Muốn hiện thực hóa khát vọng, mục tiêu đã đề ra, không có con đường nào khác là toàn Đảng, toàn dân, triệu người như một, khơi dậy hào khí dân tộc, tự lực, tự cường, phát huy tối đa nội lực, tranh thủ ngoại lực, lấy nguồn lực nội sinh, nguồn lực con người là nền tảng, khoa học – công nghệ và đổi mới sáng tạo là đột phá để đưa đất nước đi lên. Đó là bài học quý báu mà lịch sử cách mạng Việt Nam mang lại và cũng là đòi hỏi cấp thiết từ công cuộc đổi mới hiện nay. Với tư duy khoa học sắc bén thông qua tổng kết thực tiễn, với tầm nhìn xa, trông rộng, Tổng Bí thư Tô Lâm đã định ra những vấn đề lớn, chỉ ra những việc cần làm để phát triển đất nước nhanh, bền vững. Đó là lời hiệu triệu của một giai đoạn phát triển mới.
Nhìn lại lịch sử cách mạng Việt Nam, nhất là từ ngày có Đảng, chúng ta càng thấm thía những điều Tổng Bí thư nhắn nhủ. Một dân tộc nhỏ bé như Việt Nam nhưng đã chiến thắng bất cứ kẻ thù xâm lược nào dù cho chúng hùng mạnh đến đâu; và bằng chính sức mình đã từng bước đẩy lùi nghèo nàn, lạc hậu để có giang sơn gấm vóc như ngày nay. Nhớ lại những năm tháng lầm than nô lệ, chìm trong cảnh nước mất, nhà tan; nhớ lại những khi “khoét núi ngủ hầm, mưa dầm cơm vắt, máu trộn bùn non”; nhớ lại những ngày “xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước”, thấy đất nước biết bao gian lao, vất vả tưởng như không thể vượt qua.
Nếu không có sự lãnh đạo tài tình và sáng suốt của Đảng, không có sự vươn mình của cộng đồng 54 dân tộc con Lạc, cháu Hồng, vượt qua mọi hiểm nguy, mưa bom bão đạn thì sẽ không có Cách mạng tháng Tám năm 1945, không có Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ năm 1954 và không thể có Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử năm 1975, thu non sông về một mối.
Tại Đại hội lần thứ VI, Đảng đề ra đường lối đổi mới là vì thế; Đảng đã tự nhận ra hạn chế, khuyết điểm của mình, bảo thủ, trì trệ, chậm đổi mới cơ chế và bộ máy quản lý kinh tế đã lỗi thời,… Đảng cho rằng muốn tồn tại để phát triển buộc phải đổi mới để đáp ứng đòi hỏi của thời đại; phải đổi mới tư duy, trước hết là tư duy kinh tế; đổi mới tổ chức; đổi mới đội ngũ cán bộ; đổi mới phong cách lãnh đạo và công tác. Đại hội VI ghi một mốc son trên hành trình xây dựng và trưởng thành của Đảng, vượt lên chính mình để tồn tại và trưởng thành.
Sau 40 năm đổi mới, đất nước đã hội tụ đủ các yếu tố về thế và lực để viết tiếp những trang sử mới. Đường lớn đã rộng mở, nhưng phía trước còn nhiều chông gai. Đó là quy luật muôn đời của cuộc sống, nhưng cũng là cơ hội cho cả dân tộc vươn lên thử sức mình – một đức tính của con người Việt Nam.
Thông điệp của Tổng Bí thư Tô Lâm là lời kêu gọi thiêng liêng của Đảng, mang âm hưởng của mạch nguồn dân tộc, không chỉ dẫn dắt mà còn truyền cảm hứng, niềm tin cho các tổ chức đảng, cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân cùng tiến bước trên con đường đổi mới, trước mắt là thực hiện thắng lợi các mục tiêu chiến lược đến năm 2030, Việt Nam trở thành nước đang phát triển, có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao; đến năm 2045 trở thành nước xã hội chủ nghĩa phát triển, có thu nhập cao.
