Ngày 12-2, Hội Nhà văn TPHCM tổ chức khai mạc Ngày Thơ Việt Nam 2025 với chủ đề “Bài ca thống nhất”. Đây là năm thứ 2, Ngày thơ Việt Nam tại TPHCM trở thành một sự kiện trong chuỗi hoạt động lễ hội Nguyên tiêu.
Tham dự có các đồng chí: Nguyễn Văn Nên, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TPHCM; Nguyễn Phước Lộc, Phó Bí thư Thành ủy, Bí thư Đảng đoàn, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam TPHCM; Nguyễn Thị Thu Hà, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Phó Bí thư Thành ủy TPHCM; Phạm Chánh Trực, nguyên Phó Bí thư Thành ủy cùng đông đảo những người yêu thơ tại TPHCM.
Ngày Thơ Việt Nam được hình thành từ năm 2003, dựa trên tinh thần bài thơ Nguyên tiêu của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Suốt 23 năm qua, Ngày Thơ đã trở thành sự kiện văn hóa được công chúng quan tâm và yêu mến. Riêng tại TPHCM, nhờ sự quan tâm chỉ đạo của Thành ủy và UBND TPHCM, Ngày Thơ Việt Nam đã trở thành một trong những hoạt động văn hóa quan trọng trong mùa lễ hội Nguyên Tiêu diễn ra vào rằm tháng Giêng hàng năm.
Sau phần diễn ngâm bài thơ Nguyên tiêu của Chủ tịch Hồ Chí Minh do NSƯT Nguyễn Anh Tuấn thể hiện, Phó Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Phước Lộc đã thực hiện nghi thức đánh trống khai hội, chính thức khai mạc Ngày Thơ Việt Nam năm 2025 tại TPHCM.
Trong diễn văn khai mạc, nhà văn Bích Ngân, Chủ tịch Hội Nhà văn TPHCM, cho biết, Ngày Thơ Việt Nam năm nay, Hội Nhà văn TPHCM chọn chủ đề “Bài ca thống nhất” để đánh dấu 50 năm non sông liền một dải. Nửa thế kỷ xây dựng và kiến thiết TPHCM, chúng ta chứng kiến sự hiện diện của những công trình hiện đại phục vụ dân sinh, công tác chăm bồi các giá trị văn hóa mà văn học nghệ thuật giữ vai trò quan trọng, trong đó thi ca luôn có vị trí đặc biệt.
“Bài ca thống nhất là một cột mốc để chúng ta nhìn lại và tôn vinh thi ca Sài Gòn – TPHCM trong cội nguồn thi ca Việt Nam, trong đó có dòng chảy cuồn cuộn phù sa của thi ca phương Nam. Bởi lẽ, thi ca đã đồng hành chiều dài mở mang bờ cõi của cha ông chúng ta. Đất đai khẩn hoang đến đâu thì thi ca xuất hiện ở đó. Mọi biến động lịch sử đều có sự dự phần của thi ca. Mỗi nhà thơ đều tuân theo mệnh lệnh từ trái tim mình, là sẻ chia vui buồn cùng mỗi thăng trầm của thời cuộc, của đời sống xã hội và của dân tộc”, nhà văn Bích Ngân bày tỏ.
Từ ý nghĩa đó mà Ngày Thơ Việt Nam tại TPHCM đã để lại dư âm trong lòng công chúng. Xen kẽ giữa những bài hát được phổ nhạc từ thơ mang âm hưởng ngợi ca và tự hào về truyền thống bảo vệ và giữ gìn đất nước như Đất nước (thơ Tạ Hữu Yên, nhạc Phạm Minh Tuấn), Ngày mai anh lên đường (thơ Lê Giang, nhạc Thanh Trúc), Tiếng Việt ơi, Tiếng Việt (thơ Trương Nam Hương, nhạc Hữu Xuân), Mùa chim én bay (thơ Diệp Minh Tuyền, nhạc Hoàng Hiệp)… hay những sáng tác như trích đoạn trường ca Đường tới thành phố của nhà thơ Hữu Thỉnh, trích đoạn trường ca Hoa của nước của nhà thơ Trầm Hương, Di chúc của một người phương Nam của nhà thơ Đào Phong Lan…
Tại Ngày Thơ Việt Nam năm 2025, công chúng yêu thơ còn có dịp lắng nghe những thi sĩ – chiến sĩ một thời kiêu hãnh “nay ở trong thơ nên có thép, nhà thơ cũng phải biết xung phong”, qua phần giao lưu có chủ đề “Chúng tôi làm thơ và đánh giặc”, gồm các nhà thơ: Nguyễn Bính Hồng Cầu, Trần Thế Tuyển, Đặng Nguyệt Anh.
Trong phần giao lưu, nhà thơ Đặng Nguyệt Anh bày tỏ: “Từ trong cuộc kháng chiến chống Mỹ của dân tộc ta, tôi đã trưởng thành lên rất nhiều. Và từ đó, tôi có thơ”.
Vốn là mảnh đất hào sảng, TPHCM qua nửa thế kỷ thống nhất đất nước càng chứng minh vai trò một đại đô thị mở, nuôi dưỡng những ý thức năng động và sáng tạo. Trong sự cưu mang của thành phố trẻ, nhiều tài năng văn học trẻ đã xuất hiện với sự đa dạng và mới mẻ. Với chủ đề “Giọng thơ trẻ ở thành phố trẻ”, công chúng có dịp được lắng nghe các nhà thơ trẻ Trần Đức Tín, Đoàn Nguyễn Anh Minh và Trần Trọng Đoàn chia sẻ về những sáng tác mới nhất cùng đam mê dành cho thơ ca trong đời sống hiện nay.
>> Hình ảnh trong Ngày Thơ Việt Nam năm 2025 tại TPHCM:. Ảnh: DŨNG PHƯƠNG
QUỲNH YÊN
Nguồn: https://www.sggp.org.vn/khai-mac-ngay-tho-viet-nam-nam-2025-tai-tphcm-post781538.html