Hưng, huyện Bình Đại, tỉnh Bến Tre). Tốt nghiệp thủ khoa ngành kiến trúc Trường cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương (9.1938), hai năm sau, ông là kiến trúc sư Việt Nam đầu tiên mở văn phòng kiến trúc sư tại Sài Gòn. Vì vậy, với tư cách Bí thư Xứ ủy Nam kỳ, ông Trần Văn Giàu đã chỉ đạo Ban Cán sự thành Sài Gòn phải cử cán bộ vào trong phong trào sinh viên, thanh niên, trí thức công khai, tìm cách hướng dẫn họ theo đường lối của Đảng Cộng sản, mà một trung tâm tập hợp, đó là báo Thanh niên do kiến trúc sư Huỳnh Tấn Phát đứng đầu. Ông Giàu đã kết nối và mở lớp huấn luyện chính trị ngay tại nhà riêng của ông Phát ở số 68 đường Mayer – Sài Gòn (nay là đường Võ Thị Sáu, TP.HCM). Sau đó, ngày 5.3.1945, Trần Văn Giàu tuyên bố kết nạp Huỳnh Tấn Phát vào Đảng Cộng sản Đông Dương.
Cùng bác sĩ Phạm Ngọc Thạch và nhiều trí thức sáng danh yêu nước khác của Nam bộ, kiến trúc sư Huỳnh Tấn Phát đứng ra tổ chức Thanh niên Tiền phong, thu hút, đoàn kết với thanh niên, trí thức khắp nơi. Để chuẩn bị cho khởi nghĩa giành chính quyền ở Sài Gòn, Xứ ủy Nam kỳ chủ trương vô hiệu hóa Sở Cảnh sát Đặc biệt miền Đông (bốt Catinat). Nhiệm vụ được giao cho Huỳnh Tấn Phát và Huỳnh Văn Tiểng thực hiện. Họ đã hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.
GS Trần Văn Giàu kể rằng, 2 ngày trước khởi nghĩa, tại Hội nghị Xứ ủy mở rộng ở Chợ Đệm (ngày 23.8.1945) đã chỉ định kiến trúc sư Huỳnh Tấn Phát làm Ủy viên Lâm ủy Hành chính Nam bộ khi khởi nghĩa thành công. Nhưng ông Phát từ chối và đề cử ông Huỳnh Văn Tiểng thay.
Đêm 24.8.1945, nhân dân Sài Gòn – Chợ Lớn – Gia Định nhất tề đứng lên giành chính quyền. Theo kế hoạch thì khởi nghĩa bắt đầu đồng loạt từ 19 giờ, sẽ hoàn thành lúc 24 giờ đêm. Lúc này, Huỳnh Tấn Phát không có mặt ở Tổng hành dinh 6 Colombert (nay là Thái Văn Lung). Ông đang lo chỉ đạo dựng lễ đài để Ủy ban Hành chính Lâm thời Nam bộ ra mắt nhân dân Sài Gòn – Chợ Lớn – Gia Định.
Khởi nghĩa được thực hiện sớm hơn dự định. Đúng 22 giờ đêm 24.8, ông Trần Văn Giàu cùng ông Huỳnh Văn Tiểng đi bộ ra xem ông Huỳnh Tấn Phát xây lễ đài xong chưa. Tới nơi, cả hai ông cùng choáng ngợp trước một kỳ đài cao 15 m sơn màu đỏ, ghi tên 11 vị Ủy viên Ủy ban Hành chính Lâm thời Nam bộ sừng sững, cao vọi, sáng rực, uy nghi ở ngã tư Đại lộ Bonard – Charner (đường Nguyễn Huệ – Lê Lợi bây giờ).
Đúng 10 giờ sáng 25.8.1945, cuộc tuần hành có vũ trang của một triệu đồng bào thành phố và ngoại ô Sài Gòn – Chợ Lớn – Gia Định cùng đứng chật ních ba đại lộ ngày nay là Nguyễn Huệ, Lê Lợi, Hàm Nghi và quảng trường Cuniac (nay là Quách Thị Trang). Chỉ tiếc rằng đã không lưu giữ được tấm ảnh nào chụp lại lễ đài chỉ dựng một đêm xong như trong cổ tích của kiến trúc sư Huỳnh Tấn Phát.
Với uy tín trong nhân dân miền Nam, cuộc tổng tuyển cử đầu tiên của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa (6.1.1946), ông Huỳnh Tấn Phát trúng cử đại biểu Quốc hội khóa I tỉnh Mỹ Tho (tiếp đó là các khóa II, III, VI, VII, VIII). Ông trở thành Chủ tịch Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam (1969 – 1975). Đất nước thống nhất, kiến trúc sư Huỳnh Tấn Phát tiếp tục đảm nhiệm nhiều trọng trách: Phó thủ tướng Chính phủ, Chủ tịch Đoàn Chủ tịch Ủy ban T.Ư MTTQ Việt Nam. (còn tiếp)
Từ sau chiến tranh thế giới thứ nhất đến chiến tranh thế giới thứ hai, ở Sài Gòn, không có đợt phong trào yêu nước nào mà không có sự tham gia, ngay ở hàng đầu, của trí thức dân tộc, một trong số đông những người tiêu biểu là kiến trúc sư Huỳnh Tấn Phát.
GS Trần Văn Giàu – Chủ tịch UBND lâm thời Nam bộ 8.1945
Thanhnien.vn
Nguồn:https://thanhnien.vn/kien-truc-su-huynh-tan-phat-dung-le-dai-huyen-thoai-chi-trong-1-dem-185240824210704618.htm