Trong 7 nội dung định hướng chiến lược Tổng Bí thư Tô Lâm nêu, trước hết phải nói đến cải tiến phương thức lãnh đạo của Đảng. Theo Tổng Bí thư, yêu cầu đổi mới mạnh mẽ phương thức lãnh đạo, nâng cao năng lực lãnh đạo, năng lực cầm quyền, bảo đảm Đảng là người cầm lái vĩ đại, đưa dân tộc ta tiến lên mạnh mẽ đang đặt ra cấp thiết. Đây là vấn đề trung tâm, là căn cứ, là cơ sở cho việc thực hiện các giải pháp khác một cách đồng bộ trên nguyên tắc thực hiện nghiêm phương thức lãnh đạo, cầm quyền của Đảng “đúng vai, thuộc bài”, không bao biện làm thay hoặc buông lỏng vai trò lãnh đạo.
Một trong những nội dung trọng tâm ở đây là đổi mới mạnh mẽ việc ban hành nghị quyết và tổ chức thực hiện nghị quyết; bảo đảm nghị quyết phải có tầm nhìn, có tính khoa học và thực tiễn, thiết thực và khả thi. Mỗi nghị quyết của cấp ủy từ Trung ương đến cơ sở phải xác định đúng, trúng nhiệm vụ, yêu cầu đặt ra của Đảng, đất nước, của từng địa phương, bộ ngành, thôi thúc hành động và giải quyết từng vấn đề trong cuộc sống.
Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm phát biểu tại Hội nghị triển khai Nghị quyết Hội nghị Trung ương 10, khoá XIII. (Ảnh: Báo Điện tử Chính phủ)
Việc đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng gắn liền với xây dựng, hoàn thiện nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của dân, do dân, vì dân; với việc tinh gọn tổ chức bộ máy hoạt động, hiệu lực hiệu quả; với chuyển đổi số; với đổi mới nâng cao chất lượng công tác cán bộ và đội ngũ cán bộ; với phát triển kinh tế và phòng chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực,…
Bảy giải pháp Tổng Bí thư Tô Lâm đưa ra gắn kết chặt chẽ với nhau, nội dung nọ làm tiền đề cho nội dung kia và ngược lại, cho nên phải thực hiện đồng bộ, tạo sự thúc đẩy lẫn nhau, không có sự “cắt khúc” đơn lẻ nào. Khi phân tích làm sâu sắc thêm quan điểm của Tổng Bí thư về xây dựng, hoàn thiện nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, các chuyên gia, nhà khoa học cho rằng, trên nguyên tắc, cơ sở Cương lĩnh, đường lối của Đảng, bám sát thực tiễn, việc xây dựng pháp luật vừa phải bảo đảm yêu cầu quản lý của Nhà nước, vừa khuyến khích đổi mới sáng tạo, khơi thông mọi nguồn lực để phát triển; đồng thời siết chặt kỷ luật, kỷ cương, kiên quyết chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực, lợi ích nhóm, từ đó tạo đột phá cho phát triển đất nước trong kỷ nguyên mới.
Muốn đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng không thể không nói đến đổi mới nâng cao chất lượng công tác cán bộ và đội ngũ cán bộ, nhất cán bộ cấp chiến lược. Bởi theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, cán bộ là cái gốc của mọi công việc; là cái dây chuyền của bộ máy; muôn việc thành công hoặc thất bại đều do cán bộ tốt hoặc kém. Cán bộ không chỉ là người hoạch định, đề ra chủ trương, đường lối mà còn là người tổ chức thực hiện các chủ trương, đường lối đó.
Vì thế, muốn vững tin bước vào kỷ nguyên mới thì việc nâng cao chất lượng cán bộ lại đặt ra cao hơn bao giờ hết; cán bộ phải có phẩm chất toàn diện, từ lòng yêu nước, trung thành với Đảng, Tổ quốc và nhân dân đến năng lực tư duy đổi mới, tầm nhìn và khả năng giải quyết các vấn đề thực tiễn đặt ra, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm.
Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm cùng các đại biểu và cán bộ Lớp bồi dưỡng, cập nhật kiến thức, kỹ năng đối với cán bộ quy hoạch Ủy viên Trung ương Đảng khóa XIV (Lớp thứ hai). (Ảnh: TTXVN)
Vừa chú trọng phát hiện tạo nguồn, đào tạo, bồi dưỡng để xây dựng đội ngũ cán bộ có đủ đức, tài và điều kiện công tác, quan tâm hơn nữa đối với cán bộ có lòng nhiệt huyết cống hiến tài năng cho đất nước, vừa kiên quyết sàng lọc, đưa ra khỏi các vị trí công tác những trường hợp không đủ uy tín, phẩm chất, năng lực thực tiễn. Đại hội đảng bộ các cấp và Đại hội XIV của Đảng là dịp tốt nhất để thực hiện các yêu cầu đó, kiên quyết không đưa vào cấp ủy khóa mới những trường hợp không đủ điều kiện, tiêu chuẩn.
