Để xác định món đồ là cũ hay cổ, cổ mức nào, không thiếu phương pháp thẩm định. Tuy nhiên, thị trường giao dịch với đủ chiêu trò “biến hóa”, cùng với đó, thông tư hướng dẫn thành lập và hoạt động của cơ sở giám định cổ vật từ Bộ VH-TT-DL còn quá “cồng kềnh”, nhiều tiêu chí không phù hợp với khả năng thực thi trong thực tế…, khiến giới chơi cổ vật chủ yếu chỉ biết dựa vào “niềm tin”.
Thật giả lẫn lộn
Chuyên gia thẩm định đồ cổ với con mắt chuyên môn, hay dân chơi đồ cổ với con mắt nhà nghề, đều có những kinh nghiệm riêng. Đồ cổ chìm nổi khắp nơi, thị trường mua bán “thượng vàng hạ cám”, tùy túi tiền và ý thích mỗi người. Không ít những cuộc xuống tay tiền tỷ cho món đồ tưởng chừng đầy giá trị, nhưng đôi khi thật – giả chỉ có người bán biết.
Một giám tuyển mỹ thuật tại TPHCM chia sẻ: “Đôi khi không cần phải là món đồ nguyên vẹn, nhặt được đâu đó phần đế chén có niên đại vài trăm năm, hên nữa thì cả ngàn năm, trên đó có dấu mộc, họa tiết hoa văn mà ngày xưa chỉ có dùng trong cung đình…, với công nghệ tinh vi bây giờ, chỉ cần một phần nhỏ như vậy đủ làm thành 1 cái chén hoàn chỉnh, đem lên sàn đấu giá triệu USD như chơi. Lúc giám định thì đa phần người ta sẽ tập trung vào đáy chén, nơi có dấu mộc cung đình và nếu có đụng chạm đến món đồ thì phần đáy sẽ ít ảnh hưởng đến mỹ quan của chén.
Vì thế mà kết quả giám định vẫn là món đồ cổ chính hiệu thôi, tinh vi như vậy thì qua mắt tới cỡ nào luôn, chứ mắt thường, kinh nghiệm ăn thua gì”. Ngày càng có nhiều người nhìn nhận đồ cổ như một ngành công nghiệp. Với tiềm năng rất lớn, nhưng không phải ai cũng dễ dàng tham gia thị trường cổ vật, bởi thông tin rất hỗn loạn do thiếu kinh nghiệm lẫn cơ sở uy tín.
Anh T.T.K. (quản lý một cửa hàng kinh doanh đồ cổ trên đường Lê Công Kiều, quận 1, TPHCM) chia sẻ: “Một số phương pháp thẩm định chỉ có thể áp dụng cho một số chất liệu như gốm hay đồ đồng và thường món đồ phải có niên đại vài ngàn năm thì mới áp dụng được. Nếu món đồ đó khoảng 200 năm, nhưng tỷ lệ sai số của phương pháp thẩm định là +-150 năm (phương pháp carbon-14), thì quá thiệt thòi cho chủ sở hữu hoặc nhà sưu tập, biết đâu mà đặt niềm tin, tin vào mắt mình, hay tin vào cái máy thẩm định”.
Nhiều chuyên gia trong lĩnh vực khoa học – công nghệ cho hay, hiện việc thẩm định đồ cổ hay đồ cũ đã dùng đến cả công nghệ phát hiện lượng tử, chỉ mất khoảng 5 phút để đưa ra kết luận tác phẩm làm bằng bất kỳ chất liệu nào. Từ trước đến nay, luôn có những tranh cãi bất tận về việc thẩm định các bộ sưu tập tư nhân khi số lượng cổ vật nhiều và phức tạp, trong khi trình độ các nhóm thẩm định không đồng đều. Công nghệ phát hiện lượng tử sẽ cung cấp một phương tiện khoa học để xác định tính xác thực một cách khách quan.
Theo các chuyên gia, cơ sở khoa học của phát hiện lượng tử hoàn toàn khác với các thiết bị thẩm định hiện có như: tia hồng ngoại, quang phổ, phổ năng lượng, quan sát bằng kính hiển vi điện tử, phát hiện niên đại carbon-14… Hầu hết các phương pháp nhận dạng khoa học này đều cung cấp các yếu tố tham chiếu tương đối, nhưng kết luận cuối cùng thì vẫn phải dựa vào khả năng phán đoán của chuyên gia. Phát hiện lượng tử nhanh chóng và trực tiếp cung cấp dữ liệu theo trình tự thời gian với độ chính xác cao. Đây không chỉ là tin tốt cho ngành sưu tập mà việc ứng dụng mở rộng của nó chắc chắn sẽ mang lại lợi ích về nhiều mặt.
