Thủ tướng Chính phủ vừa phê duyệt Quy hoạch TP Đà Nẵng thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, đặt mục tiêu trở thành đô thị sinh thái, hiện đại và thông minh.
Để theo đuổi mục tiêu này, một trong những nhiệm vụ mà Đà Nẵng đã chọn là xanh hóa các khu công nghiệp (KCN), hướng tới mỗi KCN trở thành khu sinh thái, xây dựng nền kinh tế tuần hoàn theo mục tiêu Net Zero.
Thành phố Đà Nẵng hiện có 6 KCN, 1 khu công nghệ cao đã đi vào hoạt động; đang đầu tư KCN hỗ trợ khu công nghệ cao Đà Nẵng và 3 KCN mới. Theo đề án “Xây dựng Đà Nẵng – thành phố môi trường” giai đoạn 2021-2030, Đà Nẵng đặt mục tiêu đến năm 2025 có ít nhất 1 KCN đáp ứng các tiêu chuẩn KCN sinh thái theo tiêu chuẩn quốc gia; đến năm 2030 có 2-3 KCN sinh thái.
Ông Vũ Quang Hùng, Trưởng ban Ban Quản lý Khu Công nghệ cao và các KCN Đà Nẵng nhìn nhận, địa phương có thuận lợi khi KCN Hòa Khánh từng được chọn thí điểm thực hiện mô hình KCN sinh thái trong giai đoạn 2015-2019. Tuy nhiên, qua thí điểm mô hình KCN sinh thái tại KCN Hòa Khánh, một số vướng mắc đã được xác định. Hiện nay, tại các KCN đã tồn tại một số mô hình tuần hoàn chất thải, nhưng hầu hết tự phát và ở quy mô nhỏ.
Trong khi đó, nguồn vốn hỗ trợ đổi mới công nghệ rất hạn chế, thủ tục còn phức tạp, chưa thực sự tạo động lực để doanh nghiệp thay đổi công nghệ sản xuất. Nhiều quỹ tài chính xanh như Quỹ Ủy thác tín dụng xanh, Quỹ Hỗ trợ tăng trưởng xanh, Quỹ Đổi mới công nghệ quốc gia, Quỹ Bảo vệ môi trường… đã tạm ngưng các khoản vay hỗ trợ đổi mới công nghệ hoặc thắt chặt các chính sách, đối tượng cho vay. Trong bối cảnh nền kinh tế vẫn đang từng bước phục hồi, tác động của việc đứt gãy chuỗi cung ứng; dự báo vẫn sẽ ảnh hưởng hoạt động sản xuất của doanh nghiệp trong những năm tới, việc thiếu các nguồn tài chính xanh sẽ là rào cản cho các doanh nghiệp muốn đổi mới dây chuyền sản xuất.
Bà Nguyễn Trâm Anh, Quản lý kỹ thuật của KCN sinh thái – Bộ KH-ĐT cho biết, có 8 tiêu chí trong việc thành lập KCN sinh thái, trong đó quan trọng nhất là phải có 20% các doanh nghiệp trong KCN thực hiện sản xuất sạch hơn, sử dụng hiệu quả tài nguyên và có liên kết cộng sinh doanh nghiệp. Với việc chuyển qua mô hình KCN sinh thái, các chuyên gia và nhà quản lý khẳng định, doanh nghiệp và cả địa phương đều được hưởng lợi. Cụ thể, với doanh nghiệp, việc sản xuất sạch hơn sẽ mang lại hiệu quả kinh doanh, khi thị trường quốc tế đang dần đặt ra tiêu chí lựa chọn những doanh nghiệp sản xuất bền vững. Từ đó, cơ hội hợp tác, mở rộng hợp tác của những doanh nghiệp này ra quốc tế cũng cao hơn.
“Mô hình KCN sinh thái đòi hỏi nhiều bước, nhiều thủ tục hơn nhưng thực tế hiệu quả kinh tế lớn hơn rất nhiều. Một doanh nghiệp thực hiện việc sản xuất sạch hơn phải làm đi làm lại quy trình từ 7-8 tháng nhưng sau đó có thể thu hồi được vốn ngay và những năm tiếp theo vẫn sử dụng được phương pháp đó. Có doanh nghiệp đã tiết kiệm tiền điện cả 100 triệu đồng/tháng bằng những giải pháp sử dụng hiệu quả tài nguyên, sản xuất sạch hơn”, bà Nguyễn Trâm Anh nhấn mạnh.
XUÂN QUỲNH