Chiều 28-12, tại TPHCM, Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam (VIAC) phối hợp cùng Trường Đại học Kinh tế – Luật, Đại học Quốc gia TPHCM tổ chức hội thảo “Phát triển năng lượng tái tạo nhìn từ Quy hoạch điện VIII: Khai thác dưới góc độ quy định pháp luật và thực tiễn”.
Phát biểu khai mạc hội thảo, PGS.TS Lê Vũ Nam, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế – Luật, nhận định năng lượng tái tạo đang được xem là giải pháp và xu hướng tất yếu của ngành năng lượng trên thế giới. Theo đánh giá, Việt Nam hiện nay có đủ nguồn năng lượng tái tạo để xây dựng ngành điện quốc gia theo kịch bản phát triển năng lượng bền vững và Chính phủ cũng đang có những hướng đi mạnh mẽ, thúc đẩy phát triển loại hình năng lượng này.
Tuy nhiên, khung pháp luật trong lĩnh vực này vẫn còn đang trong quá trình hoàn thiện, cũng như thực tế triển khai từ giai đoạn đầu tư đến vận hành phát sinh rất nhiều vấn đề, đặc biệt là rủi ro tranh chấp giữa các bên liên quan. Chính vì vậy, vấn đề này cần được quan tâm nghiên cứu, làm rõ từ góc độ học thuật lẫn thực tiễn giải quyết tranh chấp.
Đại diện Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam (VIAC), luật sư Châu Việt Bắc, Phó Tổng thư ký VIAC đã có một số chia sẻ từ góc độ đánh giá pháp lý và các vấn đề tranh chấp phát sinh. Theo ông, việc phê duyệt Quy hoạch điện VIII giúp tạo hành lang pháp lý tốt hơn cho tiến trình triển khai và vận hành các dự án điện.
Đối với lĩnh vực năng lượng tái tạo, Quy hoạch điện VIII được đánh giá là một trong những công cụ hiệu quả giúp thúc đẩy sự phát triển của lĩnh vực này trong thời gian tới. Không thể phủ nhận hiện nay, khung pháp lý cho ngành điện nói riêng và lĩnh vực năng lượng nói chung vẫn còn tồn tại không ít bất cập. Liên quan đến giá điện, quy trình mua bán điện thời gian vừa qua, việc thực thi Quy hoạch điện VIII cũng trở nên thách thức hơn đối với cộng đồng doanh nghiệp, nhà đầu tư và các cơ quan có thẩm quyền.
Thông qua thống kê của VIAC, các tranh chấp liên quan đến dự án năng lượng gần đây xuất hiện ngày càng nhiều; chủ yếu ở một số giai đoạn như: đầu tư, xây dựng, vận hành dự án. Vì là một lĩnh vực mới, khung pháp lý chưa hoàn thiện, tỷ lệ tranh chấp trong lĩnh vực này có thể sẽ còn nhiều. Với tình hình đó, việc khắc phục trở ngại pháp luật, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp triển khai dự án trở nên cấp thiết hơn bao giờ hết.
Nhà nước và các cơ quan, tổ chức chuyên trách cần nhanh chóng đưa ra các định chế, điều khoản để điều chỉnh chi tiết đối với lĩnh vực năng lượng. Cùng với đó, cộng đồng doanh nghiệp, nhà đầu tư cũng cần chuẩn bị chiến lược phù hợp để thích ứng với bối cảnh cho đến khi có quy định điều chỉnh. Cùng đóng góp, hiến kế cho nhà làm luật để soạn thảo, cấu trúc các điều khoản hiệu quả, tạo thuận lợi cho quá trình đầu tư, vận hành các dự án về năng lượng tái tạo nói chung và các dự án về điện nói riêng.
ĐỨC TRUNG