SGGP
Báo cáo của Tổng cục Thống kê cho thấy, “sức khỏe” doanh nghiệp vẫn chưa được cải thiện khi từ đầu năm 2023 đến nay số doanh nghiệp trong cả nước rời khỏi thị trường tiếp tục gia tăng, bình quân mỗi tháng có đến 16.200 doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường. Trong bối cảnh hiện nay, rất cần kiến tạo được các thị trường vận hành hiệu quả nhằm đạt được mục tiêu phát triển.
Hiệu quả của thị trường được biểu hiện trước hết qua sự cạnh tranh công bằng, từ đó tạo ra các giá trị tiến bộ cho xã hội. Người thắng cuộc hoặc giành ưu thế trong cạnh tranh sẽ mang lại lợi ích lớn nhất cho người dùng nói riêng và cho toàn xã hội nói chung. Hiệu quả thị trường là đường dẫn đưa đến các mục tiêu mong đợi của hầu hết các nền kinh tế. Chỉ có cạnh tranh mới cho ra đời nhiều sản phẩm, dịch vụ phục vụ con người tốt nhất; những ý tưởng công nghệ liên tục được sáng kiến và thương mại hóa để ứng dụng vào sản xuất, kinh doanh.
Những sáng kiến luôn cần đến kỹ năng vận hành, do vậy các doanh nghiệp dẫn đầu cũng là nơi sáng tạo ra các kiến thức, kỹ năng mới để đào tạo cho người lao động. Vấn đề đặt ra là làm thế nào để một nền kinh tế kiến tạo được các thị trường vận hành hiệu quả? Đây là một câu hỏi lớn và cũng là câu hỏi cốt lõi cần phải được giải đáp trong xây dựng, phát triển.
Rõ ràng, thông tin hoàn hảo là điều kiện rất quan trọng. Rất cần thiết lập cơ chế hiệu quả liên quan đến công bố thông tin và giám sát thực hiện việc công bố thông tin. Đặc biệt là trong các thị trường dễ bị tác động tiêu cực của tình trạng thông tin bất cân xứng như tín dụng, chứng khoán, bất động sản…
Thị trường hiệu quả sẽ giúp người mua, người bán lựa chọn giao dịch tối ưu nhất. Hiệu quả thị trường chỉ có được khi các bên giao dịch có đầy đủ thông tin; chi phí cho thực hiện các giao dịch thấp nhất, như chi phí tìm kiếm thông tin, chi phí giám sát, chi phí thực hiện các thủ tục… Đồng thời không ai có quyền hạn chế người bán, người mua tham gia thị trường, trừ các trường hợp liên quan đến an ninh, chính trị quốc gia và các thị trường bị cấm hoặc hạn chế theo quy định pháp luật.
Tất nhiên, hệ thống luật lệ sẽ quyết định phần lớn tính hiệu quả của các thị trường, biểu hiện chủ yếu là sự bảo vệ quyền tự do kinh doanh, quyền sở hữu, quyền quyết định và quyền được rút lui ra khỏi thị trường. Để doanh nghiệp được tự do kinh doanh, hệ thống pháp luật cần được quy định rõ ràng, minh bạch và công bằng.
Người kinh doanh căn cứ vào đó thực hiện quyền của mình mà không cần đến quá nhiều thủ tục xin cấp phép trước khi thực hiện, có thể tự nghiên cứu và thực hiện tuân thủ và chịu trách nhiệm khi cơ quan quản lý nhà nước kiểm tra. Những lĩnh vực đòi hỏi tuân thủ pháp luật phức tạp, cần thúc đẩy việc cấp phép cho các đơn vị tư nhân thực hiện chức năng tư vấn và chịu trách nhiệm giúp cộng đồng doanh nghiệp tuân thủ pháp luật.
Một vấn đề rất quan trọng, là thuế. Để thị trường hiệu quả, thuế phải là công cụ điều tiết chủ yếu. Công cụ thuế tham gia điều tiết dòng vốn, hành vi và phân phối nguồn lực xã hội hiệu quả nhất. Muốn khuyến khích phát triển ngành nào, lĩnh vực nào thì chỉ cần giảm thuế; hoặc hạn chế ngành nào, lĩnh vực nào thì chỉ cần tăng thuế. Cần hạn chế tối đa việc cấp điều kiện kinh doanh, trường hợp cần cấp phép thì nên xã hội hóa. Trên hết là xây dựng lực lượng thực thi công vụ đúng với tinh thần công tâm và phụng sự.
Theo đó, luật pháp không nên tạo ra cơ chế xin cho cũng như hạn chế trao quyền cho công chức thực hiện các chức năng này. Bên cạnh đó, cần đẩy mạnh cải cách tiền lương hấp dẫn để tạo động lực làm việc, song song với tăng cường giám sát thực thi công vụ và nâng cao trách nhiệm giải trình.
Bằng tổng hòa các giải pháp, chúng ta sẽ có các thị trường vận hành hiệu quả, thúc đẩy mọi người tự do theo đuổi lợi ích một cách hài hòa với tiến trình phát triển văn minh xã hội.