Chỉ cần một cú nhấp chuột vào google, bạn sẽ nhận được khoảng chừng bảy trăm bảy mươi triệu kết quả trả về cho từ khóa “nhà”. Có vô vàn định nghĩa về “nhà”, thế nhưng trong lòng người con xa quê như tôi, nhà là nơi có “má”.
Khoảng hai mươi năm trước, tôi rời Việt Nam sang Mỹ. Má tôi ở lại quê nhà sống cùng vợ chồng em út tôi. Từ hồi định cư ở nơi cách nửa vòng trái đất, số lần tôi về thăm má chỉ vỏn vẹn tính trên đầu ngón tay. Má tôi năm nay đã bước vào tuổi chín mươi, sức khỏe bắt đầu suy yếu từ vài năm trước, đã lẩn thẩn ít nhiều nên những ký ức xa xưa rơi rớt dần theo thời gian. Má giờ như chuối chín cây, như đèn trước gió, như nắng cuối chiều – đã chẳng biết ngày mai ra sao.
Ngày xưa nhà tôi nghèo lắm. Tía tôi đi cách mạng, má tôi thân cò lặn lội nuôi đàn con thơ bằng vườn rau ao cá. Nhà tuốt trong miệt đồng, giữa khuya má tôi phải dậy sớm, hối hả cắt rau kịp chèo xuồng theo con nước ra chợ bán. Chúng tôi lớn lên bằng những giọt mồ hôi của má trong những giấc ngủ dở dang không trọn vẹn đó. Biết được sự hy sinh của má nên mấy anh em tôi đều động viên nhau chăm chỉ học, rảnh rỗi thì câu con cá, mò thêm con ốc để cải thiện bữa ăn trong nhà.
Những năm tháng khó khăn ấy là những năm tháng chúng tôi luôn mong chờ tết nhất. Khi người ta đã quên ngày dương lịch, chỉ chăm chú ngày âm lịch được in nhỏ nhắn phía dưới thì mùi tết đã rục rịch tràn về khắp thôn xóm. Cảm giác háo hức không phải vì được má dẫn ra chợ mua quần áo đẹp hay nhận lì xì mừng tuổi mà vì tết là được nghỉ học, được ra chợ rau đỡ đần cho má, để vơi bớt phần nào những vất vả của má trong suốt một năm qua. Có má có con nên phiên chợ cuối năm cũng ấm áp tiếng cười.
Cả thời trai trẻ lăn lộn mưu sinh nơi xứ người lạnh lẽo, trải qua bao mùa tết lạc lõng, lòng tôi luôn đau đáu về cái tết quê nhà. Đó là cái tết ấm áp, rực rỡ sắc mai, rộn rã tiếng cười đoàn viên của cả gia đình. Tết ở nhà có cây mai vàng lá sum suê trước sân luôn chờ tôi lặt hay tô canh khổ qua hầm nước trong veo má biết tôi ưa ăn. Tuổi này, tôi cũng dần quên những điều quan trọng trong đời nhưng nhớ hoài bao kỷ niệm ngày xưa bên má. Nó như sợi dây níu giữ tôi thăng bằng giữa những chùng chình, đơn độc trong ngần ấy năm nơi xứ người.
Từ lúc nào, tôi chẳng biết hình ảnh ngôi nhà mái ngói đỏ nằm lọt thỏm giữa vườn xoài là điều đặc biệt nhất khi tôi nhớ về Việt Nam. Xa quê chừng ấy năm, tôi vẫn còn lưu luyến cái nắm tay thật chặt của người má ở vùng quê lam lũ, bịn rịn tiễn đưa con mình, rưng rưng nhắn nhủ: “Ngoài kia có khó khăn quá thì dìa dới má, má chờ”.
“Nếu có đi vòng quanh quả đất tròn,
Người mong con mỏi mòn chắc không ai ngoài Mẹ!” (*)
Náo nức và bình yên nhất là trên chuyến xe đưa ta về nhà. Sau những khắc khoải, đợi chờ, liệu còn bao nhiêu mùa xuân tôi được thấy má mình đứng dưới mái hiên nhà đón tôi trở gót thiên di (**) về lại nơi cố xứ?
(*) Trích bài thơ Ngày xưa có mẹ của nhà thơ Lê Thị Thanh Nguyên.
(**) Mượn từ “trở gót thiên di” là tên sáng tác của nhà văn Tống Phước Bảo.
ÁNH NGỌC
Đường 39, phường Bình Thuận, quận 7, TPHCM