Mua bán đồ cổ, đồ giả cổ trên phố Hàng Lược, Hà Nội. Ảnh: MAI AN |
Bên cạnh đó, trên thị trường đồ cổ, người mua nhằm mục đích thanh khoản thì tranh cũng là một kênh sưu tập, nhất là tác phẩm của các họa sĩ tên tuổi. Việc kiểm tra tranh cũng không dễ dàng. Các nhà môi giới, phục chế và các chuyên gia nghệ thuật thường gợi ý nhà sưu tập cách kiểm tra tác phẩm dưới ánh sáng tia cực tím. Chữ ký giả khi “bị chiếu” sẽ nổi lên trên phần còn lại của cấu trúc tác phẩm. Bên cạnh đó, các tia hồng ngoại cũng được dùng để kiểm tra tranh, công nghệ này có tên gọi “phản xạ hồng ngoại”, bao gồm sử dụng loại video camera đặc biệt có thể truyền hình ảnh của bức tranh được chiếu tia hồng ngoại lên màn hình tivi. Phản xạ hồng ngoại có thể phát hiện được các hoạt động phục chế trước đó, sự không thống nhất trên tranh và đôi khi hoạt động giống như X-quang để tìm được tranh dưới tranh.
Thiếu hụt nhân lực có kinh nghiệm
Nhiều chuyên gia cho rằng, mặc dù có thông tư quy định tiêu chuẩn chuyên gia giám định cổ vật, nhưng do đây là lĩnh vực cần nhiều tới kinh nghiệm “thực chiến” hơn là bằng cấp, nên những tiêu chí của chuyên gia giám định cổ vật phải đáp ứng một trong các tiêu chuẩn như: đạt trình độ đại học trở lên, thuộc một trong các chuyên ngành đào tạo về di sản văn hóa, lịch sử (khảo cổ học, văn hóa học), mỹ thuật, Hán Nôm, dân tộc học, cổ nhân học, cổ sinh vật học (động vật, thực vật), địa chất… không thực sự thích hợp trong điều kiện thực tế.
TS Tống Trung Tín, Chủ tịch Hội Khảo cổ học Việt Nam, chia sẻ, có chuyên gia học đại học các ngành nói trên ra làm trực tiếp 5 năm, viết dăm ba bài báo, nhưng có khi “sờ” vào hiện vật còn ít hơn nhiều những người sưu tầm cổ vật. Trong khi, nhiều người sưu tầm trau dồi và có thực tế… nhưng lại thiếu kiến thức căn bản và liên ngành vì không qua đào tạo. “Vấn đề kinh nghiệm với thẩm định cổ vật là vô cùng quan trọng”, TS Tống Trung Tín nhấn mạnh. Số lượng cổ vật và nhu cầu giám định rất lớn, nhưng lực lượng chuyên gia giám định còn mỏng.
Theo quy định, người giám định hiện vật, cổ vật phải có giấy chứng nhận, thẻ hành nghề, nhưng nơi nào tổ chức thi, và thẻ đó do ai cấp, việc cấp có đảm bảo uy tín hay không, là những gì mà nhiều người thắc mắc. Nhiều chuyên gia làm trong lĩnh vực nghiên cứu lịch sử, khảo cổ 50-60 năm, hay ngay chính TS Tống Trung Tín đã từng đi giám định khoảng 20 năm ở nhiều cấp khác nhau, nhưng cũng chưa có giấy chứng nhận này, bởi lẽ đây là lĩnh vực đặc thù. Bàn kỹ thêm về việc xây dựng hội đồng thẩm định, giám định hiện vật ở địa phương, nhiều ý kiến cho rằng, đó là cần thiết nhưng sẽ khó cho các địa phương, vì không dễ tìm được người có thâm niên tham gia trực tiếp khai quật khảo cổ.
Việc bổ sung nguồn nhân lực trong thẩm định cổ vật cũng được nhiều người trong giới nhìn nhận là còn khoảng trống lớn. Chúng ta chỉ có ngành đào tạo về khảo cổ ở một số trường đại học, chứ hoàn toàn không có ngành đào tạo để am hiểu chuyên sâu về các khía cạnh liên quan đến cổ vật. Một thiếu hụt nữa chính là sàn đấu giá đúng chuẩn và chuyên nghiệp như một số quốc gia trong khu vực áp dụng.
Theo PGS-TS Đặng Văn Bài, nguyên Cục trưởng Cục Di sản văn hóa, có rất nhiều hình thức để xã hội hóa, phát huy giá trị văn hóa, trong đó đấu giá là một hình thức quảng bá di sản. Trong các văn bản quy phạm pháp luật của Nhà nước cũng đã quy định về việc trao đổi, kế thừa, mua bán, đấu giá cổ vật. Tuy nhiên, theo ông, việc chưa có sàn đấu giá cổ vật quy mô và tầm cỡ, một phần do yếu tố kinh tế thị trường trong di sản chưa được nhìn nhận một cách thấu đáo. Tạo thị trường cổ vật tốt nhất là có đấu giá và đây là một trong những yếu tố góp phần hình thành một thị trường cổ vật hợp pháp và chuyên nghiệp.