Ước tính của ban tổ chức, có khoảng 100.000 lượt người dân, du khách trong và ngoài nước đến tham quan, mua sắm, trải nghiệm xuyên suốt 3 ngày diễn ra Lễ hội Bánh mì
Tối 19-5, Lễ hội bánh mì Việt Nam được tổ chức liên tiếp 3 ngày tại Công viên Lê Văn Tám (quận 1, TPHCM), do Hiệp hội Du lịch TPHCM phối hợp một số đơn vị tổ chức, chính thức khép lại. Ước tính của ban tổ chức, có khoảng 100.000 lượt người dân, du khách trong và ngoài nước đến tham quan, mua sắm, trải nghiệm xuyên suốt 3 ngày diễn ra lễ hội.
Lễ hội diễn ra vào cuối tuần, nên dòng người đổ về lễ bế mạc để mua sắm, thưởng thức bánh mì vào tối cùng ngày khá đông. Bãi giữ xe chật ních người đến tham quan, mua bánh…
Năm nay, có 131 gian hàng là những thương hiệu nổi tiếng, các đơn vị nhà hàng phục vụ món ăn kèm bánh mì, tiệm bánh mì, các đơn vị cung cấp nguyên liệu gia vị, thiết bị phục vụ công nghệ làm bánh mì… Lễ hội năm nay có không gian trải nghiệm quy trình làm bánh mì và thưởng thức bánh với điểm nhấn là chiếc bánh mì khổng lồ trưng bày 150 món ăn đi kèm…
Anh Hoàng Xuân Hoa, ngụ tại đường Nguyễn Kiệm (quận Gò Vấp), chia sẻ rằng biết lễ hội khai mạc từ 2 ngày trước nhưng bận rộn nên không đến được. Tối nay, anh mới đưa gia đình tới ăn uống, tham quan thì bất ngờ vì khách đổ về đông quá.
“Bỏ nhiều thời gian, chịu khó xếp hàng chờ đợi, nhưng cũng thấy xứng đáng. Được thưởng thức một số thương hiệu nổi tiếng cũng là niềm vui, như bánh mì Huynh Hoa, ABC Bakery, thương hiệu sữa đặc Ông Thọ của Vinamilk – món bánh mì chấm sữa yêu thích của tuổi thơ thế hệ chúng tôi…”.
Ghi nhận từ một số thương hiệu bánh mì, lượng khách đổ về mua bánh vào cuối tuần tăng cao, đặc biệt là 2 ngày thứ bảy và chủ nhật.
Về phía Vinamilk, trong 3 ngày diễn ra sự kiện, khu vực “góc phố ẩm thực tuổi thơ” của sữa Ông Thọ đã thu hút lượng lớn khách hàng đến tham quan, trải nghiệm, với một số hoạt động như: chế biến món ăn làm từ sữa Ông Thọ cùng đầu bếp nổi tiếng; Biểu diễn văn nghệ nhảy “Vũ điệu chấm sữa”; Lớp học sáng tạo nghệ thuật “trang trí lon sữa”…
Theo bà Nguyễn Thị Khánh, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch TPHCM, chính sức hấp dẫn và sự phổ biến của bánh mì trong lòng người dân và du khách quốc tế, ngày 24-3-2011, món ăn này đã được đưa vào từ điển Oxford với nguyên vẹn hai chữ “bánh mì” thay vì dịch ra tiếng Anh hay bất cứ ngôn ngữ nào khác. Việc sử dụng tiếng Việt để định danh món ăn này cho thấy, bánh mì là một phần không thể tách rời trong văn hoá ẩm thực Việt Nam.
Song song với hoạt động lễ hội, năm nay ban tổ chức đã trao tặng 25 xe bánh mì khởi nghiệp cho Hội Phụ nữ của 5 tỉnh, thành phố (Tây Ninh, Vĩnh Long, Hậu Giang, Long An, TPHCM) nhằm hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp, phát triển kinh tế gia đình…
Bà Nguyễn Thị Ánh Hoa, Giám đốc Sở Du lịch TPHCM cho biết, bánh mì đã trở thành một biểu tượng gắn với liền với Thành phố phương Nam hào sảng, thân thiện, là một trong những hình ảnh không thể thiếu khi giới thiệu về TPHCM nói riêng, Việt Nam nói chung.
“Tôi đánh giá cao về công tác tổ chức, nội dung chương trình lễ hội, các hoạt động xuyên suốt chương trình… Điều này khẳng định tính sáng tạo, khác biệt, dấu ấn riêng của bánh mì Việt Nam so với bánh mì các nước trên thế giới; góp phần tôn vinh văn hoá – ẩm thực Việt Nam, quảng bá hình ảnh, đất nước Việt Nam ra thế giới”, bà Nguyễn Thị Ánh Hoa nhấn mạnh.
THI HỒNG