Có đội ngũ cán bộ chất lượng cao là cơ sở tốt nhất để sắp xếp tổ chức bộ máy tinh, gọn, mạnh, hiệu lực, hiệu năng, hiệu quả. Vấn đề sắp xếp tổ chức bộ máy đã được Đảng lãnh đạo, chỉ đạo bằng việc ban hành nhiều nghị quyết, chỉ thị, kết luận, nhưng kết quả thực hiện còn nhiều hạn chế, chưa đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ. Hiện nay 70% ngân sách dùng để nuôi bộ máy, một số bộ, ngành còn ôm đồm nhiệm vụ của địa phương, dẫn đến tồn tại cơ chế xin-cho, dễ nảy sinh tiêu cực, tham nhũng.
Có đội ngũ cán bộ chất lượng cao là cơ sở tốt nhất để sắp xếp tổ chức bộ máy tinh, gọn, mạnh, hiệu lực, hiệu năng, hiệu quả.
Đây cũng là thực trạng đang làm lãng phí, suy giảm đáng kể nguồn nhân lực. Nếu không giải quyết được thì đó không chỉ là gánh nặng đè lên ngân sách mà cùng với lãng phí đầu tư công, tài sản công sẽ là “vật cản” khổng lồ, làm chậm tiến trình, lỡ hẹn con đường về đích của kỷ nguyên mới.
Thực trạng này được Tổng Bí thư Tô Lâm rất quan tâm và đồng chí trực tiếp làm Trưởng Ban chỉ đạo Trung ương về tổng kết thực hiện Nghị quyết số 18, ngày 25/10/2017 của Ban Chấp hành Trung ương khóa XII Một số vấn đề về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả. Hướng tới là, một cơ quan thực hiện nhiều việc, một việc chỉ giao cho một cơ quan chủ trì và chịu trách nhiệm chính,… Tổng Bí thư cũng chỉ rõ, thực hiện đồng bộ việc tinh giảm tổ chức bộ máy với cơ cấu lại đội ngũ cán bộ đủ phẩm chất, năng lực, ngang tầm nhiệm vụ, có biên chế hợp lý.
Muốn thế, cần tập trung xây dựng hành lang pháp lý cho phát triển số; có cơ chế đột phá thu hút nhân tài; xây dựng chiến lược phát triển nguồn nhân lực có kiến thức, kỹ năng và tư duy đổi mới, sáng tạo, đáp ứng yêu cầu của nền kinh tế số; tập trung xây dựng xã hội số, số hóa toàn diện hoạt động quản lý nhà nước,…
Mỗi giải pháp mang một ý nghĩa riêng, nhưng đi chung con đường trong kỷ nguyên mới, tác động qua lại để cùng tạo sự ổn định, phát triển bứt phá toàn diện đất nước, trong đó phát triển kinh tế là nhiệm vụ trọng tâm của sự nghiệp kiến tạo kỷ nguyên mới. Việc đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng, cơ chế quản lý của Nhà nước, đẩy mạnh chuyển đổi số,… cũng là nhằm tạo môi trường thông thoáng và các điều kiện thuận lợi nhất, thu hút đầu tư cho sản xuất, kinh doanh, khơi thông mọi nguồn lực trong và ngoài nước, phát triển kinh tế, xã hội của đất nước. Theo đó, Tổng Bí thư yêu cầu phải đột phá mạnh mẽ hơn về cơ chế phát triển, tháo gỡ điểm nghẽn, nhất là điểm nghẽn về thể chế, rào cản, lấy người dân, doanh nghiệp làm trung tâm, phát triển khoa học và công nghệ đồng bộ, thông suốt, tất cả vì sự nghiệp phát triển kinh tế-văn hóa, xã hội của đất nước,…
Nhandan.vn
Nguồn:https://special.nhandan.vn/khoi-thong-moi-nguon-luc-cho-dat-nuoc-vuon-minh/index.html